Tổng thống Pháp thăm Anh: Thăng trầm... vẫn cần nhau
Chuyến thăm cấp nhà nước kéo dài ba ngày của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tới Vương quốc Anh từ ngày 8-10/7 theo lời mời của Vua Charles III mang đậm ý nghĩa biểu tượng và chiến lược.

Tổng thống Emmanuel Macron cùng phu nhân Brigitte Macron chụp ảnh selfie với Thủ tướng Keir Starmer và một cựu binh Anh khi tham dự sự kiện tại London, hôm 8/7. (Nguồn: The Seattle Times)
Chuyến công du đầu tiên của một tổng thống Pháp tới Anh trong 17 năm cũng là chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên của một nguyên thủ quốc gia châu Âu kể từ khi Anh rời Liên minh châu Âu (Brexit). Trong bối cảnh cục diện địa chính trị quốc tế đang trải qua nhiều biến động, chuyến thăm được kỳ vọng mở ra chương mới trong quan hệ Pháp-Anh, vốn trải qua nhiều thăng trầm trong gần một thập kỷ qua.
Lợi ích vượt qua khác biệt
Pháp và Anh từng là hai trụ cột then chốt trong cấu trúc an ninh - chính trị của châu Âu, với nhiều điểm tương đồng về vai trò toàn cầu: Là thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, cường quốc hạt nhân, đồng minh chủ chốt trong NATO và có truyền thống hợp tác sâu rộng trong quốc phòng, ngoại giao, năng lượng và công nghệ cao.
Thế nhưng, kể từ sau cuộc trưng cầu dân ý năm 2016 và việc Anh chính thức rời EU vào năm 2020, quan hệ giữa Paris và London dần lạnh nhạt. Những tranh cãi dai dẳng về quyền đánh bắt cá, quy định hải quan, đặc biệt là làn sóng di cư qua eo biển Manche đã trở thành tâm điểm căng thẳng. Thêm vào đó, sự kiện Anh tham gia liên minh AUKUS cùng Mỹ và Australia – khiến Pháp mất hợp đồng tàu ngầm trị giá hàng chục tỷ USD – càng làm gia tăng nghi ngờ chiến lược giữa hai bên.
Tuy nhiên, bối cảnh chính trị mới tại Anh, đặc biệt sau khi Thủ tướng Keir Starmer thuộc Công đảng lên nắm quyền, đang tạo ra cơ hội tái thiết quan hệ thuận lợi cho Paris và London. Không giống như người tiền nhiệm với lập trường cứng rắn hậu Brexit, ông Starmer có quan điểm thân châu Âu hơn, sẵn sàng hàn gắn quan hệ với các đối tác lục địa.
Chuyến thăm lần này là một minh chứng cho xu hướng hòa dịu đó. Hoàng gia Anh tiếp đón Tổng thống Emmanuel Macron và Phu nhân Brigitte Macron bằng nghi lễ trang trọng nhất, bao gồm quốc yến tại lâu đài Windsor và lễ duyệt binh danh dự. Đặc biệt, hai vị khách quý được đưa đến lâu đài trên xe ngựa kéo, qua các đường phố trang hoàng bằng quốc kỳ hai nước.
Độ nồng ấm của quan hệ Anh-Pháp cũng được Tổng thống Emmanuel Macron nhấn mạnh trong bài phát biểu tại Quốc hội Anh. Hai nước “một lần nữa phải cho thế giới thấy rằng liên minh của chúng ta có thể tạo nên sự khác biệt. Chúng ta sẽ cứu châu Âu bằng tấm gương và sự đoàn kết của mình”. Nhà lãnh đạo cho rằng, mặc dù Anh đã rời khỏi EU, nhưng không thể đứng ngoài cuộc “bởi vì quốc phòng và an ninh, năng lực cạnh tranh, dân chủ, những yếu tố cốt lõi làm nên bản sắc của chúng ta, kết nối toàn châu Âu như một lục địa”.
