Tống Phước Trị, người góp phần vào việc mở đất phương Nam

Là khai quốc công thần thời Nguyễn, công trạng của Tống Phước Trị được ghi chép rất rõ ràng trong các bộ chính sử. Tuy nhiên, về tiểu sử và hành trạng của ông vẫn là một dấu hỏi lớn, thậm chí nơi thờ ông ở ngay mảnh đất quê hương cũng chỉ còn lại dấu tích ít ỏi.

Nằm trên vùng đất xã Hà Sơn, nơi có bề dày lịch sử, văn hóa, giao điểm của Thanh kê ngũ huyện, thôn Song Nga, nơi hiện có nhà thờ họ Tống, vẫn giữ được nét quê làng cũ.

Nằm trên vùng đất xã Hà Sơn, nơi có bề dày lịch sử, văn hóa, giao điểm của Thanh kê ngũ huyện, thôn Song Nga, nơi hiện có nhà thờ họ Tống, vẫn giữ được nét quê làng cũ.

Sách Đại Nam liệt truyện tiền biên cho biết: Tống Phước Trị là người Quý huyện (tức huyện Tống Sơn, không rõ làng xã), trấn Thanh Hoa, làm chức trấn phủ Thuận Hóa (tức Thừa Thiên Huế ngày nay), tước Luân Quận công dưới triều Lê Trung hưng vào khoảng nửa đầu thế kỷ XVI.

Vốn là người đức độ, làm chính sự theo đường lối khoan hòa, giản dị, vì thế, trong thời gian trấn phủ Thuận Hóa, Tống Phước Trị rất được lòng dân, trăm họ đều yêu mến, tôn xưng là “Bản xứ công”, hay là “ông xứ này” (nghĩa là ông trấn thủ ở đây).

Vào khoảng năm 1550, vua Lê (Trung Tông Vũ Hoàng Đế) xét đất Thuận Hóa và Quảng Nam cần phải có tướng giỏi làm trấn thủ để giữ yên dân chúng, bảo vệ bờ cõi, đề phòng quân Mạc vào cướp phá; Thái sư Trịnh Kiểm tiến cử Bùi Tá Hán và Tống Phước Trị. Vua Lê phong Bùi Tá Hán làm Trấn Quận công trấn thủ phủ Quảng Nam, Tống Phước Trị làm Luân Quận công trấn thủ phủ Thuận Hóa.

Đến tháng 11 năm Mậu Ngọ (1558), theo lệnh của vua Lê - chúa Trịnh, Đoan Quốc công Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa - miền đất được coi là “Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân” (nghĩa là một dải núi ngang có thể dung thân muôn đời!). Đi theo Nguyễn Hoàng gồm có tướng sĩ bản bộ của ông và vợ con của họ trong đó có rất nhiều người Thanh Hóa (chủ yếu là huyện Tống Sơn) theo đường biển ra cửa Đại An, vượt Đông Hải tiến thẳng vào Cửa Việt đến đóng quân trên một cồn cát thuộc xã Ái Tử, huyện Vũ Xương (nay là huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị), bên bờ sông Thạch Hãn. Vì là người có cùng quê gốc là “Quý huyện” (huyện Tống Sơn) với Nguyễn Hoàng, hơn nữa lại trọng tài đức của vị “Thái tổ Hoàng đế nhà Nguyễn” (tức Nguyễn Hoàng), Tống Phước Trị đã nhanh chóng dâng ngay sổ sách, bản đồ trong cõi Thuận Hóa lên vị quan trấn thủ mới. Sau đó, Tống Phước Trị cùng với Uy Quốc công Nguyễn Ư Dĩ (cậu ruột của Nguyễn Hoàng) và Thống binh Mạc Cảnh Huống đồng tâm phụ tá “góp mưu nơi màn trướng”, “khởi xướng mưu lớn”, “nhiều phương trù hoạch để dựng nghiệp vương”, giúp đỡ Nguyễn Hoàng trong việc cai trị và mở mang xứ Thuận Hóa và xứ Quảng Nam thời bấy giờ.

Đình làng Song Nga là địa chỉ mà tất cả các dòng họ trong thôn quy tụ về đây sinh hoạt cộng đồng.

Đình làng Song Nga là địa chỉ mà tất cả các dòng họ trong thôn quy tụ về đây sinh hoạt cộng đồng.

