TP.HCM: Chợ truyền thống vắng khách sau mở cửa

Trở lại trạng thái bình thường mới, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phúc tạp, thu nhập người dân giảm cộng với sự cạnh tranh của các kênh bán hàng hiện đại… đã khiến các chợ truyền thống trở lên vắng vẻ so với thời điểm dịch bệnh chưa bùng phát.

Khung cảnh ảm đạm, vắng vẻ ở các chợ truyền thống sau khi TP cho phép mở cửa từ đầu tháng 10

Khung cảnh ảm đạm, vắng vẻ ở các chợ truyền thống sau khi TP cho phép mở cửa từ đầu tháng 10

Cạnh tranh từ nhiều phía

Sau khi TP.HCM áp dụng chủ trương nới lỏng các hoạt động, các chợ truyền thống dần hồi phục, hơn 90% số lượng được mở cửa với hy vọng khôi phục lại chuỗi cung ứng, khởi động thị trường, giảm áp lực về nhu cầu thực phẩm của người dân. Tuy nhiên, nhu cầu mua sắm tại chợ truyền thống của người dân có dấu hiệu chững lại.

Nguyên nhân được cho là do sự cạnh tranh từ nhiều kênh bán hàng khác như siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi... Thậm chí, ngay cả các chợ tạm, chợ tự phát hoạt động cũng ảnh hưởng không nhỏ tới sức mua tại các chợ truyền thống. Ngoài ra, tâm lý mua sắm, thói quen đi chợ của người dân có nhiều sự thay đổi sau giãn cách.

Bên cạnh đó, nhiều khách hàng vẫn “dè dặt” mua hàng tại các chợ truyền thống do nhiều tiểu thương vì lợi nhuận vẫn thường "hét" giá, tình trạng chợ quá tải, xuống cấp, ô nhiễm, không gian chật chội dễ lây lan mầm bệnh cũng là một trong những nguyên nhân khiến người dân không còn “mặn mà” với chợ truyền thống.

Không khí nhộn nhịp, sôi động ở các gánh hàng rong, chợ tự phát do tâm lý mua sắm của người dân đã thay đổi sau dịch.

Không khí nhộn nhịp, sôi động ở các gánh hàng rong, chợ tự phát do tâm lý mua sắm của người dân đã thay đổi sau dịch.

Khảo sát ở chợ Thủ Đức (TP. Thủ Đức) dễ dàng nhận thấy tình hình kinh doanh khá ảm đạm, lượng khách hàng giảm rõ rệt so với thời điểm trước giãn cách. Nhiều cửa hàng vẫn đóng cửa im lìm, thậm chí treo bảng sang nhượng. Với lượng khách ít ỏi, nhiều chủ cửa hàng tranh thủ mở cửa vào các khung giờ cao điểm rồi đóng cửa để chuyển hướng kinh doanh online.

Tại chợ An Sương (Quận 12) tình trạng diễn ra tượng tự, với các quầy hàng thực phẩm thiết yếu có lượng khách tương đối thì các cửa hàng khác đều chung tình cảnh ế ẩm, chủ sạp “ngồi không” nhìn người qua lại. Tình trạng “đìu hiu” cũng diễn ra ở nhiều gian hàng tại chợ Bình Thành (Quận Bình Tân). Tiểu thương vì ế khách lại tụ tập trò chuyện, chơi game, đánh bài... có người còn ngủ để giết thời gian.

Chị Lê Ánh, chủ sạp thực phẩm cho biết, do chợ nằm ở vị trí giao nhau giữa các cung đường lớn, dân cư đông nên gần đây xuất hiện nhiều chuỗi cửa hàng bán lẻ cạnh tranh, đặc biệt là sau khi TP cho phép mở cửa khiến sức mua giảm. Nói không ngoa, tiểu thương ở chợ đang bị cạnh tranh tứ phía, bủa vây bởi siêu thị và cửa hàng thực phẩm.

Trong thời kỳ phát triển và hội nhập, ngày càng có nhiều chợ hiện đại, trung tâm thương mại lớn ra đời song chợ truyền thống vẫn đóng một vai trò, vị trí quan trọng trong cuộc sống của mỗi người dân.

Trong thời kỳ phát triển và hội nhập, ngày càng có nhiều chợ hiện đại, trung tâm thương mại lớn ra đời song chợ truyền thống vẫn đóng một vai trò, vị trí quan trọng trong cuộc sống của mỗi người dân.

