Tổng thống Ukraine thu được gì ở Đối thoại Shangri-La?
Đây là lần đầu tiên một tổng thống Ukraine dự Đối thoại Shangri-La. Trong bối cảnh xung đột căng thẳng giữa Nga và Ukraine, việc ông Volodymir Zelensky đích thân dự diễn đàn được đánh giá là điều rất đáng chú ý.
“Chúng tôi cần sự ủng hộ của các nước châu Á. Điều đó rất cần thiết. Tôi biết nhiều quốc gia châu Á không ủng hộ Ukraine bằng vũ khí. Chúng tôi không bao giờ ép họ, không bao giờ đòi hỏi họ. Chúng tôi chỉ đề nghị sự ủng hộ chính trị cho những người dân của chúng tôi, những đứa trẻ của chúng tôi”, ông Zelensky nói trong bài phát biểu tại Đối thoại Shangri-La.
Việc ông Zelensky xuất hiện tại Đối thoại Shangri-La khiến mối quan tâm tập trung vào quan hệ giữa Trung Quốc và Nga, và liệu phái đoàn Trung Quốc có gặp ông Zelensky khi ông ở Singapore hay không.
Phát biểu tại cuộc họp báo sau Đối thoại Shangri-La, ông Zelensky cáo buộc Trung Quốc đang giúp Nga cản trở hội nghị hòa bình Ukraine sắp diễn ra ở Thụy Sĩ. Nhà lãnh đạo Ukraine nói rằng Bắc Kinh đang gây sức ép với lãnh đạo các quốc gia khác để họ không tham gia hội nghị dự kiến vào giữa tháng này, nhưng ông không nêu cụ thể tên nước nào.
“Nga sử dụng ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực, sử dụng các nhà ngoại giao Trung Quốc, làm mọi thứ để cản trở hội nghị thượng đỉnh hòa bình”, ông Zelensky nói tại cuộc họp báo.
“Đáng tiếc là một quốc gia mạnh và độc lập như Trung Quốc lại trở thành công cụ của Nga”, CNA dẫn lời ông Zelensky.
Cũng tại cuộc họp báo, ông Zelensky cho biết ông không gặp được bất kỳ quan chức Trung Quốc nào ở Singapore dịp này.
Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc vừa có bài viết cho rằng việc Tổng thống Ukraine dự Đối thoại Shangri-La là lời nhắc nhở các quốc gia châu Á chớ rơi vào “bẫy” như Kiev.
Ngày 2/6, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Đổng Quân nhấn mạnh tại Đối thoại Shangri-La rằng Trung Quốc vẫn duy trì quan điểm “có trách nhiệm và không thiên vị” đối với cuộc xung đột, cũng như xung đột Palestine – Israel. Ông khẳng định Trung Quốc kiểm soát chặt chẽ việc xuất khẩu các loại hàng hóa lưỡng dụng.
Thời báo Hoàn cầu dẫn lời Trung tướng He Lei, cựu Phó Chủ tịch Viện Khoa học Quân sự Trung Quốc, nói rằng Bắc Kinh không muốn xung đột xảy ra giữa Nga và Ukraine.
Ông cho rằng “thúc đẩy hòa bình và đối thoại” là cách khả thi nhất để giải quyết xung đột, thay vì “nuôi dưỡng những động cơ đen tối, làm trầm trọng thêm tình hình, gây hỗn loạn trên thế giới và tham gia chiến tranh đại diện, như một số nước đã làm”.
Trao đổi thương mại giữa Nga và Trung Quốc diễn ra mạnh mẽ, giúp Nga có thể đương đầu với hàng loạt lệnh trừng phạt của phương Tây. Tình báo Mỹ và Ukraine nói rằng họ có bằng chứng để khẳng định các mặt hàng Trung Quốc đang giúp Nga phát triển ngành công nghiệp vũ khí, dù Bắc Kinh không cung cấp vũ khí trực tiếp cho Mátxcơva.
Nhà lãnh đạo Ukraine xuất hiện tại Đối thoại Shangri-La không chỉ để kêu gọi ủng hộ, mà còn nhắm chứng minh rằng các vấn đề an ninh ở châu Âu và châu Á liên quan chặt chẽ với nhau như thế nào.
“Tôi nghĩ việc (ông Zelensky) có mặt ở đây là vô cùng quan trọng. Đây là diễn đàn để ông ấy thực sự nói với mọi người về tình hình cấp bách như thế nào và cuộc xung đột này có hậu quả gì đối với trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, không chỉ ở khu vực đó, không chỉ ở Ukraine và châu Âu mà còn trên toàn thế giới”, tướng Carsten Breuer, Tổng tham mưu trưởng Quốc phòng Đức, cho biết.
Dù trở thành tâm điểm chú ý trong ngày thứ hai của Đối thoại Shangri-La, ông Zelensky vẫn không thể thuyết phục các nhà lãnh đạo châu Á như Tổng thống đắc cử Indonesia Prabowo Subianto cam kết tham dự hội nghị hòa bình tại Thụy Sĩ.
Thụy Sĩ hy vọng Trung Quốc sẽ dự hội nghị hòa bình sắp tới, nhưng phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh cuối tuần qua nói rằng điều này khó có thể diễn ra. Trung Quốc cho rằng hội nghị cần có sự tham gia của tất cả các bên, bao gồm Nga. Nga không được mời đến hội nghị lần này.
Bài viết của Thời báo Hoàn cầu cho rằng việc ông Zelensky tham gia Đối thoại Shangri-La có vẻ là nỗ lực của phương Tây nhằm “kéo các nước châu Á vào khủng hoảng Ukraine”. Bài viết cho rằng các quốc gia châu Á nên nhìn Ukraine như một câu chuyện cảnh báo.
“Đối thoại Shangri-La cần là một diễn đàn nơi Trung Quốc và Mỹ, cũng như các quốc gia khác ở châu Á – Thái Bình Dương, tìm sự đồng thuận giữa các quân đội để tránh xảy ra xung đột ở khu vực”, Thời báo Hoàn cầu dẫn lời ông Cui Heng, nhà nghiên cứu công tác tại Viện Quốc gia về Trao đổi quốc tế và hợp tác tư pháp ở Thượng Hải.