Tổng kết 20 năm thực hiện Nghị định 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác

Sáng 06/9, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị tổng kết 20 năm triển khai thực hiện Nghị định 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Dự hội nghị có đồng chí Dương Quyết Thắng, Bí thư Đảng ủy, Ủy viên Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội.

Về phía tỉnh Bắc Kạn có các đồng chí: Hoàng Duy Chinh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Nguyễn Đăng Bình, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Hoàng Thu Trang, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Phạm Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban đại diện HĐQT Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh; Hồ Thị Kim Ngân, Phó Trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh; lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị có liên quan.

Đồng chí Phạm Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh phát biểu tại hội nghị.

Đồng chí Phạm Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu khai mạc do đồng chí Phạm Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban đại diện HĐQT Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh trình bày và báo cáo tại hội nghị nêu rõ: Qua 20 năm triển khai chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP 04/10/2002 của Chính phủ trên địa bàn tỉnh đã đạt được kết quả rất quan trọng, nguồn lực tín dụng chính sách đã góp phần tích cực cùng địa phương thực hiện mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp trên 326.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn phát triển sản xuất; giải quyết việc làm cho trên 21.000 lao động; hỗ trợ gần 4.000 lao động được vay vốn đi làm việc ở nước ngoài; xây dựng trên 59.000 công trình vệ sinh và nước sạch; hỗ trợ trên 13.000 học sinh, sinh viên được tiếp bước vào các trường đại học, cao đẳng...; hỗ trợ trên 800 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn để mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến; hỗ trợ xây dựng trên 2.900 căn nhà cho hộ nghèo và xây dựng trên 200 căn nhà cho hộ có thu nhập thấp theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP, Nghị định số 49/2021/NĐ-CP.

Vốn tín dụng chính sách đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo qua các năm, như: Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 32,64% năm 2001 xuống còn 12,5% năm 2005; giảm từ 50,87% năm 2006 xuống còn 17,6% năm 2010; giảm từ 32,1% năm 2011 xuống còn 11,63% năm 2015; giảm từ 29,4% năm 2016 xuống còn 17,02% năm 2020 và theo tiêu chí mới năm 2021 là 26,93%.

Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng đã đi vào cuộc sống, tác động mạnh mẽ, tích cực đối với hoạt động tín dụng chính sách; cấp ủy, chính quyền các cấp đã thống nhất quan điểm về vai trò, vị trí của tín dụng chính sách trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, an sinh xã hội tại địa phương. Trên cơ sở đó luôn quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn nhằm nâng cao năng lực hoạt động của NHCSXH tại địa phương, cụ thể: Cân đối nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác; quan tâm bố trí địa điểm, thời gian, an ninh, an toàn đối với hoạt động giao dịch của NHCSXH tại 100% các điểm giao dịch cấp xã; chỉ đạo củng cố nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng trên địa bàn…

Đồng chí Phạm Duy Hưng (bên phải) tặng quà cho đồng chí Nông Văn Chí, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, nguyên Trưởng ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh.

Đồng chí Phạm Duy Hưng (bên phải) tặng quà cho đồng chí Nông Văn Chí, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, nguyên Trưởng ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh.

Hoạt động tín dụng chính sách nói chung, hoạt động của NHCSXH nói riêng luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương. Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh đã làm tốt công tác điều hành, kiểm tra, giám sát đối với hoạt động của NHCSXH. Xây dựng bộ máy tổ chức tinh gọn, phương thức cho vay được ủy thác qua 4 tổ chức chính trị - xã hội, mạng lưới gồm 108 điểm giao dịch cấp xã và 1.567 tổ TK&VV tại khắp các địa bàn đã giúp chuyển tải nguồn vốn ưu đãi đến tận tay người thụ hưởng một cách nhanh chóng, tiết kiệm chi phí và tạo ra hiệu quả kinh tế, chính trị, xã hội to lớn.

Chất lượng tín dụng không ngừng được nâng cao, góp phần tạo việc làm, nâng cao sức sản xuất hàng hóa, cải thiện đời sống của người dân, đặc biệt là ở khu vực nông thôn. Tín dụng chính sách xã hội đóng góp tích cực trong giảm tỷ lệ hộ nghèo, giảm tỷ lệ thất nghiệp, thực hiện các Chương trình MTQG, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị, trật tự xã hội, an ninh - quốc phòng tại địa phương.

Hội nghị thống nhất đề ra nhiều mục tiêu và giải pháp thực hiện trong giai đoạn từ nay đến năm 2030. Trong đó, có một số mục tiêu như: Căn cứ tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo qua các năm, phấn đấu tăng trưởng tín dụng hằng năm đạt từ 6-8%; hằng năm hoàn thành 100% kế hoạch tăng trưởng tín dụng được giao. Phấn đấu đến năm 2030, nguồn vốn ngân sách địa phương chiếm tỷ trọng từ 8% trở lên trong tổng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh. Phấn đấu hằng năm trên 99% các xã, phường, thị trấn xếp loại chất lượng tín dụng xếp loại tốt, không có xã, phường, thị trấn xếp loại trung bình, yếu kém; 100% phòng giao dịch NHCSXH huyện xếp loại chất lượng hoạt động tín dụng đạt loại tốt. Đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động nghiệp vụ phù hợp với hoạt động của NHCSXH trong thời kỳ mới.

