Tổng thống Trump đoán mình được 306 phiếu đại cử tri

Các điểm bỏ phiếu trên khắp nước Mỹ mở cửa để đón cử tri đến bầu ngày cuối cùng, trong khi hai ứng viên chính của cuộc đua sẽ dừng các cuộc vận động trực tiếp trong ngày 3/11.

5/5 cử tri ở Dixvile Notch - nơi đầu tiên tại Mỹ bỏ phiếu chính thức - bầu cho ông Biden
Ông Trump thắng ở điểm bỏ phiếu thứ hai - thị trấn Millsfield ở New Hampshire
Các điểm bỏ phiếu ở Bờ Đông nước Mỹ bắt đầu mở cửa từ 6h sáng 3/11 (18h giờ Hà Nội)
Kỷ lục hơn 100 triệu cử tri đã bỏ phiếu sớm, xấp xỉ 70% số phiếu năm 2016
Kết quả cuộc bầu cử sẽ được quyết định tại các bang chiến trường

Thị trấn 5 cử tri tại Mỹ mở đầu ngày bầu cử 3/11 Kết quả kiểm phiếu tại Dixville Notch cho thấy ông Joe Biden, ứng viên đảng Dân chủ, là người chiến thắng. Tất cả cử tri tại thị trấn đều bầu cho cựu phó tổng thống Mỹ.

12:26 03/11

Thị trấn đầu tiên bỏ phiếu

Theo truyền thống, những cử tri đủ điều kiện tại Dixville Notch tập hợp tại phòng bỏ phiếu ở khu nghỉ dưỡng The Balsams để bỏ phiếu ngay nửa đêm.

Kết quả bỏ phiếu tại thị trấn này thường được tuyên bố sớm hơn mọi nơi khác trên khắp nước Mỹ đến vài tiếng, theo CNN.

Tất nhiên, kết quả bỏ phiếu đầu tiên không phải lúc nào cũng đúng với kết quả cuối cùng của cuộc đua vào Nhà Trắng. Năm 2016, Dixville Notch từng chọn ứng viên đảng Dân chủ Hillary Clinton. Cuối cùng thì ông Donald Trump lại chiến thắng nhờ hơn số đại cử tri.

Thị trấn Millsfiled lân cận cũng bỏ phiếu vào nửa đêm và thường thông báo kết quả liền sau những người láng giềng.

12:27 03/11

Kỷ lục về lượng người bỏ phiếu sớm

Dù ngày 3/11 chỉ vừa bắt đầu ở Mỹ, cuộc bầu cử năm 2020 có khả năng lập kỷ lục về tổng cử tri đi bầu trong lịch sử. Tính đến ngày 2/11, cuộc bầu cử này đã đạt được cột mắt kỷ lục về số cử tri bỏ phiếu sớm. Khoảng 97,6 triệu phiếu bầu đã được tiếp nhận trực tiếp ở điểm bầu cử hoặc qua đường bưu điện, theo New York Times.

Theo Dự án Bầu cử Mỹ, một nhóm nghiên cứu của giáo sư Đại học Florida Michael McDonald, tính đến trưa 2/11 đã có khoảng 35,5 triệu cử tri Mỹ bỏ phiếu trực tiếp và 62,1 triệu người bỏ phiếu bằng đường bưu điện.

Với xu hướng này, cuộc bầu cử năm nay có thể xô đổ kỷ lục 139 triệu cử tri đi bỏ phiếu vào năm 2016. Texas và Hawaii là hai bang đầu tiên có số cử tri bỏ phiếu sớm năm nay vượt qua tổng số cử tri bỏ phiếu trong năm 2016.

Những bang chiến trường như North Carolina, Georgia và Florida cũng tiến gần đến mốc 90% cử tri bỏ phiếu năm 2016, dù chưa chính thức bước vào ngày bầu cử toàn quốc.

Ảnh: Reuters.

12:28 03/11

Ông Biden có chiến thắng tượng trưng đầu ngày

Kết quả kiểm phiếu tại Dixville Notch cho thấy ông Joe Biden, ứng viên đảng Dân chủ, là người chiến thắng. CNN cho biết tất cả cử tri tại thị trấn đều bầu cho cựu phó tổng thống Mỹ.

Tuy nhiên, tổng số cử tri bỏ phiếu ở Dixvile Notch thật ra chỉ có 5 người.

Đây là lần đầu tiên toàn bộ cử tri tại Dixville Notch chỉ bỏ phiếu cho một ứng viên duy nhất, kể từ khi truyền thống đi bầu vào nửa đêm bắt đầu vào năm 1960.

