Tổng giám đốc WHO lạc quan về khả năng kết thúc đại dịch trong 2022

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus . Ảnh: AFP/TTXVN

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) lạc quan rằng đại dịch COVID-19 có thể kết thúc trong năm 2022 nếu tỉ lệ tiêm chủng vắc xin toàn cầu tăng và các nước cùng hợp tác để kiềm chế dịch bệnh lây lan.

Trong một tuyên bố ngày 31/12, Tổng giám đốc WHO Tedros Ghebreyesus khẳng định thế giới hiện có tất cả công cụ và nguồn lực để chấm dứt đại dịch mà ông gọi là “thảm họa”. Ông nhấn mạnh, nếu có lựa chọn đúng đắn, thế giới có thể khiến đại dịch đảo chiều.

Tuy nhiên, người đứng đầu WHO cảnh báo chủ nghĩa dân tộc và hiện tượng tích trữ vắc xin của một số nước có thể phá hoại sự công bằng và đã tạo điều kiện cho biến thể Omicron xuất hiện. Chừng nào tình trạng bất bình đẳng về vắc xin còn tiếp tục, càng có nguy cơ virus phát triển đến mức không thể ngăn chặn hoặc dự đoán được.

Ông kêu gọi chấm dứt tình trạng bất bình đẳng vắc xin để chấm dứt đại dịch, và một trong những mục tiêu của năm mới là tiêm chủng cho 70% dân số thế giới đến giữa năm 2022.

Theo số liệu mới nhất trên trang thống kê worldometers.info, số ca mắc COVID-19 trên toàn thế giới đã vượt quá 288 triệu ca, với gần 5,5 triệu ca tử vong.

Trong khi đó, giới chức Ấn Độ cho biết biến thể Omicron hiện chiếm hơn 50% số ca COVID-19 mới, trong bối cảnh lây nhiễm ở Ấn Độ lên mức cao nhất trong 7 tháng trở lại đây. Giới chuyên gia y tế nhận định làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ ba có thể đã bắt đầu xuất hiện tại một số thành phố ở Ấn Độ, trong bối cảnh số ca mắc mới tính theo ngày đã tăng gấp đôi chỉ sau một tuần.

Người đứng đầu lực lượng đặc nhiệm chống COVID-19 của chính phủ Ấn Độ, Tiến sĩ V. K. Paul, đã cảnh báo tình hình đang thay đổi khi biến thể Omicron lây lan và không nên chủ quan cho rằng biến thể mới chỉ gây bệnh nhẹ.

Ấn Độ trong ngày 31/12/2021 ghi nhận 16.700 ca, tăng vọt so với mức 6.300 ca trong ngày 27/12/2021. Quốc gia đông dân thứ hai thế giới này cũng đã ghi nhận 1.270 ca nhiễm Omicron kể từ ca đầu tiên được phát hiện hôm 2/12/2021.

Bang chịu ảnh hưởng mạnh nhất hiện nay là Maharashtra, với 5.368 ca nhiễm trong ngày 30/12/2021, trong đó có 3.555 ca ở Mumbai, thành phố đông dân nhất của bang. Gần 150 ca nhiễm Omicron ở Mumbai không có lịch sử đi lại, di chuyển nhiều. Bang miền tây này cũng từng là điểm nóng nhất về dịch bệnh trong làn sóng lây nhiễm thứ hai, với giai đoạn đỉnh điểm từ tháng 4 đến tháng 5/2021. Maharashtra ghi nhận 6,6 triệu ca trên tổng số 35 triệu ca nhiễm COVID-19 trên toàn quốc, cùng với đó là 142.000 ca tử vong.

Số ca mắc theo ngày cũng tăng mạnh ở thủ đô New Delhi, nơi mà giới chức y tế nhận định một nửa số ca là do biến thể Omicron. Thành phố có 1.300 ca mắc mới trong ngày 30/12/2021, tăng gấp bốn lần so với ngày 27/12/2021 và là mức cao nhất trong vòng bảy tháng gần đây.

