TỔNG THUẬT: Thủ tướng chủ trì phiên họp thứ 4 Ban chỉ đạo Trung ương về xóa nhà tạm, nhà dột nát
Sáng 11/5 tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước, chủ trì Phiên họp lần thứ 4 của Ban Chỉ đạo.

Phiên họp thứ 4 Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước diễn ra sáng 11/5 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Cùng dự Phiên họp có Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành liên quan.
Phiên họp được kết nối trực tuyến đến trụ sở Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Cả nước đã xóa được gần 209.000 nhà tạm, dột nát

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc phiên họp lần thứ 4 Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết việc xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước cho nhân dân là công việc rất nhân văn, ý nghĩa, được triển khai rất tích cực với tinh thần, phương châm chỉ đạo "ai có gì giúp nấy, ai có công giúp công, ai có của giúp của, ai có nhiều giúp nhiều, ai có ít giúp ít".
Tại phiên họp thứ ba (ngày 10/3/2025), Ban Chỉ đạo đã tiếp tục thống nhất phương hướng, cách thức thực hiện và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên, các bộ, cơ quan, địa phương với tinh thần "Chỉ bàn làm, không bàn lùi; quyết tâm đến ngày 31/10/2025 cơ bản hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước".
Sau phiên họp thứ ba, chúng ta tiếp tục triển khai thực hiện rất nhiều việc. Về cơ bản, đã ban hành đầy đủ hệ thống văn bản theo thẩm quyền để đẩy mạnh triển khai chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước; đặc biệt là các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, giải quyết khó khăn, vướng mắc, trả lời kiến nghị của các địa phương.
Căn cứ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương tại Thông báo số 158/TB-VPCP, đến nay các cơ quan Trung ương và địa phương đã hoàn thành 18/27 nhiệm vụ, đang triển khai 09/27 nhiệm vụ.
Từ khi phát động đến nay, cả nước đã xóa được gần 209.000 nhà (trong đó: khánh thành và bàn giao 111.000 nhà; khởi công 98.000 nhà), đạt khoảng 77% trên tổng số nhu cầu. Từ Phiên họp thứ ba đến nay tăng gần 87.000 nhà được khởi công, khánh thành, bình quân tăng 26 nhà/địa phương/ngày.
Cùng với nỗ lực của những người được hỗ trợ; sự giúp đỡ tự nguyện, vô tư của cộng đồng, bà con, làng xóm, người thân, họ hàng, đoàn thể; lãnh đạo các địa phương, các bộ ngành vào cuộc rất tích cực, hăng hái; nhiều ngôi nhà được xây dựng với giá trị cao hơn nhiều so với kinh phí được Nhà nước hỗ trợ.
Đây là kết quả rất đáng khích lệ trong bối cảnh các cấp, các ngành, các địa phương đang phải thực hiện đồng thời các nhiệm vụ, nhất là sắp xếp tổ chức bộ máy, xây dựng chính quyền địa phương 02 cấp; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đạt 8% trở lên trong điều kiện còn nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, nhiệm vụ từ nay đến ngày 31/10/2025 vẫn còn rất nặng nề (còn khoảng 61.800 nhà tạm, nhà dột nát) do liên quan đến nhiều bộ, cơ quan, địa phương, phạm vi triển khai rộng, trong khi thời gian còn lại không nhiều (khoảng 170 ngày). Bình quân mỗi ngày phải hoàn thành khoảng 364 căn trên cả nước; bình quân mỗi địa phương phải hoàn thành 08 căn/ngày.
Vì vậy, yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương nỗ lực cao hơn, quyết tâm lớn hơn, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn, đúng trọng tâm, trọng điểm hơn để thực hiện thắng lợi mục tiêu của Chương trình.

Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung đánh giá thực trạng tình hình kết quả triển khai Chương trình; tiếp tục làm rõ những khó khăn, vướng mắc, thách thức trong triển khai Chương trình; giải đáp đề xuất, kiến nghị tháo gỡ khó khăn liên quan - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Tại Phiên họp, Thủ tướng đề nghị các đại biểu trao đổi, thảo luận với tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm, trong đó tập trung đánh giá thực trạng tình hình kết quả triển khai Chương trình tại các bộ, cơ quan, địa phương; tiếp tục làm rõ những khó khăn, vướng mắc, thách thức trong triển khai Chương trình (về thủ tục, quy trình thực hiện; cách thức phân bổ kinh phí hỗ trợ; bố trí đất ở; vấn đề nhân lực, vận chuyển vật liệu; sử dụng nguồn tiết kiệm 5% chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2024....).
Cùng với đó, giải đáp đề xuất, kiến nghị của địa phương, tháo gỡ khó khăn liên quan đến kinh phí hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ và 02 chương trình mục tiêu quốc gia; các bài học kinh nghiệm trong chỉ đạo, điều hành, phân bổ và huy động nguồn lực theo tinh thần "6 rõ: rõ người, rõ việc, rõ kết quả, rõ tiến độ, rõ trách nhiệm"; các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá để giữ đà, giữ nhịp, giữ khí thế, giữ tiến độ trong việc triển khai Phong trào; những mặt được thì phát huy, nhân rộng, cái gì chưa được thì rút kinh nghiệm, điều chỉnh.

Bộ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo Đào Ngọc Dung báo cáo kết quả thực hiện Chương trình từ Phiên họp thứ 3 của Ban Chỉ đạo đến nay - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Báo cáo tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo Đào Ngọc Dung cho biết: Trước hết trên quy mô toàn quốc từ phiên họp thứ 3 đến nay, tình hình chuyển đổi nhanh và kết quả rõ rệt hơn. Cụ thể:
Các địa phương đã hoàn thành việc rà soát nhu cầu xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn của cả 3 đối tượng gửi báo cáo về Trung ương. Có những địa phương giảm đi nhưng cũng có địa phương số lượng gia tăng.
Cho đến nay tất cả các địa phương xây dựng kế hoạch, cách thức triển khai, xác định tiến độ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh. Có 9 tỉnh có thời gian chậm nhất cũng đều đăng ký đến ngày 31/10. 9 tỉnh đăng ký tháng 9 hoàn thành. Như vậy có 18 tỉnh đăng ký trong tháng 9, còn lại đều đăng ký trước tháng 10.
Tại phiên họp thứ ba, chúng ta có 7 địa phương xóa xong nhà tạm nhà dột nát. Từ đó đến nay chúng ta có thêm 8 địa phương hoàn thành dịp 30/4, bao gồm Thái Nguyên, Tây Ninh, Bình Phước, Cần Thơ, Vĩnh Long, Trà Vinh, Kiên Giang, Khánh Hòa.
Trong 8 địa phương này, có 3 địa phương hoàn thành 100% cả ba lĩnh vực là Cần Thơ, Khánh Hòa và Tây Ninh. Còn 5 địa phương gồm Thái Nguyên, Kiên Giang, Bình Phước, Vĩnh Long, Trà Vinh thì có địa phương còn nợ lĩnh vực nhà của người có công và một số địa phương nợ chương trình mục tiêu giảm nghèo.
Theo đăng ký, trong tháng 5 sẽ có thêm 6 địa phương hoàn thành chương. Ngày 15/5 này, Sơn La sẽ công bố hoàn thành, còn lại Hà Tĩnh, Bình Định, Ninh Thuận, Long An, Hòa Bình.
