Tổng thống Putin cảnh báo nguy cơ chạy đua vũ trang ở châu Á- Thái Bình Dương
Tổng thống Nga Vladimir Putin lo ngại một cuộc chạy đua vũ trang có thể nhen nhóm ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, sau khi Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF) sụp đổ.
"Với việc hiệp ước INF bị sụp đổ, khu vực (châu Á-Thái Bình Dương) đối mặt với khả năng xuất hiện các vũ khí tấn công được nhắc đến trong văn kiện, và theo đó là viễn cảnh một cuộc chạy đua vũ trang mới", Tổng thống Putin ngày 27/10 phát biểu tại phiên họp trực tuyến Hội nghị cấp cao Đông Á lần thứ 16, Sputnik đưa tin.
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: TASS
Tổng thống Putin nhấn mạnh, với việc nhận thức rõ ràng nguy cơ kể trên, Nga đã đơn phương tuyên bố ngừng triển khai các tên lửa tầm trung và tầm ngắn ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và các khu vực khác trên thế giới.
Theo ông chủ Điện Kremlin, Moscow đã kêu gọi một cuộc thảo luận nghiêm túc về vấn đề này với tất cả các quốc gia liên quan. "Đề xuất này của Nga vẫn còn hiệu lực và mức độ quan tâm với nó đang tăng lên", Tổng thống Putin khẳng định.
Nhà lãnh đạo Nga nói thêm rằng, nước này luôn ủng hộ việc thiết lập một hệ thống an ninh bình đẳng và thống nhất ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Nga muốn tăng cường bầu không khí hợp tác mang tính xây dựng dựa trên nguyên tắc của luật pháp quốc tế, tôn trọng chủ quyền, bình đẳng và có cân nhắc đến lợi ích của nhau. "Đó là cách duy nhất để ngăn chặn các mối đe dọa đang tồn tại và đang nổi lên; cũng như để giải quyết các vấn đề cấp bách không chỉ với khu vực của chúng ta, mà còn đối với toàn thế giới", Tổng thống Nga khẳng định.
Hiệp ước INF được Mỹ ký với Liên Xô từ năm 1987, trong đó cấm hai bên phát triển và triển khai các loại tên lửa hành trình phóng từ mặt đất có tầm bắn từ 500 - 5.500 km. Năm 2019, Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump rút khỏi Hiệp ước INF này với cáo buộc Nga vi phạm văn kiện. Moscow bác bỏ cáo buộc và cũng rời khỏi Hiệp ước INF để đáp trả.
Sau khi INF sụp đổ, Nga và Trung Quốc cảnh báo Mỹ không triển khai tên lửa tầm trung phóng từ mặt đất tại khu vực châu Á- Thái Bình Dương, hoặc các nước này sẽ phải triển khai các biện pháp tương ứng để đáp trả.
Mỹ dưới thời ông Trump từng nhiều lần đề nghị Trung Quốc tham gia đàm phán một hiệp ước mới toàn diện hơn INF cùng nước này và Nga, song Bắc Kinh kiên quyết từ chối.