Tổng thống Pháp 'đánh cược' với phe cực hữu

Cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vừa diễn ra cho thấy phe cực hữu đã trỗi dậy và thắng thế ở nhiều quốc gia, trong đó Pháp là nơi chịu tác động lớn nhất, khiến Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngay lập tức quyết định giải tán Quốc hội và tổ chức bầu cử sớm từ ngày 30/6. Khi chỉ còn chưa đầy 3 tuần nữa là đến vòng 1 cuộc bầu cử Quốc hội, ông Macron đang phải đối mặt với các liên minh đối lập ở cả cánh tả và cánh hữu, trong bối cảnh giới phân tích cho rằng những quyết định đặt cược của ông có thể đem lại kết quả không như mong đợi.

Quốc hội là cơ quan tương đương Hạ viện trong lưỡng viện Pháp, với các đại biểu được bầu theo phổ thông đầu phiếu. Cuộc bầu cử Quốc hội Pháp cuối tháng 6 này sẽ quyết định bên nào chiếm thế đa số tại Quốc hội và được quyền bầu tân Thủ tướng.

VÁN CƯỢC CỦA TỔNG THỐNG PHÁP

Theo giới quan sát, quyết định bầu cử sớm là một ván cược đầy mạo hiểm của Tổng thống Macron. Tổng thống Pháp cho rằng cử tri có thể tức giận với ông - điều đã được thể hiện trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu - nhưng sẽ không sẵn lòng cho phép một chính trị gia cực hữu đứng đầu chính phủ mới. Hôm nay ông tiếp tục khẳng định, bầu cử sớm là con đường duy nhất phía trước.

Trong khi đó, Đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia tin rằng họ sẽ giành chiến thắng áp đảo và đã lựa chọn sẵn ông Jordan Bardella, chính trị gia trẻ 28 tuổi có đường lối cực hữu, làm Thủ tướng.

…VÀ KHẢ NĂNG “SỐNG CHUNG” KHÓ KHĂN

Hôm nay 12/6, lãnh đạo đảng cánh hữu chính Những người Cộng hòa đã tuyên bố ủng hộ liên minh với phe cực hữu trong cuộc bầu cử lập pháp sớm sắp tới. Diễn biến này cùng cố thêm khả năng Đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia nắm đa số ở Quốc hội.

Nếu kịch bản này xảy ra, nước Pháp sẽ rơi vào một tình thế “oái oăm”: Tổng thống thuộc 1 đảng, Thủ tướng thuộc 1 đảng đối lập.

Tổng thống Macron sẽ buộc phải điều hành đất nước với ông Bardella, chính trị gia thiên về chủ nghĩa dân tộc, hoài nghi liên minh châu Âu và có lập trường chống nhập cư. Ông Macron vẫn giữ quyền quyết định chính sách đối ngoại và quốc phòng, nhưng sẽ đánh mất quyền quyết định chính sách trong nước, gồm cả chính sách kinh tế và an ninh quốc gia.

Viễn cảnh phải chia sẻ quyền lực có thể dẫn đến sự không chắc chắn về đường hướng chính sách của nước Pháp trong 3 năm tới khi Tổng thống và Thủ tướng không có chung quan điểm.

Biểu tình thậm chí đã nổ ra ngay sau khi có kết quả bầu cử Nghị viện châu Âu và quyết định giải tán Quốc hội của ông Macron.

Những cơn bão lớn ông Macron sẽ phải đối phó đang ở phía trước. Những hỗn độn khó kiểm soát, tình trạng tê liệt chính trị và các chương trình nghị bị sự cản trở. Khi đó, Tổng thống Macron mới có câu trả lời cho quyết định ngày hôm nay.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Q.T

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/tong-thong-phap-danh-cuoc-voi-phe-cuc-huu-225453.htm