Tổng lực đưa 3 tuyến cao tốc về đích dịp 2/9
Trên công trường các tuyến cao tốc Quy Nhơn - Chí Thạnh, Hoài Nhơn - Quy Nhơn và Hòa Liên - Túy Loan (mở rộng), không khí thi công rất sôi nổi. Các tổ đội đang chạy đua với thời gian để đưa ba tuyến cao tốc về đích đúng dịp Quốc khánh 2/9.
"Cân não" gỡ điểm nóng
Trung tuần tháng 5, đại tá Nguyễn Tuấn Anh, Phó Tư lệnh kiêm Phó tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn lại rời Hà Nội vào "điểm nóng" cao tốc Hoài Nhơn - Quy Nhơn.

Thi công cao tốc Quy Nhơn - Chí Thạnh.
Liên tục hơn 4 tháng qua kể từ ngày "nút thắt" mặt bằng chuyển mục đích sử dụng rừng được khơi thông, cứ 15 ngày một lần, lãnh đạo tổng công ty sẽ có mặt tại công địa đôn đốc thi công. Toàn công trường bố trí camera theo dõi, bộ phận nào không đáp ứng sẽ lập tức được thay thế.
Đảm nhận thi công 23,5km tại cao tốc Hoài Nhơn - Quy Nhơn, theo lãnh đạo Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn, "mấu chốt" quyết định sự thành bại của toàn bộ phần việc được giao nằm ở đoạn gần 2,5km chờ chuyển mục đích sử dụng rừng bởi vật liệu đào, đắp phục vụ thi công nền phụ thuộc chủ yếu ở đây.
Khối lượng công việc vô cùng lớn với hơn 2 triệu m3 đất, đá đào đắp, mỗi ngày nhà thầu phải đạt công suất đào 16.000m3, xay nghiền đá khoảng 1.800m3. Năm mũi thi công cùng các máy đào công suất rất lớn được huy động thay vì tổ chức 2 mũi như kế hoạch ban đầu. Cao điểm có ngày, nhà thầu đạt 17.000 - 18.000m3 đào.
Trong nhiều tình huống, nhà thầu phải chấp nhận bù lỗ, mua cấp phối đá dăm thương mại để đẩy tiến độ, sớm có công địa thi công bê tông nhựa. Với chiến thuật "xa trước, gần sau", "dễ trước khó sau", ngay khi có vật liệu, Tổng công ty đã tổ chức lực lượng hai đầu đắp đuổi về giữa, đắp đến đâu làm móng mặt, hệ thống ATGT đến đó.
Trực tiếp thi công 7km tuyến chính, nút giao QL19B và một số hạng mục công trình khác trên cao tốc Hoài Nhơn - Quy Nhơn, đại diện Tập đoàn Phúc Lộc cho biết, tính đến trung tuần tháng 5, sản lượng thực hiện của đơn vị đã đạt 73% giá trị hợp đồng.
Đặt mục tiêu về đích trước 15 - 20 ngày so với mốc 2/9, Tập đoàn đang huy động 200 nhân lực, hơn 100 thiết bị, tổ chức thành 5 mũi thi công ngày đêm. Riêng một số vị trí còn vướng mặt bằng, nhà thầu đã chủ động đứng ra thỏa thuận hỗ trợ người dân để có được mặt bằng thi công sớm.
Bứt tốc ngay khi có mặt bằng, vật liệu
Cũng đang trên chặng đua về đích, tại công trường cao tốc đoạn Quy Nhơn - Chí Thạnh, các nhà thầu cũng đồng loạt bước vào giai đoạn chạy nước rút.
Đứng đầu liên danh thi công hai gói thầu tại dự án, ông Phùng Tuấn Anh, Tổng giám đốc Tập đoàn Xây dựng Đông Dương (trước đây là Tập đoàn Xây dựng 168 Việt Nam) cho biết, gói thầu XL12 (giá trị 800 tỷ đồng) hoàn thành 80%, phấn đấu hoàn thiện toàn bộ vào 30/6/2025, vượt tiến độ yêu cầu.
Gói thầu XL13 có giá trị trên 1.000 tỷ đồng gặp nhiều khó khăn hơn do tháng 10/2024, công tác GPMB mới được địa phương hoàn thành. Với số lượng nhân lực, xe máy thiết bị được huy động gấp 2 lần so với kế hoạch ban đầu, sản lượng thi công của nhà thầu hiện đạt hơn 60% giá trị hợp đồng.
