Tổng kết 10 năm Đề án an ninh lương thực Quốc gia

Sáng 18.3, Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ NN&PTNT tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Đề án 'An ninh lương thực quốc gia đến năm 2020'. Các đồng chí: Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Kinh tế T.Ư; Trịnh Đình Dũng, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ đồng chủ trì. Dự hội nghị tại điểm cầu của tỉnh có các đồng chí: Thào Hồng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Minh Tiến, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh và đại diện một số sở, ngành liên quan.

Toàn cảnh Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Hà Giang.

Toàn cảnh Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Hà Giang.

Sau 10 năm thực hiện Đề án an ninh lương thực Quốc gia đã đạt được nhiều kết quả tích cực; 12 chỉ tiêu đạt và vượt so với mục tiêu đề ra. Giai đoạn 2009 - 2019 sản lượng lúa tăng từ 39,17 triệu tấn lên 43,4 triệu tấn. Giá trị và sản lượng nhiều nông sản đều tăng mạnh, bình quân lương thực đầu người tăng từ 497kg/năm lên trên 525kg/năm, đưa Việt Nam vào nhóm 6 nước hàng đầu về chỉ số này. Xuất khẩu hàng nông sản tiếp tục được đẩy mạnh, 7 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD/năm, trong đó bình quân mỗi năm xuất khẩu 5-7 triệu tấn gạo. Tại các địa phương trong nước ngày càng xuất hiện nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ.

Tại tỉnh Hà Giang, 10 năm qua sản xuất lương thực, thực phẩm trên địa bàn tỉnh đều tăng khá. Tỉnh chú trọng đẩy mạnh công tác thâm canh, đưa các bộ giống mới vào sản xuất, đồng thời thực hiện chuyển đổi một phần đất sản xuất cây lương thực kém hiệu quả, không chủ động nước tưới sang các cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn. Từ đó dần hình thành những vùng sản xuất chuyên canh giúp nâng cao giá trị trên cùng một diện tích canh tác. Năm 2019, giá trị sản xuất nông nghiệp đạt trên 6.200 tỷ đồng; tổng sản lượng lương thực có hạt thu hoạch đạt trên 406.000 tấn; giá trị thu hoạch trên/ha đất canh tác cây hàng năm đạt 45,42 triệu đồng. Các tiềm năng phát triển nông, lâm nghiệp từng bước được khai thác, áp dụng tiêu chuẩn chất lượng an toàn, phát triển hàng hóa theo nhu cầu thị trường…

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, nhấn mạnh: Với nhu cầu lương thực, thực phẩm tiếp tục tăng cả về số lượng và chất lượng thì các bộ, ngành, địa phương cần có những biện pháp, chủ động đảm bảo an ninh lương thực vững chắc trong mọi tình huống, đáp ứng nhu cầu cần thiết cho sinh hoạt, sức khỏe và nâng cao tầm vóc cho người dân. Trước hết tập trung rà soát, sử dụng linh hoạt quỹ đất lúa, giữ ổn định khoảng 3,3 - 3,6 triệu ha. Bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, nhu cầu dinh dưỡng với khẩu phần ăn cân đối nhằm góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân. Cơ cấu lại trồng trọt theo hướng xây dựng vùng sản xuất tập trung. Nâng cao vai trò hoạt động của các HTX trong phát triển nông nghiệp. Cần chú trọng ứng dụng khoa học công nghệ, nghiên cứu chọn tạo giống cây trồng, vật nuôi nhằm tăng năng suất, chất lượng, có khả năng thích ứng với biển đổi khí hậu. Quan tâm đào tạo nguồn nhân lực của ngành nông nghiệp đáp ứng yêu cầu của nền nông nghiệp hiện đại. Cùng với đó tiếp tục đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách đất đai, tài chính tín dụng, tạo sự liên kết chặt chẽ và gắn công nghiệp chế biến với bảo quản, tiêu thụ sản phẩm…

Tin, ảnh: Phi Anh

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/thoi-su-chinh-tri/202003/tong-ket-10-nam-de-an-an-ninh-luong-thuc-quoc-gia-756855/