Tổng giám đốc VNSteel: 'Tình hình càng khó càng phải chiến đấu'
Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNSteel) đã mạnh dạn nâng mục tiêu lợi nhuận thêm 100 tỷ đồng so với tờ trình cũ, dù bối cảnh ngành thép còn nhiều khó khăn. Lãnh đạo doanh nghiệp cho biết sẽ siết chặt quản lý, tiết giảm chi phí để cải thiện hiệu quả kinh doanh trong năm nay.

Toàn cảnh ĐHĐCĐ thường niên VNSteel. Ảnh: Thu Trang/Mekong ASEAN
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025 tổ chức sáng 28/4, Tổng Công ty Thép Việt Nam - CTCP (VNSteel, mã: TVN) đã trình đại hội mục tiêu doanh thu hợp nhất 34.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 280 tỷ đồng cho năm nay. So với kết quả năm 2024, kế hoạch này giảm khoảng 6% về doanh thu và 22% về lợi nhuận.
Mức lợi nhuận đề xuất lần này cao hơn 100 tỷ đồng so với dự thảo công bố trước đại hội (180 tỷ đồng). Lý giải cho sự điều chỉnh này, ông Nghiêm Xuân Đa - Tổng giám đốc VNSteel cho biết công ty đã rà soát lại hoạt động của các đơn vị thành viên, qua đó mạnh dạn nâng chỉ tiêu lợi nhuận.
Trong thời gian tới, VNSteel sẽ tiếp tục siết chặt quản lý chi phí, giảm thiểu tối đa thua lỗ tại các công ty con, đặc biệt là CTCP Gang thép Thái Nguyên (TISCO). Đồng thời, công ty mẹ và các đơn vị thành viên được yêu cầu đẩy mạnh tiết giảm chi phí vận hành nhằm cải thiện biên lợi nhuận.
"Chúng tôi biết mục tiêu này có phần khó trong bối cảnh hiện nay, nhưng càng khó càng phải chiến đấu," ông Đa nói với cổ đông. Mặc dù vậy, lãnh đạo VNSteel cũng cho biết các chỉ tiêu cũng sẽ được điều chỉnh linh hoạt theo biến động của thị trường thép trong thời gian tới.
Về vấn đề xuất khẩu thép trong bối cảnh thuế quan hiện tại, ông Đa cho biết, trong năm 2024, Việt Nam đã xuất khẩu tổng cộng 2 triệu tấn thép, với các thị trường ASEAN chiếm phần lớn 26%, tiếp theo là EU 22% và Mỹ 13%. Tuy nhiên, sự tác động của các chính sách thuế quan từ Mỹ đang gây ra nhiều lo ngại, đặc biệt đối với mặt hàng tôn mạ, sản phẩm chịu ảnh hưởng lớn nhất.
Trước tình hình này, các doanh nghiệp có thể điều chỉnh chiến lược xuất khẩu, hướng dòng thép sang các thị trường khác đầy tiềm năng như ASEAN, nơi vẫn còn không gian lớn để phát triển. Ngoài ra, Trung Đông và Châu Phi cũng là những khu vực mà các doanh nghiệp có thể khai thác để mở rộng thị trường, gia tăng xuất khẩu.
Tổng Giám đốc VNSteel nhận định, dù thị trường trong nước có thể gặp một số áp lực, nhưng thực tế cho thấy các doanh nghiệp không cần quá lo lắng. Nếu các thị trường quốc tế không thể hấp thụ hết sản phẩm, lượng thép dư thừa sẽ quay lại phục vụ nhu cầu trong nước.
Trong thời gian tới, chiến lược của VNSteel là duy trì sự ổn định thị trường trong nước, giữ mức tiêu thụ như năm trước, đồng thời tích cực thực hiện các biện pháp tiết kiệm chi phí. Công ty cũng sẽ mở rộng xuất khẩu sang các thị trường mới như Trung Đông và Châu Phi, đồng thời sẵn sàng đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường trong nước.
Không chia cổ tức năm 2025, tập trung đầu tư và tái cơ cấu
VNSteel nhận định năm nay sẽ là một năm đầy thách thức đối với ngành thép, do đó công ty đề xuất không chia cổ tức trong năm 2025 nhằm ưu tiên dành nguồn lực tài chính cho hoạt động sản xuất - đầu tư.