Đồng thời đảm nhiệm vai trò đứng đầu liên danh nhà thầu thi công mở rộng cao tốc Hòa Liên - Túy Loan, Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn cũng đang cùng các nhà thầu bứt tốc tiến độ ngay sau khi nguồn vật liệu được khơi thông.
Theo đại tá Nguyễn Tuấn Anh, dự án có giá trị xây lắp không quá lớn (khoảng gần 900 tỷ đồng) nhưng lại hội tụ các vấn đề phức tạp nhất, đến tết Nguyên đán 2025, nút thắt mặt bằng mới cơ bản được giải quyết; Thủ tục nâng công suất khai thác mỏ đến ngày 29/4 vừa qua mới được chấp thuận.
Sản lượng thi công cải thiện rõ rệt, hiện đạt hơn 60% kế hoạch. Theo hợp đồng, dự án thực hiện trong 30 tháng, song nếu đạt mục tiêu thông tuyến dịp 19/8, thời gian thi công thực tế chỉ khoảng 7 tháng.
Kiên quyết điều chuyển khối lượng nhà thầu chậm
Thông tin tình hình thi công cao tốc Quy Nhơn - Chí Thạnh, ông Bùi Trọng Lai, Giám đốc điều hành dự án cho biết, đến giữa tháng 5, sản lượng thực hiện của các nhà thầu đạt hơn 74% giá trị hợp đồng.
Riêng nhà thầu Công ty CP Hải Đăng có kết quả thi công chưa đáp ứng yêu cầu, Ban QLDA 85 đã điều chuyển một phần khối lượng sang nhà thầu khác trong gói thầu.
Nhận diện "đường găng" của dự án đang nằm ở hạng mục đào đá nền đường thuộc gói thầu XL13 và phạm vi xử lý đất yếu gói thầu XL12, lãnh đạo ban điều hành đã yêu cầu các nhà thầu bổ sung máy móc thiết bị thi công ban đêm, đẩy nhanh công tác nổ mìn, bốc xúc.
Tại dự án đoạn Hoài Nhơn - Quy Nhơn, ông Vương Đình Đồng, Phó giám đốc Ban QLDA 85 cho biết, với 86 mũi thi công, hơn 500 đầu thiết bị, gần 800 nhân sự được huy động, sản lượng thi công toàn dự án đến nay đạt hơn 72% giá trị hợp đồng, nhanh so với kế hoạch.
Mấu chốt của dự án hiện tại là đoạn tuyến qua rừng tự nhiên từ Km18+650 - Km21+100 thuộc gói thầu XL11 với hơn 1 triệu m3 đào đắp cần tiếp tục xử lý. Khối lượng này đang được nhà thầu ngày đêm thực hiện.
Đại diện Cục Kinh tế - Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, thực hiện chỉ đao của Thủ tướng Chính phủ, những ngày qua, lãnh đạo Bộ Xây dựng đã liên tục có mặt tại hiện trường các dự án cao tốc có kế hoạch thông xe dịp 19/8 và 2/9 trực tiếp đôn đốc tiến độ, trao đổi với địa phương, chủ đầu tư các giải pháp tháo gỡ vướng mắc còn tồn tại.
Theo Cục Kinh tế - Quản lý đầu tư xây dựng, tính đến nay, dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 đã đưa vào khai thác tổng chiều dài 208km thuộc 4 dự án thành phần: Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng, Bùng - Vạn Ninh và 70km đoạn Vân Phong - Nha Trang.
Cùng với các dự án có kế hoạch thông xe 2/9 (Hoài Nhơn - Quy Nhơn, Quy Nhơn - Chí Thạnh, mở rộng cao tốc Hòa Liên - Túy Loan), tháng 6/2025, 13km còn lại của đoạn Vân Phong - Nha Trang sẽ hoàn thành và thông xe tuyến chính 2 dự án thành phần: Vũng Áng - Bùng, Vạn Ninh - Cam Lộ.
Cao tốc Hoài Nhơn - Quy Nhơn dài hơn 70km đi qua tỉnh Bình Định. Tổng mức đầu tư hơn 12.400 tỷ đồng.
Cao tốc Quy Nhơn - Chí Thạnh có tổng chiều dài gần 62km đi qua địa bàn Bình Định và Phú Yên, tổng mức đầu tư hơn 14.800 tỷ đồng.
Dự án nâng cấp mở rộng cao tốc Hòa Liên - Túy Loan có chiều dài 11,5km trên địa phận TP Đà Nẵng, tổng mức đầu tư hơn 2.100 tỷ đồng.