Tổng quan nguồn cát đắp nền cấp cho cao tốc Cần Thơ - Cà Mau
Sau những lùm xùm liên quan khai thác cát trái phép ở An Giang, nguồn cát phục vụ thi công cao tốc Cần Thơ - Cà Mau trở nên khan hiếm.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, An Giang và Đồng Tháp mỗi tỉnh cung cấp 7 triệu m3 cát đắp nền để phục vụ thi công cao tốc Cần Thơ - Cà Mau...
Đồng Tháp trách nhiệm
Báo cáo tại buổi làm việc với Bộ Giao thông vận tải (GTVT) ngày 29/1/2024, ông Nguyễn Phước Thiện, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, để cung ứng đủ 7 triệu m3 cát theo yêu cầu, tỉnh đã tăng 50% công suất các giấy phép và giới thiệu tổng cộng 8 mỏ cát mới cho nhà thầu thi công cao tốc xác lập hồ sơ khai thác theo cơ chế đặc thù.
Tổng khối lượng cung cấp cho cao tốc Cần Thơ - Cà Mau đến hết ngày 27/1/2024 hơn 1,7 triệu m3. Cụ thể tăng 50% công suất các giấy phép khai thác trong năm 2023 và đã cung ứng xong 974.706m3.
Đối với 8 mỏ cát giới thiệu cho nhà thầu theo cơ chế đặc thù, trong đó có một mỏ cát qua khoan thăm dò đánh giá không đủ chất lượng nên không tiếp tục thực hiện thủ tục khai thác.
Hiện trên địa bàn tỉnh có năm mỏ cát được các nhà thầu thi công cao tốc trực tiếp khai thác, với tổng trữ lượng gần 3,5 triệu m3. Số lượng khai thác của năm mỏ này đến ngày 27/1/2024 là 765.128,97m3.
Với hai mỏ còn lại, tổng trữ lượng cát đưa vào khai thác hơn 2,7 triệu m3 hiện đã cơ bản hoàn thành thủ tục. Và trong ngày 3/2/2024, Tổng công ty Xây dựng số 1 - CTCP chi nhánh CC1 tại Đồng Tháp sẽ tổ chức khởi công khai thác mỏ cát tại xã Phú Thuận B, huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp).
Cái khó hiện nay mà Đồng Tháp vướng phải là cơ chế đặc thù thủ tục mới lần đầu áp dụng trong quản lý và khai thác cát cung ứng cho công trình cao tốc. Nhiều thủ tục cần phải làm rõ để thực hiện đảm bảo theo quy định.
Cát sông được tạo ra từ quá trình bào mòn do dòng chảy và vận chuyển từ các quốc gia thượng nguồn theo dòng nước về hạ nguồn.
Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều quốc gia thượng nguồn xây rất nhiều đập thủy điện làm giảm đáng kể lượng nước và phù sa đổ về Việt Nam. Từ đó lượng cát sông bồi đắp hàng năm cũng giảm theo.
Việc khai thác cát tại địa phương này vận chuyển qua nhiều địa phương khác để đến công trình (với hàng trăm thiết bị, sà lan vận chuyển), rất dễ xảy ra sai sót, tiêu cực trong quá trình vận chuyển.
"Tỉnh kiến nghị Bộ Giao thông vận tải (GTVT) phối hợp Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đánh giá tổng thể tác động về lưu lượng dòng chảy, lượng tài nguyên có thể khai thác để việc quản lý và khai thác chặt chẽ, bền vững và hiệu quả hơn.
Đồng thời, các đơn vị liên quan cần chủ động phối hợp Sở TN&MT tỉnh Đồng Tháp chọn lựa một đơn vị chuyên môn để giám sát thường xuyên tính ổn định của đường bờ, cảnh báo nguy cơ sạt lở và khuyến cáo các hình thức khai thác phù hợp diễn biến lòng sông.
Sớm trình Chính phủ ban hành nghị định thay thế Nghị định số 159/2018/NĐ-CP ngày 28/11/2018 quy định hoạt động nạo vét vùng nước cảng biển, vùng nước đường thủy nội địa. Đề xuất quy định, hướng dẫn cụ thể đối với trường hợp nạo vét các bãi bồi, cồn nổi nhằm khơi thông dòng chảy, hạn chế sạt lở bờ đối diện, kết hợp thu hồi sản phẩm (cát, cát lẫn bùn, bùn,...) để phục vụ san lấp các công trình, dự án", ông Thiện cho biết thêm.
