Tổng thống Putin: Các biện pháp trừng phạt có thể gây tổn hại nền kinh tế Nga
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thừa nhận rằng các biện pháp trừng phạt của phương Tây được thiết kế nhằm cắt giảm ngân quỹ phục vụ cho chiến sự có thể giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế Nga.
Trong bài phát biểu trên truyền hình hôm thứ Tư, ông Putin cho biết những hạn chế áp đặt lên nền kinh tế Nga có thể tác động tiêu cực trong khoảng trung hạn. Đây là lần thừa nhận hiếm hoi của ông sau những khẳng định về sự vững mạnh của nền kinh tế Nga cũng như về các biện pháp trừng phạt đã gây tổn hại cho các nước phương Tây bằng cách đẩy lạm phát và giá năng lượng lên cao.
Theo nhà lãnh đạo Nga, kinh tế quốc gia đã tăng trưởng kể từ tháng 7, một phần nhờ vào mối quan hệ chặt chẽ hơn với “các quốc gia phía Đông và phía Nam”. Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của nhu cầu trong nước đối với nền kinh tế, đồng thời cho rằng đó đang là động lực tăng trưởng hàng đầu.
Đứng trước hàng loạt biện pháp trừng phạt, nền kinh tế Nga đã cho thấy khả năng phục hồi đáng kinh ngạc. Các ước tính sơ bộ từ chính phủ Nga cho thấy sản lượng kinh tế đã giảm 2,1% trong năm ngoái, thấp hơn so với dự đoán ban đầu của nhiều nhà kinh tế.
Tuy nhiên, khi Trung Quốc xây dựng huyết mạch tài chính với chính phủ Nga bằng cách mua dầu và cung cấp đồng tiền thay thế cho đồng đô la Mỹ, những rạn nứt bắt đầu xuất hiện.
Doanh thu của chính phủ Nga trong tháng 1 giảm 35% so với một năm trước, trong khi chi tiêu tăng 59%, dẫn đến thâm hụt ngân sách khoảng 1.761 tỷ rúp (23,3 tỷ USD). Ngân hàng Thế giới và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế dự báo mức giảm lần lượt là 3,3% và 5,6% vào năm 2023. Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự đoán tăng trưởng của Nga sẽ không thay đổi trong năm nay, nhưng nền kinh tế sẽ giảm ít nhất 7% trong khoảng trung hạn.
Các nước phương Tây đã công bố hơn 11.300 biện pháp trừng phạt kể từ khi chiến sự bắt đầu vào tháng 2 năm 2022 và đóng băng khoảng 300 tỷ USD dự trữ ngoại hối của Nga.
Oleg Deripaska, một doanh nhân người Nga, đã cảnh báo hồi đầu tháng này về việc Nga sẽ cạn kiệt tiền trong đầu năm tới.
Ở một diễn biến khác, ngân hàng Áo Raiffeisen Bank International cho biết vào hôm thứ năm rằng đang xem xét để bán hoặc tách hoạt động ở Nga. Trong một tuyên bố, ngân hàng chỉ ra các điều kiện thị trường trong nước "cực kỳ phức tạp", đồng thời cam kết "tiếp tục hạn chế các hoạt động thương mại".
Tại Nga, Raiffeisenbank đã tạo ra gần 2 tỷ USD lợi nhuận vào năm ngoái, nhưng lại không thể xuất khẩu bất kỳ doanh thu nào từ hoạt động kinh doanh do các quy định nghiêm ngặt của quốc gia.
Anh Tuấn (Theo CNN)