Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp: Xuất khẩu tăng 11%, lợi nhuận đạt trên 6.400 tỷ đồng

6 tháng đầu năm 2025, sản xuất công nghiệp và xuất khẩu của VEAM đều tăng trưởng 11% góp phần tạo động lực cho hoàn thành mục tiêu cả năm 2025.

Sáng 18/7 tại Hà Nội, Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam - CTCP (VEAM) đã tổ chức Hội nghị sơ kết hoạt động sản xuất, kinh doanh 6 tháng đầu năm 2025. Hội nghị có sự tham dự của ông Quách Văn Ngọc - Phó Chủ tịch Công đoàn Công Thương Việt Nam, ông Phạm Thành Trung - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Công Thương) cùng đại diện các Cục, Vụ của Bộ Công Thương; cùng Ban lãnh đạo Tổng công ty VEAM, các Chủ tịch, Giám đốc, Chủ tịch công đoàn cơ sở các đơn vị thành viên, Giám đốc các Chi nhánh của VEAM cùng Phó tổng giám đốc các Công ty Liên doanh và đại diện nhóm người đại diện vốn tại các công ty có vốn góp của VEAM.

Vượt thách thức, giữ vững đà tăng trưởng

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Ngô Khải Hoàn - Chủ tịch Hội đồng quản trị VEAM nhấn mạnh, 6 tháng đầu năm 2025, kinh tế thế giới tiếp tục đối mặt nhiều bất ổn: xung đột kéo dài, chính sách tài khóa, tiền tệ thay đổi nhanh chóng, rủi ro lạm phát và đứt gãy chuỗi cung ứng gia tăng… Những biến động này đã tác động tiêu cực đến thương mại, đầu tư toàn cầu, đặc biệt là các nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam.

6 tháng đầu năm 2025 hoạt động sản xuất kinh doanh của VEAM tăng trưởng khả quan

6 tháng đầu năm 2025 hoạt động sản xuất kinh doanh của VEAM tăng trưởng khả quan

Trong bối cảnh đó, kinh tế - xã hội Việt Nam vẫn giữ được đà tăng trưởng tích cực, là điểm sáng trong khu vực. Chính phủ quyết liệt cải cách thể chế, tinh gọn bộ máy, điều hành linh hoạt nhằm hướng tới mục tiêu tăng trưởng GDP 8% trong năm 2025, qua đó tạo nền tảng quan trọng để cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có VEAM, phát triển ổn định, bền vững.

Theo đó, Công ty mẹ VEAM cùng các đơn vị thành viên, công ty liên kết đã nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp trên các mặt: sản xuất, tiêu thụ, tài chính, đầu tư và quản trị. Nhờ đó, hoạt động sản xuất – kinh doanh 6 tháng đầu năm đã đạt kết quả tích cực.

"Hội nghị hôm nay là dịp để chúng ta nhìn nhận khách quan kết quả đã đạt được, thẳng thắn chỉ ra tồn tại, từ đó cùng thảo luận, đề xuất các giải pháp khả thi nhằm hoàn thành kế hoạch năm 2025 mà Đại hội đồng cổ đông và Hội đồng quản trị đề ra"- ông Hoàn cho hay.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn thách thức, tuy nhiên 6 tháng đầu năm 2025, Tổng công ty VEAM đạt được kết quả tích cực. Với giá trị sản xuất công nghiệp tăng 11%, xuất khẩu tăng 11%, lợi nhuận trước thuế hoàn thành 94% kế hoạch cả năm.

Điều đó cho thấy, VEAM tiếp tục khẳng định vai trò là trụ cột trong lĩnh vực cơ khí chế tạo. Tuy nhiên, áp lực về hàng tồn kho, công nợ và tái cơ cấu doanh nghiệp vẫn là những vấn đề cần giải quyết quyết liệt trong 6 tháng cuối năm.

Trong nửa đầu năm 2025, giá trị sản xuất công nghiệp của VEAM ước đạt 1.772 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ và đạt 50% kế hoạch năm. Doanh thu ước đạt 2.237,8 tỷ đồng, tăng 7%; lợi nhuận trước thuế đạt 6.411,2 tỷ đồng, tăng 14% và đạt 94% kế hoạch năm.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngô Khải Hoàn phát biểu khai mạc hội nghị

Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngô Khải Hoàn phát biểu khai mạc hội nghị

Trong đó, Công ty mẹ đóng vai trò chủ lực, với hiệu quả rõ rệt từ việc tối ưu hóa nguồn vốn, kiểm soát chi phí và danh mục đầu tư.

Hoạt động tài chính tiếp tục là điểm sáng, khi doanh thu tài chính tăng 14%, vượt 94% kế hoạch. Trong khi đó, mảng thương mại tạm dừng hoạt động kinh doanh vật tư, tập trung vào tiêu thụ hàng tồn kho, đặc biệt là xe tải Changan và máy kéo ISEKI.

