Tổng thống Trump công bố thời gian áp dụng mức thuế quan 'có đi có lại'
Tổng thống Donald Trump tuyên bố thời gian áp đặt 'thuế quan tương hỗ' (có đi có lại) đối với các đối tác thương mại của Mỹ.
"Ba tuần tiếp theo có lẽ là thời gian tốt nhất từ trước đến nay, nhưng tuần này là tuần quan trọng nhất. Mỹ sẽ áp dụng thuế quan tương hỗ vào ngày 13/2, làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại", Tổng thống Mỹ Donald Trump cho hay.
Động thái này sẽ điều chỉnh mức thuế nhập khẩu của Mỹ theo mức mà những nước khác áp dụng đối với hàng hóa của Washington.
![Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: CNN)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_83_51471083/3c1fb57984376d693426.jpg)
Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: CNN)
Nhiều nhà phân tích cảnh báo biện pháp thuế quan tương hỗ có thể dẫn đến việc tăng thuế quan rộng rãi đối với nền kinh tế thị trường mới nổi như Ấn Độ và Thái Lan, những nơi có xu hướng áp dụng mức thuế quan thực tế cao hơn đối với hàng hóa của Mỹ.
Giới phân tích cũng cho rằng những quốc gia có thỏa thuận thương mại với Washington như Hàn Quốc ít có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi động thái này.
Động thái mới của Mỹ cũng có nghĩa là nếu một nước như Ấn Độ áp dụng mức thuế 25% đối với ô tô của Mỹ thì Washington cũng áp dụng mức thuế 25% đối với ô tô nhập khẩu từ Ấn Độ.
"Mục tiêu của ông Trump khi áp dụng thuế quan có đi có lại là để đảm bảo đối xử công bằng đối với hàng xuất khẩu của Mỹ. Hành động này có thể gián tiếp giải quyết tình trạng mất cân bằng thương mại của Mỹ với đối tác", nhà phân tích tại tập đoàn Nomura cho biết.
Trong số các nền kinh tế ở châu Á, Ấn Độ là quốc gia áp dụng mức thuế quan trung bình 9,5% đối với hàng xuất khẩu của Mỹ. Trong khi mức thuế đối với hàng xuất khẩu của Ấn Độ sang Mỹ là 3%.
Tương tự, Thái Lan áp dụng mức thuế 6,2% và Trung Quốc áp dụng mức thuế 7,1% đối với sản phẩm của Mỹ.
Tuy nhiên, Phó chủ tịch phụ trách kinh tế và thương mại tại Viện Cato, ông Scott Lincicome cho rằng những nước nghèo thường áp dụng mức thuế quan cao hơn. Bởi họ sử dụng chúng như công cụ tạo doanh thu và tự vệ.