Đến tháng 6, sẽ có thêm 16 địa phương đăng ký hoàn thành. Như vậy theo kế hoạch, cuối tháng 6, đầu tháng 7, chúng ta có khả năng có 37 địa phương hoàn thành chương trình, có thể sơ kết bước đầu được.
26 địa phương còn lại đăng ký từ tháng 7 đến tháng 10 sẽ hoànthaành, trong đó tháng 7 có 4 địa phương, tháng 8 có 9 địa phương, tháng 9 có 9 địa phương, tháng 10 địa phương có 9 địa phương.
Kết quả đến nay cả nước đã xóa được 209.000 căn nhà/tổng số rà soát đăng ký đợt cuối cùng là 270.800 căn, trong đó khánh thành 111.000 căn, khởi công 98.000 căn, đạt 77%.
Như vậy, từ phiên họp thứ ba đến nay đã tăng 87.000 căn, bình quân chúng ta đạt 26 căn nhà/1 địa phương mỗi ngày. Đối tượng hộ cận nghèo thuộc chương trình xóa nhà tạm nhà dột nát, tức là không nằm trong chương trình mục tiêu, không nằm trong nguồn người có công, là đối tượng khó khăn nhất thì tỉ lệ hoàn thành cao nhất, đạt 80% cả nước. Chúng tôi lo nhất là đối tượng này thì lại hoàn thành 80%.
Về hỗ trợ nhà người có công, mặc dù Trung ương chưa hỗ trợ tiền xuống nhưng nhiều địa phương đã cố gắng ứng trước hoặc vận động kinh phí để xóa được 50,79%.
Thứ ba là hỗ trợ nhà ở thuộc 2 chương trình mục tiêu quốc gia đạt bình quân là 68%, trong đó chương trình giảm nghèo thì khó khăn hơn, mới đạt 52%.
Về huy động nguồn lực hỗ trợ, cho đến ngày hôm qua đã có 3142.8 tỷ đồng theo phương án huy động ngày 5/10/2024, đạt 91,8%. Đến giờ này, các nhà tài trợ đều tài trợ hết. Còn 2 đơn vị nữa là Tập đoàn Dầu khí và TH TrueMilK cam kết trong tháng 5 sẽ thực hiện, lúc đó sẽ đạt 100%.
Về xã hội hóa các nguồn lực, theo báo cáo của các địa phương, đã huy động được hơn 1.807 tỷ đồng; đóng góp của các hộ gia đình được 1.074 tỷ đồng.
Ngoài ra, các địa phương còn huy động 321.000 ngày công, 660 tấn xi măng, 500 m3 đá, 310.000 viên gạch, 150 khối cát nền, 3.000 viên ngói.
Đặc biệt, trong hoạt động này, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng rất quyết liệt. Một số đơn vị khó khăn vướng mắt về đất, đến giờ này cơ bản đã giải quyết. Đến ngày hôm qua, cập nhật phần mềm, không có địa phương nào kêu khó khăn về đất nữa.
Khó khăn nhất hiện nay là kinh phí hỗ trợ để làm nhà người có công chưa triển khai được. Thủ tướng đã duyệt 1.970 tỷ để trình Quốc hội nhưng Thường vụ Quốc hội chưa cho ý kiến.
Thứ hai, một số địa phương tự ứng tiền trong số tiền đã được duyệt nhưng không được dùng.
Thứ ba, một số địa phương hiện nay có tiền, tất cả các địa phương đã được chuyển hết tiền rồi, không còn thiếu tiền nhưng một số địa phương triển khai chậm.
Về một số việc thời gian tới, số nhà tạm, nhà dột nát thuộc 03 đối tượng cần khởi công xây dựng mới, sửa chữa còn rất lớn, thời gian còn lại ngắn. Từ nay đến ngày 31/10/2025 cần khởi công xây dựng trên 61.800 căn. Trong đó, nhà ở đối với người có công với cách mạng khoảng 24.800 căn; nhà ở thuộc 02 chương trình mục tiêu quốc gia khoảng 27.000 (giảm nghèo bền vững khoảng 23.000 căn, dân tộc thiểu số khoảng gần 4.000 căn), nhà ở thuộc Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát khoảng trên 10.000 căn.
Để hoàn thành mục tiêu đề ra, các địa phương cần phải tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai bám sát kế hoạch đặt ra bảo đảm hoàn thành mục tiêu trước ngày 31/10/2025; nhất là 18 địa phương đăng ký kế hoạch hoàn thành vào tháng 9 và tháng 10 năm 2025. Vì đây là các địa phương có số lượng nhà còn rất nhiều, đang gặp nhiều khó khăn cả trong huy động nguồn lực và triển khai thực hiện. 4 đơn vị là Điện Biên, Quảng Nam, Lai Châu, Gia Lai cần tập trung chỉ đạo; tuần tới chúng tôi sẽ cử các đồng chí có trách nhiệm cùng với địa phương nắm bắt lại vấn đề này.
Đề nghị Thủ tướng và Ban chỉ đạo cho phép các vấn đề sau đây:
Thứ nhất, Bộ trưởng Bộ Tài chính sớm trình cấp có thẩm quyền phân bổ kinh phí hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ để các địa phương triển khai thực hiện.
Thứ hai nếu Thường vụ chưa cho ý kiến, thì Thủ tướng và Ban chỉ đạo cho phép địa phương ứng trước kinh phí từ nguồn quỹ của địa phương để hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ và thực hiện hoàn ứng sau khi trung ương phân bổ kinh phí trên cơ sở nguyên tắc không vượt quá tổng số nhà, số tiền cần hỗ trợ địa phương đã báo cáo Bộ Xây dựng gửi Bộ Tài chính.
Thứ ba, đề nghị Bộ Xây dựng chủ trì sửa đổi, bổ sung Thông tư về định mức hỗ trợ nhà ở thuộc 02 chương trình mục tiêu quốcgi a, bảo đảm thống nhất với mức hỗ trợ chung của Chương trình. Định mức hỗ trợ Thủ tướng đã kết luận, quyết định nâng mức từ 20 - 40 triệu lên 30 – 60 triệu.
Thứ tư, thống nhất nguyên tắc điều chỉnh kinh phí hỗ trợ từ nguồn kinh phí huy động tại Chương trình phát động và kinh phí từ nguồn tiết kiệm 5% chi thường xuyên năm 2024, kinh phí từ Quỹ cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát, Quỹ "Vì người nghèo" Trung ương phù hợp với nhu cầu thực tế qua rà soát của địa phương
Cuối cùng, Ban Chỉ đạo và các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc để kịp thời hướng dẫn, xử lý khó khăn, vướng mắc; tổ chức sơ kết Chương trình vào cuối tháng 6 đầu tháng 7 tới.
Nhiều kinh nghiệm hay, cách làm hiệu quả tại địa phương

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại Phiên họp - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Tại Phiên họp, đại diện một số địa phương đã hoàn thành việc xóa nhà tạm, nhà dột nát chia sẻ những kinh nghiệm, cách làm trong triển khai nhiệm vụ, kế hoạch đặt ra.
Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng: Đến thời điểm hiện tại, tỉnh Thái Nguyên đã rà soát và hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát đạt 100% so với kế hoạch đề ra. Trong đó có những hộ gia đình đã huy động từ nguồn hỗ trợ của tỉnh, các tổ chức xã hội, gia đình, dòng họ…; có những căn nhà được xây dựng với kinh phí lớn.
Trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh Thái Nguyên đã hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát đạt 100%. Tỉnh cũng có sáng kiến trong quá trình tổ chức thực hiện. Một là tổ chức kiểm tra, rà soát, ghi nhận tất cả các trường hợp trước khi hỗ trợ, xác định về thời gian, tiến độ, cập nhật thường xuyên tiến độ, khi hoàn thành thì lập biên bản nghiệm thu, bàn giao sử dụng.
Trong quá trình triển khai thực hiện, các hộ nghèo, hộ cận nghèo do nhận thức, không xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sau khi rà soát, chúng tôi đã cấp quyền sử dụng đất.
Tuy nhiên, xuất hiện tình trạng, các hộ nghèo, cận nghèo, chủ yếu là bà con dân tộc thiểu số, khi có xây nhà mới ở có giá trị và giấy chứng nhận thì có ý định, và có hộ đã làm, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, bán nhà cho người khác. Điều này dễ dẫn đến tình trạng tái nghèo. Tỉnh đã lường trước và đã chỉ đạo rà soát, nắm tình hình, động viên, tuyên truyền, giáo dục cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về giảm nghèo.
Một việc nữa là nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số sinh nhiều con nên rất dễ tái nghèo. Tỉnh đang rà soát và yêu cầu các tổ chức chính trị xã hội cùng vào cuộc để vận động, tuyên truyền, giúp các hộ này không tái nghèo do việc sinh nhiều con gây nên.

Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Tôn Ngọc Hạnh chia sẻ cách làm sáng tạo thực hiện xây dựng nhà tiền chế trên đất còn vướng mắc để người nghèo, hộ khó khăn có nhà ở - Ảnh chụp màn hình: VGP
Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Tôn Ngọc Hạnh: Bình Phước đã hoàn thành chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát. Sau khi Thủ tướng phát động chương trình này, Bình Phước đã phát động phong trào thi đua 200 ngày đêm xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh. Chương trình này tỉnh Bình Phước đã thực hiện từ năm 2018. Số căn nhà còn phải thực hiện là khoảng hơn 800 căn và tỉnh đã hoàn thành trong đợt 30/4 vừa qua. Số nhà còn lại không nhiều nhưng những vấn đề vướng mắc liên quan rất nhiều, chủ yếu là vấn đề đất đai. Cũng như những địa phương khác, người dân sống trong những căn nhà này không có sổ đất, nguồn gốc đất là đất ở nhờ, đất lâm phần, đất trùng với quy hoạch khoáng sản bauxite. Do đó trước đây không thể xây dựng được. Lần này chúng tôi phải cố gắng nhiều, thực hiện đồng bộ các giải pháp để giải quyết. Trước những khó khăn, vướng mắc này, tỉnh Bình Phước đã đề ra các giải pháp, cụ thể:
Thứ nhất, vận động người thân tặng đất, làm giấy tờ, làm số đất cho các hộ dân sống nhờ người thân.
Thứ hai, vận động doanh nghiệp tặng, cho đất các hộ nghèo, hộ cận nghèo của tỉnh Bình Phước (Có khoảng 40 căn nhà do doanh nghiệp tặng, chiếm khoảng 5%. Từ đó làm sổ đất cho người dân xây dựng nhà, mỗi sổ đất được khoảng 200m2, tách sổ riêng cho từng hộ). Đây cũng điểm giúp Bình Phước hoàn thành kế hoạch còn lại. Số còn lại là người dân sống trên đất lâm phần và sống trong khu vực đất chồng lấn với quy hoạch khoáng sản bauxite. Bình Phước xin ý kiến Ban Chỉ đạo và Ban Thường vụ Tỉnh ủy làm nhà tiền chế cho người dân ở trên phần đất này và song song thực hiện các thủ tục tiếp theo theo chủ trương chung của Chính phủ. Nếu chưa cấp sổ ngay được, thì tỉnh làm nhà tiền chế và có yêu cầu các hộ ký biên bản không khiếu kiện về sau và yêu cầu tháo dỡ, khi di chuyển phải di chuyển tất cả. Các thành viên đều động thuận và ủng hộ có nhà mới để ở. Sau đó, chính quyền địa phương tiếp tục thực hiện các thủ tục tiếp theo chính quy, chính thống cho các hộ dân. Nếu không thực hiện bằng cách xây dựng nhà tiền chế cho các hộ dân ở phần đất này thì không thể hoàn thành số lượng nhà còn lại với khoảng hơn 90 căn trong phần đất quy hoạch bauxite.
Bình Phước có 4 bài học kinh nghiệm về việc thực hiện chương trình này như sau:
Thứ nhất là quyết tâm chính trị cao gắn với trách nhiệm của người đứng đầu. Bình Phước gắn trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ này để Bí thư cấp ủy, Chủ tịch các huyện, thị phải chịu trách nhiệm với Tỉnh ủy, Trung ương về tất các công việc rà soát, xây dựng nhà trên địa bàn. Kể cả rà soát số liệu sai không bảo đảm, không rà soát kỹ như đối tượng sai thì Bí thư, Chủ tịch phải chịu trách nhiệm. Nếu đề xuất thiếu thì tự vận động, tự xã hội hóa để thực hiện.
Thứ hai là công tác chỉ đạo quyết liệt, đeo bám công việc, thành lập các tổ công tác, phân công công việc rõ ràng, phối hợp chặt chẽ giữa các thành viên trong Ban Chỉ đạo. Tuân thủ các chế độ báo cáo công việc hằng tuần, đặc biệt vai trò của Mặt trận Tổ quốc ở cấp cơ sở kiểm tra, giám sát chặt chẽ, thường xuyên, liên tục đối với từng hộ gia đình, từng căn nhà ở cơ sở. Do đó đã triển khai được công việc bảo đảm tiến độ. Bên cạnh đó là sự tận tâm, tận tụy trự,c tiếp gần dân, hiểu dân và chịu trách nhiệm trực tiếp từng vụ việc cụ thể, tránh việc khiếu kiện, khiếu nại.
Thứ ba là sự sáng tạo linh hoạt trong cách làm, căn cứ theo chủ trương của Trung ương về tiếp tục tháo gỡ những khó khăn vướng mắc cho người dân, đặc biệt trong việc thực hiện xây dựng nhà tiền chế trên đất quy hoạch bauxite sau đó giải quyết song song các thủ tục tiếp theo.
Thứ tư là thực hiện công tác xã hội hóa, vận động các doanh nghiệp hỗ trợ quỹ đất cũng như các nhà tài trợ về đất, tiền để xây dựng nhà. Mức hỗ trợ của Bình Phước đối với người có công khoảng 100 triệu đồng/căn; bình thường các nhà khác là 80 triệu đồng/căn; nhà sửa chữa là 40 triệu đồng/căn. Bên cạnh đó, huy động các ban, ngành, đoàn thể đóng góp ngày công lao động để có các căn nhà khang trang, sạch đẹp hơn.
