Bài 4: Chọn người xứng đáng, dựng bộ máy tinh hoa



Trong thời gian qua, nhiều lần Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, sàng lọc cán bộ yếu kém trong quá trình tinh gọn bộ máy. Điển hình, ngày 1/12/2024, tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Tổng Bí thư quán triệt không để cơ quan Nhà nước là “vùng trú ẩn an toàn” cho cán bộ yếu kém.
Đồng thời, người lãnh đạo Đảng ta nêu rõ tinh giản không có nghĩa là cắt giảm một cách cơ học, mà là loại bỏ những vị trí không cần thiết, giảm những công việc không hiệu quả, từ đó tập trung nguồn lực cho những lĩnh vực then chốt, những con người thực sự xứng đáng và phù hợp.
Tiếp đến vào ngày 17/3, trong buổi làm việc với Tiểu ban Kinh tế - xã hội Đại hội XIV của Đảng, Tổng Bí thư cũng nhận định rằng, sắp xếp lại tổ chức bộ máy đơn vị hành chính các cấp là cơ hội để sàng lọc lại đội ngũ cán bộ, xây dựng đội ngũ thực sự đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn tới. Quan điểm của Tổng Bí thư Tô Lâm đạt được sự đồng thuận cao bởi sự phù hợp của tính thực tiễn hiện nay.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Nguyễn Đức Hà - nguyên Vụ trưởng Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương cho biết, việc tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh giản biên chế đã được thực hiện từ lâu thông qua nhiều chủ trương, nghị quyết của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nhưng thực sự chưa đạt được mục tiêu đề ra. Nên lần này, Tổng Bí thư Tô Lâm mới dùng từ “cách mạng” về tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị, là để thể hiện sự đồng bộ từ Trung ương đến địa phương.
Theo ông Nguyễn Đức Hà, khi thực hiện tinh gọn tổ chức bộ máy, chắc chắn sẽ liên quan đến việc tinh giản biên chế, dẫn đến giảm số lượng lớn cán bộ, công chức. Đây là dịp để có cơ sở, điều kiện lựa chọn, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ. Mục tiêu để số lượng cán bộ ít đi, đảm bảo độ tinh, gọn, mạnh có năng lực, phẩm chất chuyên môn và được giao đúng người, đúng việc.

Tuy nhiên, công tác sàng lọc cán bộ cần phải lưu ý việc không để cán bộ giỏi rời khu vực công, giữ lại những người trung bình, không tốt. Công đoạn này rất quan trọng, phải đảm bảo công tâm, khách quan, minh bạch, đảm bảo tính dân chủ.
Đặc biệt, phát hiện được người tài thì cần những người lãnh đạo giỏi, đặt chữ tâm lên đầu trong công việc, nhiệm vụ. Trước đây, một nhiệm vụ có thể có ba người làm dẫn đến sự ỷ lại, nhưng đến nay, việc đó có thể chỉ cần một người, tạo cơ hội để cán bộ có thể bộc lộ toàn bộ phẩm chất, năng lực.
Bàn về vấn đề sàng lọc cán bộ, đại biểu Quốc hội Hồ Thị Minh - đoàn Quảng Trị cho hay, chủ trương tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị, sắp xếp các đơn vị hành chính cấp tỉnh là tất yếu, chủ trương này rất quyết liệt, chỉ bàn làm chứ không bàn lùi, thực hiện theo nguyên tắc “vừa chạy vừa xếp hàng”, phải làm và làm ngay.
Tuy nhiên, quan trọng là làm sao cho phù hợp, đảm bảo cả người ở lại và người nghỉ theo chế độ đều yên tâm. Đặc biệt, cần tránh tình trạng mất đi nguồn nhân lực chất lượng cao. “Phương án sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh là một cuộc cải tổ lớn. Vì vậy, cần có chính sách đãi ngộ hợp lý cho người ở lại để thu hút và giữ chân nhân tài” - nữ đại biểu nói.
Do đó, khi rà soát tiêu chuẩn và tiêu chí, những cán bộ không đạt yêu cầu dù không đăng ký nghỉ cũng sẽ được cho nghỉ. Chỉ như vậy mới có thể giữ chân người tài. Ngoài ra, nếu chỉ tập trung vào các chế độ ưu đãi cho người nghỉ việc, khó tránh khỏi những tổn thất về trí tuệ.
Vị đại biểu đoàn Quảng Trị cũng cho rằng, không phải lần đầu tiên chúng ta cải cách bộ máy hành chính Nhà nước, nhưng đây là lần đầu tiên có chế độ ưu đãi cao nhất dành cho người nghỉ việc. Song, nếu chỉ tập trung đáp ứng quyền lợi cho người nghỉ mà không quan tâm đến những người ở lại, chắc chắn sẽ dẫn đến tình trạng chảy máu chất xám - đó là điều không thể tránh khỏi.
Đại biểu Trương Xuân Cừ - đoàn Hà Nội bày tỏ, sáp nhập tỉnh là một cuộc cách mạng, nhưng không phải là quyết định đột ngột mà đã có sự chuẩn bị từ lâu. Mục tiêu là tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính.
Theo ông Cừ, quá trình giảm biên chế cần tập trung vào các đối tượng sắp đến tuổi nghỉ hưu, còn ít thời gian công tác. Đối với những người còn thời gian công tác dài, có thể thành lập hội đồng đánh giá khách quan năng lực để đảm bảo chất lượng đội ngũ cán bộ. Đồng thời, cần có thời gian thử thách trong bộ máy mới để kiểm tra mức độ đáp ứng yêu cầu công việc.
Bên cạnh đó, công tác đào tạo và bồi dưỡng cán bộ là bước rất quan trọng. “Mỗi cán bộ, công chức, viên chức đều có ảnh hưởng trực tiếp đến từng lĩnh vực công tác. Do đó, cùng với tinh gọn bộ máy, việc nâng cao chất lượng đội ngũ là điều bắt buộc” - đại biểu đoàn Hà Nội chia sẻ.

