Tổng thống Mỹ duy nhất từng tham gia Thế chiến I
Harry S. Truman làm phó tổng thống Mỹ mới 82 ngày thì được triệu tập gấp tới Nhà Trắng vào ngày 12/4/1945. Ông được thông báo là sẽ lên thế chỗ Tổng thống Franklin D. Roosevelt vừa qua đời. Mặc dù nhiều người lo ngại Truman không quyết đoán, nhưng chẳng bao lâu, họ nhận thấy ông là người có kỹ năng lãnh đạo, quyết liệt...
Theo trang historynet.com, Harry S. Truman sinh ngày 8/5/1884 ở Missouri. Nhìn lại cuộc đời ông lúc nhỏ, không ai nghĩ ông sẽ theo con đường quân sự và chính trị sau này. Thú vui thời nhỏ của ông là đọc sách, học lịch sử, chơi nhạc. Thị lực kém khiến ông phải đeo cặp kính dày cộp suốt đời.
Do không có tiền học đại học và thị lực kém nên không thể học Học viện Quân sự West Point danh tiếng, năm 1905, Truman đăng ký thi vào trung đội pháo hạng nhẹ Battery B mới thành lập của Vệ binh Quốc gia Missouri. Ông đã đỗ sau khi thi lần thứ hai nhờ ghi nhớ được bảng kiểm tra thị lực. Ông làm thư ký trung đội rồi làm hạ sĩ năm 1906. Sau đó, ông về nhà và giúp điều hành trang trại gia đình đang làm ăn thất bại.
Trong hơn chục năm, Truman cùng cha chật vật với trang trại nhưng khi cha ông qua đời năm 1914, trang trại vẫn nợ 12.500 USD (hơn 300.000 USD thời giá hiện nay). Hai năm sau, khi bác ông qua đời, ông thừa kế 11.000 USD. Không may là ông đã dành phần lớn số tiền thừa kế để đầu tư nhưng thất bại. Ông cũng mua một chiếc ô tô để có thể gặp người yêu Elizabeth “Bess” Wallace, người đã đồng ý làm vợ ông sau khi từ chối ông lần đầu.
Ngày 6/4/1917, Mỹ tuyên chiến với Đức, gia nhập cuộc chiến ở châu Âu bùng lên từ năm 1914. Khi đó, Truman 32 tuổi và tái nhập ngũ Vệ binh Quốc gia Missouri. Ông là đại úy thứ nhất trong trung đoàn pháo dã chiến 2. Mùa hè năm đó, trung đoàn này được mở rộng và tái tổ chức, trở thành đơn vị pháo dã chiến 129 và biên chế vào sư đoàn 35.
Tháng 2/1918. Truman là một trong nhóm 10 sĩ quan được lựa chọn và 100 binh lính được lệnh đi huấn luyện thêm ở Pháp. Sau khi huấn luyện, Truman trở thành đại úy. Ngày 11/7, ông ngạc nhiên khi được trao quyền chỉ huy Khẩu đội D với thành viên phần lớn theo đạo Thiên chúa giáo tới từ Đức và Ireland. Phần lớn thành viên đều biết nhau từ thời trung học và đơn vị gồm toàn những người thích uống rượu và cãi vã này bị đặt cho biệt danh là “D say xỉn”.
Các pháo thủ Khẩu đội D không ấn tượng gì với thanh niên nhà quê bốn mắt vừa được giao nhiệm vụ làm chỉ huy mới của họ. Họ dự báo Truman sẽ không thể trụ nổi với vai trò chỉ huy quá 90 ngày.
Bản thân Truman cũng nản lòng trước viễn cảnh chỉ huy khẩu đội khét tiếng bất chấp luật lệ. Sau này ông nhớ lại: “Tôi đã từng rất sợ hãi vài lần trong đời và buổi sáng mà tôi nhận khẩu đội đó là một trong số những lần như vậy”. Tệ hơn là tâm trạng bất an của viên đại úy trẻ hiện rõ ra mặt. Người ta có thể thấy hai đầu gối Truman va vào nhau và thấy ông giống giáo sư hơn là sĩ quan pháo binh. Để chào đón chỉ huy mới, cả đội đã say túy lúy đêm đó.
Sáng hôm sau, Khẩu đội D thức dậy với tin sốc. Một tờ giấy đánh máy ghim vào bảng tin của đơn vị thông báo sẽ giáng cấp một nửa số hạ sĩ quan và phần lớn binh nhất. Truman đối mặt với các hạ sĩ quan với dáng vẻ khác hẳn, không sợ hãi. Ông quát to: “Tôi không tới đây để hòa hợp với các anh. Các anh phải hòa hợp với tôi. Và nếu có ai không thể làm vậy thì nói ra, tôi sẽ cho các anh nghỉ luôn”.
Tuy nhiên, Truman không phải là người chỉ biết kỷ luật một chiều, ông thực sự quan tâm tới phúc lợi của binh lính. Ông đã làm mọi thứ có thể để cải thiện điều kiện sống và bữa ăn cho họ, đảm bảo họ được trả lương đúng thời gian và có thể viết thư cho gia đình, cho người yêu. Ông cũng nhanh chóng ca ngợi và thăng cấp những người xứng đáng. Với cặp kính mới mua ở New York, chàng sĩ quan từng nhút nhát thuở nào đã sẵn sàng chiến đấu, mặc dù từng thừa nhận có cảm giác sợ hãi khi nghĩ tới việc đối diện kẻ thù. Ông viết thư cho người yêu Bess: “Anh nghi ngờ lòng dũng cảm của mình khi tiếng pháo nổ và cuộc tấn công bắt đầu. Anh có cơ thể và cái đầu dũng cảm nhất nhưng đôi chân sẽ không đứng vững”.