Đáng chú ý, VEAM ghi nhận kim ngạch xuất khẩu đạt 21,9 triệu USD, tăng 11% và hoàn thành 54% kế hoạch năm. Các sản phẩm phụ trợ như linh kiện cơ khí, phụ tùng động cơ, hộp số… tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn. Một số đơn vị có giá trị xuất khẩu cao gồm FOMECO (9,6 triệu USD), DISOCO (4,2 triệu USD), SVEAM (3,4 triệu USD).

Dù một số thị trường truyền thống như Myanmar, Indonesia gặp khó do biến động chính trị, song thị trường Mỹ, Nhật Bản và các khu chế xuất vẫn duy trì mức tăng trưởng ổn định.

Một điểm sáng trong 6 tháng đầu năm đó là sản lượng tiêu thụ ô tô VEAM đạt 354 xe, tăng 174% so với cùng kỳ năm 2024, chủ yếu nhờ dòng xe tiêu chuẩn Euro 5. Dù sản xuất tăng, lợi nhuận vẫn âm do tồn kho lớn.

Theo báo cáo, tính đến cuối tháng 6/2025, vẫn còn 2.149 xe tồn kho, trong đó có hơn 1.800 xe tiêu chuẩn Euro 2 do hiện nay tiêu chuẩn khí thải đã được nâng cao cùng với các chính sách giảm phát thải đang được thực thi mạnh mẽ.

Các nỗ lực tiêu thụ xe tồn thông qua bán lẻ và bán đấu giá chưa mang lại kết quả như kỳ vọng. Đây tiếp tục là “điểm nghẽn” trong chiến lược phục hồi của VEAM.

Đối với kết quả hoạt động của ba liên doanh TMV, HVN và FVL tiếp tục là điểm tựa tài chính của VEAM, với doanh số tăng trưởng lần lượt 23%, 11% và 19% so với cùng kỳ. Tổng thị phần chiếm 48,5% VAMA, tăng 4,2 điểm phần trăm.

Honda Việt Nam tiếp tục dẫn đầu ngành xe máy với hơn 1,13 triệu xe bán ra, tăng 18%, nhờ chiến lược phát triển xe phổ thông và mở rộng danh mục xe điện.

Một số tồn tại kéo dài như công nợ quá hạn, dự án đầu tư chậm tiến độ, tỷ lệ hoàn thành kế hoạch của công ty liên kết thấp… vẫn chưa được khắc phục. Áp lực từ chi phí logistics, cạnh tranh giá, thuế đối ứng của Hoa Kỳ và xu hướng xe điện cũng tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh.

Về chủ quan, việc chậm xử lý hàng tồn kho, xúc tiến thương mại chưa đủ mạnh, năng lực tiếp cận thị trường quốc tế còn hạn chế là những điểm cần được nhận diện rõ và có giải pháp cụ thể.

Từ nền tảng ổn định đến kỳ vọng tăng tốc

Trong 6 tháng cuối năm, VEAM đặt mục tiêu sản xuất công nghiệp đạt 3.551 tỷ đồng, doanh thu 4.565 tỷ đồng và kim ngạch xuất khẩu 40,6 triệu USD.

Để hoàn thành các chỉ tiêu này, Tổng công ty triển khai loạt nhóm giải pháp trọng tâm như: Đẩy mạnh tiêu thụ xe ô tô VEAM tồn kho, đa dạng hóa phương thức bán hàng; Phát triển dòng xe mới như xe Van V2, xe điện, hợp tác với đối tác gia công;

Đồng thời, tối ưu danh mục sản phẩm, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tham gia hội chợ chuyên ngành; Tái cơ cấu các công ty con yếu kém, nâng cao năng lực giám sát tài chính; Phát triển hệ sinh thái R&D thông qua hợp tác với các viện, trường và thúc đẩy chuyển đổi số trong marketing, xây dựng nhận diện thương hiệu VEAM.

Ngoài ra, VEAM cũng sẽ tiếp tục hoàn thiện các quy chế chi tiêu nội bộ, đầu tư tài chính và quản lý tài chính, hướng tới nâng cao hiệu quả sử dụng vốn và gia tăng tính minh bạch trong điều hành.

Với định hướng rõ ràng, nền tảng tài chính ổn định và sự dẫn dắt của Công ty mẹ, VEAM có đủ năng lực để bứt phá trong giai đoạn còn lại của năm 2025, hướng tới phát triển mạnh mẽ, hiệu quả và bền vững.

Tại hội nghị, các đơn vị thành viên của VEAM đã cùng trao đổi thảo luận về những kết quả đạt được cũng như những khó khăn thách thức trong thời gian qua trong hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như thực hiện chuỗi liên kết nội bộ.

