Tổng thống Donald Trump gửi thư tay đến Chủ tịch Fed, yêu cầu hạ lãi suất ngay

Tổng thống Donald Trump nói Mỹ đang là một trong những nước có lãi suất cao nhất...

Chủ tịch Fed Jerome Powell (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump - Ảnh: Getty/CNN.

Chủ tịch Fed Jerome Powell (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump - Ảnh: Getty/CNN.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 30/6 tiếp tục cuộc tấn công kéo dài nhằm vào Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell và hội đồng thống đốc của ngân hàng trung ương này. Mục đích của cuộc tấn công không gì khác chính là yêu cầu Fed hạ lãi suất ngay.

Trong một bài đăng trên mạng xã hội Truth Social, Tổng thống Donald Trump nói hội đồng thống đốc Fed “nên tự cảm thấy xấu hổ vì để chuyện này xảy ra ở Mỹ”. Tuy nhiên, các thành viên hội đồng thống đốc Fed không phải là những người duy nhất quyết định lãi suất, mà mỗi quyết định lãi suất của Fed còn có sự tham gia của 5 chủ tịch chi nhánh Fed khác. Hiện chưa rõ Tổng thống Donald Trump chỉ công kích hội đồng này hay tất cả các quan chức Fed có quyền bỏ phiếu về chính sách tiền tệ.

Kèm theo bài đăng trên là một danh sách lãi suất nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới và mức lãi suất tương ứng. Tổng thống Donald Trump nói Mỹ đang là một trong những nước có lãi suất cao nhất. Bảng danh sách này có cả chữ viết tay của Tổng thống Mỹ với nội dung chỉ trích trực tiếp ông Powell, nói rằng Chủ tịch Fed đã “khiến nước Mỹ mất cả một gia tài” và vẫn “đang làm như vậy”.

Tại một cuộc họp báo, thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt cho biết Tổng thống Donald Trump đã gửi danh sách lãi suất đó cho Fed.

“Hội đồng chỉ ngồi và nhìn, nên họ cũng đáng bị phê phán. Chúng ta nên có mức lãi suất 1% hoặc tốt hơn thế”, ông Trump viết trong bài đăng.

Trong nhiều tháng qua, ông Trump đã liên tục chỉ trích ông Powell, gọi nhà lãnh đạo ngân hàng trung ương lớn nhất thế giới bằng những từ ngữ như “gã ngốc”, “cứng đầu”... Tất cả sự chỉ trích này đều tập trung vào việc Fed không hạ chi phí vay theo như Tổng thống Donald Trump mong muốn. Ông chủ Nhà Trắng vẫn nói rằng Chính phủ liên bang đang phải thêm quá nhiều tiền lãi chỉ vì Fed giữ nguyên lãi suất ở mức 4,25-4,5% sau 3 lần giảm liên tiếp vào năm ngoái.

Một số ngân hàng trung ương khác, như Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Mexico, đã hạ lãi suất tham chiếu vài lần trong năm nay, nhưng Fed lại chọn “án binh bất động”. Một lý do lớn cho việc Fed giữ nguyên lãi suất là những thay đổi chính sách lớn kể từ khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức nhiệm kỳ tổng thống thứ hai. Các quan chức Fed đã nói rằng họ muốn xem những thay đổi đó ảnh hưởng đến nền kinh tế như thế nào trước khi xem xét cắt giảm lãi suất thêm.

Thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt đưa ra danh sách lãi suất kèm lời chỉ trích nhằm vào Chủ tịch Fed Jerome Powell. Ảnh: CNN.

Thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt đưa ra danh sách lãi suất kèm lời chỉ trích nhằm vào Chủ tịch Fed Jerome Powell. Ảnh: CNN.

Về phần mình, ông Powell đã tránh phản ứng với những lời chỉ trích gay gắt của Tổng thống Donald Trump, nhấn mạnh rằng Fed chỉ tập trung vào hai nhiệm vụ chính là kiềm chế lạm phát và bảo vệ thị trường lao động. Trong một cuộc điều trần tại Thượng viện Mỹ mới đây, ông Powell nói: “Chúng tôi không xem xét các yếu tố chính trị” khi thiết lập lãi suất. Cách tiếp cận phi chính trị và chỉ dựa trên dữ liệu kinh tế của ông Powell đã được các nhà ngân hàng trung ương khác trên toàn thế giới khen ngợi.

Sau khi có bài phát biểu chào mừng tại hội nghị ngân hàng trung ương ở Sintra, Bồ Đào Nha, vào ngày 30/6, Chủ tịch ECB Christine Lagarde kêu gọi các đại biểu dành một tràng vỗ tay ủng hộ cho Powell vì ông “đại diện cho tiêu chuẩn của một nhà ngân hàng trung ương dũng cảm”.

Nhiệm kỳ Chủ tịch Fed của ông Powell sẽ chính thức kết thúc vào tháng 5/2026, nhưng Tổng thống Donald Trump đã nói rằng ông sẽ sớm công bố lựa chọn kế nhiệm ông Powell. Các tổng thống Mỹ thường đợi đến vài tháng cuối cùng của nhiệm kỳ chủ tịch Fed đương nhiệm mới công bố người được đề cử cho vị trí này. Vì vậy, nếu Tổng thống Donald Trump công bố sớm ứng cử viên cho ghế chủ tịch Fed, có thể ngay trong mùa hè này, thì đó sẽ là một diễn biến chưa từng có trong lịch sử 111 năm của Fed.

Bất kỳ ai được Tổng thống Donald Trump xướng tên sẽ thực sự đóng vai trò là một “chủ tịch ngầm” của Fed. Và nếu người này tiếp tục thách thức quan điểm của người đứng đầu Fed hiện tại, điều đó có thể gây ra những hiểu lầm trên thị trường tài chính, làm suy yếu đồng USD và đẩy lãi suất dài hạn lên cao - giới chuyên gia nhận định.

Hiện đã có một số ứng cử viên tiềm năng cho vị trí cao nhất tại Fed: Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent; ông Kevin Warsh, cựu thống đốc Fed; ông Christopher Waller, hiện là thống đốc Fed; ông Kevin Hassett, Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia (NEC) của Nhà Trắng; và ông David Malpass, người mà Tổng thống Donald Trump trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên đã đề cử vào cương vị Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB).

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn chương trình Fox Business vào ngày 29/6, Tổng thống Donald Trump nói: “Chúng tôi sẽ đề cử vào Fed một người có thể hạ lãi suất. Bất kỳ ai ở cương vị đó cũng sẽ hạ lãi suất. Nếu tôi cho rằng một người sẽ giữ nguyên lãi suất khi làm Chủ tịch Fed, tôi sẽ không bổ nhiệm người đó”.

Bình Minh

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/tong-thong-donald-trump-gui-thu-tay-den-chu-tich-fed-yeu-cau-ha-lai-suat-ngay.htm