Vậy là sau 4 năm, thị trấn với 12 cư dân tại New Hampshire tiếp tục chọn một ứng viên đảng Dân chủ làm tổng thống Mỹ. Năm 2016, có 4 cử tri thị trấn này chọn bà Hillary Clinton. Ông Trump nhận được 2 phiếu. Ứng viên thứ 3 là Gary Johnson cũng nhận được 1 phiếu.

Ảnh: AP.

12:35 03/11

Ông Trump chiến thắng ở điểm bỏ phiếu thứ hai

Tại thị trấn Millsfield, điểm bỏ phiếu thứ hai ở New Hampshire, cuộc bỏ phiếu trực tiếp cũng đã kết thúc với 21 cử tri đi bầu.

12:37 03/11

Bảng thông báo kết quả kiểm phiếu tại Dixville Notch

Ảnh: Dixville Vote.

12:51 03/11

Ông Trump tự tin thắng dễ tại Michigan

Phát biểu trước người ủng hộ ở bang chiến trường Michigan, ông Donald Trump khẳng định mình sẽ giành chiến thắng dễ dàng. Đây là cuộc vận động cuối cùng của Tổng thống Trump trong chặng đua nước rút trước bầu cử toàn quốc vào ngày 3/11.

Theo AP, đã có hàng nghìn người tham dự sự kiện của ứng viên đảng Cộng hòa tại Grand Rapids.

Tổng thống Trump trấn an đám đông nồng nhiệt rằng chiến dịch của mình đang thể hiện rất tốt và sẽ có "làn sóng đỏ" nhấm chìm đối thủ. Những thăm dò toàn quốc thời gian qua lại cho thấy ông Trump bị cựu Phó tổng thống Joe Biden bỏ xa.

Ảnh: Reuters.

12:57 03/11

Ông Joe Biden tuyên bố sẽ "thắng lớn" tại Pennsylvania

Cựu Phó tổng thống Joe Biden tuyên bố với cử tri tại Pittsburgh, bang Pennsylvania, vào gần đêm 2/11: "Tôi có cảm giác chúng ta sẽ thắng lớn trong ngày mai". Ứng viên đảng Dân chủ cũng tập trung phát biểu về các vấn đề như bảo hiểm y tế, bất bình đẳng thu nhập và tình trạng phân biệt đối xử đối với người da màu.

Giọng của ông Biden khàn đi vì đã phát biểu ở 4 sự kiện vận động cử tri trong cùng ngày, tại Ohio lẫn Pennsylvania.

Theo ông Biden, đảng Dân chủ có nhiều con đường để đạt được mục tiêu 270 phiếu đại cư tri. Tuy nhiên, con đường dễ nhất là đi qua 3 bang chiến trường Wisconsin, Michigan và Pennsylvania. "Quyền lực đang nằm trong tay các bạn, Pensylvania!", ông Biden nhấn mạnh.

Ảnh: Reuters.

13:02 03/11

Nguy cơ xung đột vũ trang

Nhiều cử tri, chuyên gia và cả lực lượng hành pháp như FBI đã nêu lên lo ngại về xung đột vũ trang sau cuộc bầu cử. Liệu bạo lực có xảy ra nếu ông Trump thua? Hay bạo lực sẽ xảy ra khi ông Trump thắng? Không ai có thể nói chắc được điều gì.

Tuy nhiên, ở nhiều bang và thành phố, cảnh sát đã chuyển sang trạng thái sẵn sàng chờ lệnh. Các doanh nghiệp cũng lắp ván gỗ lên cửa sổ để chuẩn bị cho tình trạng bất ổn. Xung quanh Nhà Trắng, hàng rào chống người biểu tình cũng đã được dựng lên.

Ảnh: Reuters, New York Times.

13:10 03/11

Những lá phiếu nặng nhẹ không bằng nhau

Không phải lá phiếu của mọi cử tri ở Mỹ đều quan trọng như nhau. Một phần là vì mỗi bang được phân một lượng phiếu đại cử tri nhất định để thay mặt người dân bầu cho tổng thống, và số cử tri/đại cử tri giữa các bang là không đồng đều. Phần khác là ở một số bang có truyền thống ủng hộ một đảng nhất định, lá phiếu của các cử tri tại đây thường không quan trọng bằng lá phiếu cử tri ở những bang dao động (swing state, hay còn gọi là bang chiến trường).

Độc giả có thể xem thêm ở các bài sau.

Trận chiến sinh tử ở các bang chiến trường trong bầu cử tổng thống Mỹ

Đặc trưng chính trị ở 50 tiểu bang của Mỹ

13:22 03/11

Tổng thống Trump vận động đến nửa đêm

Theo phóng viên Nhà Trắng Josh Wingrove, Tổng thống Trump đã kết thúc sự kiện cuối cùng trong chiến dịch tranh cử năm 2020 ở thành phố Grand Rapids, Michigan vào 1h13 (giờ Mỹ) ngày 3/11 sau 74 phút.

