TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 03/11: QUỐC HỘI TIẾP TỤC THẢO LUẬN VỀ DỰ THẢO LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI)

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 6, 14h00 chiều 03/11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp chiều 03/11/2023

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp chiều 03/11/2023

Phát biểu kết thúc phiên thảo luận sáng 03/11, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, phiên thảo luận diễn ra sôi nổi và chất lượng, có 23 đại biểu phát biểu, 9 đại biểu tranh luận, còn 109 đại biểu đăng ký phát biểu. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị tại phiên làm việc chiều 03/11, đại biểu Quốc hội phát biểu tập trung vào các vấn đề đã nêu trong báo cáo giải trình, tiếp thu dự thảo Luật Đất đại (sửa đổi).

Tại phiên họp, Cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Cổng thông tin điện tử Quốc hội sẽ liên tục cập nhật chi tiết nội dung:

14h00: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, chiều nay, Quốc hội tiếp tục thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Tiếp đến, đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông phát biểu.

14h01: Đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông: Bổ sung trong dự thảo luật quy định về đất trong khu vực dự trữ khoáng sản.

Đóng góp ý kiến hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), đại biểu Dương Khắc Mai đánh giá cao báo cáo giải trình, tiếp thu dự thảo luật và cho rằng, báo cáo giải trình, tiếp thu là công trình công phu, đồ sộ, rất nhiều nội dung có hai phương án. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã nhận định nhiều chính sách quan trọng chưa thiết kế được phương án tối ưu trong quá trình rà soát tiếp tục phát sinh những vấn đề chính sách mới có ý kiến khác nhau. Đại biểu nhấn mạnh, đây là một bức tranh về quản lý đất đai đang từng bước hoàn thiện, nhưng còn bộn bề những công việc, điều này cũng đúng với tầm quan trọng và sự tác động của đất đai trong thực tiễn đời sống xã hội hiện nay.

Góp ý vào một số nội dung của dự thảo luật, đại biểu cho biết, tại Điều 206 về sử dụng đất cho hoạt động khoáng sản quy định: đất cho hoạt động khoáng sản chỉ bao gồm đất thăm dò, khai thác khoáng sản và khu vực có công trình phụ trợ. Khi sử dụng loại đất này còn rất nhiều điều kiện như viện dẫn ở khoản 2 của điều luật này. Với tỉnh Đắk Nông về khoáng sản bô xít với tiến độ như hiện nay phải mất 400 năm và không có không gian phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

Thực tế việc triển khai ba Chương trình mục tiêu quốc gia và đầu tư công đang rất bế tắc, do vậy cần có quy định cụ thể hơn về đất hoạt động khoáng sản. Theo đó, cần bổ sung trong dự thảo luật thêm nội dung: đất trong khu vực dự trữ khoáng sản. Loại đất này khác về đất thăm dò khai thác khoáng sản, đảm bảo chặt chẽ và có như vậy mới có thể đưa đất khu vực dự trữ khoáng sản vào phát triển kinh tế - xã hội nhưng vẫn dự trữ được khoáng sản cho tương lai mai sau.

Đại biểu cũng đề nghị xem xét hình thức cho thuê đất trong giai đoạn thăm dò khoáng sản cho phù hợp, để đảm bảo việc thăm dò được thuận lợi, vì công tác thăm dò mới nằm ở giai đoạn đầu điều tra khảo sát để lập dự án đầu tư lựa chọn phạm vi, quy mô khai thác dự án đầu tư chưa được hình thành.

Ngoài ra, đại biểu đề nghị có quy định riêng về thời hạn cho thuê đất theo kế hoạch khai thác hết trữ lượng từ 2 đến 3 năm; trách nhiệm phải đóng cửa mỏ và trả lại diện tích thuê đất trước khi khai thác trong những năm tiếp theo để tăng cường tối đa hiệu quả sử dụng đất sau khi khai thác.

14h05: Đại biểu Trần Thị Thu Hằng - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông: Tránh gây chồng chéo, khó thực hiện tại các địa phương khi thực hiện quy hoạch tỉnh 2021-2030

Góp ý về vấn đề chung việc bổ sung quy hoạch đất cấp tỉnh tại Điều 65, đại biểu cho rằng, tính đến thời điểm hiện tại có 14 tỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh. Nếu trong trường hợp, luật quy định bãi bỏ điều 6 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật liên quan đến quy hoạch thì sẽ dẫn đến các tỉnh đang hoàn thiện quy hoạch tỉnh gặp nhiều khó khăn trong việc điều chỉnh quy hoạch, gây tốn kém về nguồn lực, thời gian thực hiện.

Do đó, đại biểu Trần Thị Thu Hằng đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu quy định việc chuyển tiếp giữa các quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật liên quan đến quy hoạch năm 2018 đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nhằm tránh gây chồng chéo, khó thực hiện tại các địa phương khi thực hiện quy hoạch tỉnh 2021-2030.

Về vấn đề cụ thể, khi lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất sẽ xác định được khu vực các loại đất đa chức năng và đồng bộ với các quy định về nguyên tắc sử dụng đất đúng mục đích, quyền, nhiệm vụ cho việc sử dụng đất và xác lập giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Do đó, đại biểu Trần Thị Thu Hằng đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét, nghiên cứu theo hướng bổ sung khoản 5 Điều 9 quy định về các loại đất sử dụng đa mục đích như sau: Cách sử dụng đất đa mục đích là đất được sử dụng kết hợp và nhiều mục đích khác nhau để làm tăng hiệu quả sử dụng đất bao gồm: đất sử dụng hỗn hợp là đất có hai mục đích sử dụng trở lên mà không thể phân định được ranh giới được sử dụng giữa các mục đích; đất sử dụng đất kết hợp là đất đã được Nhà nước cho phép sử dụng nhiều mục đích mà có thể phân định được ranh giới rõ ràng giữa các mục đích trên thực tiễn.

14h09: Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương: Cần giới hạn quyền sử dụng đất của đơn vị sự nghiệp công lập

Tham gia ý kiến tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương chia sẻ những khó khăn trong việc thực hiện cơ chế tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập, tuy nhiên, đại biểu cho rằng vẫn cần có những hạn chế nhất định trong quy định việc sử dụng đất của đơn vị sự nghiệp công lập, không nên trao đầy đủ quyền như đối với các tổ chức kinh tế.

Lý giải về vấn đề này, đại biểu cho rằng, đơn vị sự nghiệp công lập là pháp nhân được thành lập bởi cơ quan có thẩm quyền của nhà nước theo quy định của pháp luật, có chức năng cung cấp các dịch vụ công phục vụ quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật, có chức năng cung cấp các dịch vụ công phục vụ quản lý nhà nước. So với tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp công lập được nhà nước trao quyền, chức năng, nhiệm vụ đặc thù, nên việc tạo cơ chế để đánh đồng tổ chức kinh tế với đơn vị sự nghiệp công lập chưa thực sự phù hợp.

Bên cạnh đó, từ đặc điểm đơn vị sự nghiệp công lập là cơ quan của nhà nước, đại biểu cho biết, việc tiếp cận các quỹ đất của đơn vị sự nghiệp công lập sẽ dễ dàng, thuận lợi hơn so với các tổ chức kinh tế. Nếu đơn vị sự nghiệp công lập cũng được tạo điều kiện như với các tổ chức kinh tế thì sẽ tạo sự bất bình đẳng cho các doanh nghiệp.

Ngoài ra, đại biểu cũng nêu rõ, nếu trao quyền bán, quyền thế chấp tài sản gắn liền với đất thuê cho đơn vị sự nghiệp công lập thuê đất trả tiền hàng năm thì sẽ có nguy cơ rủi ro không bảo toàn đất nhà nước giao cho đơn vị sự nghiệp công lập.

14h15: Đại biểu Lê Đào An Xuân - Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên: Bổ sung thêm nội dung tiêu chí lựa chọn dự án để tạo quỹ đất

Đại biểu Lê Đào An Xuân cho biết việc sớm thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) là điều mà cử tri và Nhân dân rất mong đợi. Góp ý đối với quy định về phát triển, quản lý và khai thác quỹ đất đối với dự án tạo lập quỹ đất được quy định tại Điều 113, đại biểu băn khoăn là Luật đã có quy định rõ về các trường hợp giao đất cho thuê đất thông qua đấu giá đấu thầu quyền sử dụng đất việc đưa vào chi tiết các loại hình dự án Nhà nước thu hồi đất tại quỹ đất ở các khoản a, b, c, d của khoản 1 mà không có điều kiện gì bổ sung thì có tạo nên sự không thống nhất với các điều khoản khác của luật hay không? Đại biểu phân tích như là với dự án nhà ở thương mại, nếu không có một điều kiện gì cụ thể kèm theo thì có thể hiểu là dự án nhà ở có thể sẽ thu hồi bất cứ lúc nào và gây bất an cho người sử dụng đất. Hay là áp dụng các quy định pháp luật khác hoặc là đối với các dự án về sản xuất, cơ sở kinh doanh, thương mại, dịch vụ hay dự án hỗn hợp nhà ở và kinh doanh thì việc thu hồi đất có phù hợp với quy định về khuyến khích chuyển nhận quyền nhận chuyển quyền góp vốn thuê quyền sử dụng đất được quy định ở Điều 128 hay không?