Bình Phước sẽ tổng kết chương trình này vào ngày 16/5; tiếp tục thực hiện các thủ tục tiếp theo; rà soát các gia đình, hộ có công từ nay đến cuối năm và những năm sắp tới được tốt hơn nhằm nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời chia sẻ kinh nghiệm thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát trển địa bàn - Ảnh chụp qua màn hình: VGP
Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời: Qua chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương, tỉnh đã tập trung thực hiện, với quyết tâm phấn đấu đến 30/4 hoàn thành kế hoạch đề ra. Thực hiện đúng kế hoạch này, tỉnh Vĩnh Long đã tổ chức tổng kết vào trước 30/4, đúng dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Cụ thể, tỉnh đã xây dựng 1.328 căn nhà, bao gồm 492 căn nhà xây dựng mới, còn lại là các nhà được sửa chữa. Nhà dành cho người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ là 497 căn, nhà cho hộ nghèo và cận nghèo là 790 căn, hộ dân tộc thiểu số là 41 căn, với số tiền là 86 tỷ đồng.
Tỉnh đã chủ động bố trí khoản kinh phí này, trong đó đối với các gia đình có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ, nguồn kinh phí 22 tỷ đồng tỉnh chủ động tạm ứng trong Quỹ Đền ơn đáp nghĩa. Đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số, tỉnh cũng chủ động thực hiện với các nguồn lực khác để xóa nhà tạm, nhà dột nát.
Với kết quả thực hiện đó, tỉnh đã tổng kết chương trình, biểu dương, khen thưởng các cá nhân, tập thể làm tốt. Tỉnh rútra 3 kinh nghiệm:
Thứ nhất, ngay khi có chủ trương của Trung ương, tỉnh khẩn trương triển khai rà soát, lập danh sách các đối tượng thuộc diện được hỗ trợ, như các hộ đặc biệt khó khăn, hộ già neo đơn không có khả năng tự xây nhà, các hộ gặp trở ngại do đặc thù phong tục, tập quán. Tỉnh chủ động khảo sát, lập danh sách và lên kế hoạch giao nhiệm vụ cụ thể cho từng tổ chức, đoàn thể, chính quyền địa phương, để sát sao từng trường hợp.
Thứ hai, tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo cả hệ thống chính quyền, các ban ngành, đoàn thể, cả người dân có tâm huyết với chương trình tham gia ủng hộ. Tỉnh vào cuộc rất quyết liệt, thực hiện theo kế hoạch, đề án. Mặt trận Tổ quốc thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc thực hiện, để đề nghị Ủy ban hỗ trợ, điều chỉnh kịp thời. Tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo để tuyên truyền, vận động tạo sự đồng thuận cao của nhân dân.
Thứ ba là sự chủ động, linh hoạt, ví dụ vấn đề ứng kinh phí. Để thực hiện hỗ trợ cho người có công, chúng tôi thực hiện ngay từ đầu. Cách huy động cũng được chú trọng hơn để đa dạng các nguồn lực, kể cả ngày công, góp công, góp sức. Các xã, phường, thị trấn trên địa bàn cũng vào cuộc xử lý các vấn đề như đầu tư, nguyên vật liệu… để bảo đảm kịp thời nguồn vật liệu xây dựng.
Qua thực hiện chương trình, tỉnh Vĩnh Long nhận thấy, sau khi xóa nhà tạm, nhà dột nát, vẫn có những hộ tái nghèo hoặc hộ nghèo phát sinh. Do đó, tỉnh đã chủ động xây dựng chương trình phối hợp tạo sinh kế cho các hộ nghèo, cận nghèo, đặc biệt chú trọng các hộ chưa đủ khả năng tự vươn lên trong lao động sản xuất, nhằm đề phòng nguy cơ tái nghèo sau khi đã được hỗ trợ nhà ở.
Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh Nguyễn Mạnh Hùng: Chủ trương xóa nhà tạm, nhà dột nát của Chính phủ có ý nghĩa quan trọng. Đây cũng mục tiêu trọng yếu tỉnh Tây Ninh đặt ra để thiết thực chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và giải phóng tỉnh Tây Ninh.
Trên cơ sở đó, tỉnh Tây Ninh nghiêm túc thực hiện theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Tỉnh khẩn trương, quyết liệt thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp, trong đó đã kịp thời thành lập Ban Chỉ đạo của tỉnh về xóa nhà tạm, nhà dột nát, đồng thời chỉ đạo các địa phương thành lập Ban Chỉ đạo cấp huyện, xã để tổ chức rà soát thực trạng, đánh giá các khó khăn, bố trí nguồn lực thực hiện.
Căn cứ vào tình hình thực tế, Tây Ninh đã xây dựng hai đề án trọng tâm: Đề án sửa chữa, xây dựng nhà ở cho các hộ gia đình chính sách và Đề án xây dựng, sửa chữa nhà ở cho các hộ nghèo, cận nghèo. Tổng kinh phí cần để thực hiện hai đề án này là 58,7 tỷ đồng. Trong đó, Đề án sửa chữa và xây dựng nhà cho gia đình chính sách dự kiến hoàn thành 172 căn nhà, bao gồm xây mới 56 căn, sửa chữa 116 căn với tổng kinh phí 17,1 tỷ đồng. Đối với đề án dành cho các hộ nghèo và cận nghèo, tổng số căn nhà là 113 với tổng kinh phí 41,6 tỷ đồng.
Để đảm bảo đủ nguồn lực, UBND tỉnh đã phát động phong trào Thi đua xóa nhà tạm, nhà dột nát trên toàn địa bàn tỉnh. Qua lễ phát động, 183 đơn vị đăng ký ủng hộ với số tiền 50,27 tỷ đồng, bên cạnh nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn hỗ trợ vận động khác. Nhờ đó, tỉnh Tây Ninh đã đảm bảo được nguồn lực triển khai thực hiện đầy đủ hai đề án đã đặt ra.
Qua 04 tháng triển khai, đến ngày 25/4/2025, tỉnh Tây Ninh đã hoàn thành cơ bản hai đề án, bàn giao nhà cho các hộ gia đình chính sách, hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn toàn tỉnh, lập thành tích chào mừng đại lễ 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, kỷ niệm 50 năm giải phóng Tây Ninh.
Đối với các trường hợp hộ không có đất, tỉnh Tây Ninh chủ động bố trí quỹ đất công, xây dựng các khu dân cư mới được đầu tư hạ tầng đồng bộ, bao gồm hạ tầng giao thông, hệ thống cấp thoát nước, điện, nước sạch và trang thiết bị thiết yếu cho các hộ gia đình.
Theo tiêu chuẩn diện tích của Trung ương, mỗi căn nhà rộng 32m2, nhưng tỉnh Tây Ninh đã nâng diện tích lên 42m2 nhằm đảm bảo điều kiện sinh hoạt tốt hơn cho các hộ dân.
Khi bàn giao nhà, tỉnh còn tặng thêm các thiết bị gồm 01 tivi, 01 quạt điện, 01 nồi cơm điện, 01 bể chứa nước sạch và hệ thống xử lý nước đảm bảo an toàn trong sinh hoạt cho các hộ dân.
Kết quả đạt được là nhờ sự quan tâm, lãnh đạo chỉ đạo sát sao của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, sự phối hợp đồng bộ của các cấp ủy, chính quyền địa phương cùng sự đóng góp tích cực từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh.
Trong quá trình triển khai, tỉnh Tây Ninh rút ra một số bài học. Thứ nhất, có sự chủ động xây dựng, phê duyệt đề án ngay khi có chủ trương chỉ đạo từ Trung ương.
