Tổng thu ngân sách nhà nước đạt 50% dự toán
Chiều 16/6/2023, tại Hà Nội, Bộ Tài chính tổ chức họp báo thường kỳ quý II năm 2023. Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi dự và chủ trì hội nghị.
Cân đối thu ngân sách Trung ương và địa phương được đảm bảo
Theo báo cáo của Bộ, tổng thu cân đối ngân sách nhà nước (NSNN) lũy kế đến ngày 15/6/2023 ước đạt 810,2 nghìn tỷ đồng, bằng 50% dự toán, trong đó thu ngân sách Trung ương (NSTW) ước đạt 53,3%, thu ngân sách địa phương (NSĐP) ước đạt 46,2% dự toán.
Trong đó, thu nội địa đạt 49,8% dự toán, thu từ dầu thô đạt 67,7% dự toán (giá dầu thô thanh toán bình quân đạt 87,3 USD/thùng, cao hơn 17,3 USD/thùng so với giá dự toán); thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 48,9% dự toán.
Chi NSNN thực hiện đến ngày 15/6/2023 ước đạt 707,7 nghìn tỷ đồng, bằng 34,1% dự toán, trong đó: chi đầu tư phát triển ước đạt 23,3% dự toán Quốc hội (tỷ lệ giải ngân ước đạt 23,9% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao ), chi trả nợ lãi ước đạt 46,1% dự toán, chi thường xuyên ước đạt 41,8% dự toán... Đáp ứng các nhu cầu chi theo dự toán để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước và thanh toán các khoản chi trả nợ đến hạn, đảm bảo chi trả kịp thời các khoản lương, lương hưu, trợ cấp xã hội từ NSNN.
NSTW đã chi từ dự phòng năm 2023 bổ sung cho các địa phương 624,8 tỷ đồng để thực hiện phòng, chống dịch, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản, khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động theo quy định. Bên cạnh đó, thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã xuất cấp gần 18,3 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia để khắc phục hậu quả thiên tai, cứu trợ, cứu đói cho nhân dân cho nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán và giáp hạt đầu năm. Cân đối ngân sách trung ương và ngân sách các cấp địa phương được đảm bảo. Tính đến ngày 15/6/2023, đã thực hiện phát hành 168,9 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, kỳ hạn bình quân 12,2 năm, lãi suất bình quân 3,76%/năm.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi, thời gian qua với các giải pháp quyết liệt của Chính phủ, chúng ta đã giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, tăng trưởng phục hồi dần, thu ngân sách đảm bảo…, chính là điểm tựa, là nền tảng quan trọng để thực thi các giải pháp, giải quyết được hết các khó khăn.
Nhìn nhận về kết quả, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Đức Chi cho rằng, thu NSNN vẫn đảm bảo theo tiến độ dự toán nhưng trong tình hình khó khăn hiện nay, nhất là so với các năm trước thì đây là mức thu thấp nhất trong vòng 14 năm. Nếu loại trừ các khoản thu phát sinh theo quý, tháng và các khoản thu đột biến thì diễn biến thu các tháng vẫn trên đà giảm, dự báo các tháng tới cũng chưa có dấu hiệu khởi sắc. Vì vậy trong những tháng tới, việc thu sẽ khó khăn. Cùng với đó việc tiếp tục thực hiện các chính sách giảm, giãn thuế, phí, nhất là giảm 2% thuế giá trị gia tăng, thuế trước bạ... sẽ tác động đến thu ngân sách.
Do đó, Thứ trưởng đề nghị Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Vụ Ngân sách Nhà nước phải chủ động có phương án điều hành, kể cả điều hành tổng thể NSNN và điều hành đối với NSĐP.
Trong những tháng tiếp theo, lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai các giải pháp tài khóa, tiền tệ tại các nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ về dự toán NSNN. Đồng thời, Bộ Tài chính sẽ chủ động nghiên cứu, tham mưu Chính phủ báo cáo Quốc hội những giải pháp mới phù hợp tình hình thực tiễn.
Bên cạnh đó, ngành tài chính tiếp tục thực hiện một số giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân để có thêm nguồn lực ứng phó với những khó khăn, thách thức trong thời gian tới; thực hiện các giải pháp về quản lý thu NSNN và cải cách thủ tục hành chính trong quản lý thu NSNN, bảo đảm hoàn thành các mục tiêu đề ra.
