Tổng thống Timor-Leste: Chúng tôi có nhiều khó khăn phải vượt qua nhưng luôn có Việt Nam đồng hành!
Nhân dịp thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam (31/7-3/8), Tổng thống Timor-Leste Jose Ramos-Horta đã trả lời phỏng vấn độc quyền báo Thế giới và Việt Nam, chia sẻ những câu chuyện hợp tác và cảm nhận cá nhân về Việt Nam.
Thưa Tổng thống, Chủ tịch nước Tô Lâm vừa được Hội nghị Trung ương Đảng bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XIII. Là vị khách quốc tế đang ở Việt Nam trong ngày hôm nay, Tổng thống có những thông điệp nào gửi tới Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm?
Tôi muốn gửi lời chúc mừng nồng nhiệt nhất tới Chủ tịch nước Tô Lâm khi ông được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam ngày hôm nay. Đây là sự ghi nhận to lớn và quan trọng dành cho sự lãnh đạo của Chủ tịch nước Tô Lâm đối với Đảng và đất nước, cũng như năng lực điều hành hướng sự phát triển ổn định, thịnh vượng của Việt Nam, thúc đẩy danh tiếng vốn đã vững chắc của Việt Nam trên trường quốc tế.
Một lần nữa, tôi xin gửi lời chúc mừng nồng ấm nhất tới tân Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm.
Xin Tổng thống chia sẻ những điểm nhấn nổi bật trong chuyến thăm Việt Nam lần này?
Tôi cho rằng các chuyến thăm cấp cao rất quan trọng trong việc kết nối trực tiếp và tiếp thêm năng lượng cho các mối quan hệ của chúng ta, nhất là khi có sự thay đổi trong lãnh đạo. Việc tiếp xúc trực tiếp và kết nối rất cần thiết để các nhà lãnh đạo hiểu biết về nhau, tạo ra bầu không khí tích cực và hòa hợp, từ đó thúc đẩy hợp tác.
Việt Nam là nước kiên định ủng hộ Timor-Leste từ khi chúng tôi còn đấu tranh giành độc lập 40, 50 năm về trước. Từ khi tái giành lại được độc lập năm 2002, chúng tôi đã bắt đầu quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Việt Nam cũng đã rất tích cực hỗ trợ tư cách thành viên ASEAN của Timor-Leste.
Trong chuyến thăm, tôi và lãnh đạo Việt Nam đã trao đổi nhiều lĩnh vực có thể mở rộng hợp tác. Tôi ấn tượng với dự án đầu tư tuyệt vời của Tập đoàn Viettel tại Timor-Leste thông qua công ty con có tên là Telemor. Công nghệ viễn thông đóng vai trò vô cùng quan trọng trong thời hiện đại, đặc biệt với những người sống ở nông thôn.
Telemor là công ty điện tử viễn thông kỹ thuật số, đã tiếp cận, kết nối các ngôi làng trên khắp đất nước Timor-Leste. Chỉ trong một thời gian ngắn, công ty đã trở nên nổi tiếng toàn quốc. Tôi ấn tượng với Telemor bởi sự hỗ trợ nhiệt tình dành cho người dân chúng tôi. Tôi muốn những mô hình hợp tác như vậy nhân rộng hơn nữa.
Việt Nam có thể được coi là đất nước đi đầu trong nông nghiệp và truy xuất nguồn gốc nông nghiệp, công nghệ nông nghiệp, hệ thống tưới tiêu, chất lượng hạt giống, tiếp thị và cơ sở hạ tầng liên quan đến nông nghiệp.
Việt Nam có thể giúp đỡ chúng tôi, chứ không phải chỉ là cho tặng. Chúng tôi không tìm kiếm sự cho tặng từ Việt Nam. Chúng tôi đang tìm kiếm những người lành nghề vừa biết làm vừa biết dạy, chứ không chỉ là những người am hiểu về học thuật, các mặt lý thuyết của nông nghiệp. Chúng tôi mong muốn Việt Nam có thể gửi một số nông dân lành nghề tới Timor-Leste làm việc. Như thế, họ có thể làm việc trên đất đai của chúng tôi, người dân Timor-Leste nhìn thấy họ làm việc mỗi ngày. Học từ thực tiễn tốt hơn rất nhiều là thông qua các lớp học hay hội thảo. Chúng tôi mong chờ một tương lai mà sự hiện diện Việt Nam lớn hơn trên đất nước của chúng tôi.
Đã nhiều lần đến thăm Việt Nam, Tổng thống cảm nhận như thế nào về sự phát triển của đất nước chúng tôi trong những năm qua?
Tôi đã đến Việt Nam tổng cộng 4 lần. Lần đầu tiên vào tháng 1/2000, lần thứ 2 là khi tôi làm Bộ trưởng Ngoại giao, lần thứ ba là vào năm 2010, khi đó tôi là Tổng thống và lần này là chuyến thăm thứ 4.
Qua năm tháng, tôi đã tìm hiểu rất nhiều về Việt Nam, thông qua báo chí và nhiều phương tiện khác. Những năm qua, tôi cũng đã đọc rất nhiều về nhà lãnh đạo vĩ đại Hồ Chí Minh và tất cả các vị tướng kiệt xuất của Việt Nam. Tôi đã đọc về trận chiến lịch sử Điện Biên Phủ, cuộc tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968, chiến dịch giải phóng Sài Gòn... Và đương nhiên, tôi cũng đọc về những thảm kịch ảnh hưởng đến Việt Nam như những cuộc dội bom, chất diệt cỏ phá hủy rừng Việt Nam hay nạn đói khiến 2 triệu người chết năm 1945.