Tổng thống Emmanuel Macron cũng nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết phải giảm sự phụ thuộc vào các chuỗi cung ứng và công nghệ do Mỹ và Trung Quốc kiểm soát. Tuyên bố này phản ánh quan điểm ngày càng thống nhất giữa Paris và London về một châu Âu tự chủ hơn trong môi trường toàn cầu ngày càng bất định.
Giữa một thế giới đang ngày càng phân cực, Pháp và Anh vẫn chia sẻ nhiều điểm đồng chiến lược, nổi bật nhất là cam kết ủng hộ Ukraine trong cuộc xung đột với Nga. Pháp và Anh chính là hai nước đang dẫn đầu nhóm các quốc gia “cùng chí hướng” cung cấp hỗ trợ quân sự và tài chính cho Kiev.
Bên cạnh đó, hợp tác trong các lĩnh vực công nghệ cao, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI) đang nổi lên như một hướng đi tiềm năng. Pháp hiện là điểm đến đầu tư AI với các tập đoàn như Nvidia hay Mistral, trong khi Anh còn đang xây dựng hạ tầng số và chính sách phù hợp, song cả hai đều nhìn nhận AI là trụ cột chiến lược trong cuộc cạnh tranh toàn cầu với Mỹ và Trung Quốc.
Điểm nghẽn cần tháo gỡ
Dù có nhiều dư địa hợp tác, con đường hàn gắn Pháp-Anh không hề dễ dàng. Một trong những vấn đề gai góc nhất hiện nay là làn sóng di cư trái phép từ bờ biển Pháp sang Anh. Chỉ trong năm 2025, đã có hơn 21.000 người vượt biển bằng thuyền nhỏ, gây áp lực lên chính quyền Anh. Dù Paris đã tăng cường kiểm soát, trong đó có cả biện pháp mạnh tay như phá hủy các thuyền phao, nhưng phía London vẫn cho rằng nỗ lực đó chưa đủ.
Bên cạnh đó, bất đồng trong tiếp cận các chính sách thương mại và công nghệ cũng là lực cản lớn. Anh vẫn ưu tiên các hiệp định song phương với Mỹ, như thỏa thuận khung về thuế quan với mức thuế dễ chịu – trong khi Pháp tiếp tục kiên định với cách tiếp cận đa phương của EU. Trong lĩnh vực AI, Anh có xu hướng gần với Mỹ về quản trị và dữ liệu, còn Pháp theo đuổi mô hình quản lý tập trung, bảo vệ chủ quyền số châu Âu. Dư âm của sự kiện AUKUS vẫn còn đó, đặc biệt trong tâm lý của giới hoạch định chính sách Pháp - những người chưa quên sự “bị bỏ rơi” từ phía Anh và đồng minh Anglo-Saxon.
Trong bối cảnh châu Âu đang định hình lại sau cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu và chuẩn bị đối mặt với các thách thức địa chính trị ngày càng phức tạp, việc hai nền kinh tế hàng đầu của lục địa già tái kết nối là tín hiệu tích cực không chỉ cho quan hệ song phương, mà cho cả ổn định của toàn bộ phương Tây.
Như cựu Đại sứ Anh tại Pháp Peter Ricketts từng nhận định, sau nhiều năm “quan hệ rất tệ”, hai nước dường như đã hiểu rằng họ cần đến nhau không chỉ để giải quyết các vấn đề song phương, mà còn để cùng định hình vai trò chiến lược của châu Âu trong trật tự thế giới đang thay đổi nhanh chóng.
Tuy nhiên, hành trình tái thiết lòng tin không thể thành công chỉ nhờ các nghi lễ ngoại giao hay tuyên bố thiện chí. Những bất đồng tích tụ từ Brexit, AUKUS cho tới di cư và chính sách công nghệ vẫn là các rào cản không dễ vượt qua.
Chìa khóa cho một tương lai nồng ấm hơn giữa Paris và London sẽ phụ thuộc vào mức độ điều chỉnh và xây dựng lòng tin chiến lược thực chất - điều đang được kỳ vọng khởi đầu từ chính chuyến thăm lịch sử lần này.
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tong-thong-phap-tham-anh-thang-tram-van-can-nhau-320540.html