"Hoặc ít nhất là sự kiện cuối cùng trước ngày bầu cử", ông Wingrove lưu ý, bỏ ngỏ khả năng tổng thống tiếp tục vận động trong ngày bầu cử 3/11.

Ảnh: Reuters.

13:31 03/11

Cuộc trưng cầu dân ý về Covid-19

Đại dịch Covid-19 cũng khiến một số bang vốn trung thành với đảng Cộng hòa, như Arizona, lung lay. Hạt Maricopa, nơi chiếm một nửa phiếu bầu của toàn bang Arizona, đang chuyển từ thành trì của phe Cộng hòa sang trạng thái khó phân định kết cục. Nhiều cử tri nói họ không bầu cho ông Trump nữa vì cách chống dịch yếu kém của chính phủ Mỹ.

Tuy nhiên, đối với các cử tri vẫn ủng hộ ông Trump, cách chống dịch của tổng thống đang bị đánh giá bất công. Họ cũng tin không có tổng thống nào có thể xử lý đại dịch một cách hoàn hảo.

Khi nước Mỹ vừa bước qua ngày mới 3/11, phóng viên Nhà Trắng Andrew Solender nói rằng "vậy chúng ta sẽ không có vaccine trước ngày bầu cử phải không?", ám chỉ nhiều lần ông Trump tuyên bố nước Mỹ sẽ có vaccine trước kỳ bầu cử.

13:49 03/11

Những nhóm cử tri chúng ta cần "coi chừng"

Cử tri da trắng không có bằng đại học: Nhóm cử tri này đã giúp ông Trump lên làm tổng thống 4 năm trước. Tuy nhiên, giờ đây, ông Biden hy vọng sẽ thu hẹp khoảng cách. Tổng thống Trump đã thắng nhóm cử tri da trắng không có bằng đại học với 31 điểm ở Michigan, 32 điểm ở Pennsylvania và 28 điểm ở Wisconsin. Ứng viên của đảng Cộng hòa cần tiếp tục duy trì những lợi thế này.

Phụ nữ da trắng: Các cuộc thăm dò trước bầu cử cho thấy ông Trump đang mất dần vị thế với nhóm cử tri này và tổng thống cần phải ngăn điều này lại để có cơ hội chiến thắng. Chênh lệch về giới tính trong nhóm người ủng hộ ông Trump có thể gây nguy hiểm cho cơ hội tái đắc cử của tổng thống Mỹ. Năm 2016, ông Trump giành được sự ủng hộ của phụ nữ da trắng với cách biệt 9 điểm.

Cử tri độc lập: Các cử tri độc lập đã không mang lại cho ứng viên nào lợi thế với cách biệt hai chữ số trong hơn 30 năm qua. Liệu ông Biden có thể phá vỡ kỷ lục này? Ông Trump giành sự ủng hộ của cử tri độc lập với cách biệt sít sao, 4%, vào năm 2016. Tổng thống Mỹ sẽ phải tiếp tục giữ được nhóm cử tri này nếu muốn chiến thắng.

Độc giả có thể xem thêm tại đây.

Nhóm cử tri nòng cốt của ông Trump có gây biến động bầu cử Mỹ?

Ảnh: Reuters.

13:55 03/11

"Hai bờ" chính sách

Dù cuộc bầu cử năm nay bị bủa vây bởi những lời chỉ trích cá nhân và những lời hùng biện không liên quan chính sách, đằng sau hai ứng viên - và hai nhóm cử tri của Mỹ - vẫn là khác biệt sâu sắc về ý thức hệ và các quan điểm chính sách.

Đối lập chính sách giữa ông Trump và Biden

Đồ họa: Minh Trí.

14:08 03/11

Tổng thống Trump sẽ tuyên bố chiến thắng trước khi có kết quả?

Dẫn thông tin từ 3 nguồn ẩn danh, trang Axios cho biết tổng thống “đã chia sẻ với những người thân cận rằng ông sẽ tuyên bố chiến thắng trong buổi tối 3/11 nếu dẫn trước về số phiếu bầu”.

“Ông Trump sẽ thực hiện điều này ngay cả khi số phiếu bầu ở các bang quan trọng như Pennsylvania chưa được kiểm đếm”, trang tin Axios bổ sung. “Ông Trump đã bàn về kế hoạch này trong vài tuần qua, miêu tả cách đi bộ lên bục trong đêm bầu cử để tuyên bố chiến thắng”.

Để viễn cảnh này xảy ra, ông Trump cần giành chiến thắng tại các bang “thành trì” của đảng Cộng hòa như Ohio, Florida, North Carolina, Texas, Iowa, Arizona và Georgia. Theo FiveThirtyEight.com, tổng thống đang dẫn đầu ở các bang Ohio, Texas và Iowa trong khi đối thủ Joe Biden giành được sự ủng hộ tại Florida, Bắc Carolina, Georgia và Arizona.

