Tổng thống Mỹ Donald Trump trừng phạt Tòa án Hình sự Quốc tế
Ngày 6/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh hành pháp cho phép trừng phạt những người tham gia vào các cuộc điều tra của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC).
![Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Phòng Bầu dục của Nhà Trắng, ngày 4/2/2025. Ảnh: AP](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_07_595_51417312/7122b23d8a73632d3a62.jpg)
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Phòng Bầu dục của Nhà Trắng, ngày 4/2/2025. Ảnh: AP
Theo hãng tin Reuters trích dẫn thông báo chính thức, các biện pháp trừng phạt được áp đặt lên lĩnh vực kinh tế và du lịch, trong đó bao gồm đóng băng mọi tài sản tại Mỹ của những người được chỉ định và cấm họ cùng gia đình tới Mỹ. Hiện danh sách những người bị trừng phạt cũng như thời điểm công bố danh sách này vẫn chưa được xác định cụ thể.
Ông Trump đã ký sắc lệnh hành pháp trên sau khi các Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Mỹ gần đây đã chặn nỗ lực do đảng Cộng hòa khởi xướng nhằm thông qua dự luật thiết lập chế độ trừng phạt nhắm vào ICC.
Trước đây vào năm 2020 trong khuôn khổ nhiệm kỳ đầu tiên của mình, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã áp đặt các biện pháp trừng phạt lên công tố viên của ICC lúc đó là bà Fatou Bensouda cùng một trong những trợ lý hàng đầu của bà. Nguyên nhân tới từ một cuộc điều tra của ICC về các tội ác chiến tranh bị cáo buộc của quân đội Mỹ ở Afghanistan.
Hiện ICC vẫn chưa đưa ra phản hồi chính thức. Tòa án Hình sự Quốc tế gồm 125 thành viên và là tòa án thường trực có thể truy tố các cá nhân phạm tội ác chiến tranh, tội ác chống lại loài người, tội diệt chủng và tội xâm lược lãnh thổ của các quốc gia thành viên hoặc do công dân của họ gây ra. Mỹ, Trung Quốc, Nga và Israel không phải là thành viên của ICC.
Tuy nhiên trước đó, tòa án đã thực hiện các biện pháp để bảo vệ nhân viên khỏi các lệnh trừng phạt có thể xảy ra của Mỹ, ví dụ như trả lương trước 3 tháng theo một nguồn tin của Reuters vào tháng 1/2025. Nguồn tin này cho biết các động thái nhằm chuẩn bị sẵn sàng cho các hạn chế tài chính có thể làm tê liệt tòa án.
Hồi tháng 12/2024, chủ tịch ICC, Thẩm phán Tomoko Akane, cũng cảnh báo rằng các lệnh trừng phạt sẽ "nhanh chóng làm suy yếu hoạt động của tòa án trong mọi tình huống và trường hợp, và gây nguy hiểm cho sự tồn tại của tòa án".
Động thái ban hành sắc lệnh trừng phạt ICC của Tổng thống Mỹ Donald Trump trùng với chuyến thăm Washington của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, người đã bị ICC ban hành lệnh bắt giữ cùng với Bộ trưởng Quốc phòng Israel thời điểm đó là ông Yoav Gallant và 2 thủ lĩnh hàng đầu khác của Hamas bao gồm Mohammed Diab Ibrahim al-Masri (Mohammed Deif), thủ lĩnh của Lữ đoàn Al Qassem và lãnh đạo chính trị Ismail Haniyeh của Hamas.
Các cáo buộc nhắm vào 2 quan chức hàng đầu của Israel bao gồm “gây ra sự hủy diệt, gây ra nạn đói như một phương thức chiến tranh, bao gồm cả việc từ chối cung cấp viện trợ nhân đạo, cố tình nhắm vào dân thường trong xung đột”.
Ngoài Mỹ, Nga cũng ban hành một số lệnh trừng phạt nhắm vào ICC sau khi tòa án này ban hành lệnh bắt giữ Tổng thống Vladimir Putin hồi năm 2023 với cáo buộc nhà lãnh đạo Nga phạm tội ác chiến tranh khi trục xuất bất hợp pháp hàng trăm trẻ em khỏi Ukraine.
Chính phủ Nga sau đó đã cấm công tố viên trưởng ICC Karim Khan nhập cảnh và đưa ông cùng 2 thẩm phán ICC khác vào danh sách truy nã.