Tòng Sành: Một điểm trường và 6 hộ dân cần sớm được di dời

Vừa thấy những giọt mưa lộp độp trên mái tôn nứt nẻ, anh Lý Láo Tả, thôn Láo Vàng Chải, xã Tòng Sành, huyện Bát Xát lại nghe thông tin dự báo trong hai ngày tới sẽ có mưa lớn nên vội vàng xếp quần áo cùng vợ con đến nhà bố mẹ đẻ của anh để ngủ nhờ.

Đã nhiều tháng qua, mỗi khi trời mưa, hộ anh Tả cùng nhiều hộ khác trong thôn không dám ở trong nhà mà phải đi ở nhờ họ hàng, làng xóm, bởi trên tường, nền nhà, ngoài hè, sân đều xuất hiện nhiều vết nứt.

Sống trong lo sợ

Dẫn chúng tôi đến xem vết nứt chạy ngang dọc trên tường trong ngôi nhà cấp 4 lợp tôn, anh Lý Láo Tả kể lại: Sau thời gian dài tích cóp, năm 2015, vợ chồng tôi mới đủ tiền để dựng căn nhà này trong niềm hạnh phúc. Ngôi nhà xây lợp tôn chắc chắn đã hiện thực hóa giấc mơ an cư lạc nghiệp của gia đình. Một buổi sáng tháng 5 vừa qua, khi ngủ dậy, tôi thấy góc nhà có một vết nứt nhỏ như sợi chỉ chạy dọc khoảng 10 cm, rồi vết nứt càng ngày càng lớn, đến nay rộng 3 - 5 cm chạy thành những đường dọc ngang trên nền nhà. Gia đình tôi rất lo lắng, có nhà nhưng không dám ở vì sợ tường sập bất cứ lúc nào.

Trong ngôi nhà rộng rãi được xây dựng theo kiểu truyền thống của người Dao, bà Lý Mùi Lai cũng hết sức lo lắng vì vết nứt trên bức tường sau nhà. Vết nứt chưa lớn nhưng lo sợ tường sập khi trời mưa, bà Lai cùng các con phải sang nhà mẹ đẻ ngủ nhờ mỗi khi nghe dự báo thời tiết có mưa to. Hoàn cảnh của gia đình bà Lai rất khó khăn, bà Lai mong muốn có phương án hỗ trợ di dời để bà chuyển đến nơi ở mới, chấm dứt tình trạng sống trong thấp thỏm, lo âu như hiện nay.

Cùng cảnh với các hộ dân, điểm trường Láo Vàng Chải có 2 lớp tiểu học và 2 lớp mầm non với 75 học sinh cũng đang xuất hiện những vết nứt nhỏ trên tường. Cô giáo Vũ Thủy Vân bày tỏ lo lắng cho sự an toàn của những đứa trẻ đang học tại phân hiệu. Vết nứt ngày một lớn dần, chẳng ai biết trước điều gì có thể xảy ra. Cạnh đó, chiếc cột của nhà văn hóa thôn cũng nứt toác như muốn gãy gập bất cứ lúc nào.

Điểm trường Láo Vàng Chải được xác định nằm trong khu vực bị ảnh hưởng.

Điểm trường Láo Vàng Chải được xác định nằm trong khu vực bị ảnh hưởng.

Con đường giao thông nông thôn vào thôn Láo Vàng Chải dài hơn 1 km được đưa vào sử dụng từ năm 2019 cũng bị nứt, sụt. Để hoàn thiện con đường, người dân đã phải chở từng bao vật liệu xây dựng vào thôn. Khó khăn là vậy, nhưng nhờ sự chung sức, đồng lòng, con đường đổ bê tông cuối cùng cũng hoàn thiện, trời mưa không lo trơn trượt, trẻ em đến trường được thuận lợi hơn, kết nối giao thông từ Láo Vàng Chải ra trung tâm xã và các thôn khác cũng trở nên thuận tiện.

Nhưng tháng 7/2022, người dân phát hiện có vết nứt cách đường khoảng 3 m, đến tháng 9/2022 thì đường bê tông bị sạt một đoạn khoảng 15 m, có đoạn cảm giác chỉ còn mặt bê tông dính tạm vào, trong khi nền bên dưới bị khoét sâu khiến cho việc đi lại của người dân gặp nguy hiểm.

Hằng ngày, người dân vẫn đi lại trên con đường bê tông bị đứt gãy.

Hằng ngày, người dân vẫn đi lại trên con đường bê tông bị đứt gãy.

Cần sớm có giải pháp di dời các hộ dân đến nơi an toàn

Ông Chảo Hùng Phẩy, Chủ tịch UBND xã cho biết: Nguyên nhân ban đầu của tình trạng sụt sạt là do nhà thầu san gạt để thi công gói thầu XL02 “thi công xây lắp Tỉnh lộ 155 đoạn Km6+760 - Km9+362” thuộc Dự án xây dựng đường nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai đến thị xã Sa Pa. Quá trình san gạt, thi công trên nền kết cấu đất yếu dẫn đến xảy ra tình trạng trên. Trước tình hình đó, UBND xã đề nghị chủ đầu tư chỉ đạo đơn vị thi công có biện pháp an toàn, hạn chế sạt lở đất của các hộ dân.

Ngày 1/8/2022, UBND xã Tòng Sành đã mời các bên liên quan đến làm việc gồm Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Phòng Tài nguyên và Môi trường; Trung tâm Phát triển quỹ đất; đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông; đại diện Công ty Cổ phần Đầu tư BOT Lào Cai - Sa Pa; đại diện tư vấn giám sát Công ty Cổ phần tư vấn Thăng Long - INCC; đại diện nhà thầu thi công Công ty TNHH xây dựng và thương mại Tâm Trí và đại diện các hộ gia đình trong vùng bị ảnh hưởng nằm ngoài phạm vi đã được GPMB.