Phản ứng với thông tin của Axios, ông Trump lên tiếng phủ nhận, nhưng sau đó xác nhận rằng ông sẽ cố gắng ngừng kiểm phiếu ngay sau khi các cuộc bầu cử kết thúc vào ngày 3/11.

"Tôi cho rằng không công bằng nếu chúng ta phải đợi một giai đoạn dài sau cuộc bầu cử", ông Trump nói với phóng viên ở North Carolina.

Về phía ông Biden, khi được hỏi về thông tin của Axios, vị ứng viên đảng Dân chủ nói: "Phản ứng của tôi là tổng thống sẽ không đánh cắp cuộc bầu cử".

Ảnh: Getty.

14:20 03/11

Chứng khoán châu Á khởi sắc, kỳ vọng phe Dân chủ thắng áp đảo

Phần lớn cổ phiếu ở các sàn chứng khoán thượng hải, Hong Kong, Seoul và Sydney tăng điểm trong sáng 3/11. Cụ thể, chỉ số Hang Sheng ở Hong Kong đã tăng 2,2%, trong khi đó chỉ số Kospi của Seoul tăng 1,7%. Chỉ số S&P-SX 200 tăng 1,9%.

Theo AP, các nhà đầu tư không chỉ kỳ vọng ông Joe Biden chiến thắng mà còn muốn phe Dân chủ thắng áp đảo. Đây là chìa khóa cởi trói năng lực của quốc hội, đưa ra một gói kích thích tài chính đủ mạnh cho nền kinh tế Mỹ và các thị trường toàn cầu. Việc đảng Dân chủ chiếm đa số ở Thượng viện Mỹ, đồng thời ông Biden đắc cử tổng thống, sẽ chấm dứt tình trạng bế tắc thời gian qua. Phe Cộng hòa thời gian qua đã từ chối thảo luận về gói kích thích được thông qua ở Hạ viện, vốn do đảng Dân chủ kiểm soát.

Sàn chứng khoán Phố Wall cũng khởi sắc vào ngày 2/11 với cùng kỳ vọng. Chỉ số S&P 500 tăng 1,2% còn Dow Jones tăng 1,6%. Nasdaq tăng nhẹ 0,4%.

Ảnh: AP.

14:39 03/11

Dự đoán giờ chót của FiveThirtyEight

Trang FiveThirtyEight đã cho chạy thuật toán giả lập cuộc bầu cử Mỹ khoảng 40.000 lần để xem ứng viên nào có xác suất chiến thắng cao hơn. Kết quả vào đêm trước ngày bầu cử là ông Biden có 89% cơ hội chiến thắng.

Đồ họa: FiveThirtyEight. Việt hóa: Lê Ý.

14:48 03/11

Điều đặc biệt về Michigan

Michigan là một vận may của Tổng thống Donald Trump. Ông đến đó trong sự kiện tranh cử giờ chót của 4 năm trước và sau đó chiến thắng ở cả bang này lẫn cuộc bầu cử năm 2016. Có thể vì lý do đó, tổng thống lại đến Michigan vào nửa đêm ngày 2, rạng sáng 3/11 trong cuộc bầu cử năm nay.

Xem thêm về Michigan và vai trò của bang này đối với Bức tường Xanh tại đây.

Ông Trump đến Michigan vào phút cuối - mê tín hay chiến thuật?

14:51 03/11

Cử tri đứng dưới cái lạnh 4 độ C, nghe ông Trump diễn thuyết đến nửa đêm

Hàng nghìn người ủng hộ Tổng thống Trump đã tập trung tại sân bay quốc tế Gerald R. Ford, tại Grand Rapis (bang Michigan), giữa đêm 2/11 để lắng nghe ông phát biểu.

Michigan là một trong những bang chiến trường quan trọng của bầu cử tổng thống Mỹ. Ông Trump từng đánh bại bà Hillary Clinton, ứng viên đảng Dân chủ, đầy bất ngờ vào năm 2016. Người ủng hộ ông Trump chấp nhận chen chúc trên bãi cỏ sình lầy, dưới cái lạnh đến 4 độ C. Một số cử tri bày tỏ lo ngại bạo loạn sẽ xảy ra dù ông Trump hay ông Biden giành chiến thắng.

Ảnh: Reuters.

15:27 03/11

Twitter của Tổng thống Trump và đối thủ "đấu nhau" xuyên đêm

Tài khoản Twitter của Tổng thống Donald Trump đến gần 3 giờ sáng ngày 3/11 (giờ địa phương) vẫn còn đăng tải những nội dung kêu gọi cử tri bỏ phiếu và cảm ơn sự ủng hộ của người dân Michigan. Tài khoản Twitter của ứng viên đảng Dân chủ, cựu Phó tổng thống Joe Biden, cũng hoạt động nhộn nhịp tương tự đến gần 2 giờ sáng.