Đại biểu Lê Đào An Xuân cho rằng đối với phương án bỏ Điều 113 cũng có điểm phù hợp. Bởi vì quỹ đất cho do tổ chức phát triển, đất quản lý được sử dụng căn cứ vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Tuy nhiên, phương án này có nhược điểm là dễ dẫn đến tình trạng không xác định được các dự án trọng tâm. Để có phương án tối ưu, đại biểu Lê Đào An Xuân đề nghị là vẫn giữ lại điều 113 và điều chỉnh bổ sung thêm nội dung tiêu chí lựa chọn dự án để tạo quỹ đất ở khoản 1 và lược bỏ khoản 2 của điều này.

Ngoài ra, đại biểu Lê Đào An Xuân cũng góp ý về tổ chức phát triển quỹ đất và quỹ phát triển đất. Đại biểu đề nghị xem xét chức năng nhiệm vụ của hai đơn vị này có thể thành lập một đơn vị có đầy đủ chức năng để tinh gọn bộ máy và tạo sự thống nhất trong phối hợp thực hiện nhiệm vụ. Đề nghị làm rõ hơn quy định về tổ chức phát triển quỹ đất giao cho thuê đất để thực hiện các dự án đầu tư theo quy định của pháp luật.

Về phương án định giá đất, đại biểu Lê Đào An Xuân đề nghị bổ sung là giá trúng đấu giá quyền sử dụng đất sau khi đã hoàn thành xong nghĩa vụ tài chính. Về bảng giá đất, đại biểu cho biết quyết định bảng giá đất lần đầu công bố và thực hiện từ ngày 1/1/2026 Tuy nhiên, bảng giá đất hiện nay trên địa bàn tỉnh 5 năm là từ 2020 đến 2024, tức là có hiệu lực đến 31/12/2024. Vậy thì từ ngày 1/1/2025 đến ngày 1/1/2026 thì chúng ta sử dụng bảng giá đất nào? Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung.

14h19: Đại biểu Lê Thị Thanh Xuân - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk: Kỳ vọng chính sách đất đai cho bảo tồn văn hóa

Phát biểu ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) tại hội trường, đại biểu Quốc hội Lê Thị Thanh Xuân - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk cho biết, cử tri và nhân dân đang rất mong đợi Quốc hội bấm nút thông qua dự án Luật này; đồng thời bày tỏ quan tâm đến chính sách đất đai cho bảo tồn văn hóa các dân tộc…

Đại biểu cho biết, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã bổ sung quy định cộng đồng dân cư được Nhà nước giao đất, công nhận quyền sử dụng đất về bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc gắn với phong tục, tập quán, tín ngưỡng của các dân tộc. Đại biểu cho rằng, tuy chỉ là bổ sung một từ “tín ngưỡng” thôi nhưng đã phản ánh được đầy đủ ý nghĩa, vai trò quan trọng của đất đai đối với đời sống vật chất và tâm linh của đồng bào, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, Quốc hội đối với đồng bào các dân tộc thiểu số.

Đại biểu nhấn mạnh, theo truyền thống đối với cộng đồng các dân tộc thiểu số, nhất là đối với người Tây Nguyên, đất đai không đơn thuần là nguồn tài nguyên mang lại giá trị vật chất mà trên hết nó thể hiện quyền sở hữu tài sản, vị thế xã hội và đặc biệt là mang tính tâm linh. Điều kiện cần và đủ cho mỗi buôn làng.

Đất đai không chỉ là không gian sinh tồn mà còn là không gian duy trì các mối quan hệ xã hội, giữa các cộng đồng, giữa cá nhân và cộng đồng. Hơn thế nữa còn điều chỉnh cả mối quan hệ ứng xử giữa con người với tự nhiên. Điều này đã góp phần hình thành tri thức ứng xử với tự nhiên một cách cân bằng…

Đại biểu nhấn mạnh, khi chính sách đất đai thay đổi sẽ tác động sâu sắc đến không gian sinh tồn và truyền thống văn hóa của đồng bào. Do vậy, đại biểu bày tỏ kỳ vọng về những chính sách trong dự án Luật đất đai (sủa đổi) lần này sẽ là tiền đề cơ bản để giải quyết những vấn đề này. Việc dự thảo luật quy định trách nhiệm của Nhà nước có chính sách đảm bảo đất sinh hoạt cộng đồng cho đồng bào dân tộc thiểu số là quy định hết sức cần thiết, đáp ứng mong đợi của đồng bào để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống độc đáo trong bối cảnh đất nước hội nhập và phát triển mạnh mẽ.

14h24: Đại biểu Nguyễn Thị Thủy - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn: Thể chế hóa đúng, đủ về chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy đánh giá cao cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan thẩm tra đã nỗ lực, phối hợp chặt chẽ để có được kết quả trình Quốc hội thảo luận.
Quan tâm tới chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số, đại biểu nhận thấy, dự thảo đã bổ sung nhiều chính sách mới về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số. So với dự thảo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5, dự thảo lần này đã quy định rõ hơn về đối tượng được hỗ trợ, địa bàn được hỗ trợ, chính sách được hỗ trợ, và tương đối rõ về trách nhiệm thực hiện từ Chính phủ đến Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp.

Về đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ, đại biểu Nguyễn Thị Thủy chỉ rõ, Điều 16 quy định đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ phải là cá nhân đồng bào dân tộc thiểu số thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo và đang phải sinh sống tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Như vậy, cá nhân là người đồng bào dân tộc thiểu số tuy thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo nhưng không sinh sống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi sẽ không được hưởng chính sách hỗ trợ. Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra tiếp tục nghiên cứu kỹ vấn đề này để thể chế hóa đúng, đủ tinh thần của Nghị quyết Trung ương....

Về việc thừa kế, tặng cho, chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại Điều 48, đại biểu nhận thấy, việc thiết kế chính sách như dự thảo Luật nhằm bảo toàn quỹ đất để thực hiện tốt hơn chính sách hỗ trợ đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cân nhắc tính khả thi của quy định này; đồng thời đề nghị các cơ quan đánh giá kỹ hơn về tác động của vấn đề này.

14h29: Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp: Cần có tiêu chí, điều kiện cụ thể để Nhà nước thu hồi đất giao cho nhà đầu tư

Tham gia ý kiến tại phiên họp, đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho biết, về dự án nhà ở thương mại, dự án hỗn hợp nhà ở, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, đây là nội dung rất quan trọng, được cử tri mong chờ, đặc biệt là người dân trong diện bị thu hồi đất cho các dự án có chênh lệch địa tô. Đại biểu đồng tình thực hiện phương án 2, theo đó, cần có tiêu chí, điều kiện cụ thể để Nhà nước thu hồi đất giao cho nhà đầu tư, tránh ảnh hưởng đến quyền lợi, sinh hoạt, đời sống của người dân.

Đại biểu cho biết, việc nhà đầu tư tự thỏa thuận với người dân mà đạt được tỷ lệ đồng thuận 100% là rất khó xảy ra. Về nội dung này, phương pháp, nguyên tắc định giá đất là rất quan trọng, nên việc quy định theo phương án 2 là lựa chọn hợp lý, phù hợp với thực tiễn, hài hòa lợi ích của nhà đầu tư và người dân.

Về quyền sử dụng đất của người Việt Nam ở nước ngoài, đại biểu cho rằng, với người có quốc tịch Việt Nam ở nước ngoài thì vẫn có quyền lợi như người quốc tịch Việt Nam ở Việt Nam, còn các trường hợp khác thì không được quyền lợi. Đại biểu không đồng tình với việc người gốc Việt Nam, không có quốc tịch Việt Nam nhưng được hưởng quyền lợi về đất đai như người Việt Nam. Theo đại biểu, nếu đã bỏ quốc tịch Việt Nam thì sẽ không thể được hưởng quyền lợi ngang bằng với những người giữ quốc tịch Việt Nam.

14h34: Đại biểu Tạ Văn Hạ - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam: Đề nghị có định mức cụ thể đối với cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng đất trồng lúa.

Đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận, đại biểu Tạ Văn Hạ đề nghị quy định cụ thể định mức đối với cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng đất trồng lúa.

Đại biểu Tạ Văn Hạ thống nhất đề nghị chọn phương án trong đó đưa ra những định mức cụ thể, bởi qua thực tế tiếp xúc cử tri, đối tượng giáo viên phổ thông hiện nay ở các vùng nông thôn, do điều kiện đời sống gắn với nông thôn nên ngoài thời gian dạy học, mức lương có hạn nên phải canh tác thêm để đảm bảo cuộc sống, vì vậy, cần quy định phù hợp với thực tế.

Vấn đề đại biểu quan tâm tiếp theo liên quan đến phát triển du lịch tại Điều 79. Trong đó, quy định về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội, đề nghị có quy định đất để phát triển khu du lịch vào trong trường hợp thu hồi đất. Bởi đất liên quan đến du lịch có hai loại: tài nguyên du lịch và đất dịch vụ phục vụ cho hoạt động du lịch.

Tại Điều 5, Luật Du lịch đã quy định chính sách phát triển du lịch, trong đó tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch được hưởng những mức ưu đãi, hỗ trợ đầu tư cao nhất khi nhà nước ban hành áp dụng chính sách để ưu đãi hỗ trợ đầu tư.