Buổi làm việc có biên bản với chữ ký xác nhận của các bên. Tại hiện trường gói thầu XL02 “thi công xây lắp Tỉnh lộ 155 đoạn Km6+760 - Km9+362” thuộc Dự án xây dựng đường nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai đến thị xã Sa Pa, các bên đã tiến hành kiểm tra thực địa nhằm xác định phần diện tích đất đai và tài sản trên đất đã sạt lở và phần diện tích đất có nguy cơ sạt lở. Theo đó, xác định phần sạt lở và có nguy cơ sạt lở thuộc km9+318 - km9+362 hiện đang bị sạt taluy dương, khoảng cách từ tim đường đến vị trí đỉnh taluy đã sạt đất đá xuống lòng đường khoảng 44 m. Hiện trạng phần diện tích đất có nguy cơ sạt lở từ vị trí lán của gia đình ông Lý Củi Sìn đến đường giao thông thôn Láo Vàng Chải với chiều dài khoảng 145 m đang có hiện tượng cung trượt với vết nứt có chỗ rộng nhất khoảng 45 cm, chiều sâu vết nứt khoảng 1,5 m. Khu vực này toàn bộ là đất nông nghiệp người dân đang canh tác.

Nhà văn hóa thôn Láo Vàng Chải có chiếc cột nứt ngang, sắp gãy.

Nhà văn hóa thôn Láo Vàng Chải có chiếc cột nứt ngang, sắp gãy.

Tuy nhiên, trong biên bản làm việc với đầy đủ ý kiến của các bên lại chưa thống nhất được phương án giải quyết triệt để, mà chỉ yêu cầu chính quyền xã theo dõi thời tiết, sơ tán các hộ dân ra khỏi vùng nguy cơ trượt sạt khi có mưa lớn.

Km9+318 - Km9+362 thuộc gói thầu XL02 bị sạt taluy dương, gần đó có một số hộ dân thôn Láo Vàng Chải đang sinh sống.

Km9+318 - Km9+362 thuộc gói thầu XL02 bị sạt taluy dương, gần đó có một số hộ dân thôn Láo Vàng Chải đang sinh sống.

Đến ngày 12/9/2022, UBND xã Tòng Sành đã có văn bản số 69/BC-UBND gửi UBND huyện Bát Xát, Phòng Giáo dục và Đào tạo, Phòng Tài nguyên và Môi trường, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện báo cáo tình trạng sụt lún, mất an toàn cho các hộ dân và điểm trường thôn Láo Vàng Chải. Nội dung báo cáo hiện trạng điểm sụt xác định vào ngày 1/8/2022 giữa các bên đã lan rộng sang phần diện tích đất ruộng của hộ gia đình ông Lý Củi Sìn khiến một lán để nông sản bị sụt, UBND xã đã vận động người dân tháo dỡ, di dời tài sản đến nơi an toàn. Diện tích đất rừng của các hộ ông, bà: Lý Diếu Sào, Lý Củi Siểu, Lý Diếu Siểu, Lý Mùi Lai (khoảng 2 ha) cũng bị nứt, lún, vết nứt rộng 15 - 60 cm; nứt và sạt 15 m đường bê tông liên thôn. Phân hiệu Láo Vàng Chải xuất hiện 3 điểm nứt dài khoảng 50 cm. Trong vùng sụt lún có 6 hộ dân đang sinh sống, nguy hiểm đến tính mạng.

Gần đây nhất, các sở, ngành liên quan cùng chủ đầu tư dự án tiếp tục có buổi làm việc với UBND xã Tòng Sành để thống nhất phương án khắc phục tạm thời là dựng nhà tạm tránh bằng tôn rộng 20 - 25 m2/căn, những ngày mưa, người dân trong vùng nguy hiểm có thể tạm trú ở đây. Nhưng vấn đề sơ tán hay tạm trú ở những ngôi nhà trú ẩn chỉ là giải pháp tạm thời, điều người dân cần lúc này là giải pháp có tính lâu dài, họ cần ở nơi ở ổn định, an toàn, bởi có an cư thì mới có thể chuyên tâm cho việc làm ăn.

Người dân mong muốn cơ quan chức năng sớm có giải pháp để ổn định cuộc sống.

Người dân mong muốn cơ quan chức năng sớm có giải pháp để ổn định cuộc sống.

Dự án xây dựng đường nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai với thị xã Sa Pa là dự án giao thông trọng điểm, được triển khai nhằm giảm áp lực giao thông cho tuyến Quốc lộ 4D, rút ngắn thời gian di chuyển giữa thành phố Lào Cai và thị xã Sa Pa, đồng thời giảm nguy hiểm cho các phương tiện tham gia giao thông trên tuyến.

Người dân xã Tòng Sành luôn đồng thuận với chủ trương triển khai dự án và thực tế Tòng Sành là một trong số các địa phương đã sớm bàn giao mặt bằng sạch cho dự án. Việc sạt lở, sụt lún trong quá trình thi công là điều không ai mong muốn, điều quan trọng cần làm ngay lúc này là các bên liên quan sớm thống nhất phương án hỗ trợ di dời cho người dân và phân hiệu Láo Vàng Chải để 6 hộ dân và 75 học sinh không phải hằng ngày sống trong cảnh thấp thỏm, lo âu.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/361518-tong-sanh-mot-diem-truong-va-6-ho-dan-can-som-duoc-di-doi