Tổng thống Trump nổi tiếng với việc trực tiếp dùng Twitter bày tỏ quan điểm, và những lần đăng tweet hàng loạt từ rạng sáng. Tuy nhiên, trong các lần tranh luận tổng thống và vận động cử tri thời gian qua, cả hai tài khoản đều hoạt động liên tục dù các ứng viên ngay thời điểm đó đang phát biểu. Điều này cho thấy tài khoản mạng xã hội của hai người có lúc được giao cho chiến dịch tranh cử quản lý nội dung.

15:47 03/11

Cử tri Michigan nói gì?

Jerry Brock, 45 tuổi, là một cử tri ủng hộ Tổng thống Donald Trump ở Michigan, một trong những bang chiến trường quan trọng của cuộc bầu cử năm nay.

Brock tự tin rằng vào đêm sau ông sẽ thấy "người xứng đáng được bầu thêm 4 năm nữa". Ông chỉ trích đảng Dân chủ hiện nay quá thiên tả.

"Tổng thống Trump đã hoàn thành mọi điều ông ấy hứa từ khi đắc cử đến giờ. Ông ấy hiệu quả", Brock nhận định.

Trong khi đó, Diana Peagler, 68 tuổi, ví von toàn xã hội là "gã khổng lồ đã thức tỉnh" và đã bắt đầu hiểu tầm quan trọng của nền dân chủ đối với mọi người. Cử tri này cho rằng việc bầu cho ông Joe Biden và bà Kamala Harris của đảng Dân chủ là điều đương nhiên. "Mọi bộ phận xã hội đều có nguy cơ bị trừng phạt và ngược đãi bởi chính quyền này. Nước Mỹ không phải thế", Peagler chia sẻ.

16:06 03/11

Tranh cãi về ý định tuyên bố "chiến thắng" sớm của Tổng thống Trump

Các tòa soạn báo trên khắp nước Mỹ đang chuẩn bị cho một đêm bầu cử tiềm ẩn nhiều biến động, sau khi nổi lên những thông tin rằng Tổng thống Donald Trump có kế hoạch tuyên bố "chiến thắng" vào cuối đêm 3/11, theo giờ địa phương, ngay cả trước khi kết quả từ các bang chiến trường quan trọng được xác định.

Thông tin về ý định tuyên bố chiến thắng sớm của ông Trump, ngay cả khi số lượng lớn phiếu bầu qua bưu điện chưa được kiểm đếm, đang làm dấy lên những tranh cãi dữ dội trong báo giới. Các kênh truyền hình sẽ chịu sức ép lớn về việc phát trực tiếp chi tiết này bởi đó là một thông tin nhưng cũng có khả năng không chuẩn xác và sự đưa tin nguy hiểm như vậy có thể khuấy động bạo lực trên toàn quốc và gây xói mòn tiến trình dân chủ.

Trong ảnh là Tổng thống Trump trên ôtô tới điểm vận động tranh cử ở thành phố Traverse, bang Michigan. Ảnh: AFP.

16:28 03/11

Ông Trump ở đâu vào ngày bầu cử?

Theo kế hoạch, Tổng thống Trump trở về Nhà Trắng vào lúc 1h30 ngày 3/11. Khoảng 6 giờ sau, ông sẽ có cuộc phỏng vấn với Fox News. Cùng buổi sáng, ông sẽ đến thăm Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa và văn phòng vận động tranh cử tại Arlington, bang Virginia.

Đêm cùng ngày, ông sẽ trở về Nhà Trắng để cùng trợ lý, gia đình và cố vấn xem dự đoán kết quả. Dù thắng hay thua, bài phát biểu của ông Trump có thể sẽ được ghi hình phát biểu trong Nhà Trắng. Hai người tiền nhiệm của ông, Tổng thống Barack Obama và Tổng thống George W. Bush, đều ghi hình bài phát biểu gửi đến cử tri Mỹ tại Tòa nhà Ronald Reagan.

Ảnh: Reuters.

16:30 03/11

Ông Biden ở nhà

Trong ngày bầu cử, ông Joe Biden sẽ ở tại nhà riêng ở Wilmington, Delaware.

Ông sẽ xem kết quả cùng các trợ lý, cố vấn và vợ mình là Jill Biden. Vợ chồng nhà Kamala Harris - nữ ứng viên phó tổng thống của đảng Dân chủ, cũng sẽ góp mặt. Nếu ông Biden đắc cử, bài diễn văn chiến thắng sẽ được tổ chức ở trung tâm hội nghị Chase Center của Wilmington.

