TP.HCM bỏ hoang 'mỏ vàng' không gian ngầm - Bài 2: Dò dẫm 'hạ ngầm đô thị'

Các đồ án quy hoạch chung, quy hoạch phân khu đến quy hoạch chi tiết của TP.HCM đều chưa đề cập nội dung quy hoạch không gian ngầm. Thành phố đang từng bước dò dẫm khai thác 'mỏ vàng' này.

Khai thác “mỏ vàng” không gian ngầm là vấn đề tất yếu của các đô thị phát triển trên thế giới. Tại TP.HCM, với quy mô hơn 13 triệu dân và diện tích ngày càng mở rộng, đề xuất quy hoạch sử dụng không gian ngầm được xem là nhu cầu cấp thiết để định hướng đầu tư xây dựng, bảo đảm tầm nhìn lâu dài, khai thác hiệu quả trong tương lai. Được xác định là cấp thiết, nhưng suốt 15 năm qua, quy hoạch không gian ngầm vẫn chỉ là… đề xuất.

Bài 2: Dò dẫm “hạ ngầm đô thị”

Các đồ án quy hoạch chung, quy hoạch phân khu đến quy hoạch chi tiết của TP.HCM đều chưa đề cập nội dung quy hoạch không gian ngầm. Thành phố đang từng bước dò dẫm khai thác “mỏ vàng” này.

Những viên gạch đầu tiên

Khu vực trước chợ Bến Thành sau nhiều năm rào chắn để làm tuyến metro, nay đã được hoàn trả mặt bằng, là nơi dừng chân của người dân và du khách mỗi chiều tối. Ở sâu hơn 30 m dưới lòng đất, không gian ngầm đô thị lớn nhất của TP.HCM - ga Bến Thành (thuộc tuyến metro số 1) dần hiện ra.

Ga ngầm Bến Thành còn được gọi là nhà ga trung tâm Bến Thành, nằm tại khu vực trung tâm TP.HCM, phía bên dưới đường Lê Lợi và công viên Quách Thị Trang trước chợ Bến Thành. Theo Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR), đây là một trong 3 ga ngầm của tuyến metro số 1 cùng với ga Nhà hát Thành phố và ga Ba Son.

Ngoài phục vụ hành khách tuyến metro số 1, ga ngầm Bến Thành còn là điểm trung chuyển, kết nối các tuyến metro khác như tuyến metro số 2 Bến Thành - Tham Lương, tuyến metro số 3A Bến Thành - Tân Kiên và tuyến metro số 4 Thạnh Xuân - Khu đô thị Hiệp Phước. MAUR cho biết, nhà ga trung tâm Bến Thành được thiết kế phù hợp với cảnh quan kiến trúc xung quanh và được kỳ vọng là một trong những biểu tượng mới của TP.HCM.

Sắp tới, khi tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên hoàn thành và đưa vào khai thác, ga trung tâm thương mại ngầm Bến Thành sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn không chỉ cho hành khách đi tàu, mà còn thu hút du khách đến tham quan, mua sắm tại TP.HCM, đặt những “viên gạch” đầu tiên trong tham vọng mở rộng không gian dưới lòng đất của Thành phố.

Ngoài không gian ngầm dưới đường Lê Lợi, TP.HCM còn định hướng phát triển 2 không gian ngầm khác ở khu trung tâm là khu vực đường Nguyễn Huệ và khu vực mới là công viên bến Bạch Đằng (gồm cả không gian ngầm đường Tôn Đức Thắng và công trường Mê Linh). Quy hoạch này được thực hiện theo Quy chế Quản lý kiến trúc TP.HCM do UBND Thành phố ban hành vào cuối năm 2021.

Theo quy hoạch của TP.HCM, khu vực bến Bạch Đằng có nhiều không gian ngầm với mục đích sử dụng đa dạng như trung tâm thương mại, bãi đậu xe đến đường giao thông. Trong đó, đường Tôn Đức Thắng sẽ được ngầm hóa để phục vụ giao thông. Bãi đậu xe công cộng ngầm Tôn Đức Thắng nằm cách công trường Mê Linh khoảng 100 m về phía Nam đường Ngô Văn Năm, dọc theo đường Tôn Đức Thắng.