An Giang nỗ lực
Bà Nguyễn Thị Minh Thúy, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang thông tin, được Thủ tướng Chính phủ giao cấp 7 triệu m3 cho cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, đến nay, tỉnh đã phân bổ từ dự án nạo vét sông Vàm Nao (do Liên doanh Công ty TNHH MTV Môi trường Vạn Hưng Tùng và Công ty TNHH TM-DV DNU thực hiện) với khối lượng 1,5 triệu m3. Và đến ngày 17/1/2024 đã cung cấp cho công trình 281.520 m3.
Đối với năm mỏ cát mới, gồm: Mỏ cát trên sông Tiền thuộc xã Phú An, huyện Phú Tân có diện 28,93ha giao cho Tổng Công ty 36 CTCP khai thác.
Mỏ cát trên sông Hậu thuộc xã Bình Thủy, huyện Châu Phú - xã Bình Thạnh Đông, xã Tân Hòa, xã Tân Trung, huyện Phú Tân có diện tích 57,36ha do Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn thực hiện.
Mỏ cát trên sông Hậu thuộc xã Mỹ Phú, huyện Châu Phú và xã Phú Bình, huyện Phú Tân có diện tích 25,14ha giao cho do Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn khai thác.
Hai mỏ cát trên sông Hậu thuộc xã Khánh Hòa, huyện Châu Phú và xã Hòa Lạc, huyện Phú Tân do Công ty CP Xây dựng Tân Nam (33,74ha) và Công ty CP Hải Đăng (54,54ha) thực hiện.
Những mỏ cát này đã được các nhà thầu thi công cao tốc khảo sát, đánh giá trữ lượng theo cơ chế đặc thù, với trữ lượng khoảng 5,2 triệu m3. Thế nhưng, qua đánh giá của cơ quan chuyên môn, các mỏ cát này đã phải cắt giảm diện tích nhằm đảm bảo khoảng cách xa bờ, khối tài nguyên để lại trụ bảo vệ.
Như vậy, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 175/TB-VPCP ngày 11/5/2023 thì An Giang còn thiếu khoảng 304.000m3 cát phân bổ cho cao tốc Cần Thơ - Cà Mau.
Ông Lê Văn Nưng, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh An Giang cho biết: "Trước đây, An Giang đủ điều kiện để cung cấp nguồn cát để thực hiện dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau.
Tuy nhiên thời gian qua, nguồn cát khan hiếm do lượng phù sa bồi đắp từ thượng nguồn sông Mê Kông ngày càng ít. Chưa kể tại khu vực đang triển khai đồng loạt nhiều dự án khác".
Ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban quản lý dự án (QLDA) Mỹ Thuận cho biết, dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau kết nối nhiều tỉnh ĐBSCL. Giai đoạn 1, dự án có tổng mức đầu tư hơn 27.200 tỷ đồng, chia làm hai dự án thành phần gồm Cần Thơ - Hậu Giang dài 36,7km, vốn đầu tư trên 9.700 tỷ đồng và đoạn Hậu Giang - Cà Mau dài 72,8km, vốn gần 17.500 tỷ đồng. Tổng nhu cầu cát cho toàn dự án khoảng khoảng 18,46 triệu m3.
Dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau kết nối nhiều tỉnh ĐBSCL. Giai đoạn 1, dự án có tổng mức đầu tư hơn 27.200 tỷ đồng, chia làm hai dự án thành phần gồm Cần Thơ - Hậu Giang dài 36,7km, vốn đầu tư trên 9.700 tỷ đồng và đoạn Hậu Giang - Cà Mau dài 72,8km, vốn gần 17.500 tỷ đồng.
Công trình khởi công ngày 1/1/2023, dự kiến hoàn thành đầu năm 2026. Tổng nhu cầu cát cho toàn dự án khoảng 18,1 triệu m3. Riêng năm 2023 cần 9,1 triệu m3 và năm 2024 cần 9 triệu m3.