Luật Du lịch cũng quy định: Nhà nước có chính sách khuyến khích hỗ trợ cho hoạt động đầu tư hình thành các khu dịch vụ du lịch phức hợp có quy mô lớn, hệ thống cửa hàng miễn thuế, trung tâm mua sắm và phục vụ khách du lịch, do vậy, cần thực hiện đúng Nghị quyết 08-NQ/TW năm 2017 về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và Luật Du lịch.

14h39: Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé - Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang: Thu hồi đất để phát triển các dự án kinh tế trọng điểm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của từng địa phương

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé - Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang thống nhất về vấn đề thu hồi đất để phát triển du lịch và thu hồi đất tại Điều 79. Điều 79 của dự thảo Luật đưa ra 2 phương án, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé chọn phương án 1. Bởi phương án này nhằm thu hồi đất để phát triển các dự án kinh tế trọng điểm, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của từng địa phương và đồng bộ hóa phát triển du lịch kết hợp với thương mại. Đây sẽ là động lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội.

Việc phát triển các dự án nhà thương mại, đại biểu cho rằng, dự án hỗn hợp nhà ở và kinh doanh thương mại dịch vụ không chỉ đem lại về kinh tế mà còn góp phần thực hiện các chính sách an sinh xã hội, xây dựng đô thị văn minh, hiện đại. Vì vậy, việc thực hiện thu hồi đất để thực hiện các dự án này cũng là để phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia, công cộng. Và điều tiết chênh lệch địa tô được thực hiện qua việc Nhà nước giao đất và cho thuê đất để thực hiện dự án này theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất và đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư có sử dụng đất. Đây là vấn đề mới như trong Báo cáo tiếp thu, giải trình mà UBTVQH đã nêu, do đó đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé chọn phương án 1.

Về hoạt động lấn biển tại Điều 191, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé cho rằng, Luật Đất đai hiện hành chưa quy định về vấn đề này. Hiện nay Chính phủ đang dự thảo nghị định về đất biển. Vì vậy, để quy định đúng về hoạt động lấn biển cần triển khai, cần giải thích từ ngữ về hoạt động này đúng với thực tế đang diễn ra.

Do đó, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu giải thích rõ hơn từ “lấn biển” phải bao hành phạm vi lấn biển của cả 3 khu vực: đối với đất bãi bồi ven biển, đất có mặt nước ven biển, khu vực biển. Đề nghị sửa lại thành: “lấn biển là việc sử dụng các giải pháp để mở rộng diện tích đất trong phạm vi từ hết rang giới đất liền về phía biển của vùng biển Việt Nam”.

Từ vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé đề nghị bổ sung nội dung thực hiện các dự án lấn biển đối với các bãi bồi ven biển và đất có mặt nước ven biển và khu vực biển tại khoản 3 Điều 190 và các điều luật khác có liên quan. Tuy nhiên, hoạt động này sẽ liên quan đến nhiều luật khác, đề nghị Quốc hội và Chính phủ cần nghiên cứu sửa đổi đồng bộ một số quy định có liên quan đến các luật khác để tạo điều kiện khuyến khích hoạt động này trong phát triển, mở rộng diện tích đất theo nhu cầu phát triển kinh tế xã hội.

14h44: Đại biểu Nguyễn Duy Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau: Đất đai không chỉ là tài sản, mà là nguồn lực cho sản xuất, kinh doanh, cho người dân và doanh nghiệp

Đại biểu Nguyễn Duy Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau đánh giá cao tinh thần sửa đổi của dự án luật này, đất đai đã thực sự được coi trọng bằng những quy định cụ thể theo hướng đất đai không chỉ là tài sản, mà là nguồn lực, nguồn vốn, mang tính thị trường hơn, phục vụ cho sản xuất kinh doanh, cho cả người dân và doanh nghiệp. Đó là việc phát triển quỹ đất với các quy chế công khai, minh bạch hơn để nhà nước tạo quỹ đất, chủ động điều tiết cung cầu thị trường.

Theo đại biểu, dự thảo luật đã bổ sung quyền được thế chấp, cho thuê, quyền được cho thuê đất trong trường hợp trả tiền thuê đất hàng năm, bán tài sản sở hữu găn liền với đất ngay trong lình vực đất nông nghiệp. Với dự thảo luật mới này, người nông dân cũng được chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, nâng cao hiệu quả sử dụng đất.

Theo đại biểu, là quốc gia đi lên từ nông nghiệp, những thay đổi trong dự thảo luật mang nhiều ý nghĩa thực tiễn. Đại biểu lần sửa đổi này cần bám sát, cụ thể hóa hơn nữa Nghị quyết 18, đưa ra giải pháp căn cơ, lâu dài, tránh tạo biến động lớn, thậm chí hỗn loạn thị trường bất động sản như thời gian qua, gây hậu quả nặng nề, tác động đến sự tồn vong của doanh nghiệp, đời sống của người dân.

Về phân loại sử dụng đất, đại biểu đề nghị phân loại đất theo mục đích quản lý của nhà nước, không phân loại đất theo mục đích sử dụng của người dân, để nâng cao hiệu quả quản lý của nhà nước, đồng thời không làm khó cho người dân khi triển khai pháp luật.

14h49: Đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam: Cụ thể hóa quy định về tổ chức thực hiện nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư

Đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh nêu rõ sửa đổi Luật Đất đai lần này, với nhiều chính sách quan trọng tác động đến đời sống kinh tế - xã hội nhận được nhiều sự quan tâm của Nhân dân để hoàn thiện các chính sách này.

Góp ý về điều kiện thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho thế chấp quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất tại Điều 45, đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh chọn phương án 2. Đại biểu lý giải hiện nay nhiều hộ gia đình có đất trồng nông nghiệp là đất lúa dù không trực tiếp sản xuất nhưng vẫn thuê mướn người để canh tác, sản xuất. Việc bắt buộc trong mọi trường hợp, bất kể quy mô đất trồng lúa, nhận chuyển nhượng, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp, nhận chuyển nhượng đất trồng lúa đều phải thành lập tổ chức kinh tế và có phương án sử dụng đất trồng lúa là chưa phù hợp với bối cảnh hiện nay. Đồng thời đề nghị xem xét điều chỉnh quy định theo hướng người nông dân có đất nông nghiệp được góp vốn bằng chính mảnh đất của mình để khuyến khích, tích tụ đất đai phục vụ các dự án sản xuất nông nghiệp quy mô lớn.

Về cơ quan, đơn vị, tổ chức có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, quản lý khai thác, sử dụng quỹ đất đã thu hồi tại Điều 86, đại biểu biểu Đặng Thị Bảo Trinh đề nghị cần cụ thể hóa quy định về tổ chức thực hiện nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, quản lý khai thác, sử dụng quỹ đất đã thu hồi. Theo hướng làm rõ tổ chức được thực hiện các chức năng vừa nêu là tổ chức công lập hay tổ chức tư nhân. Đồng thời làm rõ nguyên tắc về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi tại Điều 91 để sau khi thu hồi đất thì người dân có đất bị thu hồi phải có chỗ ở bảo đảm cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Quy định rõ hơn các tiêu chí cơ bản bảo đảm thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ để tạo sự đồng thuận của người dân trong quá trình thu hồi và tránh tình trạng khiếu nại, khiếu kiện kéo dài, gây cản trở quá trình triển khai các công trình, dự án lớn.

Về nguyên tắc cấp giấy chứng nhận, đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh đề nghị bổ sung vào Điều 136 dự thảo Luật quy định: Nhà nước có trách nhiệm đo đạc, chỉnh lý và cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất trong các trường hợp người dân tự nguyện hiến đất, công trình để xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn, đô thị, đổi đất để Nhà nước xây dựng các công trình thiết chế văn hóa cộng đồng.

Về đất sử dụng ổn định lâu dài tại Điều 172 khoản 1, đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh đề nghị dự thảo Luật lần này nên quy định định việc giao đất cho chủ đầu tư dự án là có thời hạn nhưng cho phép người mua nhà ở trong dự án bất động sản được sử dụng đất ổn định lâu dài để tạo cơ sở pháp lý cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản gắn với thời hạn sử dụng ổn định lâu dài.

14h54: Đại biểu Thạch Phước Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh: Bổ sung, làm rõ một số nội dung về chính sách hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất

Phát biểu ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) tại hội trường, đại biểu Quốc hội Thạch Phước Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh bày tỏ quan tâm đối với các chính sách hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất. Đại biểu cho biết, trong dự thảo Luật lần này cũng đã có quy định hỗ trợ ở Điều 108 và Điều 109…

Tuy nhiên, đại biểu bày tỏ băn khoăn với quy định về sáu nội dung hỗ trợ chính sách và quy định về hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm đối với các hộ gia đình, cá nhân khi nhà nước thu hồi đất. “Có thể thấy dự thảo cũng có những quy định mới, rõ ràng, chặt chẽ, đáp ứng nhu cầu thực tiễn và đảm bảo hơn nữa quyền lợi của người có đất bị thu hồi. Tuy nhiên, số liệu khảo sát cũng cho thấy trong số những nông dân có thay đổi việc làm, số người chuyển sang làm thuê là nhiều nhất và số người chuyển sang học nghề mới là ít nhất”, đại biểu Thạch Phước Bình nêu rõ.