16:35 03/11

Số cử tri bỏ phiếu sớm đạt kỷ lục lịch sử

Số cử tri Mỹ bỏ phiếu sớm tính đến trưa 2/11, theo giờ địa phương, là gần 98 triệu người, vượt xa con số 58,3 triệu cử tri bỏ phiếu sớm vào năm 2016.

Ảnh: Zing Việt hóa minh họa của Guardian.

16:38 03/11

Người ủng hộ đón Tổng thống Trump tại Nhà Trắng

Tổng thống Donald Trump trở về Nhà Trắng rạng sáng 3/11 và được nhiều người ủng hộ đón chờ. Ông kết thúc cuộc vận động cuối cùng của chiến dịch tranh cử năm 2020 lúc 1h13 ngày 3/11 tại Michigan và lên Không lực Một để về Nhà Trắng.

Điểm dừng chân cuối cùng trong ngày vận động bận rộn của Tổng thống Trump là sân bay quốc tế Gerald R. Ford ở thành phố Grand Rapids, bang Michigan. Năm 2016, ông cũng từng kết thúc chiến dịch tranh cử của mình tại đây.

Ảnh: Reuters.

17:31 03/11

"Hòn đá tảng trung tâm" của cuộc chạy đua vào Nhà Trắng

Pennsylvania được đánh giá là một trong những bang then chốt ảnh hưởng trực tiếp kết quả cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm nay, Politico nhận định.

Theo các phụ tá của tổng thống đương nhiệm, bang miền đông nước Mỹ này đã trở thành mục tiêu hàng đầu được ông Trump nhắm đến.

Chỉ trong vỏn vẹn ngày 31/10, người đứng đầu Nhà Trắng đã di chuyển khắp Pennsylvania, từ Thung lũng Delaware đến vùng trung tâm phía bắc để tổ chức bốn cuộc tiếp xúc cử tri.

Bên kia chiến tuyến, ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden cũng dành những ngày tranh cử cuối cùng tại Pennsylvania, nơi ông sinh ra và lớn lên.

Sát cánh cùng cựu phó tổng thống trong quá trình vận động cử tri tại quê nhà là người bạn đời Jill Biden và đối tác tranh cử Kamala Harris.

Josh Shapiro, Tổng chưởng lý của đảng Dân chủ tại Pennsylvania, ví tầm quan trọng của bang này với “hòn đá tảng trung tâm” - hòn đá hình nêm có chức năng giữ kết cấu của toàn bộ kiến trúc mái vòm.

“Sau tất cả, tôi nghĩ Pennsylvania sẽ là động lực kéo cả nước Mỹ theo cùng”, ông Shapiro nói.

Ảnh: Reuters.

17:51 03/11

Ông Biden thành từ khóa được tìm kiếm nhiều hơn Tổng thống Trump

Số lượt tìm kiếm từ khóa có liên quan đến ông Joe Biden đã vượt qua số liệu tương tự của Tổng thống Donald Trump trong 24 giờ qua, theo Google Trends. Theo đó, 49% trong tổng số lượt tìm kiếm về ứng viên tổng thống có liên quan đến ông Joe Biden. Trong khi đó, con số này của ông Trump là 45%. Ứng viên của đảng Tự do Jo Jorgensen là chủ đề của 5% số lượt tìm kiếm và 15% còn lại là về ứng viên Howie Hawkins của đảng Xanh.

17:52 03/11

6 bang chiến trường được quan tâm nhất

Theo USA Today, 6 bang chiến trường được quan tâm nhất năm nay là Wisconsin, Michigan, Pennsylvania, North Carolina, Florida và Arizona. Theo nghiên cứu truyền thông của Đại học Wesleyan, toàn bộ 15 địa phương được chi tiền quảng cáo bầu cử mạnh tay nhất đều nằm trong nhóm 6 bang này.

17:56 03/11

Khi nào các bang chiến trường quan trọng có kết quả kiểm phiếu?

Mỗi bang ở Mỹ đều có quy trình và nguyên tắc kiểm phiếu khác nhau. Vì vậy thời điểm các bang kiểm phiếu cũng khác nhau. Sau đây là thời gian dự kiến kiểm phiếu xong của 9 bang chiến trường quan trọng:

Bang sẽ có kết quả kiểm phiếu vào ngày bầu cử: Florida, Georgia, Texas, North Carolina, Ohio.

Bang sẽ có kết quả kiểm phiếu sau ngày bầu cử: Arizona, Wisconsin, Michigan, Pennsylvania.

Ảnh: New York Times.

18:03 03/11

Dân Ấn Độ cầu nguyện cho ứng viên tổng thống Mỹ

Người dân tại làng Thulasendrapuram đã tổ chức cầu nguyện cho Thượng nghị sĩ Kamala Harris, ứng viên phó tổng thống của đảng Dân chủ, chỉ vài tiếng trước khi ngày bầu cử Mỹ bắt đầu.