Sẽ công bố kết luận thanh tra 04 doanh nghiệp bảo hiểm qua ngân hàng trong tháng 6
Trả lời câu hỏi của báo chí liên quan đến kết quả thanh tra hoạt động bán bảo hiểm qua ngân hàng của một số doanh nghiệp bảo hiểm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) Doãn Thanh Tuấn cho biết, quá trình thanh tra đến nay đã hoàn tất, hiện đơn vị đang hoàn thiện kết luận thanh tra để báo cáo cấp có thẩm quyền và dự kiến có kết luận ngay trong tháng 6 này.
Cũng theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, sau khi có kết luận thanh tra sẽ công khai theo quy định. Thời gian qua, Bộ Tài chính cũng đã triển khai nhiều giải pháp quản lý, giám sát nhằm chấn chỉnh hoạt động của thị trường bảo hiểm. Trong đó, chấn chỉnh hoạt động bán bảo hiểm qua ngân hàng của các doanh nghiệp và yêu cầu các doanh nghiệp tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng đại lý bảo hiểm đối với các ngân hàng.
Trong đó, yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm nghiêm túc tuân thủ quy định tại Luật Kinh doanh bảo hiểm về việc không được ép buộc các tổ chức, cá nhân mua bảo hiểm dưới mọi hình thức. Bộ Tài chính cũng đã làm việc trực tiếp với một số doanh nghiệp bảo hiểm có phản ánh của khách hàng và yêu cầu doanh nghiệp xem xét, xử lý dứt điểm khiếu nại của khách hàng, bảo đảm quyền lợi khách hàng trên cơ sở hợp đồng bảo hiểm đã giao kết. Cũng theo Bộ Tài chính, thông qua đường dây nóng, cơ quan này đã tiếp nhận hàng trăm kiến nghị, phản ánh qua email liên quan đến bán sản phẩm bảo hiểm qua tổ chức tín dụng.
Nhiều DN khó khăn trong thực hiện nghĩa vụ thanh toán trái phiếu đến hạn
Liên quan vấn đề giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và Tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) Nguyễn Hoàng Dương cho biết, thời gian qua, do khó khăn của thị trường trong nước, quốc tế, các doanh nghiệp (DN) phát hành trái phiếu có khó khăn trong thực hiện nghĩa vụ thanh toán trái phiếu đến hạn. Đặc biệt, các vụ việc thời gian qua được xử lý nghiêm minh đã phát sinh tâm lý của thị trường, nhất là sau tháng 10/2022, tâm lý thị trường làm cho các DN khó phát hành trái phiếu mới để tiếp tục sản xuất kinh doanh cũng như thanh toán trái phiếu đến hạn.
Theo đại diện Vụ Tài chính các ngân hàng và Tổ chức tài chính, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã làm việc trực tiếp với các DN, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng đã làm việc đôn đốc các DN thanh toán nghĩa vụ nợ đến hạn, trường hợp khó khăn phải cân đối nguồn tiền và đàm phán với trái chủ để thanh toán các khoản nợ trái phiếu. Bộ Tài chính đã khuyến nghị các DN công bố thông tin, minh bạch nhiều hơn để nhà đầu tư nắm được và tiếp tục đầu tư.
Cũng theo ông Dương, vừa qua, Bộ Tài chính đã có 5 văn bản đôn đốc các DN thanh toán trái phiếu đến hạn. Bộ Tài chính cũng đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an chủ động tuyên truyền, tăng niềm tin cho nhà đầu tư và xử lý nghiêm các vụ việc tung tin đồn thất thiệt, ảnh hưởng tới thị trường… Làm rõ thêm về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, những khó khăn đến từ nội tại của một hoặc một vài DN có thể có giải pháp nhanh chóng hơn.
Tuy nhiên trên thực tế, xuất phát từ thực trạng của cả nền kinh tế và sản xuất kinh doanh của DN còn khó khăn, sẽ kéo theo những khó khăn chung. Do đó, Thứ trưởng khẳng định “cần phải có những giải pháp đồng bộ, phục hồi sản xuất kinh doanh của DN, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng”.