Thứ hai là sự đồng thuận, huy động được hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở vào cuộc, phát huy tinh thần trách nhiệm, sự năng động quyết liệt của lãnh đạo chủ chốt các sở, ngành, địa phương trong tổ chức thực hiện đề án.
Thứ ba, tỉnh đã thiết kế mẫu nhà thống nhất trên toàn địa bàn để đảm bảo các bộ phận triển khai thuận lợi.
Thứ tư, chủ động huy động và bố trí nguồn lực tài chính phù hợp cho triển khai từng giai đoạn.
Thứ năm, linh hoạt, kịp thời xử lý các vướng mắc về đất đai, đảm bảo đủ quỹ đất phục vụ xây dựng.
Về phương hướng thời gian tới, tỉnh Tây Ninh tiếp tục rà soát các hộ, các gia đình có nhu cầu cần sửa chữa hoặc xây mới nhà ở mà chưa được hỗ trợ, đồng thời chủ động xây dựng các đề án, huy động các nguồn lực để tiếp tục sửa chữa, xây dựng nhà ở cho những hộ dân gặp khó khăn, nhằm đảm bảo cải thiện đời sống cho nhân dân.
Quyết tâm khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ đúng tiến độ, cam kết

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến phát biểu tại Phiên họp - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Lê Thành Đô: Tỉnh Điện Biên đã quán triệt và triển khai thực hiện rất nghiêm túc các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, của Ban Chỉ đạo Trung ương, hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương.
Tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện; đã triển khai rà soát, xây dựng ba đề án để hỗ trợ nhà ở cho các đối tượng với tổng số nhà phải thực hiện là 7.970 căn, trong đó nhà ở đối với người có công cách mạng là 169 nhà, các chương trình mục tiêu quốc gia là 2.358 nhà; chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát là 5.443 căn.
Trong giai đoạn đầu triển khai thực hiện, tỉnh gặp rất nhiều khó khăn về kinh phí do nguồn lực của địa phương hạn chế và nguồn xã hội hóa còn khó khăn.
Sau phiên họp của Ban chỉ đạo lần thứ ba, Điện Biên mới được Trung ương hỗ trợ về phần kinh phí từ phần tiết kiệm 5% chi thường xuyên của ngân sách Trung ương. Do vậy, từ thời điểm đó đến nay, tiến độ triển khai thực hiện chương trình này mới được đẩy nhanh hơn và được triển khai thực hiện một cách quyết liệt hơn.
Đến thời điểm hiện tại (ngày 10/5), tỉnh Điện Biên đã triển khai khởi công xây dựng được 4.904 nhà đối với cả ba chương trình, đạt tỉ lệ chung là 61,5 %. Trong đó hỗ trợ nhà cho người có công triển khai được 51 căn, đạt 30,18%; nhà ở thuộc hai chương trình mục tiêu quốc gia triển khai được 1.130 căn, đạt 47,9%. Hỗ trợ nhà ở của chương trình phát động xóa nhà tạm, nhà dột nát là 3.719 căn, đạt 68,33%, trong đó đã hoàn thành được 1.816 căn nhà.
Thời gian tới, tỉnh Điện Biên sẽ tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, quyết tâm, quyết liệt hơn trong triển khai thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát; đồng thời phấn đấu hoàn thành toàn bộ nội dung mục tiêu của Chương trình trong tháng 10/2025.
Đối với nhà ở cho người có công với cách mạng, ngay sau phiên họp lần thứ tư này, tỉnh Điện Biên sẽ ứng trước kinh phí từ ngân sách địa phương để thực hiện, bảo đảm trước ngày mùng 2/9 sẽ hoàn thành toàn bộ 169 nhà ở cho người có công, các đối tượng còn lại sẽ hoàn thành trong tháng 9 và tháng 10/2025.
Tỉnh cũng sẽ tiếp tục huy động các nguồn lực xã hội hóa, kết hợp với các nguồn hỗ trợ từ chương trình, với tinh thần ai có gì hỗ trợ đấy.
Về các đề xuất, tỉnh đề xuất Trung ương quan tâm, hỗ trợ kinh phí cho các địa phương, trước mắt địa phương sẽ ứng trước kinh phí. Về các vướng mắc, khó khăn liên quan đến đất ở, tỉnh đã giải quyết và cho đến nay không còn vướng mắc gì.
Chủ tịch UBND Quảng Nam Lê Văn Dũng: Khi khảo sát, toàn tỉnh Quảng Nam còn hơn 11.000 nhà tạm, trong đó có hơn 2.000 căn cho đối tượng chính sách, người có công. Tỉnh đã tập trung chỉ đạo, tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành chỉ thị và thành lập Ban chỉ đạo, tổ chức lễ phát động xóa nhà tạm, nhà dột nát, vận động gây quỹ.
Tỉnh Quảng Nam cũng thành lập các đội xung kích để hỗ trợ cho gia đình khó khăn xóa nhà tạm. Đến thời điểm hiện tại, ngân sách của Trung ương, của tỉnh vận động bảo đảm thực hiện chương trình này.
Tỉnh đã vận động gần 100 tỷ đồng của các tổ chức, cá nhân ủng hộ. Trong lúc Chính phủ chưa cân đối nguồn cho gia đình chính sách, tỉnh đã ứng 25 tỷ từ ngân sách để triển khai thực hiện cho gia đình chính sách. Đến ngày 10/5, toàn tỉnh đã làm xong 8.692 căn nhà tạm, bằng 75,43%.
Tỉnh Quảng Nam quyết tâm: Đối với 313 nhà cho gia đình chính sách sẽ phấn đấu hoàn thành trước ngày 27/7 năm nay, còn lại phấn đấu hoàn thành trước ngày 01/9. Hiện các nhà còn lại này cũng đã khởi công và tỉnh sẽ đôn đốc hoàn thành đúng hạn.
Để thực hiện mục tiêu trên, tỉnh sẽ thực hiện các giải pháp sau:
Một là, cử thành viên Ban chỉ đạo đôn đốc quá trình triển khai thực hiện ở các địa phương.
Hai là, duy trì tổ, đội xung kích gồm lực lượng vũ trang, thanh niên tình nguyện đến các địa phương, nhất là vùng sâu, vùng xa, miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn, hỗ trợ nhân công, giúp các hộ gia đình hoàn thành theo tiến độ.
Ba là, đối với những gia đình khó khăn, không huy động được nguồn lực, ngân sách tỉnh đã ủy thác qua Ngân hàng chính sách 50 tỷ để các hộ này vay với mức lãi suất 0 đồng, tăng thêm nguồn lực.
Thứ tư, đối với nguồn vận động (tính ra còn thiếu 34 tỷ đồng), tỉnh đang tích cực vận động các cá nhân, tổ chức ủng hộ. Từ nay đến hết tháng 5/2025, nguồn vận động này sẽ đủ. Quảng Nam sẽ hoàn thành đúng tiến độ như cam kết.
Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Lê Văn Lương: Lai Châu là một trong những tỉnh có số lượng nhà tạm, nhà dột nát tương đối lớn, với tổng số nhà phải thực hiện là 7.134 căn, trong đó có 5.911 căn xây mới và 1.223 căn là sửa chữa.
