Toyota và Hyundai vẫn thận trọng với ôtô động cơ PHEV
Toyota và Hyundai từ chối chạy đua nâng dung lượng pin PHEV vì lo ngại chi phí và tính khả thi, dù EU ưu ái xe hybrid sạc điện có phạm vi chạy dài.
Video: Xe ôtô động cơ PHEV tại sao ít người mua?
Xe hybrid sạc điện (PHEV) ngày càng được ưa chuộng nhờ khả năng kết hợp giữa động cơ đốt trong truyền thống và chế độ lái điện hoàn toàn cho các quãng đường ngắn trong đô thị. Với người dùng, đây là lựa chọn phù hợp trong giai đoạn chuyển giao từ xe xăng sang xe điện. Tuy nhiên, thay vì chạy đua nâng dung lượng pin như nhiều hãng xe khác, Toyota và Hyundai lại chọn chiến lược cẩn trọng, tập trung vào chi phí hợp lý và khả năng thương mại hóa.

Toyota và Hyundai từ chối chạy đua nâng dung lượng pin PHEV vì lo ngại chi phí và tính khả thi, dù EU ưu ái xe hybrid sạc điện có phạm vi chạy dài.
Kể từ ngày 1/1/2025, Liên minh châu Âu (EU) sẽ thay đổi cách tính lượng khí thải CO2 theo hướng ưu tiên các mẫu PHEV có pin dung lượng lớn và phạm vi chạy điện dài. Điều này giúp các xe như Lynk & Co 08 PHEV có thể đạt chỉ số phát thải cực thấp nhờ phạm vi chạy điện lên đến 200 km, hay Audi Q3 mới đạt 119 km.
Tuy nhiên, ông Andrea Carlucci - đại diện Toyota châu Âu cho rằng phạm vi 100 km là mức cân bằng hợp lý. Việc trang bị pin quá lớn cho xe không phải xe điện thuần túy sẽ làm tăng đáng kể chi phí do cần thêm linh kiện hỗ trợ. Toyota hiện có mẫu C-HR PHEV với phạm vi chạy điện 66 km và RAV4 PHEV đạt 100 km đều ở mức kiểm soát được về giá thành và hiệu quả sử dụng.

Việc trang bị pin quá lớn cho xe không phải xe điện thuần túy sẽ làm tăng đáng kể chi phí do cần thêm linh kiện hỗ trợ.
Hyundai cũng chia sẻ quan điểm với Toyota. Hãng hiện đang cung cấp mẫu Santa Fe PHEV với phạm vi lái điện khoảng 55 km và chưa có kế hoạch nâng cấp mạnh mẽ dòng PHEV tại thị trường châu Âu.
CEO Hyundai châu Âu - Ông Xavier Martinet cho rằng cả PHEV và xe điện mở rộng phạm vi (EREV) chỉ là công nghệ chuyển tiếp, không phải giải pháp lâu dài. Việc cố gắng nâng cấp chúng quá mức chỉ khiến chi phí tăng cao và làm phức tạp thêm lộ trình chuyển đổi sang xe điện hoàn toàn. “Câu hỏi là: Chúng ta nên dừng lại ở đâu?”, ông Martinet đặt vấn đề.

CEO Hyundai châu Âu - Ông Xavier Martinet cho rằng cả PHEV và xe điện mở rộng phạm vi (EREV) chỉ là công nghệ chuyển tiếp, không phải giải pháp lâu dài.
Dù các mẫu PHEV với phạm vi chạy điện dài đang giúp hãng xe giảm lượng khí thải CO2 để đáp ứng tiêu chuẩn châu Âu, luật khí thải sẽ tiếp tục được siết chặt vào năm 2028. Theo ông Martinet, chỉ trong hai hoặc ba năm tới, PHEV có thể sẽ không còn hấp dẫn như hiện tại. Điều này cho thấy các hãng xe cần xác định rõ giới hạn đầu tư cho PHEV và đẩy nhanh chiến lược phát triển xe điện hoàn toàn.