Ngay từ khi nghiên cứu, thực hiện tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị, bài toán về sàng lọc nhân sự luôn được đặt ra. Thực tế, để tránh tình trạng “chảy máu chất xám”, sự quan tâm tới nhân lực có chất lượng cao đã được Chính phủ cụ thể hóa qua Nghị định số 179/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 quy định chính sách thu hút, trọng dụng người có tài năng làm việc trong cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.
Nghị định nêu rõ, các bộ, ngành, cơ quan trung ương và địa phương phải ưu tiên bố trí biên chế để tuyển dụng đối tượng là sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, nhà khoa học trẻ tài năng. Bên cạnh đó, sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, nhà khoa học trẻ tài năng khi tuyển dụng vào làm công chức, viên chức thì được hưởng 100% mức lương trong thời gian tập sự. Đồng thời, được hưởng phụ cấp tăng thêm bằng 150% mức lương theo hệ số lương hiện hưởng trong thời hạn 5 năm kể từ ngày có quyết định tuyển dụng.
Ngoài ra, theo dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) đang được Bộ Nội vụ lấy ý kiến, người có tài năng, có công với nước, người dân tộc thiểu số sẽ được ưu tiên tuyển chọn vào hệ thống công chức. Việc tuyển dụng công chức sẽ được thực hiện thông qua thi tuyển và xét tuyển. Nội dung và hình thức thi tuyển, xét tuyển sẽ được điều chỉnh để phù hợp với yêu cầu cụ thể của từng vị trí việc làm, đảm bảo lựa chọn được những người có phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn và năng lực thực tế.
Nhận xét về Nghị định số 179/2024/NĐ-CP, PGS.TS Nguyễn Thường Lạng - Giảng viên cao cấp Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế, Trường Đại học Kinh tế quốc dân đánh giá, các chính sách của Nghị định đã tạo một bước tiến đột phá về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, phản ánh chủ trương đúng đắn của Chính phủ trong việc thu hút nhân tài vào khu vực công, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh cải cách hành chính và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đây là yếu tố để “tạo chỗ, xây tổ” cho nhân tài đóng góp vào sự phát triển bền vững của bộ máy nhà nước.

