Tổng thống Trump đình chỉ đàm phán, Canada tự rút thuế kỹ thuật số
Sau khi Tổng thống Trump đình chỉ đàm phán thương mại với Canada vì thuế dịch vụ số gây tranh cãi, Ottawa đã tuyên bố hủy bỏ sắc thuế này để quay lại bàn đàm phán. Đây có thể là là một bước lùi chiến thuật.

Thủ tướng Canada Mark Carney tại Ottawa. Ảnh: THX/TTXVN
Theo tờ New York Times, sau khi Tổng thống Trump đình chỉ đàm phán thương mại với Canada vì thuế dịch vụ số gây tranh cãi, Ottawa đã tuyên bố hủy bỏ sắc thuế này để quay lại bàn đàm phán. Cú quay đầu này được chính quyền Tổng thống Trump coi là một chiến thắng. Tuy nhiên, đối với chính phủ Canada, đây có thể chỉ là một bước lùi chiến thuật có tính toán.
Hôm 27/6, Tổng thống Trump tuyên bố ông sẽ tạm ngừng các cuộc đàm phán thương mại vì Canada chuẩn bị bắt đầu thu thuế nhắm vào các tập đoàn công nghệ lớn của Mỹ - một loại thuế mà ông gọi là “cuộc tấn công trắng trợn”.
Tối 29/6, chỉ vài giờ trước khi sắc thuế có hiệu lực, chính phủ Canada thông báo sẽ hủy bỏ nó. Thủ tướng Canada Mark Carney cho biết quyết định này nhằm tạo điều kiện nối lại đàm phán với Mỹ.
“Trong các cuộc thương lượng về một khuôn khổ quan hệ kinh tế và an ninh mới giữa Canada và Mỹ, chính phủ mới của Canada sẽ luôn đặt lợi ích tổng thể của người lao động và doanh nghiệp Canada lên hàng đầu”, ông Carney nói trong một tuyên bố chính thức.
Sáng 30/6, các cuộc đàm phán đã được nối lại, nhưng Nhà Trắng không bỏ lỡ cơ hội tuyên bố chiến thắng.
“Rất đơn giản: Thủ tướng Carney và Canada đã nhượng bộ Tổng thống Trump và Hợp chúng quốc Hoa Kỳ”, Thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt tuyên bố. “Tổng thống Trump biết cách đàm phán, và ông biết rằng mình đang lãnh đạo quốc gia và nền kinh tế tốt nhất thế giới”, bà Leavitt nói thêm.
Bà cho rằng việc Canada theo đuổi sắc thuế này là một “sai lầm”, và gọi quyết định rút lại thuế là “một chiến thắng lớn cho các công ty công nghệ và người lao động Mỹ”.

Quang cảnh cảng hàng hóa tại Vancouver, Canada. Ảnh: THX/TTXVN
Tại Mỹ, cả đảng Cộng hòa lẫn Dân chủ đều không ưa các loại thuế dịch vụ số do các quốc gia khác áp đặt, vì họ cho rằng những sắc thuế này nhắm không công bằng vào các tập đoàn công nghệ khổng lồ của Mỹ như Google, Apple và Amazon. Các loại thuế này đánh vào doanh thu mà doanh nghiệp thu được từ quảng cáo trực tuyến, việc bán dữ liệu người dùng và các dịch vụ kỹ thuật số khác — ngay cả khi doanh nghiệp đó đặt trụ sở ở một quốc gia khác.
Nhiều quốc gia châu Âu hiện cũng đang áp dụng các chính sách thuế tương tự, điều mà ông Trump gọi là “rất tồi tệ”. Liên minh châu Âu (EU) hiện cũng đang vướng vào các cuộc đàm phán thương mại liên quan đến các mức thuế mà ông Trump áp đặt.
Quyết định hủy bỏ sắc thuế số của ông Carney được xem là một sự nhượng bộ đúng theo yêu cầu của Tổng thống Trump, và bản thân ông Carney dường như cũng không mấy thiết tha bảo vệ sắc thuế này (cho dù động thái đó khiến ông mất đi một phần đòn bẩy thương lượng).
