Tổng thống Pháp đối mặt khó khăn mới sau khi bầu cử Quốc hội hạ màn

Kết quả bỏ phiếu vòng 2 bầu cử Quốc hội Pháp có thể khiến Tổng thống Emmanuel Macron sẽ gặp nhiều khó khăn để theo đuổi chương trình nghị sự chính trị của mình.

Tổng thống Emmanuel Macron (phải). Ảnh: THX/TTXVN

Tổng thống Emmanuel Macron (phải). Ảnh: THX/TTXVN

Vòng 2 của cuộc bầu cử sớm tại Pháp ngày 7/7 đã chứng kiến một bất ngờ lớn, khi khối chính trị giành vị trí dẫn đầu không phải là đảng Tập hợp Quốc gia (RN), mà là liên minh cánh tả Mặt trận Bình dân Mới (NFP).

Mặc dù giành thắng lợi lớn ở vòng đầu tiên, nhưng đảng RN và đồng minh chỉ giành được từ 141 đến 143 ghế, hiện đứng ở vị trí thứ ba. Về vị trí thứ hai là liên minh “Cùng nhau” (Ensemble) của Tổng thống Emmanuel Macron, mất đa số tương đối và chỉ còn duy trì được từ 160 đến 162 đại biểu so với 254 đại biểu trong quốc hội nhiệm kỳ trước.

Sau khi cuộc bầu diễn ra, một chủ đề tranh luận sôi nổi đã xuất hiện ở Pháp liên quan đến số phận chính trị trực tiếp của Tổng thống Emmanuel Macron.

Nhà bình luận Pierre Mazeaud, cựu Chủ tịch Hội đồng Hiến pháp Pháp, cho rằng cuộc bầu cử có thể đánh dấu sự kết thúc nhiệm kỳ của ông Macron.

Nếu không chiếm được đa số tại Quốc hội, Tổng thống Macron sẽ gặp nhiều khó khăn để theo đuổi chương trình nghị sự chính trị của mình - vì ông cần có sự ủng hộ của các nhà lập pháp để thực hiện các chính sách đề ra.

"Để chấm dứt những khó khăn nghiêm trọng này trong nước, tôi là một trong những người cho rằng Tổng thống Macron nên từ chức", chuyên gia Mazeaud nói.

Hoạt động chống lại các lực lượng đối lập không phải là thách thức mới mẻ đối với Tổng thống Macron. Sau cuộc bầu cử Quốc hội gần đây nhất vào năm 2022, ông Macron buộc phải liên minh với các đảng khác.

Điều này khiến ông đặc biệt đau đầu khi tìm cách thúc đẩy cải cách hệ thống lương hưu của Pháp, buộc Tổng thống Macron phải nhiều lần viện dẫn Điều 49.3 của hiến pháp Pháp - quy tắc bỏ qua cuộc bỏ phiếu của Quốc hội để thông qua luật.

Nhà báo người Pháp Alain Duhamel cũng đồng tình với quan điểm của chuyên gia Mazeaud, cho biết: “Nếu không có đa số có khả năng ủng hộ một chính phủ chuyển tiếp chịu trách nhiệm giải quyết các vấn đề hiện tại trong một năm, tôi không thấy kết quả nào khác ngoài việc ông Macron từ chức".

Tuy nhiên, trong một cuộc phỏng vấn với tờ Figaro vào tháng trước, Tổng thống Macron vẫn nhấn mạnh rằng thất bại của đảng ông trong cuộc bầu cử Quốc hội sẽ không có nghĩa là nhiệm kỳ tổng thống của ông sẽ kết thúc.

Ở Pháp, cuộc bầu cử cơ quan lập pháp quyết định thành phần của Quốc hội chứ không phải chức tổng thống, nghĩa là sẽ không có khả năng ông Macron từ chức trong trường hợp thất bại.

Vũ Thanh/Báo Tin tức (Theo euronews.com)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/tong-thong-phap-doi-mat-kho-khan-moi-sau-khi-bau-cu-quoc-hoi-ha-man-20240708105131889.htm