Tỉnh Lai Châu có một số khó khăn khách quan và chủ quan:
- Về khách quan: Số lượng hộ phải làm tương đối lớn; giao thông đi lại không thuận tiện ở những thôn bản, vùng sâu, vùng xa; thời tiết trong dịp này có giông lốc, mưa gây khó khăn trong tiến độ triển khai thực hiện; một số hộ đi làm ăn xa, điều kiện rất khó khăn, như một số vùng đồng bào La Hủ trước đây nhà lụp xụp hiện nay xây dựng, sửa chữa đồ đạc trong nhà không có, phải tiếp tục huy động hỗ trợ.
- Về chủ quan: Trong thời gian trước, việc rà soát không kỹ lưỡng nên số lượng nhà phát sinh khoảng 2.200 hộ nên liên quan đến nguồn kinh phí. Tỉnh đã có nhiều phương thức, cách thức trong đó có vận động nguồn trong toàn tỉnh... đã đặt vấn đề với Bộ Quốc Phòng, Bộ Công an hỗ trợ. Bộ Công an đã giúp đỡ tỉnh Lai Châu 1.100 căn, tương đương với 66 tỷ đồng.
Lai Châu đã triển khai khởi công 6.117 căn, đạt 86,3%, trong đó có 2.900 căn đã hoàn thành, 3.197 căn đang thực hiện; còn lại 977 căn chưa khởi công.
Thực hiện chương trình này, tỉnh đã phát động phong trào trong toàn bộ hệ thống chính trị. Các đoàn thể, các tổ chức ... đã quyết liệt vào cuộc; thành lập các tổ công tác, tổ giúp việc nhất là trong việc tháo gỡ khó khăn về đất đai, vận chuyển vật tư...
Đối với tỉnh Lai Châu, chúng tôi coi công việc này là bắt buộc. Phong trào đã tạo ra không khí rộng khắp trên toàn tỉnh, tháo gỡ khó khăn từng trường hợp cụ thể như trường hợp đi làm ăn xa, gia đình neo đơn; cập nhật theo định danh để có cơ sở dữ liệu chính xác sau này dễ quản lý; huy động đóng góp từ các tổ chức, đoàn thể, như số tiền 393 tỷ đồng đã hỗ trợ, còn số tiền huy động từ người dân cũng không kém số đó.
Hiện nay, Lai Châu còn thiếu khoảng 39 tỷ. Tỉnh khó khăn về kinh tế, số phát sinh là do địa phương, do đó đề nghị Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành quan tâm tạo điều kiện cho tỉnh. Về quyết tâm của Lai Châu, còn 997 căn đang chuẩn bị khởi công trong tháng 5, 6. Về cơ bản tỉnh quyết tâm đến 30/6 sẽ hoàn thành.
Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Rah Lan Chung: Hưởng ứng phong trào thi đua Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát, Gia Lai xác định đây là một trong những chương trình có ý nghĩa quan trọng. Vì vậy trong thời gian vừa qua, Ban chỉ đạo tỉnh, huyện đã triển khai rất nghiêm túc, quyết liệt các nội dung, kế hoạch đã được xác định.
Qua rà soát, trên địa bàn tỉnh Gia Lai có 8.155 căn nhà cần xây mới, sửa chữa, trong đó xây mới là 6.561 căn, sửa chữa là 1.593 căn. Gia Lai đã tập trung các nguồn lực và triển khai thực hiện trong kế hoạch. Với con số 8.155 căn, số tiền thực hiện trên 441 tỷ đồng, tỉnh đã huy động các nguồn lực. Bộ Công an hỗ trợ cho Gia Lai 231 tỷ đồng, là một trong những đơn vị hỗ trợ lớn nhất.
Đến ngày 08/5/2025, trên địa bàn tỉnh đã khởi công, triển khai 7.004 căn, đạt 85,89% kế hoạch đề ra (theo kế hoạch, đến ngày 30/6 tỉnh phấn đấu đạt 80%). Đây là một nỗ lực rất lớn. Số căn còn lại hiện nay trên địa bàn tỉnh còn 1.151 căn. Theo kế hoạch trước đây, tỉnh xác định đến ngày 30/9/2025 sẽ hoàn thành 100%. Với tiến độ này, Gia Lai cam kết tới ngày 15/9/2025 sẽ hoàn thành.
Về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, tỉnh cơ bản tập trung tháo gỡ những vấn đề như kinh phí, đất đai, cách thức triển khai thực hiện. Trong tổng số nguồn tiền 441 tỷ đồng, bằng các nguồn lực, tỉnh đã bảo đảm được 383 tỷ đồng. Số 58 tỷ đồng còn lại, tỉnh đang tập trung triển khai thực hiện, huy động các cơ quan, đơn vị, các tầng lớp nhân dân, các tổ chức trên địa bàn tỉnh. Việc này tỉnh cam kết sẽ triển khai thực hiện bảo đảm hoàn thành theo kế hoạch đề ra.
Bộ, ngành sẵn sàng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc

Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Thế Tùng: Bộ Công an sẵn sàng huy động, phân công lực lượng, hỗ trợ các địa phương thực hiện chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Thế Tùng: Bộ Côn an tiếp tục vận động và triển khai xây dựng 4.444 căn nhà với kinh phí 283 tỷ đồng, nâng tổng kinh phí do Bộ Công an hỗ trợ là 645 tỷ đồng. Đáng chú ý, đây là sự đóng góp của các cán bộ, chiến sĩ trong toàn lực lượng.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đã huy động, điều động 22.750 cán bộ, chiến sĩ trực tiếp tham gia hỗ trợ xây dựng nhà với 524.950 ngày công, đặc biệt trong 02 tháng cao điểm vừa qua.
Về chỉ đạo tổ chức, Ban Chỉ đạo các cấp đã có sự phối hợp chặt chẽ với Tỉnh ủy, UBDN các tỉnh, xác định rõ trách nhiệm, tập trung nguồn lực, hoàn thành nhiệm vụ đặt ra trong các chương trình hỗ trợ theo kế hoạch. Trong thời gian tới, chúng tôi quyết tâm thực hiện, hoàn thành trước ngày 30/6.
Ngày mai, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với địa phương triển khai xây dựng thêm 500 căn nhà mới, với số tiền hỗ trợ 30 tỷ đồng; phấn đấu hoàn thành trước ngày 30/6.
Trong quá trình triển khai, qua công tác xử lý thực tế, chúng tôi thấy rằng tại một số địa phương còn bỏ sót khá nhiều đối tượng. Đối tượng không phải hộ nghèo, cận nghèo, không đưa vào danh sách hỗ trợ mặc dù bà con rất khó khăn, có nhu cầu cần được hỗ trợ về nhà ở. Đề nghị Ban Chỉ đạo có ý kiến với các địa phương tiếp tục rà soát trên tinh thần, chỉ đạo của Thủ tướng, không ai bị bỏ lại phía sau.
Bộ Công an sẵn sàng huy động, phân công lực lượng, hỗ trợ các địa phương thực hiện chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ, xử lý những vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình thực hiện, nhằm hoàn thành mục tiêu thi đua đã đề ra.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh phát biểu tại phiên họp - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh: Liên quan đến nhà ở cho người có công, thời gian qua, Bộ Xây dựng đã cùng các địa phương rà soát và làm rõ được các yêu cầu cũng như đối tượng, mức hỗ trợ. Trên cơ sở đó, Bộ đã báo cáo Thủ tướng và đề nghị Bộ Tài chính hỗ trợ nguồn tài chính như báo cáo của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung. Bộ Xây dựng cũng đề xuất Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính tách ra để báo cáo Quốc hội sớm có nguồn để địa phương triển khai chương trình này.
