TP.HCM có cầu Ba Son

Hai cây cầu bắc qua sông Sài Gòn là cầu Thủ Thiêm 1 và cầu Thủ Thiêm 2 có tên gọi mới, lần lượt là Thủ Thiêm và Ba Son.

 Cầu Ba Son (tên mới) bắc qua sông Sài Gòn, nối quận 1 và TP Thủ Đức. Ảnh: Chí Hùng.

Cầu Ba Son (tên mới) bắc qua sông Sài Gòn, nối quận 1 và TP Thủ Đức. Ảnh: Chí Hùng.

Chiều 9/12, HĐND TP.HCM thông qua quyết định đặt tên mới cho hai cây cầu Thủ Thiêm 1, 2 của thành phố.

Theo đó, cầu Thủ Thiêm 2 kết nối từ đường Tôn Đức Thắng (quận 1) nối Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP Thủ Đức) sẽ có tên là Ba Son. Sau 7 năm thực hiện, cầu Ba Son thông xe hồi cuối tháng 4, với tổng chiều dài hơn 1,4 km, vốn đầu tư hơn 3.100 tỷ đồng.

Còn cầu Thủ Thiêm 1 kết nối từ đường Ngô Tất tố, Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh) đến đường Nguyễn Cơ Thạch, Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP Thủ Đức) được đặt tên chính thức là Thủ Thiêm.

 Cầu Ba Son hướng về khu trung tâm quận 1. Ảnh: Chí Hùng.

Cầu Ba Son hướng về khu trung tâm quận 1. Ảnh: Chí Hùng.

Tên gọi Ba Son có từ năm 1790, khi chúa Nguyễn Ánh đặt trại thủy quân và xây dựng "xưởng thủy" bên sông Sài Gòn. Ba Son được ghi dấu là cái nôi của ngành công nghiệp đóng tàu và sửa chữa tàu thủy của Việt Nam. Ngoài ra, tên gọi này gắn liền với cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Tôn Đức Thắng, là niềm tự hào của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam.

Tên Thủ Thiêm được người dân TP.HCM gọi từ thế kỷ XVIII. Chính quyền thời đó cho lập đồn binh ở Thủ Thiêm để kiểm soát việc đi lại trên sông Sài Gòn và phòng thủ cho khu vực trung tâm.

Chiều 9/12, các đại biểu HĐND TP.HCM cũng thông qua 30 nghị quyết về kế hoạch đầu tư công, hệ số điều chỉnh giá đất, danh mục dự án thu hồi và chuyển mục đích đất trồng lúa, hỗ trợ giáo dục... Đại biểu HĐND TP.HCM thống nhất dự thu ngân sách TP.HCM trong năm 2023 gần 470.000 tỷ đồng, tăng 2,6% so với ước thực hiện năm 2022; tăng trưởng kinh tế 7,5-8%; giải ngân đầu tư công trên 90%...

HĐND TP đồng ý tăng 640 tỷ đồng vốn đầu tư công trung hạn cho các dự án đội vốn và bổ sung 21 tỷ để chuẩn bị công tác đầu tư cầu Thủ Thiêm 4, cầu Cần Giờ, đường vành đai 4, đường liên cảng Cát Lái - Phú Hữu. Đồng thời, HĐND TP.HCM dự phòng 8.821 tỷ đồng cho các dự án cấp bách, trong đó có dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm, nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ, mở rộng quốc lộ 50...

Thư Trần

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tphcm-co-cau-ba-son-post1382493.html