Việc ưu tiên bố trí biên chế cho sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, nhà khoa học trẻ không chỉ giúp bổ sung đội ngũ công chức, viên chức có trình độ cao mà còn tạo động lực để những người trẻ tài năng cống hiến cho sự phát triển đất nước.
Cùng với đó, chế độ đãi ngộ dành cho người trúng tuyển cũng là một bước tiến tích cực. Việc hưởng 100% lương trong thời gian tập sự và phụ cấp tăng thêm 150% mức lương trong 5 năm đầu là một chính sách hấp dẫn, giúp giảm bớt gánh nặng tài chính cho nhân tài trẻ khi làm việc trong khu vực công, vốn thường được nhận định có mức lương không cạnh tranh so với khu vực tư nhân.
Mặt khác, một trong những vấn đề mấu chốt cũng được đặt ra khi tinh gọn bộ máy là phải tìm được người tài để vận hành hệ thống. Bởi nếu lựa chọn được cán bộ có đủ phẩm chất, trình độ, năng lực chuyên môn thì họ sẽ có những quyết sách đúng và trúng, góp phần đơn giản hóa quy trình, tiết kiệm chi phí và nâng cao hiệu quả quản lý.
Tại phiên thảo luận tổ ở Quốc hội sáng 13/2, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định, việc cải cách, sắp xếp lại tổ chức bộ máy nhà nước là một cuộc cách mạng lớn, có ý nghĩa sâu rộng. Mục tiêu là xây dựng một bộ máy nhà nước tinh gọn, hiệu quả nhưng vẫn bảo đảm tính linh hoạt, đáp ứng kịp thời các yêu cầu phát triển đất nước.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, việc sắp xếp bộ máy nhà nước không chỉ bảo đảm tính hiệu quả trong công tác quản lý, điều hành, mà còn cần phải tạo ra một môi trường làm việc thuận lợi, phát huy tối đa năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức.
“Tinh gọn nhưng phải mạnh. Điều này đòi hỏi một sự thay đổi sâu sắc trong cơ cấu tổ chức và nhân sự của bộ máy nhà nước, đặc biệt là việc lựa chọn và sử dụng những con người tài năng, có năng lực để phục vụ đất nước” - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
PGS.TS Đào Duy Quát, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương cho rằng, sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh phải quan tâm tới công tác lựa chọn cán bộ. Vì yếu tố quyết định chính là con người. Phải đánh giá chất lượng cán bộ, bởi sau sắp xếp thì lượng cán bộ để lựa chọn khá nhiều.
Do đó, cần căn cứ vào thực tiễn, hiệu quả công việc của cán bộ để tổ chức tập hợp lực lượng, tổ chức bố trí và điều hành tạo ra sức mạnh tổng hợp thống nhất hành động, sâu xa hơn đó chính là tầm nhìn. Cho nên phải đánh giá thực chất con người chứ không chỉ ở bằng cấp. “Điều quan trọng phải tạo ra không gian phát triển mới và lựa chọn được cán bộ sau sáp nhập. Nếu sáp nhập mà chọn cán bộ không tốt thì cũng không phát huy được” - PGS.TS Đào Duy Quát nói.

Trong bối cảnh cả nước hừng hực khí thế thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy, chính sách đối với người lao động, đặc biệt là cán bộ, công chức, viên chức nghỉ hưu sớm, trở thành vấn đề quan trọng, thể hiện tinh thần không để ai bị bỏ lại phía sau của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Một trong những chính sách đáng chú ý, thể hiện rõ tính nhân văn và hợp lý của Đảng, Nhà nước ta là Nghị định số 178/2024/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, được ban hành vào ngày cuối cùng của năm 2024.
Trong Nghị định quy định rõ, chế độ nghỉ hưu trước tuổi đối với cán bộ, công chức còn đủ 10 năm công tác mà nghỉ hưu trước tuổi, sẽ được trợ cấp hưu trí một lần và các chế độ chính sách nghỉ hưu trước tuổi.
Cụ thể, nếu có tuổi đời từ đủ 5 năm trở xuống đến tuổi nghỉ hưu, được hưởng trợ cấp bằng 1 tháng lương hiện hưởng nhân với số tháng nghỉ sớm so với thời điểm nghỉ hưu; nếu có tuổi đời còn trên 5 năm đến đủ 10 năm đến tuổi nghỉ hưu, được hưởng trợ cấp bằng 0,9 tháng tiền lương hiện hưởng nhân với 60 tháng.
Từ cơ chế mang tính động viên nêu trên, trong cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy lần này, nhiều tấm gương đã tự nguyện về hưu sớm, tạo không gian phát triển cho người trẻ dù thực tế vẫn đảm bảo chuyên môn, năng lực.
Là người đầu tiên trong Bộ Nội vụ gửi đơn xin nghỉ hưu trước tuổi khi Bộ này hợp nhất với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, nguyên Chánh Văn phòng Vũ Đăng Minh chia sẻ, đây là thời điểm tổ chức cần sự tiên phong, gương mẫu từ cán bộ, Đảng viên.
Với tinh thần đó, ông Minh không ngần ngại viết đơn xin nghỉ hưu trước thời hạn nhằm tạo điều kiện cho tổ chức trong việc sắp xếp, bố trí cán bộ. Đồng thời, ông cũng xem đây là trách nhiệm của mình đối với lớp trẻ, giúp những cán bộ trong diện quy hoạch có cơ hội phát triển, không bị lỡ nhịp.
“Tôi đã cân nhắc kỹ lưỡng và suy nghĩ nghiêm túc về quyết định này, với mong muốn đặt lợi ích chung lên hàng đầu, không tính toán thiệt hơn. Khi Nghị quyết số 176/2025/QH15 về cơ cấu tổ chức Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV được ban hành, cùng với chủ trương của Trung ương và Chính phủ về việc thực hiện kế hoạch sắp xếp nhân sự ngay tại thời điểm hợp nhất, sáp nhập, tôi nhận thấy đây là thời điểm phù hợp nhất để đưa ra quyết định nghỉ hưu, qua đó góp phần tạo thuận lợi cho tổ chức trong công tác sắp xếp và bố trí nhân sự” - ông Vũ Đăng Minh bày tỏ.
Nguyên Chánh văn phòng của Bộ Nội vụ cũng bộc bạch bản thân không quá bận tâm đến quyền lợi hay chế độ khi nghỉ hưu sớm. Quyết định nghỉ hưu của ông Minh không xuất phát từ việc được hưởng bao nhiêu tiền hay chính sách hỗ trợ ra sao.
“Tôi chưa từng nghĩ rằng mình sẽ xin nghỉ chỉ vì một khoản trợ cấp hay cơ hội được hưởng nguyên lương sớm hơn. Điều tôi trân trọng là chính sách của Đảng và Nhà nước đã tạo điều kiện để những người như tôi có thể nghỉ hưu sớm mà vẫn được đảm bảo quyền lợi chính đáng. Đây là sự quan tâm rất lớn của Nhà nước đối với cán bộ, công chức. Bản thân tôi cũng cảm thấy hài lòng với những gì đã cống hiến và những chế độ mà mình được hưởng” - ông Vũ Đăng Minh nói.