Năm nay, tổng công ty dự kiến chi hơn 555 tỷ đồng cho hoạt động đầu tư, mua sắm và nâng cấp tài sản cố định của công ty mẹ. Cụ thể, khoảng 542 tỷ đồng sẽ được rót cho các dự án trọng điểm như: tăng vốn điều lệ tại CTCP Thép Nhà Bè để bổ sung công đoạn luyện phôi với công suất 150.000 tấn/năm; mua lại 6% phần vốn góp từ đối tác nước ngoài tại Tôn Phương Nam; và góp vốn xây dựng một nhà máy luyện cán thép công suất 500.000 tấn/năm tại khu vực phía Nam.
Ngoài ra, VNSteel còn dành kế hoạch đầu tư gần 2.384 tỷ đồng cho các công ty con và công ty liên kết. Trong đó, khoảng 1.289,7 tỷ đồng sẽ phục vụ đầu tư xây dựng cơ bản và 1.094,9 tỷ đồng dùng cho việc mua sắm, nâng cấp tài sản cố định.
Tổng công ty cũng cho biết, năm 2025 sẽ chủ động chuẩn bị nguồn lực tài chính lớn để thực hiện một số nhiệm vụ cấp bách như: nộp khoản thu theo quyết toán cổ phần hóa (nếu được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt), hỗ trợ xử lý Dự án TISCO 2 và triển khai kế hoạch tái cơ cấu Tổng công ty Khoáng sản Việt Nam (VTM).
Liên quan đến vấn đề không chia cổ tức, ông Nghiêm Xuân Đa chia sẻ, hiện phần lớn các cơ sở sản xuất của các công ty thành viên đều đã vận hành suốt nhiều năm và không còn dư địa tăng trưởng về công suất. "Hầu hết các nhà máy đã có tuổi đời khoảng 20 năm, những cơ sở mới nhất cũng đã vận hành hơn 10 năm. Công suất thiết kế hiện tại đã khai thác gần như tối đa," ông Đa nói.
Theo ông, việc đầu tư đổi mới công suất, bao gồm các dự án như mở rộng sản xuất tại Thép Nhà Bè hay đầu tư nhà máy luyện cán thép mới tại phía Nam, là yêu cầu cấp bách để duy trì và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong dài hạn. "Nếu không đầu tư ngay từ bây giờ, VNSteel sẽ dần mất lợi thế cạnh tranh, nhất là khi thị trường nội địa ngày càng có nhiều đối thủ mới với công nghệ hiện đại hơn," Tổng Giám đốc VNSteel chia sẻ.
Tỷ lệ sở hữu Nhà nước cao, VNSteel có thể bị hủy niêm yết
Tại Đại hội, cổ đông đã đặt câu hỏi liên quan đến tình trạng cổ phiếu TVN bị đưa vào diện cảnh báo từ tháng 4/2024 cũng như lộ trình niêm yết trên HoSE trong thời gian tới.
Ông Nghiêm Xuân Đa cho biết doanh nghiệp đã xây dựng kế hoạch xử lý, với mục tiêu đưa cổ phiếu TVN ra khỏi diện cảnh báo trong năm nay. Theo ông, có hai nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng hiện tại.
Thứ nhất, công tác quyết toán cổ phần hóa của tổng công ty kéo dài từ năm 2011 đến nay, do Bộ Công Thương chủ trì. Quá trình này chưa hoàn tất nên kiểm toán viên buộc phải đưa ra ý kiến ngoại trừ trong báo cáo tài chính. Khi việc quyết toán được xử lý xong, VNSteel sẽ loại bỏ được vấn đề này.
Thứ hai, liên quan đến dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 của CTCP Gang thép Thái Nguyên (TISCO). Do chưa thể xác định dứt điểm số liệu tài chính liên quan đến dự án, nên kiểm toán viên tiếp tục giữ nguyên ý kiến ngoại trừ. Chính phủ đang xem xét phương án xử lý cho dự án này.
"Chúng tôi đang nỗ lực hoàn tất hai vấn đề trên trong năm 2025 để cổ phiếu TVN sớm được gỡ cảnh báo," ông Đa nói trước đại hội.
Bên cạnh đó, VNSteel cũng đối diện thách thức khác liên quan đến quy định về tỷ lệ sở hữu Nhà nước. Ông Lê Song Lai - Chủ tịch HĐQT VNSteel, cho biết hiện tỷ lệ sở hữu Nhà nước tại doanh nghiệp vẫn chiếm khoảng 94%, trong khi quy định hiện hành yêu cầu tối thiểu 10% vốn điều lệ phải do cổ đông ngoài Nhà nước nắm giữ.
"Nếu đến cuối năm 2025 không có sự điều chỉnh, VNSteel sẽ bị hủy tư cách công ty niêm yết đại chúng theo quy định," ông Lai thông tin.