Cùng với đó, tiền bồi thường, bảo trợ từ đất cũng chưa được nông dân sử dụng đúng cách. Vì vậy, sau một thời gian họ sử dụng hết tiền, mất tư liệu sản xuất, mất việc làm, không có thu nhập. Từ thực tế này, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo xem xét làm rõ phạm vi, đối tượng hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp sẽ được hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm khi bị thu hồi đất để tránh tình trạng bỏ sót.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng cần có những quy định mang tính bắt buộc về việc mở lớp đào tạo nghề, đồng thời có những hướng dẫn chặt chẽ và chi tiết hơn Nghị định hướng dẫn thi hành để đảm bảo lớp học nghề được tổ chức nghiêm túc, có hiệu quả, đặc biệt cần được quy định rõ trong Luật về vấn đề quy hoạch và phát triển các làng nghề truyền thống. Đây có thể xem là một trong những giải pháp hiệu quả để giải quyết việc làm, ổn định đời sống cho người dân bị thu hồi đất.

14h59: Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình: Đề nghị sửa đổi quy định liên quan đến thẩm quyền của chính quyền địa phương trong thu hồi đất

Góp ý vào các nội dung cụ thể của dự thảo luật, Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung cho biết, điểm c khoản 1 Điều 28 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định về tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài chỉ được thuê đất của nhà nước để thực hiện dự án đầu tư và nhà nước phải thu hồi đất để cho thuê, nhưng một số dự án có mục tiêu hoạt động không thuộc diện thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội như quy định tại Điều 62 Luật Đất đai hiện hành và Điều 79 dự thảo luật. Do vậy, chính quyền địa phương không có cơ sở thu hồi đất để giao cho tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài thuê; đồng thời tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài cũng không được trực tiếp thỏa thuận bồi thường với người dân để giải phóng mặt bằng thực hiện dự án, dẫn đến dự án bị bế tắc, cũng như tạo sự không thống nhất trong chính sách và thực thi pháp luật.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung đề xuất là đề nghị chọn phương án 2: tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài được nhận quyền chuyển nhượng, quyền sử dụng đất trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghệ cao hoặc trong phạm vi dự án đã được Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư.

Ngoài ra, cần sửa đổi phạm vi dự án không chỉ của Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ, mà cả của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đã quyết định chủ trương đầu tư. Tại khoản 2 Điều 24 của dự thảo luật, đại biểu không chọn phương án nào, mà đề xuất phương án loại trừ quyền bán quyền thế chấp tài sản gắn liền với đất thuê và quyền thuê trong hợp đồng thuê, nhưng được quyền góp vốn bằng tài sản gắn liền với đất trên đất thuê là tài sản do đơn vị sự nghiệp công lập tạo lập và được quyền cho thuê, quyền thuê trong trường hợp dự án có sử dụng đất, góp phần và nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công của đơn vị sự nghiệp công lập đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

15h03: Đại biểu Mai Văn Hải - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa: Cân nhắc kỹ lưỡng việc thông qua luật tại Kỳ họp thứ 6

Đại biểu Mai Văn Hải bày tỏ thống nhất với Báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, báo cáo đã rất đầy đủ và chi tiết. Tuy nhiên, đến thời điểm này vẫn còn 21 vấn đề lớn mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang trình các phương án để báo cáo Quốc hội cho ý kiến.

Nhấn mạnh đây là những vấn đề rất lớn, quan trọng, đại biểu cho rằng cần phải có thời gian để đánh giá tác động, nghiên cứu kỹ lưỡng hơn nữa. Do đó, đại biểu đề xuất cân nhắc kỹ lưỡng hơn việc thông qua dự án Luậ tại kỳ họp lần này...

Đóng góp ý kiến về quy định tổ chức kinh tế nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp phải có phương án, và trình Ủy ban nhân dân tỉnh chấp thuận, đại biểu cho rằng cần quy định về quy mô, diện tích cần phải lập phương án. Nếu một diện tích rất nhỏ cũng yêu cầu doanh nghiệp, hợp tác xã phải thành lập phương án thì sẽ gây mất thời gian của doanh nghiệp, người dân.

15h08: Đại biểu Trần Chí Cường - Đoàn ĐBQH Tp. Đà Nẵng phát biểu tranh luận

Phát biểu tranh luận với ý kiến đề nghị bỏ phương pháp thặng dư trong định giá đất, đại biểu Trần Chí Cường - Đoàn ĐBQH Tp. Đà Nẵng cho biết, dự thảo lần này đã quy định những điều kiện, trường hợp cụ thể áp dụng từng phương pháp, do đó, phương pháp thặng dư nên tiếp tục được duy trì để thực hiện những dự án không thể áp dụng phương pháp khác.

15h10: Đại biểu Nguyễn Văn Huy - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình: Vừa tránh việc lợi dụng chính sách đầu cơ đất nông nghiệp, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất nông nghiệp quy mô lớn

Góp ý về nội dung về tập trung đất đai phục vụ sản xuất nông nghiệp, hàng hóa tập trung quy mô lớn, đại biểu Nguyễn Văn Huy nêu rõ, về quy định cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng đất trồng lúa được quy định tại khoản 7 Điều 45 của dự thảo luật hiện thiết kế 3 phương án. Đại biểu Nguyễn Văn Huy lựa chọn phương án 3 quy định: cá nhân được không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng đất trồng lúa phải thành lập tổ chức kinh tế và có phương án sử dụng đất trồng lúa khi cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng đất quá hạn mức theo quy định tại khoản 1 Điều 177. Vì phương án này dung hòa được cả 2 yếu tố, vừa bảo đảm công tác kiểm soát để tránh việc lợi dụng chính sách đầu cơ đất nông nghiệp, một mặt vẫn khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất nông nghiệp, tạo cơ sở cho việc sản xuất nông nghiệp quy mô lớn theo chủ trương tại Nghị quyết 18-NQ/TW Ban Chấp hành Trung ương.

Về tổ chức kinh tế được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp, đại biểu Nguyễn Văn Huy cho biết khoản 6 Điều 45 dự thảo Luật quy định tổ chức kinh tế nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp phải có phương án sử dụng đất nông nghiệp được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chấp thuận. Và trong phương án sử dụng đất nông nghiệp phải thể hiện được Kế hoạch sản xuất kinh doanh nông nghiệp. Đại biểu cho rằng việc tiếp thu như dự thảo Luật trình kỳ họp lần này là phù hợp, đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp, nhà đầu tư hiện nay.

Đại biểu Nguyễn Văn Huy cũng đề nghị, đối với quy định tổ chức kinh tế được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp, tôi đề nghị bỏ điều kiện có phương án sử dụng đất nông nghiệp được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chấp thuận. Và đề nghị sửa thành “phải có dự án đầu tư được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định theo quy định của pháp luật về đầu tư”; quy định rõ thủ tục này được thực hiện đồng thời với thủ tục phê duyệt chủ trương dự án đầu tư.

15h15: Đại biểu Đinh Văn Thê - Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai: Cần thống nhất với địa phương bố trí số diện tích nhất định để làm nhà ở cho lực lượng vũ trang

Phát biểu tại hội trường, Đại biểu Đinh Văn Thê - Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai cơ bản thống nhất với các nội dung quy định tại khoản 21 Điều 79, khoản 3 Điều 125 của dự thảo luật liên quan đến đối tượng về chính sách phát triển nhà ở cho lực lượng vũ trang. Đây là những quy định hết sức cần thiết, tạo cơ sở pháp lý cho Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, UBND các địa phương bố trí quỹ đấy hợp lý, làm nhà cho lực lượng vũ trang.

Đồng thời, đây cũng là cơ sở để bảo đảm cho việc xây dựng, hoàn thiện và triển khai các chính sách thu hút nguồn nguồn nhân lực chất lượng gắn bó và phục vụ lâu dài cho lực lượng vũ trang nhân dân. Tuy nhiên thực tiễn triển khai thời gian qua cho thấy, nhu cầu nhà ở của lực lượng vũ trang nhân dân rất lớn, trong khi quỹ đất của địa phương để đảm bảo cho việc này còn hạn chế, nhiều địa phương có quỹ đất để bố trí thì số lượng đơn vị quân đội, công an trên địa bàn lại không lớn và nhu cầu không cao…

Vì vậy, để có cơ chế để Bộ Quốc phòng, Bộ Công an khi thực hiện trả đất cho địa phương theo quy hoạch có thể thống nhất với địa phương bố trí số diện tích nhất định để làm nhà ở cho lực lượng vũ trang là hết sức cần thiết. Đại biểu Đinh Văn Thê cho rằng, quy định này cần đảm bảo sự chủ động phối hợp của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an với các địa phương tùy thuộc vào khả năng, nhu cầu và số lượng nhà ở cần cho lực lượng của các đơn vị trên trên địa bàn phù hợp và giảm bớt áp lực cho các địa phương, nhất là các đô thị thành phố lớn.

Để chủ động bố trí quỹ đất không còn nhu cầu trả cho địa phương để làm nhà ở cho lực lượng vũ trang, phù hợp với quy hoạch của địa phương, phù hợp với các quy định của Luật Đất đai (sửa đổi), đại biểu Đinh Văn Thê đề nghị chỉnh lý, bổ sung quy định này vào khoản 4 Điều 201 như sau: Trường hợp thu hồi đất quốc phòng, an ninh để thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội vì mục đích quốc gia, công cộng thực hiện dự án nhà ở cho lực lượng vũ trang thì không phải thực hiện việc sắp xếp, xử lý lại tài sản công theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, không phải thực hiện việc chuyển đổi mục đích sử dụng công trình quốc phòng và khu quân sự theo quy định của Luật quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự mà Quốc hội chuẩn bị thông qua.

