Tổng thống Mỹ công bố mức thuế mới lên tới 40% đối với nhiều quốc gia
Hôm 8/7, CNN đưa tin Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gia tăng áp lực lên các đối tác thương mại khi gửi thư cho nguyên thủ một số quốc gia, thông báo cho họ về mức thuế mới đối với hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ.
Nhưng ông Trump cũng đã giảm bớt căng thẳng bằng cách ký sắc lệnh để gia hạn ngày áp dụng cho tất cả các mức thuế "có đi có lại" đến ngày 1/8 (ngoại trừ Trung Quốc).
Những mức thuế "có đi có lại" dự kiến sẽ có hiệu lực vào ngày 9/7. Trong một số trường hợp, các lá thư mà ông Trump gửi đi để áp mức thuế "có đi có lại" mới cao hơn hoặc thấp hơn so với mức công bố hồi tháng 4.
Ông Trump không đưa ra lời khẳng định chắc chắn khi được hỏi liệu thời hạn mới vào ngày 1/8 có "cứng rắn" hay không trước bữa tối tại Nhà Trắng vào ngày 7/7 (giờ Mỹ). "Tôi sẽ nói là cứng rắn, nhưng không phải là cứng rắn 100%. Nếu họ gọi điện và nói rằng họ muốn làm điều gì đó theo cách khác, chúng tôi sẽ cởi mở với điều đó” – ông cho biết.
Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba và Tổng thống Hàn Quốc Lee Jae-myung là những người đầu tiên nhận được thư của ông Trump.
Cả hai quốc gia sẽ phải đối mặt với mức thuế quan 25% vào ngày 1/8, theo các bức thư, nhưng cả hai quốc gia đều cho biết rằng họ có kế hoạch tham gia vào các cuộc đàm phán tiếp theo với Mỹ. Nhật Bản cho biết họ đang hướng tới một thỏa thuận thương mại.
Ông Trump công bố những bức thư tương tự đã được gửi tới Malaysia, Kazakhstan, Nam Phi, Myanmar, Lào..., thông báo cho các nhà lãnh đạo của họ về mức thuế quan mới lên tới 40% áp lên hàng hóa xuất khẩu vào Mỹ.
Sau đó trong ngày, ông đã đăng bảy bức thư mới được gửi tới các nhà lãnh đạo của Tunisia, Bosnia và Herzegovina (mức thuế quan sắp đạt 30%), Indonesia, Bangladesh, Serbia, Campuchia và Thái Lan, nâng tổng số thư được gửi vào ngày 7/7 lên 14 bức.
Trong các bức thư, ông Trump cho biết ông đặc biệt quan tâm đến thâm hụt thương mại mà Mỹ phải chịu với các quốc gia được gửi thư, đồng nghĩa với việc Mỹ mua nhiều hàng hóa hơn từ các đối tác thương mại này so với số lượng hàng hóa mà các doanh nghiệp Mỹ xuất khẩu sang các quốc gia đó. Ông Trump cũng cho biết mức thuế quan sẽ được áp dụng để đáp trả các chính sách khác mà ông cho là đang cản trở hàng hóa của Mỹ được bán ra nước ngoài.

Một cảng container xuất nhập khẩu hàng hóa tại bang California, Mỹ - Ảnh: Reuters
Ông khuyến khích các nhà lãnh đạo quốc gia sản xuất hàng hóa tại Mỹ để tránh thuế quan.
Trong tất cả 14 lá thư, ông Trump đã dọa sẽ tăng thuế quan thậm chí còn cao hơn mức thuế suất đã chỉ định nếu một quốc gia trả đũa Mỹ bằng mức thuế quan của riêng họ. Ông cho biết các mức thuế này sẽ "tách biệt với tất cả các thuế quan theo ngành", nghĩa là, ví dụ, mức thuế quan mới sẽ không được áp dụng chồng lên mức thuế ô tô hiện tại là 25%. Một quan chức Nhà Trắng cho biết điều đó cũng sẽ áp dụng cho bất kỳ mức thuế quan cụ thể nào trong tương lai.
Theo số liệu của Bộ Thương mại Mỹ, năm ngoái nước này đã mua tổng cộng 465 tỷ đô la hàng hóa từ 14 quốc gia đã nhận được thư vào ngày 7/7. Nhật Bản và Hàn Quốc, đối tác thương mại lớn thứ sáu và thứ bảy của Mỹ chiếm 60% trong số đó, vận chuyển tổng cộng 280 tỷ đô la hàng hóa đến Mỹ vào năm ngoái.
Triển vọng về mức thuế quan cao hơn đối với hàng hóa có thể dẫn đến giá cả cao hơn khi hàng hóa đó đến tay người tiêu dùng Mỹ. Ví dụ, trong số những mặt hàng hàng đầu mà Mỹ nhập khẩu từ Hàn Quốc và Nhật Bản có ô tô, phụ tùng ô tô, chất bán dẫn, dược phẩm và máy móc. Ông Trump đã áp dụng hoặc đe dọa áp thuế quan cụ thể theo ngành đối với nhiều mặt hàng này.
Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Ishiba đã triệu tập một nhóm công tác nội các vào ngày 7/7 sau khi nhận được bức thư. Ông cho biết nước này sẽ tiếp tục đàm phán với Mỹ để tìm kiếm một thỏa thuận thương mại song phương có lợi cho cả hai nước.
Bộ Tài chính Hàn Quốc cho biết trong một tuyên bố rằng họ sẽ theo dõi chặt chẽ các diễn biến, nhưng cảnh báo rằng nếu biến động thị trường trở nên "quá mức", chính phủ sẽ "hành động ngay lập tức và táo bạo theo các kế hoạch dự phòng của mình", mặc dù không nêu chi tiết ngay lập tức hành động đó có thể bao gồm những gì.
Trong khi các quốc gia khác xuất khẩu ít hơn sang Mỹ so với Nhật Bản và Hàn Quốc, thì trong nhiều trường hợp, họ lại nằm trong số các nguồn hàng nước ngoài hàng đầu.
Ví dụ, Nam Phi, nơi sẽ phải đối mặt với mức thuế quan 30%, chiếm khoảng một nửa lượng bạch kim mà Mỹ nhập khẩu từ các quốc gia khác vào năm ngoái và là nhà cung cấp nước ngoài hàng đầu của mặt hàng này.
Malaysia, quốc gia sẽ phải đối mặt với mức thuế 24% so với mức thuế 25% mà ông Trump công bố vào tháng 4, là nguồn cung cấp chất bán dẫn lớn thứ hai được vận chuyển đến Mỹ vào năm ngoái khi người Mỹ mua 18 tỷ đô la từ đó.
Trong khi đó, Bangladesh, Indonesia và Campuchia là những trung tâm sản xuất hàng đầu về hàng may mặc và phụ kiện.
Trong bức thư của ông Trump gửi cho thủ tướng Campuchia, ông nói sẽ áp mức thuế 36%, thấp hơn 13 phần trăm so với mức đã công bố vào tháng 4.