Tổng lượng trái phiếu phát hành ra công chúng trong tháng 1 đến từ nhóm ngân hàng
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong tháng 1/2025 trầm lắng với tổng giá trị phát hành chỉ đạt hơn 5.000 tỷ đồng. Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài phần nào ảnh hưởng đến hoạt động huy động vốn, trong khi điểm đáng chú ý là toàn bộ lượng trái phiếu phát hành đều theo hình thức công chúng, với sự góp mặt chủ yếu từ nhóm ngân hàng.
Tối ưu hóa công nghệ để thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu bền vững Ngân hàng dẫn dắt thị trường trái phiếu, phát hành kỳ hạn dài tiếp tục sôi động
Cụ thể, theo phân tích của nhóm các chuyên gia từ Công ty CP FiinGroup, tính đến cuối tháng 1/2025, trên thị trường sơ cấp, tổng giá trị lưu hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đạt gần 1.264 nghìn tỷ đồng, giảm nhẹ 1,1% so với tháng 12/2024. Sự suy giảm này chủ yếu xuất phát từ quy mô phát hành mới, hoạt động mua lại và đáo hạn đều giảm sút.
Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm 2024, tổng giá trị lưu hành TPDN vẫn ghi nhận mức tăng trưởng nhẹ 1,9%. Hoạt động phát hành trong tháng phần nào chịu ảnh hưởng từ kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài một tuần, từ ngày 25/1 - 31/1/2025, khiến tiến độ huy động vốn có phần chậm lại.

Xét theo loại hình phát hành, TPDN riêng lẻ chiếm ưu thế với 89,1% tổng giá trị, tương đương hơn 1.126 tỷ đồng, giảm 1,6% so với cuối tháng 12/2024. Ngược lại, TPDN phát hành công chúng chỉ chiếm 10,9%, tương đương 137.700 tỷ đồng, nhưng lại ghi nhận mức tăng trưởng 3,2% so với tháng trước và 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, toàn bộ lượng trái phiếu phát hành trong tháng 1 đều thuộc loại hình phát hành công chúng, trong khi không có bất kỳ đợt phát hành riêng lẻ nào được ghi nhận.
Xét theo nhóm ngành, ngân hàng tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu, chiếm 44% tổng giá trị lưu hành TPDN toàn thị trường, theo sau là bất động sản với tỷ trọng 28,9%, du lịch và giải trí đạt 6,2%.
Tổng giá trị phát hành TPDN trong tháng 1/2025 đạt 5.550 tỷ đồng, giảm mạnh 93,2% so với tháng trước và 27% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức phát hành thấp nhất trong 11 tháng gần đây. Đặc biệt, trong tháng không có bất kỳ đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ nào.
Cũng trong tháng, tổng cộng có 4 đợt phát hành TPDN, tất cả đều thuộc loại hình phát hành công chúng. Mức lãi suất coupon bình quân dao động từ 6,3%/năm đối với nhóm ngân hàng đến 8,5%/năm đối với nhóm phi ngân hàng. Mặc dù tổng giá trị phát hành thấp, hoạt động huy động vốn qua kênh phát hành công chúng vẫn đạt mức cao nhất trong 5 tháng gần đây, gấp 7 lần so với tháng trước và tăng nhẹ 2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhóm ngân hàng huy động được hơn 5.200 tỷ đồng qua phát hành trái phiếu trong tháng 1, chiếm 94,6% tổng giá trị phát hành mới trên toàn thị trường. Tuy nhiên, so với tháng 12/2024, con số này đã giảm mạnh 82,7%, đánh dấu mức phát hành thấp nhất của ngành trong 10 tháng gần đây. Tất cả các đợt phát hành trong tháng đều đến từ 2 ngân hàng.
Trái ngược với ngành ngân hàng, nhóm phi ngân hàng ghi nhận sự sụt giảm mạnh về hoạt động phát hành trái phiếu, với tổng giá trị chỉ đạt 300 tỷ đồng, mức thấp nhất trong hơn một năm qua. Sự sụt giảm mạnh này có thể một phần do yếu tố mùa vụ, khi kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài khiến tiến độ huy động vốn bị đình trệ.
Ngoài ngành chứng khoán, không có ngành nào khác ghi nhận đợt phát hành mới trong tháng 1, điều này phản ánh những thách thức trong việc huy động vốn của các doanh nghiệp bất động sản – nhóm từng chiếm tỷ trọng lớn trong các tháng trước. Toàn bộ giá trị phát hành mới của nhóm phi ngân hàng trong tháng 1/2025 thuộc về Công ty Chứng khoán DNSE, với lô trái phiếu đầu tiên có giá trị 300 tỷ đồng, lãi suất 8,5%/năm và kỳ hạn 2 năm.
Bên cạnh đó, hoạt động mua lại trước hạn cũng có nhiều biến động. Tổng giá trị mua lại TPDN trong tháng 1 đạt 14.200 tỷ đồng, giảm 65,3% so với tháng trước, chủ yếu do sự sụt giảm mạnh từ ngành ngân hàng (91,2%). Tuy nhiên, nếu so với tháng 1/2024, quy mô mua lại tăng mạnh 52% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong tháng, các ngân hàng đã mua lại trước hạn 3.000 tỷ đồng trái phiếu, chỉ bằng một phần ba so với giá trị mua lại trung bình hàng tháng trong năm 2024.
Ngược lại, lĩnh vực bất động sản vượt ngân hàng, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong hoạt động mua lại với tổng giá trị hơn 9.000 tỷ đồng, tăng mạnh 89,5% theo tháng và 184% theo năm.
Bên cạnh đó, dữ liệu từ hệ thống FiinPro-X đến ngày 19/2/2025 cho thấy, tổng giá trị thanh toán gốc và lãi trái phiếu từ đầu năm đã đạt 11.600 tỷ đồng. Đáng chú ý, trong tháng 1, không có trường hợp chậm trả hay vi phạm tín dụng nào được ghi nhận. Dòng tiền phải trả từ trái phiếu trong tháng 3 ước tính khoảng 20.700 tỷ đồng, nâng tổng giá trị thanh toán gốc và lãi trong quý I lên 35.500 tỷ đồng, chiếm 11% tổng nghĩa vụ thanh toán trái phiếu dự kiến cho cả năm 2025.
Trên thị trường thứ cấp, tổng giá trị giao dịch TPDN trong tháng 1 đạt 86.900 tỷ đồng, tương đương 5.110 tỷ đồng/ngày, giảm 20% so với tháng trước nhưng tăng 34,6% so với cùng kỳ năm 2024. Khối lượng giao dịch tương đương 6,9% tổng giá trị TPDN lưu hành, thấp hơn mức 11% trong tháng 12/2024.
Trái phiếu ngân hàng và bất động sản chiếm 73,3% tổng giá trị giao dịch, với kỳ hạn chủ yếu từ 3-5 năm. Đáng chú ý, giá trị giao dịch của ngành du lịch và giải trí bất ngờ tăng mạnh, đạt 11.100 tỷ đồng, tăng 20% theo tháng và 84% theo năm./.