Ngôi làng ở miền Nam Ấn Độ chính là quê của ông nội bà Kamala Harris, theo Reuters. Một quan chức địa phương còn được mời đến hành lễ cùng với khoảng 20 dân làng.

Trong khi đó, ở ngoại ô Delhi, hơn 20 thành viên của nhóm Hindu Sena đã tổ chức lễ cầu nguyện chiến thắng cho Tổng thống Donald Trump. Nhóm này cho rằng ứng viên đảng Cộng hòa sẽ giúp Ấn Độ kiềm chế Trung Quốc và Pakistan. Họ cũng cầu mong sức khỏe cho bà Harris vì ứng viên đảng Dân chủ có gốc Ấn Độ.

Ảnh: Reuters, ANI.

18:15 03/11

Reuters: Deutsche Bank tìm cách cắt quan hệ với ông Trump

Ngân hàng Deutsche Bank đang tìm cách cắt quan hệ với Tổng thống Donald Trump sau bầu cử Mỹ, theo Reuters. Hãng tin dẫn tiết lộ từ 3 nguồn tin cấp cao trong ngân hàng.

Theo đó, Deutsche Bank đã quá mệt mỏi với những tranh cãi xoay quanh mối quan hệ này. Hiện công ty Trump Organization còn nợ ngân hàng khoảng 340 triệu USD, chia làm 3 khoản vay và sắp hết hạn trong 2 năm. Các khoản vay này đều do ông Trump trực tiếp bảo lãnh. Trong suốt nhiều năm qua, Deutsche Bank đã cho ông Trump vay hơn 2 tỷ USD, một nguồn tin cho biết.

Ảnh: Getty.

18:18 03/11

Các điểm bỏ phiếu bắt đầu mở cửa khắp nước Mỹ

Cử tri tại Waterville, Maine bắt đầu xếp hàng từ sáng sớm chờ điểm bỏ phiếu chính thức mở cửa. Nhân viên điểm bỏ phiếu tại bang Georgia tuyên thệ trước khi làm việc. Ảnh: Reuters.

18:36 03/11

Người mắc Covid-19 cũng có thể đi bỏ phiếu trực tiếp

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết những người phải cách ly sau khi xét nghiệm dương tính với virus corona vẫn có thể đi bỏ phiếu.

Trong hướng dẫn mới cập nhật vào ngày 1/11, CDC nói những cử tri có kết quả xét nghiệm dương tính hoặc có thể đã phơi nhiễm virus corona nên tuân theo lời khuyên đeo khẩu trang, cách xa người khác ít nhất 2 m và vệ sinh tay trước và sau khi bỏ phiếu. “Bạn cũng nên thông báo cho nhân viên phòng phiếu biết rằng bạn bị bệnh hoặc đang bị cách ly khi đi đến địa điểm bỏ phiếu”, trang web của CDC nêu rõ.

18:40 03/11

Cử tri Louisville đi bỏ phiếu từ lúc trời chưa sáng

Cử tri tại Louisville, thành phố lớn nhất bang Kentucky, đi bỏ phiếu tại trung tâm hội nghị thành phố từ lúc trời chưa sáng.

Ảnh: Reuters.

19:17 03/11

Cử tri xếp hàng ở Florida từ 5h

Các điểm bỏ phiếu ở Mỹ chỉ vừa mở cửa nhưng đã có khoảng 50 người xếp hàng tại điểm bỏ phiếu trong nhà thờ Grace Episcopal ở West Palm Beach, bang Florida. Một số người đã đứng đó từ 5h sáng.

Vì sao họ lại đến sớm như vậy?

“Bởi vì nền dân chủ đang bị đe dọa”, một cử tri đứng ở đầu hàng nói.

19:23 03/11

Bà Hillary Clinton kêu gọi cử tri đi bỏ phiếu

"Nếu bạn đã bỏ phiếu, cảm ơn bạn. Nếu bạn chưa bỏ phiếu, hôm nay là lúc để làm điều đó", ứng viên tổng thống năm 2016 của đảng Dân chủ, bà Hillary Clinton, đăng lên tài khoản Twitter. Kèm theo bài đăng của bà Clinton là một hình ảnh với dòng chữ kêu gọi cử tri đi bầu có biểu tượng Biden - Harris.

"Hãy hoàn thành việc giành lại nền dân chủ của chúng ta", cựu ngoại trưởng Mỹ viết.

19:40 03/11

Ông Biden đi nhà thờ trong ngày bầu cử

Ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden sáng 3/11 (giờ địa phương) đến nhà thờ ở Wilmington, bang Delaware. Đi cùng ông có cháu gái Finnegan Biden.