Theo các quan chức hiểu rõ lập trường của chính phủ Canada, việc hủy bỏ sắc thuế ngay sau khi ông Trump bày tỏ thái độ giận dữ được coi là mức giá nhỏ phải trả để đổi lấy lợi ích lớn hơn trong việc giải quyết cuộc đối đầu thuế quan.
Mức thuế dịch vụ số 3% của Canada đã được ban hành từ năm ngoái, nhưng phải đến ngày 30/6, các khoản nộp đầu tiên mới bắt đầu được thu. Do thuế này áp dụng hồi tố, các công ty Mỹ đã chuẩn bị nộp khoảng 2,7 tỷ USD cho chính phủ Canada - theo một nhóm vận động đại diện cho các tập đoàn công nghệ lớn của Mỹ.
Cũng cần lưu ý rằng, sắc thuế này không phải là chính sách của chính phủ Carney, mà do người tiền nhiệm là Thủ tướng Justin Trudeau đưa ra. Lâu nay, Mỹ đã liệt sắc thuế này vào danh sách các yếu tố “gây khó chịu” trong quan hệ thương mại song phương.
Ông Trump và ông Carney, trong cuộc điện đàm hôm 29/6, đã đồng ý gác lại tranh chấp về thuế số và nối lại đàm phán, với mục tiêu đạt được một thỏa thuận trước ngày 21/7 - mốc thời gian mà họ đã thống nhất trong cuộc gặp tại Alberta đầu tháng này, bên lề hội nghị thượng đỉnh G7 ở Kananaskis.
Điều đang bị đặt cược là một trong những mối quan hệ thương mại quan trọng nhất của nước Mỹ. Canada hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của Mỹ – có khi giữ vị trí số một, tùy theo giá dầu – và Mỹ là đối tác thương mại hàng đầu của Canada. Cả hai nước, cùng với Mexico, từng nằm trong một hiệp định thương mại tự do (NAFTA), nhưng hiệp định này giờ đây về cơ bản đã bị đình chỉ.
Tổng thống Trump đã áp mức thuế 25% đối với nhiều mặt hàng xuất khẩu của Canada, và giống như nhiều quốc gia khác, Canada cũng đang phải chịu mức thuế 50% đối với mặt hàng thép và nhôm xuất khẩu sang Mỹ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc họp báo về vấn đề thuế quan, tại Nhà Trắng ngày 27/6/2025. Ảnh: THX/TTXVN
Với Thủ tướng Carney – người đã xây dựng được mối quan hệ tích cực với ông Trump kể từ khi nhậm chức hồi tháng 4 – thì quyết định đình chỉ thu thuế dịch vụ số là một lựa chọn có thể chấp nhận được, nhất là khi khoản thu từ sắc thuế này cũng không quá đáng kể.
“Đây là một phần trong bức tranh đàm phán lớn hơn”, ông Carney nói với báo giới tại Ottawa ngày 30/6. “Chúng tôi đã dự liệu rằng thuế số sẽ trở thành một phần của thỏa thuận cuối cùng, theo nghĩa rộng hơn”.
Tuy nhiên, những yêu cầu khác của ông Trump có thể sẽ khó để ông Carney chấp thuận hơn. Ngoài việc từng đề cập nửa đùa nửa thật đến chuyện muốn “sáp nhập Canada” thành một tiểu bang của nước Mỹ, ông Trump còn đưa ra yêu sách giảm bảo hộ đối với thị trường sữa và ngành tài chính của Canada - những điều kiện được ông xem là các nhượng bộ cần thiết trong khuôn khổ đàm phán.
Những yêu sách này, nếu được đáp ứng, sẽ gây ra xáo trộn sâu sắc cho nền kinh tế và đời sống chính trị của Canada, và vì thế sẽ rất khó để ông Carney chấp nhận lùi bước.