Có nên bỏ thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư?
Thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư sau gần hai thập kỷ áp dụng đang bộc lộ nhiều bất cập, gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Chấp thuận chủ trương đầu tư là thủ tục gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Ảnh: Hoàng Anh.
Thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư và "8 không" phải đập bỏ
Kiến nghị bãi bỏ các rào cản, tắc nghẽn thể chế, ngăn cản các doanh nghiệp tư nhân trong nước gia nhập thị trường, tự do kinh doanh, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư là một trong những quy định "đủ chỉ tiêu để bãi bỏ ngay".
Theo ông Cung, đây là thủ tục có đến "8 không": không rõ mục tiêu quản lý, không rõ ràng, không cụ thể, không hợp lý, không minh bạch, không hiệu lực, không hiệu quả, không thể tiên liệu trước và chồng chéo, trùng lặp với nhiều quy định khác.
Do đó, ông kiến nghị cần phải đập bỏ, chứ không phải sửa đổi, hoàn thiện thêm.
Về bản chất, quy định chấp thuận chủ trương đầu tư là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận về mục tiêu, địa điểm, quy mô, tiến độ, thời gian thực hiện dự án, nhà đầu tư hoặc hình thức lựa chọn nhà đầu tư và các cơ chế, chính sách đặc biệt (nếu có) để thực hiện dự án đầu tư.
Nhìn lại quá khứ, ông Cung cho biết, trước năm 2005, pháp luật về FDI và đầu tư trong nước hoàn toàn tách biệt. Đầu tư trong nước không cần chấp thuận chủ trương đầu tư.
Tuy nhiên, cũng trong năm này, Chính phủ xây dựng luật đầu tư chung, chuẩn bị cho gia nhập WTO. Trước yêu cầu quản lý FDI theo dự án và tạo rào cản, hạn chế gia nhập thị trường Việt Nam đối với đầu tư nước ngoài, pháp luật quy định các doanh nghiệp FDI phải có dự án đầu tư được chấp thuận mới được đăng ký thành lập doanh nghiệp.
Với yêu cầu phải đối xử bình đẳng giữa các khu vực doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong nước cũng phải có chấp thuận chủ trương đầu tư, nhưng không yêu cầu phải có trước khi thành lập doanh nghiệp.
Như vậy, chấp thuận chủ trương đầu tư là một "phiên bản" được đơn giản hóa của cấp phép FDI từ năm 2005. Mặc dù vậy, trong khi các thủ tục đối với doanh nghiệp FDI rất đơn giản, thuận lợi, thì đối với đầu tư trong nước lại là gánh nặng về chi phí, thời gian và thủ tục hành chính xin - cho, hoàn toàn không cần thiết.
Ông Cung dẫn chứng, hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư rất phức tạp, rối rắm và đưa ra nhiều yêu cầu. Điều này khiến đại đa số doanh nghiệp nhỏ và vừa không có khả năng làm đủ hồ sơ, tức là chưa thể "qua được vòng gửi xe" như người dân thường nói.
Theo đó, văn bản đề nghị thực hiện dự án đầu tư gồm các tài liệu về tư cách pháp lý của nhà đầu tư. Tài liệu chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư, báo cáo tài chính hai năm gần nhất, cam kết hỗ trợ tài chính của công ty mẹ, cam kết hỗ trợ tài chính của tổ chức tài chính.
Điều này có nghĩa, nhà đầu tư phải tồn tại ít nhất hai năm trên thị trường, những doanh nghiệp mới thành lập trong vòng hai năm không có quyền đầu tư; doanh nghiệp không có công ty mẹ, không có cam kết hỗ trợ tài chính của tổ chức tài chính cũng không đủ hồ sơ tham dự. Đây là các quy định "khó hơn lên trời" đối với các doanh nghiệp mới thành lập.
Bên cạnh đó, theo ông Cung, quy định này cũng trùng lặp và không chi tiết bằng báo cáo khả thi theo Luật Xây dựng.
Cụ thể, dự án đề xuất đầu tư gồm các nội dung chủ yếu như: mục tiêu đầu tư, quy mô đầu tư, vốn đầu tư và phương án huy động vốn, địa điểm, thời gian, tiến độ thực hiện, thông tin hiện trạng sử dụng đất tại địa điểm thực hiện dự án và đề xuất nhu cầu sử dụng đất nếu có, nhu cầu về lao động, đề xuất hưởng ưu đãi đầu tư, tác động, hiệu quả kinh tế xã hội của dự án, đánh giá sơ bộ tác động môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Trong khi đó, thủ tục này không thay thế được quản lý về đánh giá tác động môi trường; không thay thế được giấy phép xây dựng và kiểm soát chất lượng công trình; cũng không thay thế được các thủ tục tiếp cận đất đai cho dự án đầu tư.