Từ nhiều ngày qua, cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan vừa được hợp nhất, sáp nhập, chuyển chức năng, nhiệm vụ đã bắt tay ngay vào kiện toàn, thực hiện phân công, phân cấp, phân quyền nhiệm vụ, bảo đảm thực hiện nhiệm vụ công tác thông suốt ngay từ ngày đầu tiên chính thức đi vào hoạt động.
Trái với lo ngại ban đầu khi bắt tay vào thực hiện đổi mới, sắp xếp tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị theo tinh thần của Nghị quyết 18-NQ/TW là rất khó tinh giản biên chế vì động chạm đến con người rất phức tạp, nhạy cảm, nên không thể lấy tinh thần xung phong, cũng không thể “bốc thăm” người đi, người ở, càng không thể sử dụng mệnh lệnh hành chính để ép buộc, nhưng thực tế lại diễn ra rất thuận lợi.
TS. Đinh Duy Hòa, chuyên gia hành chính công, nguyên Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ nhận định, chắc chắn, công cuộc cải cách lần này sẽ "đụng chạm" tới nhiều cơ quan, tổ chức, tới nhiều con người đang làm việc trong bộ máy. Từ chỉ đạo của Trung ương, chúng ta nghĩ ngay đến giải pháp đầu tiên mà Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh, đó là sự gương mẫu, hy sinh của những người đứng đầu các cơ quan, tổ chức.
Người đứng đầu mà không gương mẫu thì chắc chắn không tạo ra sự lay động, lan tỏa. Vì vậy, giải pháp đầu tiên phải là tăng cường trách nhiệm và tinh thần dám chịu trách nhiệm, dám hy sinh vì lợi ích chung, đặc biệt là của những người đứng đầu.
“Tôi cũng chưa từng nghĩ đến việc sẽ có hàng ngàn công chức, viên chức, trong đó có rất nhiều lãnh đạo cấp cục, vụ, sở, ngành tình nguyện xin nghỉ chế độ trước tuổi; lớp trẻ chưa đủ tuổi nghỉ chế độ tình nguyện xin ra khỏi cơ quan nhà nước cũng rất nhiều” - nguyên Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính cho biết.
TS. Đinh Duy Hòa lý giải, có hiện tượng trên, một phần là ý thức của công chức, viên chức, khi tự nhận thấy năng lực không thể đáp ứng được công việc sau khi sáp nhập thì xin nghỉ; phần nữa là khi nghỉ được hưởng chế độ trợ cấp thỏa đáng, nên họ yên tâm về tài chính sau khi rời công sở. Ngoài ra, khi không làm trong cơ quan nhà nước, họ có thời gian, sức khỏe, kinh nghiệm và năng lực làm việc khác tốt hơn cho bản thân và gia đình.
Theo phân tích của ông Nguyễn Đức Hà, để quán triệt tư tưởng của cán bộ, Đảng viên khi tinh gọn bộ máy, cần phải hiểu rõ rằng, việc chúng ta quyết định nghỉ hưu, đảm bảo cho hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu quả hơn, sẽ tạo động lực cho đất nước phát triển và khi đất nước phát triển, thì toàn bộ người dân Việt Nam được hưởng lợi chứ không riêng một cá nhân nào cả.


Còn nữa
Quỳnh Nga - Lan Anh - Lê An
Đồ họa: Hồng Thịnh
Quỳnh Nga - Lan Anh - Lê An
Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/bai-4-chon-nguoi-xung-dang-dung-bo-may-tinh-hoa-380694.html