Tổng thống Trump đề xuất tăng kỷ lục chi tiêu quốc phòng

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đề xuất cắt giảm 22,6% USD cho ngân sách liên bang, chủ yếu ở lĩnh vực giáo dục, nhà ở. Tuy nhiên, chi tiêu quốc phòng lại được tăng 13% lên tới 1,01 nghìn tỷ USD.

Ngày 2/5, Tổng thống Trump đã đề xuất ngân sách cho năm tài chính 2026 lên Quốc hội, cắt giảm mạnh các khoản chi khác, nhưng tăng mạnh ngân sách quốc phòng, khiến các nhà lập pháp chia rẽ gay gắt.

Quốc phòng được “ưu tiên tuyệt đối”

Theo dự thảo ngân sách năm 2026 được Nhà Trắng công bố ngày 2/5, ông Trump đã đề xuất tăng chi tiêu quốc phòng lên 13% so với năm tài chính 2025, đạt tới 1.010 tỷ USD - mức cao nhất trong lịch sử Mỹ.

Ngân sách quốc phòng Mỹ trong năm 2026 dự kiến vượt mốc 1.000 tỷ USD. Ảnh: usfunds.com

Ngân sách quốc phòng Mỹ trong năm 2026 dự kiến vượt mốc 1.000 tỷ USD. Ảnh: usfunds.com

Văn kiện ngân sách nhấn mạnh rằng đề xuất này là nhằm “hiện thực hóa cam kết hòa bình thông qua sức mạnh” của Tổng thống Trump, bằng cách tái thiết quân đội, phục hồi năng lực răn đe và tăng cường khả năng cạnh tranh chiến lược với các cường quốc khác như Trung Quốc và Nga.

Cụ thể, ngân sách quốc phòng sẽ tập trung vào hai trọng điểm: kiềm chế sự gia tăng ảnh hưởng quân sự của Trung Quốc tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, và khôi phục ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ sau nhiều năm trì trệ. Bên cạnh đó, Bộ An ninh Nội địa (DHS) cũng được phân bổ ngân sách khổng lồ khoảng 175 tỷ USD nhằm củng cố kiểm soát biên giới, vốn là một trụ cột trong chiến dịch tái tranh cử của ông Trump.

Trái ngược với sự ưu ái dành cho quân sự và an ninh, chính quyền Tổng thống Trump đề xuất cắt giảm 163 tỷ USD, chiếm khoảng 22,6% ngân sách liên bang, đối với các lĩnh vực khác như giáo dục, nhà ở và nghiên cứu y tế trong năm tới. Hai cơ quan chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là Viện Y tế Quốc gia (NIH) với mức giảm 18 tỷ USD và Bộ Nhà ở và Phát triển Đô thị (HUD) bị cắt ngân sách gần 25 tỷ USD.

Theo ông Russell Vought - Giám đốc Văn phòng Quản lý và Ngân sách Nhà Trắng, các khoản cắt giảm nhằm tái cấu trúc chính phủ theo hướng “tinh gọn, hiệu quả, tránh lãng phí”.

Quốc hội chia rẽ: “Tăng không đủ, cắt quá sâu”

Các đảng viên Dân chủ tại Quốc hội Mỹ chỉ trích việc cắt giảm chi tiêu trong nước là quá nghiêm trọng, trong khi một số đảng viên Cộng hòa kêu gọi tăng chi tiêu cho quốc phòng và các lĩnh vực khác.

Mặc dù ngân sách quốc phòng được đề xuất ở mức cao kỷ lục, giới chức Đảng Cộng hòa vẫn chưa hài lòng. Thượng nghị sĩ Cộng hòa Roger Wicker đến từ Mississippi, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện, nói rằng mức tăng 13% thực chất vẫn là “giảm” trong bối cảnh lạm phát tăng phi mã và chi phí quốc phòng leo thang.

“Tổng thống Trump đã thắng cử với cương lĩnh hòa bình thông qua sức mạnh. Nhưng các cố vấn của ông tại Văn phòng Quản lý và Ngân sách Nhà Trắng dường như không hiểu điều đó. Đây là năm thứ năm liên tiếp ngân sách quốc phòng phản ánh tư duy của cựu Tổng thống Joe Biden” - ông Wicker cho hay.

Trong khi đó, Giám đốc Văn phòng Quản lý và Ngân sách Nhà Trắng (OMB) Russ Vought lại khẳng định trong lá thư gửi đến Thượng nghị sĩ Susan Collins - người phân bổ ngân sách hàng đầu của Thượng viện đến từ Maine, rằng bản dự thảo ngân sách phản ánh “mức tăng chưa từng có tiền lệ” cho chi tiêu quốc phòng và an ninh biên giới, qua đó hiện thực hóa các cam kết then chốt của Tổng thống Trump.

Tuy nhiên, Thượng nghị sĩ Collins – người được đánh giá ôn hòa trong đảng Cộng hòa lại không ủng hộ dự luật ngân sách năm 2026 của chính quyền Tổng thống Trump. Theo bà Collins, ngân sách dành cho quốc phòng thực chất gần như bị giữ nguyên, trong khi các lĩnh vực quan trọng như năng lượng, giáo dục và nghiên cứu y tế lại bị cắt giảm mạnh.

Nhà lập pháp đến từ bang Maine nhấn mạnh: “Chúng ta không thể đảm bảo an ninh quốc gia chỉ bằng chi tiêu quân sự. Việc cắt giảm ngân sách cho nghiên cứu y tế và lĩnh vực giáo dục sẽ làm suy yếu nội lực của Mỹ”.

Các nghị sĩ đảng Dân chủ cũng chỉ trích việc cắt giảm chi tiêu dành cho các chương trình an sinh xã hội. Thượng nghị sĩ Bernie Sanders gọi đây là “bản ngân sách tấn công người nghèo để phục vụ ngành công nghiệp quốc phòng”.

Hạ nghị sĩ Pramila Jayapal cảnh báo hậu quả nghiêm trọng khi Viện Y tế quốc gia Mỹ bị cắt giảm ngân sách, đặc biệt khi hệ thống y tế Mỹ chưa phục hồi hoàn toàn sau đại dịch Covid-19.

Trong bối cảnh ngân sách liên bang Mỹ duy trì mức khoảng 7.000 tỷ USD mỗi năm và nợ công vượt ngưỡng 36.000 tỷ USD, giới quan sát dự báo quá trình phê duyệt ngân sách năm 2026 sẽ đối mặt nhiều thách thức. Giới chuyên gia cảnh báo, với sự chia rẽ sâu sắc giữa lưỡng viện Quốc hội, nguy cơ xảy ra tình trạng chính phủ Mỹ phải đóng cửa do chậm trễ phê duyệt ngân sách là hoàn toàn có thể xảy ra.

Nguyễn Phương

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/tong-thong-trump-de-xuat-tang-ky-luc-chi-tieu-quoc-phong.692932.html