Tại tầng ngầm của công trường Mê Linh, sẽ có một vườn trũng ở giữa công trường Mê Linh, bố trí cửa hàng bán lẻ, quán cà phê, nhà hàng... xung quanh. Vườn trũng này kết nối trực tiếp với bãi đậu xe ngầm ở dưới đường Tôn Đức Thắng và có đầu mối bảo đảm kết nối với không gian ngầm của các tòa nhà xung quanh trong tương lai.

Còn dưới đường Nguyễn Huệ có ít nhất 2 tầng hầm, gồm 1 tầng hầm được bố trí làm trung tâm thương mại và 2 hoặc 3 tầng giữ xe ở phía dưới. Ở tầng hầm thứ nhất có hành lang dành cho người đi bộ kết nối Nhà hát Thành phố với công viên dọc sông Sài Gòn. Các thang cuốn, thang máy kết nối giữa các tầng ngầm với mặt đất được bố trí gần các trạm xe buýt để người dân có thể dễ dàng đi lại giữa các trung tâm thương mại và hệ thống giao thông công cộng.

Để hiện thực hóa quy hoạch trên, năm ngoái, UBND TP.HCM đã ban hành quyết định về việc thành lập Tổ công tác đầu tư nghiên cứu phát triển không gian đô thị khu vực trung tâm Thành phố, định hướng phát triển về giao thông, bến bãi đậu xe, trung tâm thương mại ngầm, không gian ngầm.

Tổ công tác có nhiệm vụ tổng hợp thông tin, đánh giá toàn diện hiện trạng khu vực về lịch sử, văn hóa, kinh tế - xã hội, hạ tầng kỹ thuật, giao thông, kiến trúc cảnh quan đô thị, các đồ án quy hoạch trước đây và kết quả của các cuộc thi ý tưởng phát triển quy hoạch không gian đô thị khu vực trung tâm Thành phố.

Việc đánh giá hiện trạng là để xây dựng phương án định hướng thiết kế đô thị tổng thể và đề xuất kế hoạch đầu tư xây dựng khu vực trung tâm Thành phố tại các trục đường Lê Lợi - Nguyễn Huệ - Tôn Đức Thắng - Hàm Nghi, Công viên 23/9, khu vực nhà ga Bến Thành, chợ Bến Thành (bao gồm định hướng phát triển giao thông, quy hoạch xây dựng không gian trên mặt đất và phát triển không gian ngầm).

Thiếu kết nối, quy hoạch còn rời rạc

Việc 3 khu vực không gian ngầm được đưa vào quy hoạch chính thức tại quy chế quản lý kiến trúc nêu trên được xem là những “bước đi” đầu tiên để TP.HCM tiến tới khai phá “mỏ vàng” dưới lòng đô thị. Tuy nhiên, đó mới là câu chuyện của tương lai.

Còn hiện nay, khu trung tâm Thành phố chỉ có lác đác vài không gian ngầm là tầng hầm của các trung tâm thương mại, tòa nhà cao tầng, nhưng cũng chỉ có khu mua sắm, ăn uống hay bãi giữ xe, nên chưa có vai trò gì trong việc mở rộng kết nối hệ thống giao thông, hay giảm tải cho không gian trên mặt đất.

Đáng nói là, do chưa có quy hoạch tổng thể không gian ngầm, nên nhiều dự án tại TP.HCM khi triển khai các công trình ngầm, từ dự án trong khu trung tâm đến các dự án ở ngoại thành, đều vướng quy hoạch. Chẳng hạn, Công ty TNHH Thương mại, Xây dựng Lê Thành (Công ty Lê Thành) hồi tháng 4/2024 đã gửi công văn đến UBND TP.HCM nêu những khó khăn khi chuẩn bị thực hiện Dự án Nhà ở xã hội Lê Thành tại xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh.

Theo văn bản do ông Trần Văn Phúc, Phó giám đốc Công ty Lê Thành ký, trong phương án thiết kế của Dự án Nhà ở xã hội Lê Thành, Công ty đề xuất xây dựng 2 khu vực có hầm (mỗi hầm có 1 tầng với tổng diện tích hầm chiếm khoảng 60% diện tích toàn khu đất) để làm bãi đỗ xe. Tuy nhiên, khi triển khai, doanh nghiệp thấy nội dung quy hoạch không gian ngầm chưa được thể hiện trong điều chỉnh cục bộ Đồ án Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 khu trung tâm và dân cư khu vực phía Tây Thành phố, xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh.

