Tổng công ty Xi măng 'bỏ quên' hàng ngàn tỉ đồng khi cổ phần hóa
Thanh tra Chính phủ phát hiện vi phạm trong quá trình thực hiện cổ phần hóa tại Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam
Như Báo Người Lao Động đã đưa tin, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã công bố kết luận thanh tra việc thực hiện sắp xếp lại, cổ phần hóa, thoái vốn các doanh nghiệp Nhà nước thuộc Bộ Xây dựng giai đoạn 2011-2018. Tại kết luận này, TTCP đã chuyển 2 vụ việc vi phạm sang Bộ Công an để điều tra, làm rõ.
Bên cạnh việc này, kết quả thanh tra cho thấy có nhiều vi phạm tài chính tại Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (VICEM). TTCP cho biết đến thời điểm thanh tra, Tổng công ty VICEM chưa hoàn thành cổ phần hóa.
Tuy nhiên, qua kiểm tra việc xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa công ty mẹ - Tổng công ty VICEM được thực hiện cùng với 3 Công ty TNHH MTV (VICEM Tam Điệp, VICEM Hải Phòng, VICEM Hoàng Thạch) tại thời điểm 1-10-2018 phát hiện khoản công nợ phải thu của Vicem Tam Điệp với hơn 11,9 tỉ đồng với 4 khách hàng là khoản nợ quá hạn.
Theo cơ quan thanh tra, VICEM Tam Điệp đã khởi kiện và có phán quyết của tòa án buộc khách hàng phải thanh toán nợ cho công ty này, không đủ điều kiện để được xác định là khoản nợ phải thu không có khả năng thu hồi.
Tuy nhiên, quá trình xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa, VICEM Tam Điệp không hạch toán trên sổ sách đối với khoản nợ phải thu trên và loại ra khỏi giá trị doanh nghiệp, làm giảm giá trị doanh nghiệp (phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp) hơn 11,9 tỉ đồng.
Theo kết luận thanh tra, tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp, các công ty con 100% vốn nhà nước thuộc Tổng công ty VICEM đang sử dụng 9 giấy phép khai thác khoáng sản đá vôi, đất sét để sản xuất ximăng, với tổng trữ lượng được khai thác trên 9,5 triệu tấn đá vôi/năm và hơn 1,9 triệu tấn đá sét/năm. Thời gian khai thác còn lại từ 2 - 30 năm tùy từng giấy phép. Dù vậy, đơn vị tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp - Công ty TNHH kiểm toán AASC, đã không tính giá trị lợi thế thương mại đối với quyền khai thác khoáng sản tại các mỏ này.
Theo yêu cầu của TTCP và Bộ Xây dựng, Tổng công ty VIECM đã thuê tư vấn định giá để xác định giá trị lợi thế thương mại về quyền khai thác khoáng sản đối với các mỏ trên. Ngày 1-12-2019, Công ty kiểm toán AASC có chứng thư xác định tổng giá trị thương mại về quyền khai thác khoáng sản đối với các mỏ của 3 đơn vị trên là 1.507 tỉ đồng. Trong đó, VICEM Hoàng Thạch trên 638 tỉ đồng, VICEM Hải Phòng 532,6 tỉ đồng, VICEM Tam Điệp trên 344 tỉ đồng.
Cơ quan thanh tra kết luận việc Công ty kiểm toán AASC, Tổng công ty Vicem không tính giá trị lợi thế thương mại đối với quyền khai thác khoáng sản tại các mỏ với số tiền tạm tính 1.507 tỉ đồng là không đúng với quy định của Chính phủ về xử lý tài chính khi cổ phần hóa. Do đó, cần phải được rà soát lại và ghi nhận vào phần vốn nhà nước khi thực hiện cổ phần hóa Tổng công ty VICEM.
Kết luận của TTCP cũng nêu rõ dù việc cổ phần hóa của Tổng công ty VICEM cùng 3 Công ty TNHH MTV VICEM Tam Điệp, VICEM Hải Phòng và VICEM Hoàng Thạch chưa hoàn thành, nhưng qua kiểm tra việc xử lý tài chính để cổ phần hóa cho thấy khoản chênh lệch giữa vốn chủ sở hữu và vốn điều lệ tại tổng công ty phải được xử lý là 3.011 tỉ đồng.
Từ kết quả thanh tra, TTCP đề nghị Bộ Xây dựng báo cáo Thủ tướng chỉ đạo, xử lý, thu nộp về ngân sách khoản tiền chênh lệch giữa vốn chủ sở hữu với vốn điều lệ của Tổng công ty Vicem 2.910 tỉ đồng và xử lý khoản chênh lệch 101 tỉ đồng giữa vốn điều lệ và vốn chủ sở hữu tại Công ty VICEM Hải Phòng, đảm bảo đúng quy định.