Cũng trong sách Đại nam thực lục tiền biên có chép: “Mùa thu tháng Tám năm Kỷ Mùi (1559). Bấy giờ mọi việc bắt đầu. Chúa (tức Nguyễn Hoàng) khuya sớm chăm lo nghĩ việc củng cố căn bản. Nguyễn Ư Dĩ cùng bọn Tống Phước Trị (bấy giờ gọi là Luân Quận công), Mạc Cảnh Huống cùng lòng hợp sức, quy hoạch nhiều phương. Chúa đều thành thục tin dùng”. Về sau, Tống Phước Trị ốm rồi qua đời khi đang tại chức.

Như vậy, cuộc đời làm quan của Tống Phước Trị công lớn là giúp họ Nguyễn xây dựng một vương triều mới, góp phần mở đầu, tạo nên những điều kiện cho sự phát triển ở đất Đàng Trong. Dưới sự quản lý của các chúa Nguyễn, vùng đất phía Nam của đất nước đã hoàn toàn thay đổi diện mạo, tất nhiên trong sự phát triển và thịnh vượng ấy có công lao của Tống Phước Trị. Sau khi ông qua đời, triều đình dựng đền thờ, cấp ruộng tế tự, cử phu coi mộ. Con cháu ông đều thành đạt, vinh hiển.

Là người nghiên cứu về Tống Phước Trị qua rất nhiều tư liệu và điền dã, TS Phạm Văn Tuấn, trong bài Luân Quốc công Tống Phước Trị với chúa Nguyễn và đền thờ ông ở quê hương Tống Sơn in trong tập kỷ yếu hội thảo Chúa Nguyễn và Vương triều Nguyễn trong lịch sử Việt Nam từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX cho rằng: Trước năm 60 của thế kỷ XX, ở sườn núi Trạch Lâm (xưa thuộc tổng Trung Bạn, huyện Tống Sơn nay thuộc xã Quang Trung, thị xã Bỉm Sơn) có “Miếu Luân Quốc công Đại vương”. Điều này cũng đã được ghi chép trong sách “Thanh Hóa chư thần lục” của Quốc sử quán triều Nguyễn, biên chép thần hiệu các vị dương thần và âm thần các địa hạt trong tỉnh Thanh Hóa thờ phụng, có ghi mục “Thiếu úy Luân Quận công tôn thần, thôn Hạ Trù, huyện Tống Sơn thờ”. Nơi đây đã được xem là thờ Tống Phước Trị, tuy nhiên, đến nay, miếu thờ ấy cũng không còn.

Thôn Song Nga, xã Hà Sơn đang phấn đấu đạt NTM kiểu mẫu trong thời gian tới.

Thôn Song Nga, xã Hà Sơn đang phấn đấu đạt NTM kiểu mẫu trong thời gian tới.

Lần theo manh mối về dòng họ Tống, chúng tôi được biết ở thôn Song Nga, xã Hà Sơn (Hà Trung) có rất đông người thuộc dòng họ Tống sinh sống, cụ thể là có 8 nhánh họ Tống. Và chúng tôi đã tìm đến nhà anh Tống Quang Văn, Bí thư chi bộ thôn Song Nga. Anh Văn cho biết: Tôi từng nghe các cụ nói về cụ Tống Phước Trị. Tiếc là gia phả của dòng họ đã bị mất từ năm 1971, do khi người cháu mang ra Hà Nội để dịch từ văn bản chữ Hán sang quốc ngữ. Anh cũng xác nhận trước đây do giao thông đi lại khó khăn, một nhánh con cháu họ Tống ở xã Quang Trung (thị xã Bỉm Sơn) đã lập nhà thờ hay miếu thờ gì đó. Song, về sau tất cả đều dồn về nhà thờ tại gia đình anh để cúng các cụ.

Về mặt tư liệu lịch sử có thể chưa đầy đủ nhưng đã hé mở được những băn khoăn về con cháu của cụ Tống Phước Trị trên đất xứ Thanh. TS Phạm Văn Tuấn cho rằng: Đã đến lúc chúng ta phải nhìn nhận, đặt đúng vị trí của Luân Quận công Tống Phước Trị trong tiến trình phát triển của lịch sử dân tộc để có những hành động thiết thực như phục dựng, tôn tạo lại đền thờ, khai thác và phát huy những giá trị của di tích và quê hương vào việc xây dựng nền văn hóa dân tộc...

Bài và ảnh: Kiều Huyền

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/tong-phuoc-tri-nbsp-nguoi-gop-phan-vao-viec-mo-dat-phuong-nam-31426.htm