Nhưng tất cả điều đó thuộc về quá khứ, thuộc về những ký ức còn sống mãi với người Việt Nam. Ngày nay, Việt Nam đã trở thành một quốc gia có uy tín quốc tế, độc lập về chính sách đối ngoại, phát triển thịnh vượng. Và tôi tin rằng một vài năm nữa, Việt Nam có thể nằm trong “top 5”, “top 10” các quốc gia hàng đầu thế giới.
Thông qua các cuộc tiếp xúc cấp cao và một số chuyến thăm thực tế, Tổng thống có những kế hoạch trọng tâm nào dự kiến được triển khai ngay sau chuyến thăm Việt Nam lần này?
Về phía Timor-Leste, ưu tiên hàng đầu của chúng tôi là phát triển cơ sở vật chất, nông nghiệp, an ninh lương thực và dinh dưỡng, đặc biệt đối với trẻ em, trẻ sơ sinh và phụ nữ nhằm cải thiện sức khỏe của họ. Để làm được điều đó, chúng tôi đang theo đuổi chính sách hợp tác đa dạng, qua đó Việt Nam có thể hỗ trợ các nước khác cùng với các cơ quan của Liên hợp quốc.
Ngoài ra, chúng tôi đang nỗ lực làm việc để hướng tới tư cách thành viên ASEAN, và tôi mong muốn được gửi các quan chức Timor-Leste đến Việt Nam để học hỏi hoặc chúng ta có thể thực hiện một số chương trình hợp tác đặc biệt tại Timor-Leste với các giảng viên Việt Nam đến từ Bộ Ngoại giao Việt Nam hay các quan chức Việt Nam đã về hưu. Họ có thể đến Timor-Leste để thực hiện các chương trình đào tạo liên quan đến ASEAN.
ASEAN bao gồm nhiều khía cạnh như ngoại giao, hợp tác, các luật đầu tư, luật bảo vệ đầu tư, làm thế nào để đẩy nhanh đăng ký đầu tư của các công ty và rất nhiều khía cạnh khác. Chúng tôi còn nhiều thứ phải học hỏi. Những điều này có ý nghĩa là sự chuẩn bị của Timor-Leste trong hội nhập khu vực, hội nhập thương mại khu vực và quốc tế, chuẩn bị cho những điều kiện cần thiết và phù hợp của đất nước để hướng tới thu hút đầu tư nước ngoài (FDI). Trên con đường phát triển, chúng tôi có hàng loạt những thách thức không hồi kết và Việt Nam đã giúp đỡ chúng tôi trong những vấn đề này.
Tổng thống đánh giá như thế nào về tầm quan trọng của “mái nhà chung” ASEAN trong việc đảm bảo phát triển và thịnh vượng của khu vực cũng như nỗ lực của Timor-Leste để trở thành thành viên chính thức của ASEAN?
Tôi hy vọng vào năm 2025, tức là năm sau, khi Malaysia đảm nhận cương vị Chủ tịch ASEAN 2025, Timor-Leste có thể gia nhập ASEAN với tư cách thành viên thứ 11.
Chúng tôi đã sẵn sàng cho năm sau chưa? Chúng tôi nghĩ rằng đó là một câu hỏi có nhiều cách để trả lời: Thế nào mới là “sẵn sàng”? Khi các nước thành viên ASEAN gia nhập Hiệp hội, khi đó, họ đã sẵn sàng chưa? “Sẵn sàng” bao gồm những gì? Vì chúng ta đều tiếp tục phát triển, phát triển hơn nữa.
"Việt Nam là một trong những quốc gia có tầm ảnh hưởng và uy tín trên thế giới hiện nay. Mặc dù tình hình thế giới có nhiều biến động, Việt Nam nổi lên như một quốc gia ổn định, hòa bình, có trách nhiệm, có nhiều đóng góp quan trọng trong ASEAN".
Nhiều nhà lãnh đạo ASEAN đã nói với tôi rằng, khi đất nước họ mới gia nhập ASEAN, đất nước họ còn nghèo hơn Timor-Leste. Nhưng họ vẫn tham gia ngay lập tức vào Hiệp hội. Vậy nên theo đó, chúng tôi đã sẵn sàng để gia nhập ASEAN. Miễn là mọi người hiểu rằng chúng tôi sẽ phải mất thêm 5 năm, 10 năm để tiếp tục cải thiện và phát triển. Từ năm 2025, thêm 5 năm, 10 năm nữa để chúng tôi đạt đến sự hoàn hảo.
Nếu các nhà lãnh đạo của ASEAN đồng ý, chúng tôi nhất định sẽ tự nhủ phải làm việc chăm chỉ hơn nữa để tham gia vào ASEAN năm 2025. Nhưng nếu lãnh đạo ASEAN quyết định là năm 2026, 2027, thì với chúng tôi, đó cũng không phải là sự kết thúc.
Việt Nam là một trong những quốc gia có tầm ảnh hưởng và uy tín trên thế giới hiện nay. Mặc dù tình hình thế giới có nhiều biến động, Việt Nam nổi lên như một quốc gia ổn định, hòa bình, có trách nhiệm và có nhiều đóng góp quan trọng trong ASEAN.
Xin trân trọng cảm ơn Tổng thống!