Theo Wall Street Journal, ông Biden không có kế hoạch rời khỏi bang Delaware trong ngày bầu cử. Đêm 3/11, cựu phó tổng thống Mỹ sẽ ở nhà cùng vợ ông - bà Jill Biden, vợ chồng nhà Kamala Harris - ứng viên phó tổng thống đảng Dân chủ, cùng các trợ lý và cố vấn theo dõi kết quả.

Theo CNN, nhà thờ ông Biden đến cầu nguyện là St's Joseph tại Greenville. Nghĩa trang nhà thờ cũng là nơi an táng Beau Biden - người con trai lớn nhất của cựu phó tổng thống Mỹ. Beau qua đời vào tháng 6/2015 vì ung thư.

Ảnh: Reuters.

20:28 03/11

Tổng thống lên Fox and Friends

Xuất hiện trong chương trình Fox and Friends của đài Fox News, tổng thống Mỹ nói rằng ông "cảm thấy rất tốt", và cho rằng đám đông dự sự kiện tranh cử cuối cùng của ông ở Michigan là một dấu hiệu tốt.

"Chúng ta có nền kinh tế vĩ đại nhất thế giới. Nó bị phá bĩnh bởi một thứ đáng ra không nên xảy ra", ông nói.

20:32 03/11

Tổng thống chỉ tuyên bố thắng cuộc khi có kết quả rõ ràng

Trả lời phỏng vấn trên chương trình Fox and Friends ngày 3/11, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông sẽ chỉ tuyên bố chiến thắng khi có kết quả chiến thắng rõ ràng.

"Tôi nghĩ chúng tôi có cơ hội chiến thắng lớn. Chẳng có lý do gì để sử dụng chiêu trò", Tổng thống Trump nói. Ông Trump dự đoán sẽ nhận được ít nhất 306 phiếu đại cử tri.

Ảnh: Reuters.

20:47 03/11

Ông Trump tính mở tiệc chiến thắng với 400 khách ở Nhà Trắng

Theo Reuters, Tổng thống Trump sẽ dành phần lớn thời gian ngày 3/11 tại Nhà Trắng để theo dõi thông tin bỏ phiếu. Chiến dịch của ông cũng lên kế hoạch mở tiệc chiến thắng ở Nhà Trắng, với số khách mời dự kiến khoảng 400 khách. Tất cả khách mời đều sẽ được xét nghiệm Covid-19.

Một ngày trước đó, ứng viên đảng Cộng hòa đã có 5 buổi vận động cử tri liên tiếp tại 4 bang. Chặng nước rút kết thúc ở Michigan quá nửa đêm. Nhà lãnh đạo Mỹ về đến Washington D.C vào 2h35 ngày 3/11, được chào đón bởi người ủng hộ ngay trước Nhà Trắng. Ông đã đến cảm ơn và chụp hình cùng nhóm cử tri.

Trả lời Fox News sáng 3/11, ông khẳng định các buổi phát biểu của mình có lượng cử tri đến xem đông chưa từng thấy. Theo ông, điều này đồng nghĩa sẽ có rất nhiều phiếu bầu dành cho mình.

Ảnh: Reuters.

21:29 03/11

Ông Biden về quê

Ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden cùng hai cháu nội là Finnegan và Natalie đã trở về quê nhà ở thị trấn Scranton, bang Pennsylvania trong ngày 3/11, theo CNN.

"Còn hai đứa cháu nội của tôi chưa từng đến Scranton. Vì thế hôm nay chúng tôi trở về nhà", ông nói với đám đông tại quê nhà.

Pennsylvania là bang chiến trường được đánh giá quan trọng nhất mùa bầu cử năm nay với 20 phiếu đại cử tri. Đây cũng là quê nhà ông Biden, nơi ông sinh ra và sống đến năm 10 tuổi.

Ảnh: Reuters.

22:11 03/11

Sự cố kỹ thuật với máy đếm phiếu

Hạt Spalding, bang Georgia thông báo trên Facebook về một sự cố kỹ thuật xảy ra với máy bỏ phiếu tại khu vực này, theo CNN.

"Vấn đề kỹ thuật xảy ra trên toàn hạt. Phiếu giấy tạm thời đang được vận chuyển tới các điểm bỏ phiếu. Cử tri sẽ phải xếp hàng lâu hơn cho tới khi vấn đề được giải quyết", thông báo của hạt Spalding cho biết.

Văn phòng cảnh sát trưởng hạt Spalding đồng thời thông báo máy tính tại tất cả điểm bỏ phiếu ở hạt này đã ngừng hoạt động. Nhà chức trách đang tìm cách khắc phục sự cố.

Thanh Danh - Như Trần

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tong-thong-trump-doan-minh-duoc-306-phieu-dai-cu-tri-post1149014.html