15h19: Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa phát biểu tranh luận

Phát biểu tranh luận tại hội trường, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh nêu rõ, khu vực đầu tư nước ngoài đã đồng hành cùng chính sách mở cửa và đổi mới của Việt Nam, có nhiều đóng góp tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội đã rất tích cực mời gọi nhà đầu tư vào Việt Nam, tuy nhiên, luật Đất đai hiện hành lại hạn chế quyền của nhà đầu tư nước ngoài trong việc tiếp cận quyền được Nhà nước thu hồi đất, giao đất, được nhận quyền sử dụng đất trong phạm vi dự án. Đây là những bất cập nhiều năm qua, ảnh hưởng đến việc triển khai dự án lâu dài.

Theo đại biểu, dự thảo luật lần này đã bổ sung quy định, những dự án đầu tư nước ngoài đã được đồng ý chủ trương đầu tư thì sẽ được phép thu hồi đất, được phép thương lượng để có quyền sử dụng đất trong phạm vi dự án. Đồng tình với quy định này, đại biểu cho rằng, quy định như vậy thì nhà đầu tư nước ngoài mới tin tưởng vào chủ trương thu hút đầu tư, yên tâm đầu tư vào Việt Nam. Nội dung này đã được quy định tại Điều 28, đại biểu bày tỏ quan điểm ủng hộ phương án 2, mở rộng phạm vi nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

15h21: Đại biểu Phạm Văn Thịnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang phát biểu tranh luận

Phát biểu ý kiến tranh luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) tại hội trường, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Thịnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang bày tỏ quan tâm đến các ý kiến góp ý xung quanh nội dung về thu hồi đất quy định tại Điều 79 của dự thảo Luật. Đặc biệt, đại biểu bày tỏ không đồng tình với ý kiến của đại biểu Mai Văn Hải - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa. Đồng thời, khẳng định đồng tình cao với việc mở rộng hình thức thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế- xã hội.

15h23: Đại biểu Trần Nhật Minh - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An: Xác định rõ các trường hợp cần có quy định chuyển tiếp để quy định ngay trong Luật

Góp ý về việc cấp giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất được giao không đúng thẩm quyền, theo đại biểu Trần Nhật Minh, Điều 141 của dự thảo Luật đã quy định khá rõ ràng để có cơ sở xử lý cơ bản những tồn tại, khó khăn, vướng mắc trong việc cấp giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất được giao không đúng thẩm quyền trong thời gian qua. Tuy nhiên, qua nghiên cứu các dự thảo luật, sau nhiều lần chỉnh lý, đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo và thẩm tra nghiên cứu trường hợp cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với đất được ở được giao không đúng thẩm quyền trước ngày mùng 01/7/2004 nhưng chưa được xây dựng, nhà ở.

Theo đại biểu Trần Nhật Minh, việc mở rộng đối tượng cấp giấy chứng nhận là các hộ gia đình, cá nhân được giao đất không đúng thẩm quyền vào mục đích để ở nhưng vì lý do nào đó chưa xây dựng nhà ở thì vẫn được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là phù hợp, đảm bảo công bằng cho mọi đối tượng.

Về đất do các công ty nông, lâm nghiệp quản lý, sử dụng, đại biểu Trần Nhật Minh cho biết Nghị quyết số 18-NQ/TW có mục tiêu phải giải quyết cơ bản những tồn tại, vướng mắc có liên quan đến quản lý và sử dụng đất có nguồn gốc từ nông lâm trường quốc doanh. Vì vậy, theo đại biểu, tại quy định khoản 1 Điều 182 của dự thảo Luật, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức rà soát hiện trạng sử dụng đất của các công ty nông lâm nghiệp đang quản lý có 2 điểm chưa phù hợp. Để đảm bảo tính áp dụng lâu dài, có văn bản Luật đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu quy định rõ hơn về thời hạn thực hiện việc rà soát và nên bố cục điều này ở Chương 26 quy định chuyển tiếp điều khoản thi hành.

Về việc giao Chính phủ quy định các trường hợp chuyển tiếp khác, đại biểu Trần Nhật Minh cho rằng quy định giao cho Chính phủ quy định các trường hợp chuyển tiếp là không phù hợp. Đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra cần rà soát kỹ xác định rõ các trường hợp cần phải chuyển tiếp để quy định ngay tại dự thảo Luật này.

Đại biểu Trần Nhật Minh cũng đề nghị Quốc hội cân nhắc việc thông qua dự thảo Luật tại kỳ họp này, để có thời gian rà soát, xử lý những vướng mắc, bất cập và lựa chọn các phương án được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa ra một cách thận trọng nhất.

15h49: Đại biểu Tráng A Dương - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang: Bổ sung quy định về dự án thu hồi xây dựng nhà ở cho công nhân và sinh viên.

Đóng góp ý kiến vè các hành vi bị nghiêm cấm quy định tại Điều 11 của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), đại biểu Tráng A Dương cho biết, khoản 3 Điều 11 của dự thảo luật quy định về hành vi nghiêm cấm vi phạm chính sách hỗ trợ đất ở đối với đồng bào dân tộc thiểu số và tại khoản 7 điều 16 quy định trách nhiệm của ủy ban nhân dân các xã rà soát báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện về các trường hợp vi phạm pháp luật đất đai. Đại biểu cho rằng, quy định chung như vậy sẽ rất khó khăn cho cán bộ xác định vi phạm, vì vậy đề nghị văn bản dưới luật cần quy định cụ thể rõ các hành vi vi phạm nghiêm cấm này.

Về thu hồi đất phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng tại Điều 79 của dự thảo luật, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung vào khoản 21 quy định về dự án thu hồi xây dựng nhà ở cho công nhân, nhà ở cho sinh viên với lý do: việc xây dựng nhà ở cho công nhân và sinh viên cũng nằm trong mục đích phát triển xã hội vì mục đích công cộng.

Tại khoản 27 của dự thảo luật đưa ra hai phương án, sau khi nghiên cứu, đại biểu Tráng A Dương nhất trí lựa chọn phương án 2 và thống nhất với nhiều ý kiến của đại biểu đã có ý kiến phát biểu trước.

Về thông báo thu hồi đất và chấp hành quyết định thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội, đại biểu cho rằng, việc quy định 30 ngày đối với đất nông nghiệp và 60 ngày đối với đất phi nông nghiệp sẽ góp phần rút ngắn thời gian thu hồi đất tạo điều kiện thuận lợi cho các bên. Quy định như dự thảo là 90 ngày và 180 ngày là quá dài.

Về nguyên tắc bồi thường hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất tại Điều 91, đại biểu đề nghị nghiên cứu điều chỉnh khoản 7 theo hướng: Nhà nước thu hồi đất theo quy định tại Điều 78 và Điều 79 của luật này mà phần diện tích còn lại của thửa đất sau khi thu hồi nhỏ hơn diện tích tối thiểu được tách từ thửa đất hoặc không còn đủ điều kiện để triển khai theo quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh. Nếu người sử dụng đất đồng ý thu hồi đất thì Ủy ban nhân dân tỉnh quyền quyết định thu hồi đất và thực hiện việc bồi thường hỗ trợ quản lý diện tích đất này theo quy định của pháp luật.

Theo đại biểu, việc điều chỉnh như vậy sẽ khắc phục được khắc phục được tình trạng hiện nay như có hộ gia đình có vườn, có thửa ruộng sau khi dự án đi qua thì không còn đủ điều kiện để. Đại biểu cũng đề nghị bổ sung quy định chủ thể là Tổng Liên Đoàn Lao động Việt Nam tham gia xây dựng nhà ở xã hội công nhân, đảm bảo sự đồng bộ tương thích đối với dự thảo Luật nhà ở…

Đại biểu cũng kiến nghị Quốc hội sớm thông qua dự thảo luật, nhằm giải quyết được tồn tại và vướng mắc hiện nay, đáp ứng nhu cầu thực tiễn của đất nước.

15h55: Đại biểu Vi Đức Thọ - Đoàn ĐBQH tỉnh Sơn La: Quy định chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số đảm bảo đúng theo tinh thần Nghị quyết số 18

Cho rằng dự thảo luật đã tiếp thu, sửa đổi nhiều nội dung so với lần trình Quốc hội tại Kỳ họp trước, đại biểu cho biết, về chính sách đất đai đối với đồng báo dân tộc thiểu số, sau khi chỉnh lý, dự thảo luật có bổ sung một số quy định về chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số ở nhiều điều, khoản khác nhau.

Tuy nhiên, phạm vi, đối tượng trong dự thảo luật là đồng bào dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn, hộ nghèo, cận nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, như vậy là đã bị thu hẹp so với chủ trương của Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Đại biểu đề nghị tiếp tục xem xét, quy định chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số đảm bảo đúng theo tinh thần Nghị quyết số 18.

Về trách nhiệm của Nhà nước đối với đất đai của đồng bào dân tộc thiểu số, đại biểu cho biết, khoản 2, Điều 16 có quy định: Có chính sách hỗ trợ đất đai lần đầu cho cá nhân là người dân tộc thiểu số thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, phù hợp với phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa và điều kiện thực tế của từng vùng để bảo đảm ổn định cuộc sống theo quy định.

