Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam kiến nghị nhập 2 luật 'gốc' liên quan đến nông nghiệp

Phóng viên TTXVN phỏng vấn ông Nguyễn Trí Ngọc, Tổng Thư ký kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam xung quanh việc sửa Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Luật Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật.

Ông Nguyễn Trí Ngọc-Tổng Thư ký kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN bên lề hội thảo ngày 27/3. Ảnh: Anh Nguyễn/BNEWS/TTXVN

Ông Nguyễn Trí Ngọc-Tổng Thư ký kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN bên lề hội thảo ngày 27/3. Ảnh: Anh Nguyễn/BNEWS/TTXVN

Vào tháng 5 tới đây, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV dự kiến sẽ thông qua dự thảo Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa (sửa đổi) và dự thảo Luật Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật (sửa đổi) nhằm tháo gỡ các bất cập liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp. Tại thời điểm này, hai dự thảo luật “gốc” này đang được lấy ý kiến đóng góp của các chuyên gia, các hội và hiệp hội liên quan nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho ngành nông nghiệp cùng các doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh, phát triển bền vững, cũng như bảo vệ quyền lợi người nông dân, người tiêu dùng trong bối cảnh mới.

Bên lề Hội thảo “Một số bất cập trong việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp” do Hiệp hội Phân bón Việt Nam, Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Hội Chăn nuôi Việt Nam đồng phối hợp tổ chức ngày 27/3 tại Hà Nội, phóng viên TTXVN đã phỏng vấn ông Nguyễn Trí Ngọc, Tổng Thư ký kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam xung quanh vấn đề này.

Phóng viên: Xin ông cho biết một số bất cập trong thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp nói chung và hoạt động sản xuất, xuất khẩu phân bón nói riêng?

Ông Nguyễn Trí Ngọc: Theo quy định của hai luật gốc này, các sản phẩm, hàng hóa thuộc Nhóm 2 (Sản phẩm, hàng hóa Nhóm 2 là sản phẩm, hàng hóa trong điều kiện vận chuyển, lưu giữ, bảo quản, sử dụng hợp lý và đúng mục đích, vẫn tiềm ẩn khả năng gây hại cho người, động vật, thực vật, tài sản, môi trường) phải được công bố hợp quy. Đây là một trong những bất cập lớn nhất của hai luật “gốc” này đối với việc quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa nói chung; trong đó có việc quản lý chất lượng hàng hóa Nhóm 2.

Bất cập thứ nhất là quy định công bố hợp quy rất hình thức do cách quản lý hiện nay vẫn là quản lý đầu vào, trong khi cách quản lý này không phát huy hiệu quả cũng như tạo ra các kẽ hở trong quản lý sản phẩm, hàng hóa đầu ra. Thực tế là việc quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa nằm ở phần hậu kiểm - tức là quản lý chất lượng sản phẩm đầu ra, trước khi được lưu thông ra thị trường và đến tay người tiêu dùng.

Bất cập thứ hai là quy định công bố hợp quy đang tạo ra tốn kém với các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và trở thành yếu tố đầu vào không thể thay đổi, dẫn tới tăng chi phí đầu ra, tức là tăng giá thành sản phẩm đến tay người tiêu dùng cũng như bỏ lỡ cơ hội cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế. Đặc biệt, trong lĩnh vực sản xuất phân bón hay thuốc bảo vệ thực vật, sự bất cập này đang khiến hàng chục triệu hộ nông dân phải gánh chịu hệ lụy mua các sản phẩm vật tư nông nghiệp với giá thành cao, khiến giá thành sản xuất nông sản cũng tăng theo, từ đó làm giảm tính cạnh tranh của sản phẩm.

