Tổng thống Mulino: Kênh đào Panama 'không phải là món quà' từ Mỹ

Ngày 21/1, Panama đã khiếu nại lên Liên hợp quốc về tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump liên quan đến việc 'lấy lại' Kênh đào Panama.

Con tàu di chuyển qua Kênh đào Panama tại Panama City, (Panama). (Ảnh: THX/TTXVN)

Con tàu di chuyển qua Kênh đào Panama tại Panama City, (Panama). (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo AFP, Tổng thống Jose Raul Mulino ngày 22/1 tuyên bố Kênh đào Panama “không phải là món quà” từ Washington, sau khi người đồng cấp Mỹ Donald Trump đe dọa sẽ lấy lại con kênh này.

Phát biểu trong phiên thảo luận tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos (Thụy Sĩ), Tổng thống Mulino nhấn mạnh: “Chúng tôi hoàn toàn bác bỏ những gì ông Trump nói. Thứ nhất, vì điều đó sai sự thật. Thứ hai, vì Kênh đào Panama thuộc về Panama và sẽ tiếp tục thuộc về Panama. Kênh đào Panama không phải là sự nhượng bộ hay một món quà từ Mỹ.”

Nhà lãnh đạo Panama nhấn mạnh một quốc gia "không thể bỏ qua luật pháp quốc tế để áp đặt các tiêu chí."

Panama khiếu nại lên Liên hợp quốc

Ngày 21/1, Panama đã khiếu nại lên Liên hợp quốc về tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump liên quan đến việc “lấy lại” Kênh đào Panama.

Trong một lá thư gửi Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, chính quyền Panama đã đề cập đến một điều khoản của Hiến chương Liên hợp quốc cấm bất kỳ thành viên nào "đe dọa hoặc sử dụng vũ lực" chống lại toàn vẹn lãnh thổ hoặc nền độc lập chính trị của nước khác.

Bức thư được công bố cho báo giới cũng kêu gọi ông Guterres chuyển vấn đề này lên Hội đồng Bảo an song không yêu cầu triệu tập một cuộc họp.

Trước áp lực từ Mỹ, Văn phòng kiểm toán Panama cũng cho biết sẽ tiến hành "một cuộc kiểm toán toàn diện nhằm đảm bảo việc sử dụng hiệu quả và minh bạch các nguồn lực công" tại Công ty Cảng Panama.

Trong bài phát biểu nhậm chức hôm 20/1, Tổng thống Trump đã tuyên bố sẽ “lấy lại” Kênh đào Panama khi cho rằng Trung Quốc đang "điều hành" tuyến đường thủy mà Mỹ đã trao trả vào cuối năm 1999 này.

Trong một tuyên bố ngay sau đó, Tổng thống Panama Jose Raul Mulino khẳng định tuyến đường thủy liên đại dương quan trọng này “đang và vẫn sẽ” thuộc về Panama, đồng thời tuyên bố “không có sự hiện diện và can thiệp của bất kỳ quốc gia nào trên thế giới” đối với Kênh đào Panama.

Ngày 22/1, ông Jose Raul Mulino cũng nhắc lại các tuyên bố này tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos, Thụy Sĩ.

Trung Quốc tuyên bố "chưa từng can thiệp"

Cũng trong ngày 22/1, Trung Quốc tuyên bố nước này "chưa từng can thiệp vào các vấn đề của kênh đào."

Kênh đào Panama dài 82 km nối liền hai đại dương được Mỹ xây dựng và khánh thành vào năm 1914, đóng vai trò quan trọng trong thương mại hàng hóa và năng lượng của Mỹ.

Tuy nhiên, Mỹ và Panama đã nảy sinh mâu thuẫn về vấn đề quyền kiểm soát kênh đào này. Mâu thuẫn lên tới đỉnh điểm vào tháng 1/1964 khi bạo loạn phản đối Mỹ bùng nổ, khiến một số người Panama và Mỹ thiệt mạng, quan hệ ngoại giao giữa hai nước bị cắt đứt trong thời gian ngắn.

Hai bên đã buộc phải ngồi vào bàn đàm phán, đưa đến Hiệp ước Torrijos-Carter dưới thời Tổng thống Mỹ khi đó là Jimmy Carter vào năm 1977.

Hiệp ước này có hiệu lực vào năm 1979, quy định thời hạn 20 năm để Mỹ trao trả hoàn toàn kênh đào về Panama. Ngày 31/12/1999, kênh đào Panama đã được trao trả cho Panama.

Hiện Mỹ là bên sử dụng chính của kênh đào, tiếp theo là Trung Quốc. Kể từ năm 2000, tuyến đường thủy này đã đóng góp hơn 30 tỷ USD vào ngân khố nhà nước của Panama, với gần 2,5 tỷ USD trong năm tài chính trước./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/tong-thong-mulino-kenh-dao-panama-khong-phai-la-mon-qua-tu-my-post1008929.vnp