Hành động đầu tiên của Truman xảy ra vào cuối tháng 8/1918 giữa bùn lầy ở vùng núi Vosges, Alsace. Khẩu đội D đã vào vị trí ở sườn đồi trái và bắt đầu nã pháo vào các vị trí của quân Đức trên đỉnh đồi khác. Họ bắn hiệu quả cho tới khi bị bắn trả. Cơn mưa đạn pháo từ kẻ thù trút xuống các đường hào của Mỹ đều đều. Khi có tiếng hét chạy đi, tất cả đều tan tác tứ phía.
Trong lúc đó, Truman kiên trì bám trụ, nguyền rủa cấp dưới, khiến họ phải tôn trọng và trở lại với khẩu pháo. Truman tâm sự với Bess về sự việc: “Anh hài lòng nhất là đôi chân anh đã không chạy đi”.
Ngày 12/9, binh sĩ Pháp đã tấn công lực lượng Đức ở Saint-Mihiel, Khẩu đội D đóng vai trò dự bị. Hai tuần sau, lúc bắt đầu diễn ra cuộc tấn công lớn Meuse-Argonne, các pháo thủ dự bị của Truman bắt đầu đóng vai chính, nã pháo không thương tiếc vào các vị trí của kẻ thù, dùng tới 3.000 viên đạn 75mm chỉ trong 4 giờ. Cũng trong trận đó, pháo thủ của Truman đã yểm trợ một lữ đoàn xe tăng và Khẩu đội D đã có công trong buộc hai khẩu đội pháo của kẻ thù phải từ bỏ vị trí.
Một vụ đụng độ quan trọng nữa xảy ra khi giao tranh ác liệt bên ngoài Cheppy. Máy bay Đức oanh tạc Khẩu đội D và thả thủ pháo xuống các thành viên khẩu đội. Truman nhận thấy hai khẩu đội pháo của kẻ thù di chuyển vào vị trí bắn. Dự báo trước nguy hiểm, ông nhanh chóng ra lệnh các pháo thủ rời pháo của họ. Khi họ vừa rời đi, pháo trút xuống như mưa. Một thành viên nhớ lại: “Chúng tôi lẽ ra đã bị trúng đạn nhưng lúc đó chúng tôi đã cách xa cả trăm mét nhờ trực giác của Truman”.
Trong những tuần cuối cùng cuộc chiến, các khẩu pháo 75mm của Khẩu đội D đã bắn những viên đạn cuối cùng chỉ vài phút trước khi lệnh đình chiến có hiệu lực lúc 11 giờ ngày 11/11.
Trong khi tướng Mỹ John J. Pershing và Hoàng tử Xứ Wales của Anh duyệt Lực lượng Viễn chinh Mỹ, ông Pershing đã bắt tay Truman và nói: “Anh có trong tay một nhóm người ổn đấy, đại úy. Tôi hy vọng anh sẽ đưa họ về nhà an toàn cả về thể chất và tinh thần như lúc họ tới đây để người dân ở nhà có thể tự hào về họ như tôi”.
Thực tế là Khẩu đội D chỉ có một người hy sinh và một người bị thương khi chiến đấu đã cho thấy tài lãnh đạo của Truman. Trước khi trở về quê nhà, Truman đã nghỉ phép 7 ngày và đi khắp nước Pháp khám phá. Trước khi lên đường về nhà, các thành viên Khẩu đội D đã tặng Truman một chiếc cúp để vinh danh sự công tâm, năng lực và sự lãnh đạo của ông.
Thế chiến I đã khiến toàn cầu thay đổi toàn diện và cũng biến đổi con người Truman. Thời nhỏ, cậu bé Truman bị mẹ cấm chơi trên sân vì không muốn con làm vỡ hay mất kính. Khi trở thành thiếu niên, người ta thường coi Truman là một mọt sách, yếu đuối. Khi còn trẻ, ông lại thất bại trong quản lý trang trại và là nhà đầu tư xui xẻo. Nhưng sau chiến tranh, Truman đã trở thành một người khác. Cuộc chiến đã thử thách lòng dũng cảm, tài ứng biến và giá trị cốt lõi của Truman, đưa ông tới với những tầng lớp kinh tế, xã hội cao hơn.
Khi về nhà năm 1918, Truman đã kết hôn với Bess. Ông mở một cửa hàng và tham gia chính trị, đầu tiên là trở thành thẩm phán quận, sau đó là thượng nghị sĩ, phó tổng thống, rồi tổng thống, tái đắc cử năm 1948.
Khi rời nhiệm sở năm 1953, Truman du lịch khắp nơi ở Mỹ với vợ. Sau này, ông chỉ sống với lương hưu quân đội và gặp khó khăn về tiền bạc cho tới khi xuất bản cuốn hồi ký nổi tiếng. Ông phần lớn tránh xa chính trị và công chúng từ đó.