Về đề xuất sửa đổi Thông tư liên quan đến mức hỗ trợ, theo phân công, các nguồn hỗ trợ của Trung ương thì do Trung ương hỗ trợ, nguồn của địa phương do địa phương hướng dẫn, nguồn của Mặt trận Tổ quốc thì do Mặt trận Tổ quốc hướng dẫn. Vừa qua, Bộ Xây dựng được giao hướng dẫn mức hỗ trợ theo Quyết định 90 của Thủ tướng, tức là mức hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo. Đây là nguồn từ ngân sách Trung ương, trên cơ sở đó Bộ đã ban hành Thông tư phù hợp với Quyết định.
Tại Thông tư trên cũng nêu tùy điều kiện, thực tế và khả năng cân đối ngân sách của địa phương, địa phương sẽ quyết định mức hỗ trợ trên ngân sách địa phương để góp phần nâng cao chất lượng nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo từ các nguồn hỗ trợ.Nnhư vậy đã có phần mở ở Thông tư.
Tại Phiên họp thứ nhất, Thủ tướng cũng đã có quyết định mức hỗ trợ đối với Chương trình hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo theo mức xây mới là 60 triệu đồng, sửa chữa là 30 triệu đồng. Nguồn tăng thêm này cũng được xác định là vận động thêm xã hội hóa để bảo đảm nguồn vốn trên.

Bộ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo Đào Ngọc Dung đề nghị Bộ Xây dựng căn cứ các quy định, có văn bản hướng dẫn cho các địa phương chủ động điều chỉnh trong tổng số nguồn kinh phí của 3 chương trình - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Bộ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo Đào Ngọc Dung: Đối với nhà ở cho người có công thì không vướng, chỉ vướng là chưa có nguồn tiền, và chủ trương cho phép ứng tiền không? Việc này Thủ tướng Chính phủ sẽ kết luận.
Về mức cho người có công thì được xác định rõ rồi, nhà ở xã hội thì Thủ tướng cũng đã có kết luận. Hiện các địa phương đang thực hiện mức 60 cho xây mới và 30 triệu cho sửa chữa.
Nghị quyết 111 và 88 của Quốc hội đã cho phép tất cả 3 chương trình này có thể điều chỉnh từ nguồn này sang nguồn khác, từ công việc này sang công việc khác. Thủ tướng cũng đã có quyết định 90. Tôi đề nghị Bộ Xây dựng căn cứ các quy định, có văn bản hướng dẫn cho các địa phương chủ động điều chỉnh trong tổng số nguồn kinh phí của 3 chương trình thì các địa phương sẽ làm được.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy phát biểu tại phiên họp - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy: Theo kết quả rà soát mới nhất từ đầu năm nay tăng thêm 3.580 hộ, như vậy tổng số trên cả nước là 95.668 hộ.
Về phân bổ nguồn lực, Thủ tướng Chính phủ đã phân bổ kinh phí năm nay, cụ thể vào ngày 11/3/2025. Đến nay còn 23 địa phương đang thực hiện chương trình này, 17 địa phương đã phân bổ, 6 địa phương chưa phân bổ kinh phí năm nay như: Lào Cai, Bắc Giang, Nghệ An, Ninh Thuận, Đắk Lắk, Gia Lai.
Về kết quả thực hiện: Đến nay tính chung cả nước đã thực hiện 71,9%, trong đó ở miền núi phía bắc đã thực hiện 66%, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung là 73%, Tây Nguyên 73%, Tây Nam Bộ và An Giang số lượng không đáng kể. Trong tháng 4/2025, cả nước đã thực hiện được 11.000 căn, đây là con số rất ấn tượng. Nếu duy trì được tốc độ này thì 3 tháng nữa chúng ta sẽ hoàn thành số lượng còn lại là 26.881 căn.
Còn 5 địa phương tỉ lệ dưới 50% gồm: Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Kạn, Sơn La, Đắk Nông. Tuy nhiên, về tỉ lệ tuy thấp nhưng số lượng của 5 địa phương này không phải là lớn nhất. Một số tuy tỉ lệ đạt cao nhưng số lượng còn lại lớn như: Hà Giang còn 7.113 căn, Cao Bằng còn 2.519 căn, Nghệ An còn 2.307 căn, Đắk Lắk còn 2.126 căn, Quảng Ngãi còn 1.816 căn, Quảng Nam còn 742 căn. Đây là những địa phương tỉ lệ thực hiện cao nhưng vốn còn lại lớn, chúng tôi thấy khó khăn lớn nhất ở những địa phương này.
Về thuận lợi: Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt và phân bổ kinh phí sớm. Nhiều địa phương đã sáng tạo trong việc lồng ghép cả 2 chương trình làm một như Yên Bái, san sẻ các nguồn lực làm một để thực hiện và đạt được kết quả rất nhanh. Đến nay, đối với chương trình giảm nghèo trên cả nước, tỉnh Yên Bái, huyện Si Ma Cai (Lào Cai), huyện Nam Giang (Quảng Nam) đã hoàn thành 100%, Khánh Hòa coi như hoàn thành đạt 99,90%.
Vướng mắc về đất đai đã được tháo gỡ, thực tế trong Luật đã quy định nhưng nhiều địa phương còn lúng túng. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, vừa qua Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã có văn bản hướng dẫn rất chi tiết, cụ thể cho các địa phương yên tâm thực hiện.
Về khó khăn, hiện nay còn 6 địa phương chưa phân bổ kinh phí năm 2025. Đề nghị các địa phương phân bổ ngay sau Hội nghị này.
Việc nâng mức từ 40 triệu lên 60 triệu, một số địa phương gặp khó khăn trong việc huy động nguồn lực. Như Hà Giang gặp rất nhiều khó khăn vì số lượng còn lại của Hà Giang còn khoảng 7.100 căn, nếu tính mức phải bổ sung thêm để đạt được là ít nhất 120 tỷ đồng. Đây là con số lớn, rất khó khăn với Hà Giang. Một số địa phương khác còn hơn 2.000 căn cũng là số lượng nhiều.
Việc sắp xếp đơn vị hành chính ít nhiều cũng ảnh hưởng đến chương trình này.
Về giải pháp để hoàn thành chương trình, Bộ Nông nghiệp và Môi trường xin đề xuất một số giải pháp sau:
- Đề nghị các địa phương chưa phân bổ nguồn lực thì khẩn trương phân bổ nguồn lực.
- Chủ động huy động nguồn lực để bổ sung thêm.
- Chủ động lồng ghép dự án năm với 2 đề án còn lại để cân đối nguồn lực và theo dõi bổ sung, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc phát sinh nếu có.