Ông Tống Ngọc Thắng – Giám đốc Công ty Matexim tham luận tại hội nghị

Ông Tống Ngọc Thắng – Giám đốc Công ty Matexim tham luận tại hội nghị

Ông Tống Ngọc Thắng – Giám đốc Công ty Matexim chia sẻ mặc dù 6 tháng đầu năm 2025 công ty còn gặp rất nhiều khó khăn, doanh thu chỉ đạt 41% so với kế hoạch nhưng lợi nhuận tăng 21% so với cùng kỳ. Điều này có được là nhờ công tác quản trị và kiểm soát tốt chi phí.

Ở góc nhìn khác ông Nguyễn Quốc Nghĩa - Giám đốc Công ty TNHH MTV Cơ khí Trần Hưng Đạo cho biết, doanh thu 6 tháng đầu năm của công ty đạt 39,5 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 44 triệu đồng.

Đây là kết quả mang ý nghĩa tích cực, đánh dấu lần đầu tiên trong nhiều năm, doanh thu và lợi nhuận của công ty được tạo ra hoàn toàn từ hoạt động sản xuất kinh doanh cốt lõi, thay vì các khoản thu bất thường”- ông Nghĩa khẳng định,

Theo ông Nghĩa, trong bối cảnh đơn hàng của nhiều nhà cung cấp bị cắt giảm nghiêm trọng, rất may mắn khi dòng sản phẩm mà công ty đang thực hiện không những được duy trì mà còn được mở rộng thêm model, giúp tăng doanh thu và tạo ra lợi nhuận ổn định.

Ông Nguyễn Quốc Nghĩa – Giám đốc Công ty TNHH MTV Cơ khí Trần Hưng Đạo

Ông Nguyễn Quốc Nghĩa – Giám đốc Công ty TNHH MTV Cơ khí Trần Hưng Đạo

Tuy nhiên, công ty vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt trong mảng sản phẩm truyền thống như động cơ, hộp số cho ngành nông nghiệp.

Trước đây, việc không được hoàn thuế giá trị gia tăng đầu vào khiến công ty mỗi năm mất từ 500 triệu đến gần 1 tỷ đồng ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả kinh doanh. Do đó, việc Quốc hội thông qua sửa đổi chính sách thuế VAT thời gian qua là tín hiệu tích cực cho các doanh nghiệp như chúng tôi”- ông Nghĩa chia sẻ.

Tại hội nghị, ông Nghĩa cũng kiến nghị Tổng công ty VEAM tiếp tục quan tâm chỉ đạo và hỗ trợ về nhân sự chuyên môn cho đơn vị trong các lĩnh vực đầu tư, pháp lý và quản lý đất đai. Năng lực đội ngũ hiện nay của công ty còn mỏng, chưa đáp ứng yêu cầu xử lý các vấn đề phức tạp kéo dài.

Ông Nguyễn Hoàng Giang, Tổng giám đốc VEAM

Ông Nguyễn Hoàng Giang, Tổng giám đốc VEAM

Sự hỗ trợ kịp thời từ Tổng công ty sẽ là điều kiện tiên quyết giúp công ty tháo gỡ các điểm nghẽn và tiếp tục phục hồi ổn định trong thời gian tới”- ông Nghĩa nhấn mạnh.

Kết luận hội nghị, ông Nguyễn Hoàng Giang, Tổng giám đốc VEAM nhấn mạnh, từ những đánh giá, phân tích tại hội nghị, Ban lãnh đạo VEAM nhận định: 6 tháng cuối năm 2025 sẽ tiếp tục đặt ra nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi toàn hệ thống phải tăng cường đoàn kết, đổi mới tư duy, hành động quyết liệt và mạnh mẽ hơn nữa.Theo đó, thời gian tới, VEAM tiếp tục nâng cao năng năng lực tổ chức sản xuất, tối ưu năng suất lao động; tăng cường hiệu quả đầu tư, củng cố năng lực cạnh tranh; đẩy nhanh tiến độ xử lý các tồn tại, khắc phục hạn chế. Đồng thời, tận dụng tối đa mọi nguồn lực, cơ hội để tạo bước chuyển biến rõ nét.“Ban điều hành Tổng công ty đề nghị các đơn vị thành viên quán triệt nghiêm túc, triển khai hiệu quả các nhiệm vụ đã được thảo luận, thống nhất tại hội nghị. Đồng thời, phát huy cao nhất tinh thần trách nhiệm, chủ động và sáng tạo trong quá trình thực hiện”- ông Giang nhấn mạnh.

Thu Hường

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/veam-6-thang-dau-nam-2025-xuat-khau-tang-11-loi-nhuan-dat-tren-6-400-ty-dong-411104.html