Theo phóng viên TTXVN tại Viêng Chăn, Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao Lào vừa bổ sung danh sách công dân các quốc gia được phép nhập cảnh nước này theo Chương trình “Vùng xanh du lịch”. Theo đó, sẽ có thêm công dân từ 14 nước được phép nhập cảnh vào Lào theo chương trình du lịch nói trên, gồm Brunei, Indonesia, Philippines, Na Uy, Thụy Sĩ, Phần Lan, Israel, Ireland, Hungary, Áo, New Zealand, Ba Lan, Đan Mạch và Bỉ.

Trước đó, Lào đã công bố danh sách công dân 17 quốc gia được nhập cảnh nước này từ đầu năm 2022, trong đó có Việt Nam. Theo kế hoạch mở cửa 3 giai đoạn của Lào, khách du lịch sẽ được phép đi lại trong hai khu vực là Khu du lịch xanh và các Tuyến đường du lịch xanh (Green Travel Trails).

Trong giai đoạn 1, từ ngày 1/1 đến ngày 30/3/2022, du khách có thể đến thăm thủ đô Viêng Chăn, tỉnh Luang Prabang và huyện Vang Vieng thuộc tỉnh Viêng Chăn. Trong khi đó 5 tỉnh sẽ được cấp phép thuộc các Tuyến đường du lịch xanh gồm: Oudomxay, Xayaboury, Xieng Khouang, Khammouane và Champasack.

Trong giai đoạn 2, các Khu du lịch Xanh sẽ bao gồm 9 tỉnh là thủ đô Viêng Chăn, tỉnh Viêng Chăn, Luang Prabang, Oudomxay, Xayaboury, Xieng Khouang, Khammouane, Savannakhet và Champasack.

Bốn tỉnh sẽ được cấp phép cho Tuyến đường du lịch xanh trong giai đoạn 2, bao gồm: huyện Houay Xay ở tỉnh Bokeo, tỉnh Luang Namtha, tỉnh Sekong và tỉnh Salavanh.

Liên quan đến tình hình dịch bệnh, Bộ Y tế Lào ngày 1/1 cho biết trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 1.023 ca mắc mới COVID-19 đều là lây nhiễm trong cộng đồng tại 17 tỉnh, thành phố và 2 ca tử vong do COVID-19. Thủ đô Viêng Chăn tiếp tục đứng đầu cả nước với 374 ca cộng đồng trong một ngày. Đến nay, tổng số ca mắc COVID-19 tại Lào đã lên tới 112.023 ca, trong đó có 374 người tử vong.

Trong diễn biến khác, biến thể Omicron gây bệnh nhẹ hơn so với các biến thể khác của virus SARS-CoV-2 do phổi ít bị tổn thương hơn. Đây là kết quả một số nghiên cứu mới được một số trang tin tức đăng tải ngày 31/12.

Theo một nghiên cứu trên động vật mới được tờ The New York Times đăng tải ngày 31/12, kết quả thử nghiệm trên chuột và chuột hamster cho thấy biến thể Omicron gây ít tổn thương hơn ở mũi, họng và khí quản.

Các nhà khoa học cũng cho biết chuột hamster khi nhiễm các biến thể khác của virus SARS-CoV-2 thường có các triệu chứng nặng hơn.

Một nghiên cứu khác của các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Hong Kong, được đăng tải trên tạp chí Nature cho thấy bệnh nhân nhiễm biến thể Omicron có tải lượng virus trong phổi chỉ bằng 1/10 hoặc thấp hơn so với các biến thể khác. Nghiên cứu cũng cho thấy biến thể Omicron sinh sôi chậm hơn biến thể Delta.

Những kết quả trên cũng trùng với một báo cáo được công bố trên trang tin tức khoa học Live Science ngày 28/12 vừa qua, trong đó các nhà khoa học khẳng định có vẻ như biến thể Omicron “không xâm nhập vào phổi”.

H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/92/269325/tong-giam-doc-who-lac-quan-ve-kha-nang-ket-thuc-dai-dich-trong-2022.html