Tổng thống Putin: BRICS có khả năng thành lập liên minh nghị viện riêng

Hôm 11/7 (giờ địa phương), Diễn đàn Nghị viện BRICS lần thứ X khai mạc tại thành phố St. Petersburg (Nga) với sự tham gia của 400 đại diện đến từ 16 quốc gia. Tại phiên toàn thể, Tổng thống Nga Putin đã đề cập khả năng thành lập Liên minh Nghị viện BRICS trong tương lai nhằm tăng cường ảnh hưởng toàn cầu.

RT hôm 11/7 dẫn lời Tổng thống Nga Vladimir Putin nêu tại phiên họp chính thức của Diễn đàn Nghị viện BRICS lần thứ X cho biết, các thành viên của nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS có thể thành lập nghị viện riêng trong tương lai.

Theo ông Putin, các diễn đàn của những quốc gia thành viên BRICS đang củng cố uy tín và ảnh hưởng của tổ chức trên toàn thế giới. Đây được coi là nền tảng quan trọng làm cho thế giới an toàn và hài hòa hơn. Cho đến nay, BRICS không có cơ cấu nghị viện được thể chế hóa riêng. Nhưng ông tin rằng trong tương lai, ý tưởng này chắc chắn sẽ thành hiện thực.

Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại phiên họp toàn thể Diễn đàn Nghị viện BRICS lần thứ 10 hôm 11/7. Ảnh: Sputnik

Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại phiên họp toàn thể Diễn đàn Nghị viện BRICS lần thứ 10 hôm 11/7. Ảnh: Sputnik

BRICS được thành lập vào năm 2006 bởi Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc. Nam Phi gia nhập BRICS vào năm 2011 và khối đã mở rộng hồi đầu năm khi Ai Cập, Ethiopia, Iran và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) trở thành thành viên chính thức.

Theo nhà lãnh đạo Nga, số lượng các nước tham gia BRICS đã tăng lên. Nước này với tư cách là chủ tịch hiện tại của nhóm, sẽ tăng cường nỗ lực để đảm bảo rằng các thành viên mới được hội nhập hiệu quả.

Tổng thống Nga tuyên bố, bằng cách cùng nhau hành động, BRICS sẽ có thể phát huy tiềm năng trong hợp tác kinh tế, đầu tư và công nghệ. Hiện nay, một trong các ưu tiên của nhóm là phát triển các công cụ tài chính đáng tin cậy để giải quyết các khoản thanh toán trong khối.

Hồi tháng 6, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov tuyên bố, các Bộ trưởng Tài chính BRICS đang xem xét khả năng ra mắt hệ thống thanh toán tài chính chung dựa trên blockchain, thay cho hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT của phương Tây.

Kể từ khi bị loại khỏi SWIFT vì xung đột với Ukraine, Nga tăng cường giao dịch với các quốc gia BRICS bằng tiền tệ nội địa. Xu hướng này ngày càng được các thành viên BRICS ủng hộ, họ nhanh chóng giảm sử dụng đồng USD và đồng Euro trong thanh toán thương mại. Tỉ trọng tiền tệ quốc gia trong các khoản thanh toán của Nga với các nước BRICS đã tăng lên 85% vào cuối năm 2023, từ mức 26% hai năm trước đó.

Được biết, tham dự diễn đàn lần này có nghị sĩ của các quốc gia BRICS, đại diện của nhiều quốc gia và các tổ chức quốc tế khác. Một trong những mục tiêu trọng tâm của Diễn đàn Nghị viện BRICS lần thứ X là thúc đẩy sự hợp tác kinh tế của các nước thành viên trong khối.

Trong 2 ngày làm việc, các đại biểu tập trung bàn thảo các vấn đề cấp bách của hợp tác nghị viện quốc tế, bao gồm: vai trò của nghị viện trong việc củng cố hệ thống quan hệ quốc tế đa phương, vhững giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ chế nghị viện, hỗ trợ lập pháp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia BRICS, vai trò của nghị viện trong việc thúc đẩy phát triển bền vững, hợp tác nhân đạo và văn hóa giữa các quốc gia BRICS.

Các phát biểu tại phiên khai mạc đều khẳng định, BRICS hiện đóng một vai trò quan trọng trong thể chế chính trị và kinh tế thế giới. Về diện tích, các nước BRICS chiếm 1/3 diện tích toàn cầu và khối hiện chiếm 45% dân số thế giới.

Kim Ngọc

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/the-gioi-24h/tong-thong-putin-brics-co-kha-nang-thanh-lap-lien-minh-nghi-vien-rieng-i737125/