Cũng theo chị Ánh, các tiểu thương tại chợ Thủ Đức còn chịu sức ép cạnh tranh từ các khu chợ tự phát, hàng rong dọc lề đường, khách chỉ việc dừng chân mua hàng là có thể đi ngay mà không cần gửi xe, đi vào chợ. Trong khi đó, quầy hàng của các tiểu thương nằm bên trong, vừa tốn tiền thuê mặt bằng kinh doanh vừa không tiện để khách mua.

Đồng cảnh ngộ, anh Bình tiểu thương tại chợ An Sương bộc bạch, sau nhiều tháng nghĩ phòng, chống dịch kinh tế dần kiệt quệ, khi được thông báo đủ điều kiện hoạt động trở lại những tưởng có thể kinh doanh ổn định như xưa, tuy nhiên việc buôn bán ngày càng ế ẩm, lượng khách dù có tăng nhưng sức mua không tăng. Chợ vắng khách một phần vì người mua tuân thủ việc không tập trung nơi đông người để tránh dịch bệnh, phần khác là thói quen mua sắm online, hàng rong dọc các cung đường.

Cần ứng dụng công nghệ trong buôn bán

Để thích ứng linh hoạt có hiệu quả, nhiều tiểu thương ở các chợ truyền thống đã năng động chuyển đổi phương thức kinh doanh, vừa trực tiếp, vừa online nhằm bắt kịp với xu thế chung của thị trường. Ứng dụng thành tựu công nghệ, các nền tảng trực tuyến để quảng cáo sản phẩm, khép kín quy trình từ nhập hàng, đống gói, vận chuyển, giao hàng... tối ưu nhu cầu mua sắm của khách hàng.

Để thích nghi với xu thế, chợ truyền thống cần có hướng đi mới, giữ vững nét đặc trưng truyền thống, kết hợp sử dụng công nghệ thông tin để tăng tương tác, trao đổi hàng hóa thuận tiện.

Để thích nghi với xu thế, chợ truyền thống cần có hướng đi mới, giữ vững nét đặc trưng truyền thống, kết hợp sử dụng công nghệ thông tin để tăng tương tác, trao đổi hàng hóa thuận tiện.

Chị Trinh, tiểu thương chợ An Sương chia sẻ, để duy trì cuộc sống, chi trả các loại phí hàng tháng chúng tôi bắt buộc phải thay đổi hình thức kinh doanh theo xu thế trực tuyến hóa các sản phẩm buôn bán. Thực tế, nhu cầu của khách hàng vẫn rất lớn, chỉ là phương thức bán hàng trực tiếp chưa phù hợp tại thời điểm hiện tại.

Dù tuổi đã lớn, hạn chế nhất định trong quá trình sử dụng các phương tiện công nghệ, cô Tâm tiểu thương kinh doanh hải sản ở chợ Bình Thành vẫn quyết định chuyển phần lớn thời gian sang bán trực tuyến. Cô tranh thủ lúc vắng khách để phát trực tiếp, chụp ảnh, quay video… đăng bán các mặt hàng lên mạng xã hội từ trước giãn cách đến bây giờ, kết hợp giữa bán trực tiếp và online để tăng thu nhập.

Nhiều tiểu thương ứng dụng công nghệ thông tin để quảng cáo, trao đổi mua bán trên các sàn giao dịch diện tử, mạng xã hội, kết hợp giữa bán trực tiếp và trực tuyến. (Ảnh: Báo Lao Động).

Nhiều tiểu thương ứng dụng công nghệ thông tin để quảng cáo, trao đổi mua bán trên các sàn giao dịch diện tử, mạng xã hội, kết hợp giữa bán trực tiếp và trực tuyến. (Ảnh: Báo Lao Động).

Cô Tâm tâm sự, ban đầu do không thành thục các thao tác trên điện thoại để quảng cáo sản phẩm, chốt đơn, giao hàng, thanh toán nên rất ít đơn thành công, có trường hợp giao hàng sai địa chỉ hoặc bị bơm hàng. Nhưng với quyết tâm thay đổi, đến nay, công việc đã suôn sẻ hơn, kết hợp với bán trực tiếp tại chợ nên nguồn thu nhập ổn định hơn.

Dù hình thức kinh doanh qua thương mại điện tử được phổ biến. Phần lớn tiểu thương tại các chợ đều biết đến thương mại điện tử nhưng lại chậm thay đổi, chỉ một số ít mạnh dạn triển khai, chủ yếu là những người trẻ, sử dụng thành thạo công nghệ mới.

Nhất Long

Nguồn CL&XH: https://conglyxahoi.net.vn/doi-song/tphcm-cho-truyen-thong-vang-khach-sau-mo-cua-101119.html