Gian nan cuộc chiến chống biến đổi khí hậu

Nhà trắng vừa cho biết, tân Tổng thống Donald Trump sẽ một lần nữa rút Mỹ khỏi thỏa thuận khí hậu Paris, đưa nước này ra khỏi nỗ lực toàn cầu chống biến đổi khí hậu lần thứ 2 trong mười năm. Quyết định này sẽ đặt Mỹ, quốc gia có lượng khí thải lớn, đứng ngoài thỏa thuận ký năm 2015, gây ảnh hưởng tới việc thực hiện các cam kết toàn cầu về khí hậu.

Hồ chứa San Rafael ở La Calera, Colombia trơ đáy, nứt nẻ do hạn hán khắc nghiệt, ngày 8/4/2024. (Ảnh: REUTERS)

Hồ chứa San Rafael ở La Calera, Colombia trơ đáy, nứt nẻ do hạn hán khắc nghiệt, ngày 8/4/2024. (Ảnh: REUTERS)

Trong bối cảnh tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng trở nên nghiêm trọng với những thảm họa thiên nhiên ngày càng tàn khốc và thế giới liên tục xác lập các kỷ lục mới về nhiệt độ tăng, cuộc chiến chống biến đổi khí hậu đứng trước đầy rẫy những khó khăn và cần sự chung tay đoàn kết, hành động mạnh mẽ hơn trên toàn cầu.

Thông báo từ Nhà trắng thể hiện thái độ hoài nghi của Tổng thống Trump về hiện tượng ấm lên trên toàn cầu, điều mà ông từng gọi là "trò lừa bịp", và phù hợp với chương trình nghị sự rộng lớn hơn của ông nhằm "giải phóng" các công ty khai thác dầu khí của Mỹ khỏi các quy định để các công ty này có thể tối đa hóa sản lượng, trong bối cảnh Mỹ là nhà sản xuất dầu mỏ và khí đốt tự nhiên hàng đầu thế giới nhờ hoạt động khai thác dầu khí kéo dài nhiều năm bằng công nghệ tiên tiến.

Tổng thống Trump cũng dự kiến bãi bỏ các tiêu chuẩn về khí thải do chính quyền tiền nhiệm đưa ra để buộc các nhà sản xuất ô-tô phải bán nhiều xe điện và xe hybrid hơn; dỡ bỏ các hạn chế đối với sản xuất nhiên liệu hóa thạch và lệnh tạm dừng cấp giấy phép xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng mới, mở rộng đáng kể hoạt động khoan dầu khí trên đất liền và vùng biển liên bang nhằm giúp đất nước hoàn toàn độc lập về năng lượng.

Động thái mới nhất của Mỹ được cho là sẽ phần nào tác động tới việc thực hiện các cam kết quốc tế trong thỏa thuận khí hậu.

Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, được thông qua tại Hội nghị lần thứ 21 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP21) diễn ra ở Pháp tháng 12/2015, đã trở thành một bước đột phá quan trọng trong nỗ lực quốc tế nhằm kiềm chế sự nóng lên toàn cầu.

Tuy nhiên, các nỗ lực toàn cầu nhằm thực hiện các mục tiêu khí hậu đang trở nên ngày càng khó khăn và xa vời.

Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) xác nhận, năm 2024 là năm nóng nhất từng được ghi nhận, đánh dấu một cột mốc đáng lo ngại về biến đổi khí hậu toàn cầu. Nhiệt độ bề mặt đất liền và đại dương năm 2024 đã tăng đến mức kỷ lục, đi kèm với hàng loạt hiện tượng thời tiết cực đoan gây tổn hại nghiêm trọng đến cuộc sống, sinh kế và hy vọng của hàng triệu người trên thế giới.

Các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão, lũ lụt, hạn hán xảy ra thường xuyên và nghiêm trọng hơn, gây thiệt hại kinh tế nặng nề và cướp đi sinh mạng của hàng triệu người, đặc biệt là ở các nước đang phát triển.

Báo cáo của tổ chức nhân đạo Christian Aid cho biết, trong năm 2024, thiệt hại do các thảm họa khí hậu chính trên toàn cầu đã vượt qua con số 230 tỷ USD. Trong bối cảnh cháy rừng nghiêm trọng xảy ra tại Los Angeles thuộc bang California (Mỹ), giới chức và truyền thông Mỹ cũng cảnh báo biến đổi khí hậu làm gia tăng tần suất và mức độ nghiêm trọng của các vụ cháy rừng, theo đó kêu gọi chính quyền liên bang cần có biện pháp quyết liệt hơn trong việc chống biến đổi khí hậu.

Năm 2024 được dự báo lập kỷ lục về nhiệt độ, gây sức ép lớn để các chính phủ hành động quyết liệt hơn trong việc giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính.

Bất chấp việc Tổng thống Donald Trump có những thay đổi chính sách liên quan khí hậu, song nhiều quan chức cũng như người dân Mỹ tuyên bố sẽ tiếp tục đấu tranh chống biến đổi khí hậu, góp phần thực hiện cam kết chung toàn cầu trong cuộc chiến cam go này.

HÀ ANH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/gian-nan-cuoc-chien-chong-bien-doi-khi-hau-post857239.html