Tổng thống Donald Trump cảnh báo áp thuế mới với nhóm BRICS

Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ áp thuế bổ sung 10% đối với hàng hóa nhập khẩu từ các quốc gia thuộc nhóm BRICS, trong bối cảnh khối kinh tế mới nổi này tiếp tục mở rộng và thúc đẩy giao dịch không dùng đồng USD.

Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng, Washington, D.C. Ảnh: THX/TTXVN

Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng, Washington, D.C. Ảnh: THX/TTXVN

Theo kênh CNN ngày 10/7, Tổng thống Donald Trump gần đây đã tuyên bố bất kỳ quốc gia nào “ủng hộ các chính sách chống Mỹ của BRICS” sẽ phải chịu mức thuế nhập khẩu bổ sung 10% và sẽ không có ngoại lệ. Phát biểu trong cuộc họp nội các, ông Trump cho biết mức thuế này nhằm gây sức ép buộc các quốc gia xem xét lại tư cách thành viên của mình. “Chỉ cần là thành viên BRICS, họ sẽ phải trả thuế và họ sẽ không muốn duy trì tư cách này lâu đâu”, ông nói.

Phát biểu của ông Trump được đưa ra khi các nhà lãnh đạo BRICS nhóm họp tại Rio de Janeiro, Brazil. Khối BRICS - ban đầu gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi - đã mở rộng với các thành viên mới như Ai Cập, Ethiopia, Indonesia, Iran và UAE. Đây được xem là liên minh kinh tế đại diện cho nhiều nền kinh tế mới nổi, với mục tiêu cân bằng ảnh hưởng của các nhóm phát triển như G7.

Ông Trump nhiều lần nhấn mạnh lo ngại việc BRICS thúc đẩy các sáng kiến làm suy yếu vai trò toàn cầu của đồng USD. Từ cuối năm 2024, ông đã cảnh báo sẽ áp mức thuế cao nếu các quốc gia BRICS ủng hộ kế hoạch phát hành “đồng tiền BRICS” hay giảm sử dụng USD trong thương mại quốc tế.

Ý tưởng về đồng tiền chung được Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva đưa ra từ năm 2023, nhưng đến nay chưa có tiến triển cụ thể do tính phức tạp về kỹ thuật và sự khác biệt chính trị giữa các thành viên. Trong khi đó, nhiều quốc gia BRICS đang đẩy mạnh thanh toán bằng đồng nội tệ để giảm phụ thuộc USD.

Tuyên bố chung của BRICS tại hội nghị thượng đỉnh lần này cũng đề cập đến việc phát triển “hệ thống thanh toán xuyên biên giới” giữa các nước thành viên. Một số ý kiến cho rằng nếu được triển khai, hệ thống này có thể trở thành lựa chọn thay thế mạng lưới SWIFT, nhất là đối với các nước đang chịu trừng phạt như Nga và Iran.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng đã nhiều lần bày tỏ mong muốn quốc tế hóa đồng nhân dân tệ. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc Pan Gongsheng mới đây cho rằng cần hướng đến một “hệ thống tiền tệ quốc tế đa cực” để hạn chế rủi ro phụ thuộc vào một đồng tiền duy nhất.

Dù cùng chia sẻ quan điểm cần điều chỉnh trật tự tài chính toàn cầu, BRICS vẫn là liên minh đa dạng về thể chế chính trị và lợi ích chiến lược. Các quốc gia thành viên bao gồm cả những nước có quan hệ hợp tác chặt chẽ với Mỹ, như Ấn Độ và UAE, cũng như các quốc gia có quan hệ căng thẳng với Mỹ như Nga và Iran.

Một số chuyên gia cho rằng chính những khác biệt về lợi ích và quan điểm có thể hạn chế khả năng đạt đồng thuận của BRICS đối với các sáng kiến lớn. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi từng lưu ý rằng BRICS không nên bị coi là một khối đối đầu với các thể chế quốc tế hiện nay. Bên cạnh đó, việc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng một số lãnh đạo không tham dự hội nghị lần này cũng phần nào cho thấy BRICS chưa phải ưu tiên hàng đầu của tất cả các thành viên.

Trong tuyên bố chung tại Rio de Janeiro, các nhà lãnh đạo BRICS bày tỏ lo ngại về “sự gia tăng của các biện pháp thuế quan và phi thuế quan đơn phương”, được cho là ám chỉ chính sách thương mại của Mỹ dưới thời ông Trump.

Hoàng Anh/Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/tong-thong-donald-trump-canh-bao-ap-thue-moi-voi-nhom-brics-20250710191804222.htm