Tổng cục Thuế nói gì về đề xuất đánh thuế hàng nhập khẩu từ Shopee, Lazada, Tiki...?
Mỗi ngày có 4-5 triệu đơn hàng nhập khẩu từ Trung Quốc sang Việt Nam thông qua các sàn thương mại điện tử với giá trị hàng chục triệu USD; song cơ quan thuế chưa thu được thuế đối với nhóm hàng hóa này.
Mỗi ngày có 4-5 triệu đơn hàng giá trị dưới 1 triệu đồng được vận chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam qua các sàn thương mại điện tử
Cân nhắc chính sách thuế đối với hàng nhập khẩu nhỏ lẻ
Tại cuộc họp báo thường kỳ quý II/2024 do Bộ Tài chính tổ chức chiều 18/6, báo chí nêu câu hỏi với Bộ Tài chính, đề nghị cho biết quan điểm đối với đề xuất đánh thuế các mặt hàng giá trị nhỏ trên các sàn thương mại điện tử.
Trước đó, chiều 17/6, tại diễn đàn kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã thay mặt Chính phủ trình Quốc hội dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng - VAT (sửa đổi).
Trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật này, ông Lê Quang Mạnh, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội đề nghị Chính phủ cân nhắc về quy định miễn thuế VAT và thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ dưới 2 triệu đồng (hiện đang được áp dụng theo Quyết định số 78 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ).
Theo Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, với sự bùng nổ của thương mại điện tử xuyên biên giới, tại Việt Nam, hằng ngày có trung bình 4 - 5 triệu đơn hàng giá trị nhỏ được vận chuyển từ Trung Quốc về Việt Nam qua các sàn thương mại điện tử Shopee, Lazada, Tiki, TikTok…
Báo cáo của Ủy ban Tài chính - Ngân sách dẫn số liệu của Tổng công ty cổ phần Bưu chính viễn thông, tháng 3/2023, với giá trị mỗi đơn hàng nói trên được chia nhỏ từ 100.000 - 300.000 đồng; hằng ngày trung bình có khoảng 45 - 63 triệu USD, một tháng khoảng 1,3 - 1,9 tỷ USD giá trị hàng hóa được luân chuyển qua các sàn Shopee, Lazada, Tiki, TikTok…
Mặt khác, hiện nay, nhiều nước đã bỏ quy định miễn thuế VAT đối với hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ để bảo vệ nguồn thu, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa hàng sản xuất trong nước và nhập khẩu.
Từ đó, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị Chính phủ có chính sách thuế phù hợp với nhóm đối tượng này để mở rộng và bao quát các nguồn thu.
Về vấn đề này, ông Đặng Ngọc Minh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) cho biết, Chính phủ đã có nhiều giải pháp quản lý hoạt động thương mại điện tử cả trong nước và quốc tế. Theo Nghị định 91, tất cả các sàn thương mại điện tử phải gửi thông tin về cho cơ quan thuế. Căn cứ vào thông tin này cộng với kê khai của cơ quan thuế, ngành thuế có sự đối chiếu, tự động phân cho các đơn vị thuế đóng tại 63 tỉnh, thành được biết.
Tổng cục Thuế cũng thường xuyên tập huấn xuống tận các chi cục thuế để có các biện pháp xử lý đối với những người nộp thuế, tuyên truyền các quy định, chính sách.
Dù vậy, qua rà soát, cơ quan thuế vẫn phát hiện nhiều trường hợp không thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước. Trước tiên, cơ quan thuế vẫn tuyên truyền, sau đó sẽ xử lý theo quy định pháp luật nếu phát hiện những vi phạm trong kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử.
"Liên quan đến các đơn hàng nhỏ lẻ, việc quản lý chủ yếu liên quan đến nghiệp vụ hải quan. Tuy nhiên, ông Minh cũng chia sẻ, chúng ta có những quy định miễn thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng cho những đơn hàng có giá trị nhỏ (dưới 2 triệu đồng). Điều này xuất pháp từ Hiệp ước Kyoto mà Việt Nam theo đã nhiều năm nay.
Tuy nhiên, gần đây một số quốc gia đã thay đổi chính sách miễn thuế này. Vậy Việt Nam có thay đổi không? Theo Lãnh đạo ngành thuế, điều này sẽ được Chính phủ và Quốc hội cân nhắc quyết định theo thẩm quyền.
Khi có sửa đổi, ngành Thuế, ngành Hải quan sẽ triển khai các giải pháp thực thi quản lý.
Chủ động theo dõi nợ thuế để tránh bị cấm xuất cảnh
Trước thắc mắc về quy trình, cách thức áp dụng quy định cấm xuất cảnh với người nợ thuế, ông Đặng Ngọc Minh cho biết, quy định về tạm hoãn xuất cảnh khi nợ thuế đã có từ trước, trong Luật Quản lý thuế số 38 và Nghị định hướng dẫn Luật của Chính phủ. Theo đó, việc tạm hoãn xuất cảnh là một trong những biện pháp để đảm bảo thực hiện thu hồi các khoản thuế, chống chây ỳ nợ thuế.
Biện pháp này chủ yếu “nhắm” vào đối tượng là người đại diện theo pháp luật của người nộp thuế là doanh nghiệp, thuộc trường hợp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.
Bên cạnh đó, là người Việt Nam xuất cảnh để định cư ở nước ngoài chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế; người Việt Nam định cư ở nước ngoài trước khi xuất cảnh chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế và người nước ngoài trước khi xuất cảnh từ Việt Nam chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.
Theo ông Minh, quy trình áp dụng biện pháp này cũng rất chặt chẽ. Thường thì cơ quan Thuế sẽ nhắn tin, liên hệ đôn đốc nhắc nhở, dùng rất nhiều các biện pháp. Sau các biện pháp đó, người nộp thuế vẫn chưa nộp tiền thuế nợ, cơ quan Thuế mới tới gửi thông tin cho cơ quan xuất cảnh để thực hiện biện pháp tạm hoãn theo đúng quy định.
Để luôn nắm được nợ thuế, lãnh đạo Tổng cục Thuế chia sẻ, vừa qua, ngành Thuế đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ người nộp thuế, ví dụ như đưa vào ứng dụng Etax mobile - là một công cụ hỗ trợ rất cập nhật, rất cụ thể về nghĩa vụ thuế của các cá nhân, hộ kinh doanh, pháp nhân…
"Ứng dụng này giúp cho người nộp thuế rà soát thông tin kịp thời để thực hiện nghĩa vụ với ngân sách, không chỉ trong năm qua mà còn rà soát cả của nhiều năm trước", ông Minh nói và cho biết, hiện nay, theo ghi nhận đã có hơn 1 triệu người tải Etax mobile và sử dụng.
Sắp tới, cả những thông báo liên quan đến nghĩa vụ thuế, cơ quan Thuế cũng sẽ gửi lên ứng dụng này, đảm bảo thông tin kịp thời hơn, vì thực tế gửi thông báo qua địa chỉ kinh doanh, hoặc email đăng ký nhưng người nộp thuế đã thay đổi địa chỉ không báo cho cơ quan Thuế và không nhận được thông báo kịp thời.
Một nội dung lớn nữa cũng sẽ được triển khai tới đây là việc đưa số định danh căn cước công dân thành mã số thuế cá nhân.