Một ví dụ rõ nhất là trong lĩnh vực phân bón, mỗi năm ngành phân bón có 110 nghìn sản phẩm phân bón khác nhau, đồng nghĩa với việc hàng trăm nghìn sản phẩm này phải công bố hợp quy để có chứng nhận đầu vào. Theo đó, “đầu vào” này làm “đầu ra” bị đội giá thành. Thực tế là doanh nghiệp phải mất hàng năm trời, tốn kém nhiều chi phí bất hợp lý (chi phí danh nghĩa đã lên tới 3-5 triệu đồng/chứng nhận hợp quy) để có được chứng nhận hợp quy này. Vì vậy, với 110 nghìn chứng nhận hợp quy của 110 nghìn sản phẩm phân bón mỗi năm, chi phí đầu vào bất hợp lý này đã lên tới 300 - 550 tỷ đồng và tất cả chi phí này sẽ được tính vào giá thành sản xuất sản phẩm. Theo đó, nông dân và người tiêu dùng cuối cùng sẽ phải gánh chịu.

Bất cập thứ ba là làm chậm trễ với hội nhập thị trường, dẫn đến những tiêu cực có điều kiện nảy sinh và tồn tại dai dẳng. Với những bất cập này, Hiệp hội Phân bón Việt Nam kiến nghị bỏ quy định chứng nhận hợp quy cũng như kiến nghị thay đổi cách quản lý sản phẩm, hàng hóa từ tiền kiểm sang hậu kiểm.

Ông Nguyễn Trí Ngọc-Tổng Thư ký kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN bên lề hội thảo ngày 27/3. Ảnh: Anh Nguyễn/BNEWS/TTXVN

Ông Nguyễn Trí Ngọc-Tổng Thư ký kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN bên lề hội thảo ngày 27/3. Ảnh: Anh Nguyễn/BNEWS/TTXVN

Phóng viên: Thưa ông, các nước trên thế giới có những quy định tương tự liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp để quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa tương tự như Việt Nam hiện nay không?

Ông Nguyễn Trí Ngọc: Nền kinh tế nông nghiệp đang ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới; trong đó Việt Nam vừa xuất khẩu hàng hóa sản phẩm, vừa nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào và một số sản phẩm hàng hóa. Tuy nhiên, thông lệ quốc tế cho thấy không có quốc gia nào xuất khẩu sang thị trường Việt Nam có công bố chứng nhận hợp quy và cũng không có nước nào yêu cầu chứng nhận hợp quy với các sản phẩm Việt Nam xuất khẩu.

Chúng tôi được biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã có ý kiến nên nhập Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Luật Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật vào thành một luật. Theo dự kiến, trong tháng 5 tới đây, Quốc hội sẽ thông qua 2 dự thảo luật sửa đổi này. Chúng tôi cho rằng việc nhập 2 luật này là thực sự cần thiết. Bên cạnh đó, việc nhập hai luật này cũng sẽ loại bỏ một số quy định không còn phù hợp; trong đó có bỏ chứng nhận hợp quy, bỏ xác định các hàng hóa thuộc Nhóm 2 - nhóm nguy hại. Theo kinh nghiệm quốc tế, các hàng hóa thuộc Nhóm 2 chỉ nên giới hạn ở 9 mặt hàng có nguy cơ gây độc hại và do Thủ tướng Chính phủ quy định, không nên để các Bộ tự quy định để đảm bảo lợi ích chung lớn nhất.

Chúng tôi cũng cho rằng, việc sửa đổi 2 Luật “gốc này” sẽ giúp thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về việc hoàn thiện thể chế về chất lượng sản phẩm, hàng hóa; tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Bên cạnh đó, việc sửa luật sẽ giúp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; bảo đảm an toàn, vệ sinh, sức khỏe con người; bảo vệ động vật, thực vật, môi trường; bảo vệ lợi ích và an ninh quốc gia, quyền lợi của người tiêu dùng.

Cùng đó, việc sửa luật còn giúp nâng cao tính khả thi của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật. Ngoài ra, việc sửa 2 luật này cũng bảo đảm sự tương thích giữa quy định của pháp luật hiện hành của Việt Nam với các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã ký kết trong lĩnh vực tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và đánh giá sự phù hợp, giảm thiểu các rào cản kỹ thuật trong thương mại, thuận lợi hóa thương mại.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!

Anh Nguyễn (Thực hiện)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/tong-thu-ky-hiep-hoi-phan-bon-viet-nam-kien-nghi-nhap-2-luat-goc-lien-quan-den-nong-nghiep/367784.html