Việc thiếu nội dung trên gây trở ngại khi thực hiện các thủ tục pháp lý để triển khai lập quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 và đầu tư xây dựng dự án, như các bước thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, cấp phép xây dựng phải đảm bảo quy mô công trình phù hợp với quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết xây dựng đã được phê duyệt (phải có quy hoạch không gian ngầm để đầu tư xây dựng tầng hầm).

Không chỉ dự án nhà ở gặp vướng mắc liên quan đến không gian ngầm, mà dự án tại các khu công nghiệp cũng gặp vô vàn trở ngại khi thực hiện công trình có liên quan đến không gian ngầm. Cuối tháng 10/2023, Công ty cổ phần Acecook Việt Nam có Văn bản số 2043/2023/AV-HCM gửi Ban Quản lý các khu chế xuất - công nghiệp TP.HCM (Hepza) xin chủ trương xây dựng tầng hầm để xe cho Dự án Trung tâm Nghiên cứu phát triển Acecook, tại Lô II-7, đường số 8, Khu công nghiệp Tân Bình. Sau 6 tháng chờ đợi, thủ tục xây dựng vẫn chưa được cơ quan chức năng phê duyệt.

Báo cáo điều chỉnh Quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 (do Liên danh tư vấn gồm Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia, Viện Quy hoạch miền Nam, Công ty TNHH Không Gian Xanh và Công ty EnCity thực hiện) đánh giá, các không gian ngầm hiện tại của TP.HCM được quy hoạch một cách rời rạc, không có kết nối và định hướng chung. Việc này gây lãng phí về tài nguyên, tạo lập các không gian kém thu hút và dễ bị lãng quên.

Không gian ngầm định hướng hiện tại chủ yếu hướng vào 3 chức năng chính: giao thông công cộng với các tuyến đường sắt đô thị chạy ngầm trong khu vực trung tâm đô thị; giao thông tĩnh gồm nhà ga đường sắt đô thị và định hướng loại hình các bãi đỗ xe; thương mại khi các khu phố mua sắm tích hợp với ga đường sắt ngầm. Tuy vậy, định hướng đấu nối liên kết với mặt đất, định hướng kết nối mạng lưới không gian ngầm và định hướng các hạ tầng dịch vụ đô thị… chưa được đưa ra.

Ông Hoàng Duy Kiên, Giám đốc, Trưởng bộ phận Xây dựng của ARUP Việt Nam cho rằng, thay vì là những chủ thể độc lập được đặt ở một vị trí nhất định, thì các tòa nhà cần được coi là một phần của mạng lưới giao thông. Song để thực hiện được thì phải có kế hoạch cụ thể và phù hợp, trước mắt là cần có một bản quy hoạch.

Theo ông Kiên, nhìn trên tổng thể quy hoạch, chúng ta có thể xác định được các chức năng của từng công trình, từ đó xác định hướng phát triển, xây dựng một khuôn mẫu để phát triển và sử dụng hệ thống không gian ngầm dưới sự quản lý của cơ quan quy hoạch. Sau đó, các hướng dẫn chi tiết sẽ được xây dựng cho tất cả các chủ thể liên quan như các tòa nhà cao tầng để đảm bảo sự hoạt động của cả hệ thống một cách đồng bộ. Tất nhiên, những quy hoạch đầu tiên này có thể được điều chỉnh sau đó theo thực tế.

Nhu cầu xây dựng ngầm ngày càng tăng tỷ lệ thuận với sự gia tăng giá trị sử dụng đất và sự khan hiếm diện tích mặt đất để bố trí xây dựng công trình. Vì vậy, việc quy hoạch xây dựng không gian ngầm tại TP.HCM là nhu cầu rất cấp thiết nhằm định hướng đầu tư xây dựng và bảo đảm tầm nhìn lâu dài, khai thác hiệu quả không gian trong tương lai.

(Còn tiếp)

Trọng Tín

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/tphcm-bo-hoang-mo-vang-khong-gian-ngam---bai-2-do-dam-ha-ngam-do-thi-d217588.html