- Đề nghị các địa phương điều chỉnh kế hoạch, nếu với tốc độ này chúng ta quyết tâm thì có thể hoàn thành trước ngày 2/9.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường có 3 kiến nghị:
- Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ kết luận chỉ đạo các địa phương phấn đấu cơ bản hoàn thành trước ngày 2/9;
- Cân đối, hỗ trợ thêm cho các địa phương khó khăn như tỉnh Hà Giang;
- Theo dõi, tổng hợp chung 3 chương trình về số lượng trong một tỉnh, ví dụ như Sơn La cơ bản hoàn thành chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát nhưng chương trình giảm nghèo số lượng còn lại rất lớn. Hay như Hà Giang, Quảng Nam nhìn vào số lượng tổng thể của cả 3 chương trình sẽ có bức tranh tổng thể hơn và có hướng giải quyết cụ thể hơn.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Thanh Hà - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Thanh Hà: Về tình hình triển khai nhiệm vụ của ngành trong hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát, thực hiện cam kết ủng hộ 220 tỷ đồng, tổng số tiền các ngân hàng đã chuyển hiện nay khoảng 154 tỷ đồng, trong đó có 4 ngân hàng đã hoàn thành việc chuyển tiền về Quỹ Người nghèo của Trung ương và địa phương: AgriBank, VietinBank, Ngân hàng Đầu tư và VP Bank. Hai ngân hàng: Ngân hàng Quân đội (MB) và SacomBank đã chuyển một phần và đang phối hợp với địa phương chuyển phần còn lại.
Về chương trình phát động của Thủ tướng vào tháng 10/2024 với quy mô 1.000 tỷ đồng, theo báo cáo của các ngân hàng, đến nay chuyển được 715 tỷ đồng cho các địa phương theo phương án phân bổ tại Công văn số 5935 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội trước đây. Số chưa chuyển là 285 tỷ đồng, cụ thể: Ngân hàng Á Châu (ACB) và TechcomBank đã sẵn sàng chuyển 180 tỷ đồng (ACB là 80 tỷ đồng, TechcomBank 100 tỷ đồng) cho Đắk Lắk theo phân bổ của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội. Tuy nhiên, tháng 02/2025, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã có văn bản đề nghị Ngân hàng Nhà nước tạm dừng chuyển số tiền này cho Đắk Lắk vì tỉnh cơ bản đáp ứng được nhu cầu. Hai ngân hàng sẵn sàng chuyển tiền vào đợt tiếp theo khi có chỉ dẫn. Hai tỉnh chưa nhận hết kinh phí hỗ trợ: Sóc Trăng 10 tỷ đồng, Hòa Bình 95 tỷ đồng do các tỉnh đã hoàn thiện hồ sơ theo đề nghị của các ngân hàng. Có 3 ngân hàng VietinBank, SeaBank, HDBank đã sẵn sàng, rất mong các tỉnh sớm hoàn thành thủ tục để các ngân hàng chuyển tiền theo cam kết.
Như vậy, sau chương trình phát động ngày 05/10/2024, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục vận động các tổ chức tín dụng hỗ trợ bổ sung gần 120 tỷ đồng cho các địa phương. Theo báo cáo trung tâm đã nêu, ngành ngân hàng đã đóng góp gần 1.350 tỷ đồng, thực hiện giải ngân 972 tỷ đồng. Số tiền còn lại, tất cả ngân hàng đều sẵn sàng, chờ chỉ dẫn tiếp nhận để hoàn thành nốt việc giải ngân.
Nội dung thứ hai trong công việc của ngành ngân hàng, theo sự phân công của Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã làm việc với 2 tỉnh là Bến Tre, Vĩnh Long trong đó có kế hoạch xóa nhà tạm, nhà dột nát. Vĩnh Long có báo cáo đã hoàn thành vào cuối tháng 4, Bến Tre cũng đã khẩn trương, theo kế hoạch sẽ hoàn thành chương trình này trước ngày 30/6.
Trên cơ sở đó, Ngân hàng Nhà nước có 2 kiến nghị, đề xuất:
Thứ nhất, việc triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát, theo đề nghị của cơ quan thường trực, rất mong Bộ Dân tộc và Tôn giáo sớm có hướng dẫn đối với ACB và TechcomBank có địa chỉ mới (thay Đắk Lắk) để ngân hàng hoàn thành việc chuyển tiền cho chương trình.
Thứ hai, các tỉnh chưa nhận được kinh phí hỗ trợ (Hòa Bình, Sóc Trăng), đề nghị các tỉnh khẩn trương phối hợp với các ngân hàng để các ngân hàng giải ngân nốt số tiền cam kết.
Liên quan đến ghi nhận khoản chi hỗ trợ chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát, là khoản chi chưa được trừ thuế thu nhập doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước kiến nghị, không chỉ hộ nghèo mà hộ cận nghèo cũng là đối tượng được hưởng chính sách này. Mong Bộ Tài chính sớm có ý kiến hướng dẫn bổ sung đối tượng hộ cận nghèo là đối tượng được thụ hưởng chương trình để khi các ngân hàng chuyển tiền được tính vào chi phí hợp lý, bảo đảm cho việc hỗ trợ chương trình được ý nghĩa.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng: Trong thời gian vừa qua, chúng tôi nhận thấy tiến độ triển khai Chương trình đã đạt được nhiều kết quả nhất định. Mặc dù vậy, vẫn còn tồn tại một số khó khăn nhất định, tập trung chủ yếu ở vấn đề kinh phí, các cơ quan liên quan cũng đã nỗ lực giải quyết căn bản.
Liên quan đến việc tiếp tục bố trí kinh phí cho một số địa phương, Bộ Tài chính đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phân bổ và điều chuyển nguồn lực hỗ trợ cho Chương trình xóa tạm, xóa dột nát cả nước. Trong đó đã phân bổ thêm 509,7 tỷ đồng từ nguồn tiết kiệm chi từ ngân sách Trung ương bố trí cho các địa phương. Đồng thời, chúng tôi đã thực hiện điều chuyển trên 1.020 nghìn tỷ đồng chưa sử dụng hết và tiết kiệm của 28 địa phương cho 16 địa phương thiếu nguồn; phân bổ gần 1000 tỷ đồng tiết kiệm của 8 địa phương cho 15 địa phương còn thiếu nguồn kinh phí.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đã trình Chính phủ Quyết định dự toán chi bổ sung kinh phí đảm bảo các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương thực hiện các chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, trong đó có nội dung hỗ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Ngoài ra, Bộ Tài chính thống nhất, ủng hộ với quan điểm cho các địa phương linh hoạt điều chỉnh nguồn vốn, tạm ứng từ các nguồn khác để thực hiện. Nếu được sự đồng ý của Chính phủ thì Bộ Tài chính sẽ sớm có hướng dẫn triển khai thực hiện tại các địa phương.
Liên quan đến kiến nghị của Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính tiếp thu và sẽ phối hợp chỉ đạo giải quyết nhanh chóng các vấn đề về chính sách thuế cũng như các cơ chế hỗ trợ cụ thể đối với các đối tượng xây dựng nhà cho hộ cận nghèo, góp phần đảm bảo an sinh.
Hiện nay, chỉ còn 09 địa phương báo cáo thiếu nguồn kinh phí do nhu cầu thực tế cao hơn so với dự kiến ban đầu. Chúng tôi sẽ gửi văn bản phối hợp với Bộ Dân tộc và Tôn giáo để tiếp tục triển khai, xác nhận hiện trang để triển khai. Trên cơ sở ý kiến của Bộ Dân tộc và Tôn giáo, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục báo cáo Thủ tướng Chính phủ để kịp thời giải quyết khó khăn các địa phương này. Như vậy, về nguồn lực hỗ trợ, chúng ta cơ bản đã chủ động và không gặp vướng mắc lớn.
Tiếp tục cập nhật...