Tổng thống Ukraine thăm Canada khi khó khăn bủa vây
Xét đến sự miễn cưỡng của nhiều thành viên đảng Cộng hòa tại Quốc hội Mỹ trong việc hỗ trợ thêm cho Ukraine cũng như căng thẳng giữa Ukraine và một số đồng minh chủ chốt của nước này như Ba Lan, thì Canada được coi là đồng minh đáng tin cậy của Kiev.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đến Canada chiều muộn 21/9 ngay sau khi kết thúc chuyến thăm Mỹ.
Trước đó tại Washington, ông Zelensky đã có cuộc gặp với Tổng thống Joe Biden và các nghị sĩ Mỹ. Ông cũng có bài phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc hôm 20/9.
Gặp các nghị sĩ Canada, ông Zelensky tuyên bố “Mátxcơva phải thua và sẽ thua”. Tổng thống Ukraine cho biết Canada đã giúp cứu sống hàng nghìn người trong cuộc xung đột này bằng các khoản viện trợ. Ông cũng cảm ơn Ottawa vì đã hỗ trợ tài chính và giúp những người Ukraine tị nạn có cuộc sống ổn định ở Canada. Tổng thống Zelensky liên tục cảm ơn Canada và nhận được sự hoan nghênh nhiệt liệt từ các quan chức, nghị sĩ.
Đây là chuyến thăm đầu tiên của ông Zelensky tới Canada kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt vào tháng 2/2022.
Thủ tướng Canada Trudeau gọi chuyến thăm là cơ hội để cho ông Zelensky thấy “chúng tôi ủng hộ Ukraine mạnh mẽ và dứt khoát như thế nào”, đồng thời công bố thêm gói viện trợ 482 triệu đô la Mỹ trong ba năm cho 50 xe bọc thép được lắp ráp ở Canada.
“Chúng tôi đang thay đổi cách tiếp cận của mình để cung cấp sự hỗ trợ kéo dài nhiều năm nhằm đảm bảo Ukraine có được những gì mà nước này cần về lâu dài”, ông Trudeau nói trong một cuộc họp báo.
Thủ tướng Trudeau cho biết Canada đã cung cấp gần 6,7 tỷ đô la hỗ trợ quân sự, tài chính và nhân đạo cho Ukraine từ khi xung đột bùng phát.
Tại Canada có khoảng 1,4 triệu người gốc Ukraine sinh sống, chiếm gần 4% dân số. Hơn 175.000 người Ukraine đã đến Canada tính từ tháng 2/2022 và khoảng 700.000 người khác đã được chấp thuận đến đây như một phần của sáng kiến hỗ trợ tái định cư tạm thời dành cho những người chạy trốn xung đột.
Tổng thống Zelensky hiện đang phải đối mặt với những câu hỏi ở Washington về khoản viện trợ dồi dào mà Mỹ dành cho Ukraine từ đầu xung đột. Phe Cộng hòa cứng rắn, dẫn đầu bởi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, ngày càng phản đối việc gửi thêm viện trợ ra nước ngoài.
Ông cũng phải đối mặt với những thách thức ở châu Âu và những rạn nứt trong liên minh phương Tây. Cuối ngày 20/9, Thủ tướng Ba Lan cho biết Warsaw sẽ không tiếp tục gửi vũ khí cho Ukraine, một bình luận dường như nhằm mục đích gây áp lực với Kiev sau khi hai nước bất đồng về vấn đề xuất khẩu ngũ cốc.
Quân đội Ukraine đang nỗ lực lấy lại các vùng lãnh thổ mà Nga đã giành được trong năm qua. Sự tiến bộ của họ trong khoảng một tháng tới là rất quan trọng, trước khi những cơn mưa ập đến và mặt đất biến thành bùn.
Nhóm G7 mà Canada là thành viên hồi tháng 7 đã hứa sẽ ký kết các thỏa thuận riêng lẻ với Ukraine để cung cấp sự hỗ trợ quân sự lâu dài.
“Xét đến sự miễn cưỡng của nhiều thành viên Cộng hòa tại Quốc hội Mỹ trong việc hỗ trợ thêm cho Ukraine cũng như căng thẳng giữa Ukraine và một số đồng minh chủ chốt của nước này như Ba Lan, Canada được coi là đồng minh đáng tin cậy của ông Zelensky”, Daniel Béland, Giáo sư Khoa học chính trị tại Đại học McGill ở Montreal, cho biết. “Một thực tế quan trọng cần ghi nhớ: 4% người Canada là người gốc Ukraine, bao gồm cả Phó Thủ tướng Chrystia Freeland.”