Đại biểu cho rằng quy định như dự thảo là chưa đầy đủ, tạo ra sự không công bằng. Các hộ nghèo, cận nghèo sinh sống ở các địa bàn ngoài vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã được phân định sẽ không được hưởng chính sách. Đại biểu đề nghị chính sách phải bám sát chủ trương của Nghị quyết 18, đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất ở, đất sản xuất, không phân biệt theo địa bàn, nhưng có sự ưu tiên với hộ nghèo, cận nghèo, phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương.

16h00: Đại biểu Huỳnh Thị Phúc - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát biểu tranh luận

Tranh luận về phương pháp định giá đất theo phương pháp thặng dư, đại biểu Huỳnh Thị Phúc cho biết, theo quy quy định, đây là phương pháp định giá đất đối với thửa đất có tiềm năng phát triển theo quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng hoặc được phép chuyển mục đích sử dụng đất để sử dụng cao nhất và tốt nhất bằng cách loại trừ tổng chi phí ước tính ra khỏi tổng doanh thu phát triển giả định của bất động sản.

Theo đại biểu, thực hiện xác định giá đất theo phương pháp thặng dư là khó khả thi. Việc áp dụng phương pháp thặng dư trên cơ sở hầu hết các số liệu ước tính doanh thu giả định và chi phí giả định, từ đó tính toán ra kết quả giá đất là một số thực tế làm cơ sở xác định nghĩa vụ tài chính của khu đất, thửa đất là không phù hợp. Chỉ cần yêu cầu yếu tố giả định thay đổi thì kết quả giá đất sẽ thay đổi.

Đại biểu cũng phân tích, khó khăn trong việc xác định hệ số sử dụng đất cao nhất, hệ số sử dụng đất, mật độ xây dựng, chiều cao công trình tối đa, khó khăn trong việc giả định thời gian bán hàng, thời gian thực hiện dự án, thời gian thanh toán,... Mọi ước tính về chi phí và giá bán có thể thay đổi tùy theo điều kiện thị trường, do đó giá trị ước tính sẽ có nhiều rủi ro và không chính xác.

Việc lựa chọn xác định các khoản chi phí như suất đầu tư, tỉ lệ các chi phí về phát triển dự án, chi phí bán hàng, quảng cáo, lợi nhuận của nhà đầu tư và các chi phí khác có liên quan gặp nhiều khó khăn. Mỗi doanh nghiệp trên thị trường có một tỷ lệ chi phí khác nhau. Các yếu tố về giá bán, giá cho thuê, doanh thu đều mang ước tính của nhà đầu tư không có độ tin cậy cao. Từ phân tích trên, đại biểu đề nghị Quốc hội xem xét về phương án này.

16h02: Đại biểu Nguyễn Hữu Thông - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận: Rà soát, đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà nước, người dân và doanh nghiệp

Phát biểu ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) tại hội trường, đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Thông - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận cho rằng, dự thảo Luật trình tại Kỳ họp thứ 6 lần này đã tiếp thu, bổ sung nhiều quy động mới nhằm phát huy tối đa nguồn lực đất đai…

Quan tâm đến quy định về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, cụ thể là Khoản 15, 16, 17, 18 của dự thảo Luật. Đại biểu bày tỏ thống nhất với việc Nhà nước thu hồi đất cho các công trình, dự án có sử dụng nguồn vốn của nhà nước. Tuy nhiên đối với những dự án, công trình có nguồn vốn tư nhân, đại biểu Thông đề nghị cần xem xét lại.

Bày tỏ thống nhất với chủ trương của Nhà nước là khuyến khích và phát triển y tế, giáo dục, thể dục thể thao hay các cơ sở khoa học kỹ thuật, tuy nhiên đại biểu Thông cho rằng, chúng ta cần phải xem lại các công trình, dự án trên có xuất phát từ lợi ích công cộng của đa số người dân hay không, vì mục tiêu lợi nhuận hay không?

Đại biểu cho rằng, dự thảo Luật cần phải nghiên cứu và điều chỉnh thiết kế cái cho phù hợp, đảm bảo đúng với chủ trương của Nghị quyết 18 là đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp, tránh các trường hợp trục lợi.

16h08: Đại biểu Trần Thị Thanh Lam - Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre phát biểu tranh luận

Tranh luận với đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé - Đoàn Kiên Giang về hoạt động lấn biển, đại biểu Trần Thị Thanh Lam - Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre cho rằng, nói như vậy là chưa đầy đủ.

Đại biểu Trần Thị Thanh Lam nêu rõ, hoạt động lấn biển là hoạt động rất quan trọng nhằm khai thác thế mạnh của 28 tỉnh có biển, không chỉ phục vụ cho các dự án đầu tư mà hoạt động lấn biển còn là hoạt động sinh kế của người dân ven biển, giúp họ phát triển kinh tế, tạo bám biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Đại biểu nhận thấy, đây là hoạt động rất quan trọng nhưng chưa được nêu rõ trong Điều 191.

Bên cạnh đó, đại biểu Trần Thị Thanh Lam đề nghị bổ sung hoạt động lấn sông vào Điều này. Vì thực tế ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, ngoài thực trạng xâm thực và bồi lắng của biển thì còn hiện hữu của các con sông, mà đối với người dân vùng này có tập quán và sinh sống ở hai bên bờ sông. Do đó, hoạt động xây kè bờ sông vừa tránh sạt lở, vừa sử dụng đất bãi bồi ven sông để phát triển khu di cư, khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng. Đại biểu cho rằng, nếu không quy định vấn đề này thì sẽ thiếu trong quy hoạch và sử dụng đất.

Ngoài ra, đại biểu Trần Thị Thanh Lam cũng đề nghị xem xét và bổ sung nội dung cụm từ “khu vực đất nước sông” ở Điều 65 và Điều 66 về quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh và cấp huyện. Đề nghị Ban soạn thảo và các cơ quan quan tâm tới hoạt động lấn biển và hoạt động lấn sông cho phù hợp với quy hoạch.

16h09: Đại biểu Vũ Tiến Lộc - Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội tranh luận

Phát biểu tranh luận, đại biểu Vũ Tiến Lộc mong muốn tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội sẽ thông qua dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), bởi phần lớn các nội dung đã có sự thống nhất.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc cho rằng, trong bối cảnh đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, trên cơ sở đường lối của Đảng, các cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương đã xây dựng các quy hoạch phát triển kinh tế xã hội. Trên cơ sở quy hoạch kinh tế xã hội đó, cấp có thẩm quyền còn phê duyệt các chủ trương thực hiện các dự án là động lực trong phát triển kinh tế - xã hội.

Vì vậy, đại biểu cho rằng tất cả các dự án trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội được các cấp có thẩm quyền, bao gồm cả Quốc hội, Chính phủ và cả Ủy ban nhân dân các địa phương phê duyệt và thông qua đều là các dự án phục vụ cho mục đích quốc gia, dân tộc. Bởi vì các doanh nghiệp trong quá trình hoạt động vừa làm ra lợi nhuận của mình lại vừa đóng góp vào sự phát triển của xã hội, tạo ra công ăn việc làm ,đóng góp cho ngân sách, đóng góp vào tăng trưởng.

16h13: Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương: Hoàn thiện quy định việc cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại

Góp ý về phương án 1 điểm b khoản 3 Điều 123 dự thảo Luật Đất đai quy định việc cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại phải đáp ứng điều kiện quyền sử dụng đất ở hoặc đất ở và đất khác, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân cho biết quy định này đã, đang gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp và địa phương. Đại biểu dẫn chứng Bình Dương có nhiều doanh nghiệp trước đây do thừa kế tặng, cho hoặc tự bỏ tiền ra mua đất nông nghiệp của người dân, rồi bàn giao lại cho Nhà nước để Nhà nước cho thuê lại và tiến hành sản xuất kinh doanh.

Hiện có 3000 doanh nghiệp Bình Dương nằm trong vùng đã được quy hoạch làm đất ở và đất thương mại dịch vụ nhưng lại đang sử dụng đất cho hoạt động sản xuất kinh doanh thuộc khu vực có chủ trương phải di dời trong thời gian tới. Do đó, nếu chọn phương án này thì gây khó khăn rất lớn cho doanh nghiệp vì không phải doanh nghiệp nào cũng có sẵn tiền để di dời và cũng không thể tiếp tục sản xuất, kinh doanh trên đất. Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân nêu rõ, phương án 1 chưa phù hợp với thực tế, do đó, kiến nghị Quốc hội ủng hộ phương án 2 điểm b khoản 3 Điều 131.123 tương ứng với phương án 1.22.2 tại khoản 6 Điều 128.

Đồng thời để tránh thất thu, ngân sách nhà nước do chênh lệch địa tô đối với đất có nguồn gốc đất công theo tinh thần Nghị quyết của 18-NQ/TW của Đảng, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân kiến nghị chỉnh sửa khoản 1 Điều 125, Điều 126 và điểm a khoản 1 Điều 158 của dự thảo Luật theo hướng đấu giá quyền sử dụng đất đối với dự án sử dụng đất có nguồn gốc đất công phù hợp với Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Đồng thời cần quy định rõ chính sách, quy trình, thủ tục đối với loại đất công là đất sạch, chưa có công trình, dự án đang triển khai và loại đất công đang cho doanh nghiệp sử dụng được Nhà nước cho thuê đất và được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, dự án thuộc lĩnh đầu tư v.v.

Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân kiến nghị chọn phương án 2 điểm c, khoản 1 Điều 28 của dự thảo Luật nhưng cần bổ sung đối tượng dự án do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư và giao cho Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định hướng dẫn chi tiết để tháo tháo gỡ khó khăn, điểm nghẽn nhiều năm qua trong tiếp cận đất đai của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Về Điều 47 dự thảo Luất, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân kiến nghị bỏ quy định trong cùng một đơn vị hành chính mới được chuyển đổi sử dụng đất nông nghiệp. Vì điều này sẽ hạn chế quyền công dân trong nhận thừa kế, tặng cho chuyển nhượng đất nông nghiệp, hạn chế những người có năng lực sử dụng đất hiệu quả hơn.

16h17: Đại biểu Khương Thị Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định: Thu hút nhà đầu tư quy mô lớn, tránh đầu tư dàn trải, lãng phí đất đai

Đại biểu cho biết, Luật Đất đai là một dự án luật rất quan trọng, các cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra đã tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu Quốc hội. Về cá nhân không trực tiếp nhận chuyển nhượng đất trồng lúa theo quy định tại khoản 7, Điều 45, đại biểu cho rằng cần lập, tổ chức, có phương án sử dụng đất được UBND tỉnh quyết định, có như vậy mới có nhà đầu tư quy mô lớn, đưa khoa học kỹ thuật, thực hiện cơ giới hóa, tránh đầu tư dàn trải, tránh lãng phí đất đai.

Bên cạnh đó, việc bồi thường bằng đất có cùng mục đích sử dụng đất hoặc bồi thường bằng tiền được kế thừa luật đất đai năm 2013, việc bồi thường bằng đất khác mục đích sử dụng đất với đất thu hồi là nội dung mới. Đại biểu đề nghị ban soạn thảo cân nhắc, vì không thống nhất số lượng, khối lượng, đơn giá, khó hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng. Thời gian qua, giá bồi thường đất, nhà nước thu hồi đất với giá khác với giá bồi thường của doanh nghiệp. Đại biểu đề nghị nên quy định một giá trong bồi thường.

16h21: Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương: Đề nghị bổ sung nội dung liên quan đến đất mộ vào dự thảo Luật

Phát biểu ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) tại hội trường, đại biểu Quốc hội Nguyễn Hoàng Bảo Trân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương đã đề xuất một số nội dung còn vướng mắc ở thực tiễn địa phương do chưa được quy định tại Luật hiện hành và cần đưa vào dự thảo trong Luật Đất đai (sửa đổi) lần này...

Về phân loại đất ở, dự thảo Luật hiện tại không quy định về đất mồ mả mà chỉ quy định về đất làm nghĩa trang, nghĩa địa, nhà tang lễ, cơ sở hỏa táng, bảo quản, lưu trữ tro cốt tại Điều 9. Theo đại biểu, do tập quán mai táng và thiếu quy định của pháp luật nên thời gian trước đây người chết thường được chôn trong vườn nhà, trong rẫy ruộng lúa, chôn cất không theo quy hoạch, không đảm bảo vệ sinh môi trường. Điều này gây ảnh hưởng lớn đến các khu đô thị và cả ở nông thôn.

“Do không có quy định của pháp luật nên đất mộ mã không được cấp giấy chứng nhận. Phần đất có mồ mả được khoanh lại mà không quy định đối tượng quản lý, sử dụng. Hiện nay có nhiều dạng tranh chấp liên quan đến đất mồ mả, tranh chấp về quyền quản lý khu đất có mộ trong thân tộc, tranh chấp về việc mở lối đi vào khu mộ…”, đại biểu Trân cho biết. Do đó, đại biểu đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định vấn đề đất mộ trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này.

16h26: Đại biểu Cầm Hà Chung - Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ: Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, nhưng vẫn đảm bảo quản lý chặt chẽ

Tham gia đóng góp ý kiến tại phiên họp, đại biểu Cầm Hà Chung - Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ cho biết, về chuyển mục đích sử dụng đất lâm nghiệp, đất rừng tự nhiên, đại biểu cho biết, Điều 72 dự thảo luật cho phép chuyển mục đích sử dụng đất lâm nghiệp có rừng tự nhiên, theo đó, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thông qua trước khi trình Ủy ban nhân dân tỉnh cho phép chuyển mục đích sử dụng đất. Tuy nhiên, Điều 123 quy định, việc chuyển mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất phải tuân thủ theo tiêu chí, điều kiện do Chính phủ quy định.

Đại biểu cho rằng quy định như trên là trùng lặp, cùng một nội dung nhưng đang được quy định bởi hai luật. Để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, đại biểu đề nghị tiếp tục giữ quy định bãi bỏ khoản 2, Điều 14, Luật Lâm nghiệp như các dự thảo trước. Quy định này phù hợp với thực tế và chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, vẫn đảm bảo quản lý chặt chẽ, vì Trung ương vẫn kiểm soát bằng các quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch lâm nghiệp cấp quốc gia, quy hoạch tỉnh.

Về vấn đề thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, đại biểu đồng tình với quan điểm phải quy định cụ thể trong luật các trường hợp thu hồi đất, thực hiện đúng tinh thần quy định tại khoản 3 Điều 54 Hiến pháp năm 2013. Tuy nhiên, cần là rõ tiêu chí lựa chọn, xác định các trường hợp cụ thể nhà nước thu hồi đất, đảm bảo tính cần thiết. Khi xác định quy mô dự án, cần làm rõ, thế nào là dự án quy mô lớn, với dự án nhà ở thương mại, kinh doanh, dịch vụ gắn với tiêu chí cụ thể, thì cần quy định rõ ai đưa ra tiêu chí này.

16h32: Đại biểu Nguyễn Tạo - Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng phát biểu tranh luận

Tranh luận về vấn đề quản lý, sử dụng đất, trong đó có việc giải quyết về đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đại biểu Nguyễn Tạo khẳng định, thời gian qua, dưới sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các chính sách hỗ trợ đã có tác động rất lớn, làm thay đổi diện mạo của vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong cả nước.

Đồng bào dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, vùng đặc biệt khó khăn, thiếu đất sản xuất đã được hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, hỗ trợ đào tạo nghề, chuyển đổi nghề và tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số đã giảm nhanh, từng bước cuộc sống ổn định hơn và nâng cao đời sống.

Tuy nhiên, theo đại biểu, quá trình đô thị hóa ngày càng gia tăng, kéo theo tình trạng thiếu đất rừng, đất sản xuất, rừng bị khai phá trái phép, tranh chấp đất đai diễn ra ở nhiều vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, có tình trạng đồng bào dân tộc thiểu số di dân tự phát, du canh, du cư vẫn còn tiếp diễn.

Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) thời gian qua đã nhận được nhiều ý kiến khác nhau, trong đó có quy định rõ về trách nhiệm của Nhà nước về đất đai đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Việc dự luật lần này quy định về chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số của Nhà nước về đất đai đã góp phần ổn định hơn, nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc.

Tuy nhiên, để góp phần ổn định cuộc sống, nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số hơn cũng như khuyến khích người dân không phải là đồng bào dân tộc thiểu số đến cư trú và phát triển kinh tế - xã hội tại khu vực này, đại biểu cho rằng cần có bảo đảm về mặt pháp lý để tránh lỗ hổng pháp lý và bảo đảm sự công bằng.

16h34: Đại biểu Trần Quốc Quân - Đoàn ĐBQH tỉnh Long An: Quyền tiếp cận đất đai của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài bị hạn chế.

Đại biểu Trần Quốc Quân quan tâm đến quyền tiếp cận đất đai của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài bị hạn chế, vì vậy, đại biểu đề nghị tại điểm c khoản 1 Điều 28 của dự thảo luật là chọn theo phương án 2. Đó là tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong khu cụm công nghiệp khu công nghệ cao hoặc trong phạm vi dự án đã được Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận quyết định chủ trương đầu tư theo pháp luật về đầu tư, nhưng bổ sung thêm đối tượng là dự án do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư.

Đại biểu Trần Quốc Quân cho biết, quy định về đất đai đối với đầu tư nước ngoài, trước đây luật đầu tư và luật đất đai đều quy định dự án có vốn đầu tư nước ngoài thuộc diện thu hồi đất để cho thuê. Từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực, diện tích thu hồi đất bị thu hẹp và dự án có vốn đầu tư nước ngoài không thuộc diện Nhà nước thu hồi đất theo Điều 62 của Luật Đất đai năm 2013; đồng thời doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cũng không được thỏa thuận với các tổ chức cá nhân để tự giải phóng mặt bằng. Do đó quyền tiếp cận đất đai của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài bị hạn chế và ách tắc nhiều năm nay, ảnh hưởng đến việc triển khai các dự án đầu tư nước ngoài.