Đồng chí Dương Quyết Thắng, Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội phát biểu tại hội nghị.

Đồng chí Dương Quyết Thắng, Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội phát biểu tại hội nghị.

Dịp này, tỉnh Bắc Kạn nêu một số đề xuất, kiến nghị với Chính phủ và các bộ, ngành, gồm: Đề nghị Chính phủ tiếp tục triển khai thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP nhằm phát huy hơn nữa hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội. Bổ sung đối tượng vay vốn tín dụng chính sách đối với hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình, tạo điều kiện cho các đối tượng này có điều kiện tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách để sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống và vươn lên làm giàu. Nâng mức cho vay đối với chương trình hộ sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn theo Quyết định số 31/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đối với hộ gia đình từ 50 triệu đồng lên 100 triệu đồng/hộ mà không phải thế chấp tài sản. Nâng mức cho vay tối đa đối với chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn từ 10 triệu đồng/công trình lên 20 triệu đồng/công trình để phù hợp với giá trị xây dựng của thị trường, đảm bảo đáp ứng chi phí cần thiết để hộ dân xây dựng công trình đảm bảo chất lượng. Hằng năm, bổ sung nguồn vốn Quỹ quốc gia về việc làm cho tỉnh.

Đối với NHCSXH, đề nghị hằng năm, bổ sung nguồn vốn cho vay tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm theo Nghị định số 61/2015/NĐ-CP và Nghị định số 74/2019/NĐ-CP cho tỉnh Bắc Kạn có cân nhắc đến yếu tố khó khăn đặc thù của tỉnh Bắc Kạn.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Dương Quyết Thắng, Tổng Giám đốc NHCSXH đánh giá cao kết quả triển khai thực hiện Nghị định 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh. Nhất trí cao với các mục tiêu và giải pháp thực hiện trong giai đoạn từ nay đến năm 2030 được nêu lên tại hội nghị, đồng chí đề nghị tỉnh tiếp tục triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng; triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 19/NQ-TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng cũng đề nghị tỉnh triển khai hiệu quả Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; Nghị quyết số 11/2022/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Đề nghị tỉnh cần xây dựng kế hoạch, đề án tổng thể thực hiện tín dụng chính sách xã hội trên cơ sở điều kiện thực tế của tỉnh để việc tổ chức thực hiện đạt hiệu quả cao.

Đồng chí Hoàng Duy Chinh, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Đồng chí Hoàng Duy Chinh, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Hoàng Duy Chinh, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh ghi nhận, biểu dương kết quả đã đạt được trong triển khai các chương trình cho vay ưu đãi đến hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua. Để tiếp tục thực hiện hiệu quả hơn, chất lượng hơn nữa công tác tín dụng chính sách, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị UBND tỉnh, Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh, Chi nhánh NHCSXH tỉnh cùng các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở tập trung thực hiện các nội dung sau: Tiếp tục tuyên truyền, quán triệt sâu rộng nội dung Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ, Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Chỉ thị số 14-CT/TU ngày 16/10/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy cùng các hướng dẫn, kế hoạch, chương trình hành động của NHCSXH và của tỉnh về tín dụng chính sách xã hội; đẩy mạnh tuyên truyền về vị trí, vai trò, ý nghĩa nhân văn của tín dụng chính sách xã hội trong thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy, chính quyền trong toàn tỉnh cần nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai hoạt động tín dụng chính sách xã hội; phải xác định rõ tín dụng chính sách là nguồn lực quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Cùng với đẩy mạnh hoạt động cho vay, tăng hạn mức vay cần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực ngân hàng để các đối tượng chính sách, người nghèo dễ tiếp cận nguồn vốn; thực hiện thật tốt chủ trương xã hội hóa nguồn vốn tín dụng chính sách, huy động ngày càng nhiều hơn nguồn tiền nhàn rỗi trong dân cư và các tổ chức gửi vào NHCSXH để tạo lập nguồn vốn tín dụng chính sách ngày càng lớn hơn cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác...

Dịp ngày, nhiều tập thể, cá nhân được nhận bằng khen, giấy khen của các cơ quan Trung ương, UBND tỉnh và NHCSXH.

Dịp ngày, nhiều tập thể, cá nhân được nhận bằng khen, giấy khen của các cơ quan Trung ương, UBND tỉnh và NHCSXH.

Ghi nhận thành tích trong triển khai thực hiện Nghị định 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, tại hội nghị, 01 tập thể và 01 cá nhân được Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam tặng Bằng khen; 01 cá nhân được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tặng Bằng khen; 01 cá nhân được Ủy ban Dân tộc tặng Bằng khen; 31 tập thể và 50 cá nhân được UBND tỉnh tặng Bằng khen; 04 cá nhân được NHCSXH vinh danh; nhiều tập thể, cá nhân được Tổng Giám đốc NHCSXH tặng Giấy khen./.

H.V

Nguồn Bắc Kạn: http://baobackan.com.vn/chinh-tri/202209/tong-ket-20-nam-thuc-hien-nghi-dinh-782002nd-cp-cua-chinh-phu-ve-tin-dung-doi-voi-nguoi-ngheo-va-cac-doi-tuong-chinh-sach-khac-4c62970/