Mặt khác, nội dung thẩm định đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư cũng quá mù mờ. Đơn cử như việc đánh giá sự phù hợp của dự án đầu tư với quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị và quy hoạch đơn vị hành chính đặc biệt
Ông Cung đặt câu hỏi, như thế nào là phù hợp, phù hợp quy hoạch cả năm cấp hay chỉ một là đủ, tại sao lại phù hợp với quy hoạch đô thị mà không có quy hoạch nông thôn. Việc đánh giá nhu cầu sử dụng đất, hiệu quả kinh tế xã hội theo tiêu chí nào, nhu cầu sử dụng đất như thế nào thì được chấp thuận...
Lối tư duy, công cụ quản lý "phản" lại sự phát triển
Một yếu tố khác là việc điều chỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư cũng là lối tư duy, công cụ quản lý "phản" sự phát triển.
Theo đó, nhà đầu tư có dự án đầu tư đã được chấp thuận chủ trương đầu tư sẽ phải thực hiện thủ tục chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư nếu thay đổi mục tiêu đã được quy định tại văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư, bổ sung mục tiêu thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư, thay đổi quy mô diện tích sử dụng đất trên 10% hoặc trên 30ha, thay đổi địa điểm đầu tư, thay đổi tổng vốn đầu tư từ 20% trở lên làm thay đổi quy mô dự án đầu tư...
Thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư khiến doanh nghiệp chỉ được kinh doanh những cái cơ quan nhà nước cho phép, chứ không phải là tự do kinh doanh những điều luật pháp không cấm. Tệ hơn, doanh nghiệp chỉ được làm trong phạm vi hiểu biết cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Điều này đã ngăn cản, triệt tiêu những phát minh, đổi mới sáng tạo.
TS. Nguyễn Đình Cung
Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

Ông Cung đặt câu hỏi, tại sao thay đổi 10% hay trên 30ha diện tích sử dụng đất phải xin cơ quan nhà nước chấp thuận điều chỉnh. Điều cần nói là nếu doanh nghiệp thay đổi để phát triển dự án tốt hơn, sử dụng đất hiệu quả hơn, nhưng vẫn phải xin được cơ quan nhà nước cho phép mới được làm.
Trường hợp doanh nghiệp làm tốt hơn hay hiệu quả hơn, nhưng chưa xin phép hoặc xin mà chưa được đồng ý, thì có nghĩa là doanh nghiệp đang kinh doanh không đúng quy định, đang vi phạm quy định pháp luật về đầu tư
"Việc quản lý như vậy không có giá trị gì cả mà chỉ gây nên tốn kém xã hội", vị chuyên gia này nhấn mạnh và cho rằng, yêu cầu phải có chấp thuận chủ trương đầu tư là trái hoàn toàn với cơ chế thị trường. Việc sản xuất sản phẩm gì, sản xuất ở đâu, sản xuất bao nhiêu, cho ai, như thế nào là do nhà đầu tư quyết định, không phải do cơ quan nhà nước chấp thuận.
Đây hoàn toàn là một thủ tục hành chính xin - cho, không có mục tiêu quản lý, can thiệp hành chính vào hoạt động đầu tư kinh doanh, gây nhiều tốn kém về thời gian và tiền bạc một cách không cần thiết, tạo ra nút thắt thể chế đối với huy động vốn, phân bổ và sử dụng vốn.
Bản chất ở đây là doanh nghiệp chỉ được quyền kinh doanh những cái cơ quan nhà nước cho phép, chứ không phải là tự do kinh doanh những điều luật pháp không cấm. Tệ hơn, doanh nghiệp chỉ được làm trong phạm vi hiểu biết cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Điều này đã ngăn cản, triệt tiêu những phát minh, đổi mới sáng tạo, thậm chí tạo ra rủi ro pháp lý vô cùng lớn đối với nhà đầu tư.
Những cơ chế chính sách này đang gây những tác động tiêu cực với doanh nghiệp, lãng phí thời gian, tiền bạc của doanh nghiệp. Quy định này không chỉ hạn chế nghiêm trọng quyền tự do kinh doanh mà còn là rào cản lớn đối với đổi mới sáng tạo, ngăn cản áp dụng công nghệ tốt hơn, cách làm hay hơn, tốt hơn, hiệu quả hơn.
