Tổng Thống Mỹ thăm Israel: Điều gì sẽ xảy ra với người dân Dải Gaza sau xung đột?
Ngày 17/10, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden sẽ có chuyến thăm cấp cao tới Israel vào hôm nay ngày 18/10 khi nước này chuẩn bị cho cuộc tấn công mới chống lại phiến quân Hamas vốn gây ra cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Dải Gaza và làm dấy lên lo ngại về một cuộc xung đột rộng lớn hơn với Iran.
Tổng thống Joe Biden thúc đẩy ủng hộ đồng minh hàng đầu tại Trung Đông
Chuyến thăm của Tổng thống Biden sẽ đánh dấu sự ủng hộ đáng kể của Hoa Kỳ đối với đồng minh hàng đầu ở Trung Đông sau khi các tay súng Hamas giết chết 1.300 người trong một cuộc tấn công dữ dội qua các thị trấn miền nam Israel vào ngày 7/10, ngày đẫm máu nhất trong lịch sử 75 năm qua của Israel.
Israel đã có động thái đáp trả bằng cách thắt chặt phong tỏa Dải Gaza, phần lãnh thổ do Hamas cai trị, bao gồm cả việc hạn chế nhập nhiên liệu và bắn phá khu vực này bằng các cuộc không kích khiến hàng nghìn người Palestine thiệt mạng và hàng trăm nghìn người khác phải di dời.
Cái kết nào cho người dân Dải Gaza hậu xung đột?
Israel quyết tâm mở chiến dịch tấn công lớn để “xóa sổ” Hamas, nhưng chưa trả lời được câu hỏi về tương lai của Dải Gaza hậu xung đột.
Trong cuộc gặp Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin ở Tel Aviv ngày 13/10, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant nói: "Chúng tôi sẽ lật đổ sự cai trị của Hamas, xóa sổ năng lực quân sự của nhóm này. Chúng tôi sẽ đảm bảo mối đe dọa này không còn hiện hữu ở biên giới của mình. Chiến dịch sẽ kéo dài, có đổ máu, song kết quả sẽ trường tồn".
Tuy nhiên, một vấn đề quan trọng khác vẫn chưa có câu trả lời từ chính quyền Israel rằng: Điều gì sẽ xảy ra với Dải Gaza một khi Hamas bị “xóa sổ” bằng vũ lực?
Khi cả đất nước Israel đang sục sôi ý chí báo thù sau chiến dịch đột kích đẫm máu của Hamas ngày 7/10, những “cái đầu nóng” dường như đang ưu tiên tìm cách trừng phạt nhóm chiến binh Hồi giáo hơn mà không quan tâm tìm hiểu những gì có thể xảy ra sau đó.
"Tôi không quan tâm. Điều quan trọng hiện tại là hành động và giải quyết vấn đề. Sau đó, chúng tôi có thể quyết định làm gì tiếp theo", ông Jacob Nagel, cựu cố vấn an ninh quốc gia Israel, nói.
Dường như cuộc đột kích đẫm máu của Hamas ngày 7/10 đã làm thay đổi tất cả: “Tôi thường nói cần suy nghĩ trước khi hành động, nhưng những gì xảy ra cuối tuần trước đã thay đổi tất cả quy tắc”, ông Jacob Nagel cho biết.
Các lãnh đạo Israel đã thừa nhận tình thế “hòa hoãn bất đắc dĩ” với Hamas trong suốt 16 năm Hamas kiểm soát Gaza. Họ cũng cho phép Qatar và các nước trong khu vực rót hàng tỷ USD vào Gaza để đảm bảo những cư dân ở đây có thực phẩm, nước sạch và năng lượng.
Nếu Hamas bị lật đổ, một trong những lựa chọn với Israel là triển khai lực lượng đồn trú để tái kiểm soát Gaza, như từng làm năm 2005. Quân đội Israel từng chiếm đóng Dải Gaza trong nhiều thập kỷ sau khi kiểm soát vùng đất này từ Ai Cập trong Chiến tranh Sáu ngày năm 1967.
Nhưng đối mặt với làn sóng phản kháng dữ dội của người dân Palestine cũng như áp lực trong nước và quốc tế, Israel từ bỏ kiểm soát Dải Gaza, rút toàn bộ binh sĩ cùng hơn 8.000 người định cư khỏi khu vực này năm 2005. Giờ đây, Israel nhiều khả năng không muốn đi vào “vết xe đổ” đó.
Các cố vấn an ninh Israel đưa ra nhiều kịch bản cho đất nước này nếu đánh bại Hamas, song, chính quyền nước này chưa đưa ra kết luận. Giới phân tích quốc tế đặt nhiều kỳ vọng về chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden đến Israel ngày 18/10, sẽ đưa ra kịch bản phù hợp nhất cho 2,2 triệu dân ở Dải Gaza.
Số người bị thương và tử vong đang ngày một tăng
Chính quyền Gaza cho biết hơn 3.300 người đã thiệt mạng trong các cuộc tấn công của Israel kể từ ngày 7/10, khoảng 1 phần 4 trong số đó là trẻ em và hơn 10.000 người bị thương đang phải nhập viện trong tình trạng thiếu nguồn cung cấp trầm trọng.
Ông Amidror, cựu cố vấn an ninh quốc gia Israel, nhấn mạnh Tel Aviv không muốn đuổi người dân Palestine khỏi Dải Gaza. "Chúng tôi không thể buộc họ rời đi. Nếu họ muốn, chúng tôi sẽ giúp. Tôi đảm bảo rằng không ai phải khóc nếu tới Israel", ông nói. Song, chưa có tuyên bố chính thức nào từ chính quyền Israel cho tới nay nói rõ họ có thể giúp được người dân Gaza thế nào, sau những đau thương mà họ đã trải qua.
Đêm 17/10, một vụ tấn công vào bệnh viện Al-Ahli ở thành phố Gaza đã khiến hơn 500 người thiệt mạng. Vụ tấn công đã nhấn chìm các tòa nhà trong biển lửa, gây ra cảnh tang thương với nhiều thi thể, đa số là trẻ em, bị vùi lấp tại hiện trường. Bãi cỏ trong khuôn viên bệnh viện đầy chăn, cặp sách, đồ dùng của các nạn nhân xấu số. Hamas, lực lượng kiểm soát Dải Gaza, mô tả vụ nổ là cuộc "thảm sát kinh hoàng".
Hoàng Sơn
(Theo Reuters, AP, WSJ)