Về quy định về thông báo thu hồi đất và chấp hành quyết định thu hồi đất vì mục đích quốc phòng an ninh, phát triển kinh tế xã hội và lợi ích quốc gia công cộng, đại biểu cho rằng, việc thu ngắn thời gian thông báo đối với người có đất bị thu hồi là phù hợp để người dân nhanh chóng ổn định cuộc sống, nhà đầu tư có điều kiện tiếp cận với đất đai nhanh hơn. Hơn nữa, dự án 5 hecta và dự án hàng trăm hecta có thời gian thông báo thu hồi như nhau là không phù hợp với thực tiễn. Ngoài ra với sự đi xen cài giữa đất nông nghiệp và và đất phi nông nghiệp, trong thực tế hiện nay trong cùng một dự án nhưng thời gian thông báo thu hồi của đất của hai loại đất này là khác nhau, gây khó khăn cho công tác thu hồi đất.

Về chính sách quản lý đất công trình xây dựng và không gian trên không, đại biểu đề nghị ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu chỉnh lý bổ sung và hoàn thiện các quy định về xây dựng các công trình ngầm và không gian để sử dụng đất một cách toàn diện và phục vụ công tác quản lý đất đai được chặt chẽ đồng bộ và đây cũng là những vấn đề sẽ phát sinh và có nhiều vướng mắc trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, phát triển đô thị trong thời gian tới nếu chúng ta không quy định trong luật. Luật được ban hành để điều chỉnh các mối quan hệ phát sinh trong thực tế và sẽ điều chỉnh các mối quan hệ sẽ phát sinh trong tương lai.

16h40: Đại biểu Lò Thị Luyến - Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên: Tháo gỡ khó khăn cho địa phương về thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng

Qua nghiên cứu dự thảo Luật, đại biểu Lò Thị Luyến - Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên nhận thấy, Quốc hội và Chính phủ đã rất thận trọng và cầu thị, nhất là đối với những chính sách quan trọng, đã nghiên cứu thiết kế nhiều phương án, phân tích rất cụ thể ưu, nhược điểm của từng phương án, xin ý kiến các cơ quan, tổ chức liên quan và ĐBQH.

Góp ý về quy định thẩm quyền chuyển mục đích sử dụng đất rừng là rừng tự nhiên, đại biểu Lò Thị Luyến nhận thấy, tại dự thảo Luật sửa đổi khoản 2 Điều 14 Luật Lâm nghiệp, nội dung này còn nhiều vấn đề bất hợp lý. Đề nghị bãi bỏ khoản 2 Điều 14 Luật Lâm nghiệp như dự thảo Chính phủ trình tại Kỳ họp thứ 5. Nếu được như vậy, các địa phương sẽ rất phấn khởi vì sẽ giúp tháo gỡ khó khăn cho địa phương về thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng khi triển khai các dự án có sử dụng đất rừng, góp phần đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Đại biểu Lò Thị Luyến đề nghị chưa thông qua tại Kỳ họp 6 này để có thời gian nghiên cứu thấu đáo, kĩ lưỡng lựa chọn các phương án mà Ban soạn thảo đưa ra cho thật sự phù hợp. Vì đây là luật quan trọng liên quan tới các đối tượng trong xã hội.

Do đó, đại biểu Lò Thị Luyến đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổ chức kỳ họp chuyên đề vào thời gian tới như dự kiến và nên chuyển tài liệu cho đại biểu sớm để nghiên cứu thấu đáo các nội dung.

Về giải thích từ ngữ tại Điều 3 khoản 26, đại biểu Lò Thị Luyến đề nghị cần củng cố căn cứ pháp lý rõ ràng hơn về hành vi hủy hoại đất, gây ô nhiễm đất…, làm cơ sở pháp lý về các cơ quan quản lý nhà nước ngăn chặn, xử lý hành vi trên. Do đó, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung khoản 26 như sau: Hủy hoại đất là hành vi làm biến dạng địa hình, làm suy giảm chất lượng đất, làm suy giảm hệ sinh vật và vi sinh vật trong đất, gây ô nhiễm đất hoặc giảm khả năng sử dụng đất theo mục đích đã được xác định.

16h54: Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu

Thay mặt cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết sẽ tiếp tục phối hợp rà soát tổng hợp đầy đủ ý kiến đại biểu Quốc hội thảo luận để hoàn thiện dự thảo Luật. Ghi nhận các đại biểu chia sẻ với nội dung luật khó phức tạp, cầu thị tiếp thu nhiều ý kiến nhưng đến nay còn nhiều ý kiến khác nhau.

Về sự thống nhất của hệ thống pháp luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết liên quan đến đất rừng, qua trao đổi với Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thống nhất chính sách phân cấp, cấp ủy quyền cho Hội đồng nhân dân các địa phương và thời gian tới cần sửa Luật Lâm nghiệp để thống nhất.

Về Điều 79, nhiều đại biểu quan tâm và các ý kiến đều thống nhất với nội dung bổ sung quy định cho phép Nhà nước thu hồi đất trong trường hợp dự án đã được Quốc hội, Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư. Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị mở rộng đối tượng.

Về các khoản nhà nước thu hồi đất, quy định theo hướng liệt kê, một số đại biểu cho rằng liệt kê chưa đủ, song cần bám vào Điều 54 của Hiến pháp với yêu cầu là phải thật cần thiết.

Liên quan đến các dự án thuộc diện thu hồi đất, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết nếu mà doanh nghiệp, nhà đầu tư mà muốn được thỏa thuận, các đại biểu cũng ủng hộ theo hướng này để trong quá trình thỏa thuận bảo đảm hài hòa lợi ích giữa người dân và doanh nghiệp và tránh các khiếu kiện phức tạp. Các đại biểu cũng còn băn khoăn ở trong trường hợp thỏa thuận không thành công thì cũng cần phải có cơ chế xử lý.

Về các điều kiện để mà nhà đất thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia công cộng thì một trong những yêu cầu của Nghị quyết 18-NQ/TW là có thể thu hồi đất nhưng phải có phương án cho người dân để bảo đảm ổn định cuộc sống cho người dân. Do đó, dự thảo Luật quy định về 7 trường hợp, phương án bắt buộc phải có. Theo đó, chỉ có trong trường hợp bắt buộc phải có tái định cư thì phải hoàn thành các khu tái định cư. Đồng thời, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị cho phép quy định trong trường hợp chưa hoàn thành khu tái định cư, bởi vì mất nhiều thời gian để xây dựng khu tái định cư thì có bố trí tạm cư và người dân phải đồng thuận.

Liên quan đến các chính sách bảo đảm đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số, dự thảo Luật đã có Điều 16 và một số các điều khoản khác liên quan để mà thực hiện chính sách này, trong đó xử lý đất ở, đất sản xuất lần đầu; có cơ chế để xử lý trong trường hợp chuyển nhượng hay thừa kế để bảo đảm quỹ đất để cho bố trí cho đồng bào dân tộc thiểu số từ đất đai của sắp xếp lại các nông lâm trường, các dự án phát triển quỹ đất…Tuy nhiên các ý kiến vẫn cho rằng phạm vi còn hẹp so với Nghị quyết 18-NQ/TW bởi không phải chỉ có vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi mà ở các vùng khác…Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu vấn đề này để đưa vào luật bảo đảm tính khả thi.

Về trường hợp nhận chuyển nhượng đất trồng lúa, Chủ nhiệm ủy ban Kinh tế cho biết qua thảo luận nhận thấy các ý kiến thiên về phương án 3 trong trường hợp cá nhân không trực tiếp sản xuất nhưng trong hạn mức nhất định thì không cần thiết phải thành lập tổ chức và phải có phương án sản xuất.

16h56: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải kết luận nội dung thảo luận

Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, trong ngày hôm nay, đã có 49 đại biểu phát biểu, 16 đại biểu tranh luận, 72 đại biểu đã đăng ký nhưng chưa phát biểu do hết thời gian, đề nghị các đại biểu gửi ý kiến bằng văn bản đến Ban Thư ký để tổng hợp. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đã phát biểu giải trình, làm rõ các vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao việc chuẩn bị báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ, cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra cùng các cơ quan hưu quan, thống nhất với nhiều nội dung của dự thảo Luật, đồng thời tham gia nhiều ý kiến để hoàn thiện dự án luật. Ý kiến của các đại biểu Quốc hội là cơ sở để Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo hoàn thiện, trình Quốc hội lựa chọn xem xét phương án khả thi nhất.

Các đại biểu Quốc hội cũng đã cho ý kiến về các nội dung như phạm vi điều chỉnh, tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật cùng nhiều vấn đề trọng tâm trong dự án luật. Tuy nhiên, dự án luật còn nhiều vấn đề phức tạp, tác động, ảnh hưởng lớn, liên quan đến nội dung một số dự án luật khác cũng đang được Quốc hội trình trong Kỳ họp này, vì vậy, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội tiếp tục tham gia góp ý bằng văn bản để cơ quan có thẩm quyền tiếp thu, hoàn chỉnh một cách thận trọng, kỹ lưỡng và toàn diện.

Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, ý kiến của các đại biểu Quốc hội đã được ghi âm, ghi chép đầy đủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra, cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu đầy đủ các ý kiến tham gia để chỉnh lý, hoàn thiện báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, hoàn thiện dự án luật, đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổ chức phiên họp giữa hai đợt họp để cân nhắc kỹ lưỡng, đánh giá nhiều mặt để báo cáo Quốc hội, chỉ trình Quốc hội thông qua khi dự án luật đảm bảo chất lượng, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn và khả thi. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội tiếp tục tham gia với tinh thần trách nhiệm cao vào việc hoàn thiện dự thảo luật. Phiên thảo luận về luật Đất đai (sửa đổi) kết thúc.

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=81716