Tăng cường quản lý, xử lý nghiêm hành vi mua bán hóa đơn trên mạng
Liên quan đến vấn đề hóa đơn điện tử, ông Vũ Chí Hùng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, đến nay hệ thống của cơ quan thuế đã ghi nhận gần 7 tỷ hóa đơn điện tử có mã. Đây là bước tiến quan trọng trong thực hiện chiến lược cải cách ngành Thuế mà Chính phủ và Bộ Tài chính giao, nhằm mục đích nâng cao cải cách hành chính, giảm thiểu chi phí, vướng mắc của người nộp thuế đối với sử dụng hóa đơn.
Phó Tổng cục trưởng cho biết thêm, hiện tượng liên quan đến mua bán hóa đơn trên mạng cũng chính là vấn đề mà ngành Thuế đã nhận định khi triển khai hệ thống hóa đơn điện tử và đã có nhiều báo cáo với Bộ Tài chính để nâng cao công tác phát hiện, xử lý rủi ro. Trong đó, Tổng cục Thuế chú trọng nâng cao trình độ cán bộ ngành Thuế, tăng cường tuyên truyền đến người nộp thuế và người sử dụng hóa đơn điện tử để nâng cao nhận thức...
Ông Vũ Chí Hùng khẳng định, trong thời gian tới, cơ quan thuế sẽ tăng cường kiểm tra để kịp thời phát hiện những dấu hiệu vi phạm và xử lý nghiêm; tiếp tục phân tích, đánh giá, nâng cao công tác quản lý, phát hiện rủi ro liên quan đến hóa đơn điện tử...
Thông tin thêm về vấn đề mua bán hóa đơn, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho biết, đối với hóa đơn điện tử, Bộ Tài chính đã triển khai xây dựng trung tâm dữ liệu lớn để cùng phối hợp với các công cụ trí tuệ nhân tạo để phát hiện những nguy cơ, những rủi ro, thực hiện giám sát thực tiễn các hoạt động của doanh nghiệp.
Nhiều giải pháp điều hành giá tránh lạm phát kỳ vọng
Liên quan đến câu hỏi về các giải pháp trong quản lý, điều hành giá trong thời gian tới, nhất là thời điểm sắp tăng lương cơ sở 1/7 sắp tới, đại diện Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, công tác điều hành quản lý giá mang tính chất liên tục, thường xuyên. Bộ Tài chính là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo điều hành giá thời gian qua đã tham mưu giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo điều hành giá, thường xuyên đưa ra kịch bản, các phương pháp để điều hành giá trên cơ sở bám sát tình hình thực tiễn.
Công tác quản lý, điều hành giá, kiểm soát lạm phát trong những tháng còn lại của năm 2023 cần tiếp tục thực hiện một cách thận trọng, linh hoạt và chủ động triển khai các giải pháp theo đúng ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 27/01/2023; chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái - Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá đã giao.
Thời gian tới, để kiểm soát lạm phát theo đúng mục tiêu, theo đại diện Cục Quản lý giá, cơ quan quản lý sẽ bám sát thị trường để kiểm soát theo đúng mục tiêu đề ra, đặc biệt chú ý đến các mặt hàng chiến lược, xăng dầu, nắm bắt tình hình cân đối cung cầu. Đối với các mặt hàng Nhà nước định giá, sẽ tiếp tục điều hành thận trọng, phù hợp với tình hình thực tế.
Đồng thời, cơ quan quản lý tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá, công khai thông tin về giá, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, găm hàng và tăng giá bất hợp lý, chủ động kiểm tra yếu tố hình thành giá theo quy định tại Luật Giá khi hàng hóa có biến động bất thường.
Để tránh lạm phát tâm lý, các bộ, ngành, địa phương chú trọng công tác thông tin truyền thông nhằm đưa thông tin kịp thời, minh bạch, tạo sự đồng thuận trong dư luận đối với công tác điều hành giá của Chính phủ, ổn định tâm lý người tiêu dùng và ổn định kỳ vọng lạm phát.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cũng đề nghị các cơ quan báo chí cùng vào cuộc để tuyên truyền công khai, minh bạch công tác chỉ đạo điều hành giá của các cơ quan quản lý, để tạo sự đồng thuận trong dư luận. “Một trong những giải pháp quan trọng là cần làm tốt, phát huy vai trò của truyền thông để giúp xã hội và người tiêu dùng ổn định tâm lý khi thời điểm tăng lương cơ sở 1/7 đã cận kề”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/tong-thu-ngan-sach-nha-nuoc-dat-50-du-toan-687378.html