Do đó, phải "đập bỏ", tháo bỏ một cách dứt khoát các điểm nghẽn thể chế, không thể quản lý theo cách không quản được thì cấm, hay năng lực đến đâu thì mở ra đến đó, mà phải chuyển sang hệ thống pháp luật, đảm bảo tự do kinh doanh, khuyến khích đổi mới sáng tạo, mở rộng và kiến tạo.
"Phương châm ở đây là không chỉ lót ổ cho đại bàng mà phải xây nhiều cánh rừng đầy hoa để đàn ong lấy tổ làm mật và cả chim chóc về làm tổ, biết đâu lại có đại bàng non trong số đó", ông Cung nhìn nhận.
Băn khoăn cơ quan chịu trách nghiệm đối với dự án đầu tư
Cùng chung quan điểm cho rằng, các thủ tục hành chính về đất đai, đầu tư cần được giảm thiểu, bãi bỏ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, tuy nhiên luật sư Nguyễn Văn Đỉnh cho rằng, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư là điều không thể bỏ.
Theo ông Đỉnh, pháp luật cần phải duy trì thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư. Bởi, dự án đầu tư được chấp thuận (hiểu nôm na là được cơ quan nhà nước cho phép làm) căn cứ vào sự đánh giá có phù hợp với hệ thống các quy hoạch hay không. Trong khi đó, để đánh giá sự phù hợp này cần có một bước đánh giá, tổng rà soát cuối cùng - chính là thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư.
"Nếu bỏ đi thì ai, cơ quan nào sẽ đánh giá sự phù hợp? Các quy hoạch giống như là những bộ phận đầu, tai, chân, đuôi,... của con voi, ai ráp nó lại để có con voi hoàn chỉnh", ông Đỉnh đặt câu hỏi.
Chình vì vậy, theo vị luật sư này, quy định bỏ thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư không có ý nghĩa trong thực tiễn, tưởng rằng sẽ cắt giảm một điểm nghẽn nhưng sẽ làm phình thêm những điểm nghẽn mới.
Mặt khác, quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư là cơ sở để xác lập dự án đầu tư, qua đó xác lập rõ ràng các thông tin: quy mô, mục tiêu, thời hạn thực hiện, tiến độ thực hiện, quyền - nghĩa vụ của các bên với nhau (của nhà nước, nhà đầu tư...), xác định các ưu đãi đầu tư mà nhà đầu tư sẽ được hưởng.
Những nội dung ấy, nếu không có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư sẽ không thể xác định. Nếu không xác định rõ ràng ngay từ đầu, quá trình thực hiện phát sinh bất cập, tranh cãi.
Lúc đó, cơ quan, đơn vị nào sẽ đứng ra giải quyết, chịu trách nhiệm. Các dự án lúc đó nhiều khả năng sẽ phải "phanh lại" để phát công văn đi hỏi khắp nơi như những gì đã thấy suốt mấy năm qua.
Ông Đỉnh lấy ví dụ, nếu không làm chấp thuận chủ trương đầu tư mà giao nhà đầu tư thực hiện, đến bước giao đất thì rà soát thấy 9/10 loại quy hoạch đã phù hợp nhưng còn một quy hoạch không phù hợp, sẽ lại phải dừng dự án lại để sửa quy hoạch. Thời gian này có thể kéo dài mất hai năm.
Như vậy, thủ tục quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư là cần thiết. Ông Đỉnh cho rằng, vấn đề còn lại chỉ là thúc đẩy các thủ tục khác liên quan để rút ngắn thời gian thực hiện và tạo điều kiện cho doanh nghiệp.
Đơn cử như việc sửa Luật Đầu tư để phân cấp triệt để thẩm quyền cho cấp địa phương. Điều này, dự thảo sửa Luật Đầu tư đang trình Quốc hội theo hướng phân cấp này, rất đáng hoan nghênh. Thứ hai là thủ tục thẩm định, đánh giá, chấp thuận chủ trương đầu tư phải nhanh, gọn hơn, tối giản nhất có thể, tránh cồng kềnh như hiện nay, vị luật sư này chia sẻ.
Đồng quan điểm, ông Phan Đức Hiếu, Đại biểu Quốc hội, chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư hiện còn nhiều bất cập, khiến doanh nghiệp phải chờ đợi, việc điều chỉnh kéo dài từ một đến nhiều năm mới hoàn thiện.
Theo ông Hiếu, đây là bất cập cần được xem xét tháo gỡ bằng những giải pháp mạnh mẽ trong nghị quyết của Quốc hội trong thời gian tới.
Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/co-nen-bo-thu-tuc-chap-thuan-chu-truong-dau-tu-d40108.html