Tổng thống Nga và Thái tử Ả Rập Xê Út điện đàm về vấn đề gì?
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thái tử Ả Rập Xê-út Mohammed bin Salman đã thảo luận trong một cuộc điện đàm về đảm bảo ổn định trên thị trường năng lượng và ca ngợi hợp tác trong thỏa thuận OPEC+, Điện Kremlin cho biết.
"Họ đã tổ chức một cuộc thảo luận chuyên sâu về việc đảm bảo sự ổn định trên thị trường năng lượng toàn cầu. Cả hai bên bày tỏ sự đánh giá cao về mức độ hợp tác cao trong khuôn khổ OPEC+, cho phép họ thực hiện các biện pháp nhanh chóng và hiệu quả để duy trì sự cân bằng cung và cầu dầu mỏ", một tuyên bố từ Điện Kremlin viết.
Tổng thống Putin và Thái tử Ả Rập Xê-út, những người thường xuyên tổ chức các cuộc điện đàm thảo luận về hợp tác, bao gồm cả trong thị trường dầu mỏ, đã thực hiện cuộc điện đàm mới nhất vài ngày sau cuộc họp OPEC+, tại đó Ả Rập Xê-út được cho là đã bày tỏ thất vọng với sự thiếu minh bạch về sản lượng dầu hiện tại của Nga.
Mới đây, các thành viên OPEC + đã quyết định duy trì mức cắt giảm hiện tại cho đến cuối năm 2024, trong khi nhà khai thác hàng đầu của OPEC và nhà xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, Ả Rập Xê-út, cho biết họ sẽ tự nguyện giảm sản lượng 1 triệu thùng/ngày vào tháng 7, xuống khoảng 9 triệu thùng/ngày.
Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Xê-út, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman, cho biết việc cắt giảm của vương quốc này có thể được gia hạn sau tháng 7.
Về phần mình, Nga cho biết giảm sản lượng dầu 500.000 thùng/ngày từ tháng 3. Việc cắt giảm này đã được gia hạn cho đến cuối năm 2023 và mới nhất là đến cuối năm 2024. Tuy nhiên, dữ liệu xuất khẩu dầu thô của Nga trong những tuần gần đây không phản ánh bất kỳ sự cắt giảm nào - ngược lại, xuất khẩu dầu thô của Nga bằng đường biển đang tăng lên.
Nga đã ngừng báo cáo mức khai thác dầu, thị trường và các nhà phân tích phải dựa vào dữ liệu theo dõi tàu, nguồn thương mại và thống kê nhập khẩu ở Trung Quốc và Ấn Độ về lượng cung của Nga.
Sau cuộc họp của OPEC+ tại Vienna vào cuối tuần vừa qua, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman, đề cập đến Nga: "Chúng tôi đã thảo luận với Nga về vấn đề sản lượng và yêu cầu nước này làm rõ dữ liệu của mình, đồng thời chúng tôi đã củng cố khái niệm minh bạch với Nga về dầu mỏ của mình".