TP.HCM còn gần 17.000 tỷ đồng khó giải ngân

3 nhóm dự án có tổng vốn gần 17.000 tỷ đồng được dự báo không thể giải ngân trong năm 2023, gồm: dự án chống ngập do triều, một số dự án ở TP Thủ Đức và nhiều dự án chưa tính toán kỹ phương án giải phóng mặt bằng.

Trao đổi trong phiên thảo luận tại kỳ họp cuối năm của HĐND TP.HCM sáng 7/12, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM Lê Thị Huỳnh Mai cho biết: Năm 2023 là năm TP.HCM đạt kỷ lục về con số kế hoạch giao vốn đầu tư công với 68.000 tỷ đồng, cao nhất kể từ năm 2014 đến nay.

Tính đến ngày 6/12, thành phố đã giải ngân 35.157/68.638 tỷ đồng, đạt tương đương hơn 51% kế hoạch.

Để tháo gỡ vướng mắc thủ tục đầu tư, thành phố đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, cải cách về thể chế và thực hiện các quy định để tăng trách nhiệm các đơn vị được giao đầu tư công và tăng tính chất phân quyền, giúp thực hiện các thủ tục ngắn gọn hơn. Thành ủy và HĐND TP.HCM cũng tổ chức nhiều đoàn kiểm tra, giám sát nội dung này.

Dù vậy, bà Lê Thị Huỳnh Mai cho biết: Qua rà soát, còn 3 nhóm khó khăn vướng mắc lớn, khó giải ngân hết trong năm 2023. Cụ thể, nhiều dự án chưa tính toán kỹ phương án giải phóng mặt bằng, còn 5.440 tỷ đồng khó giải ngân.

Tương tự, nhóm thứ hai là các dự án trên địa bàn TP Thủ Đức cũng vướng mắc, chủ yếu về giải phóng mặt bằng, chiếm 5.683 tỷ đồng.

Thứ ba là dự án chống ngập do triều. Năm nay TP bố trí vốn 5.771 tỷ đồng nhưng cũng chưa thể giải ngân do các vướng mắc thuộc thẩm quyền Trung ương.

"3 nhóm này có tổng số vốn 16.900 tỷ đồng, chiếm 25% tổng số vốn năm 2023 toàn TP.HCM", bà Mai cho hay.

Cống Bến Nghé (quận 1) thuộc chống ngập do triều khu vực TP.HCM, có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) hoàn thành 97% khối lượng thi công. Ảnh: Chí Hùng

Cống Bến Nghé (quận 1) thuộc chống ngập do triều khu vực TP.HCM, có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) hoàn thành 97% khối lượng thi công. Ảnh: Chí Hùng

Giám đốc Sở KH&ĐT Lê Thị Huỳnh Mai cho biết, sau 10 tháng đầu năm, tỷ lệ giải ngân đầu tư công của thành phố còn rất thấp. Do đó, đơn vị đã tham mưu tổ chức hội nghị chuyên đề về đầu tư công.

Cuối tháng 10 vừa qua, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội nghị chuyên đề và thống nhất nhiều giải pháp để tăng tốc trong những tháng còn lại. Tiếp đó, UBND TP.HCM cũng phát động đợt thi đua 60 ngày với mục tiêu giải ngân số vốn cao nhất có thể, yêu cầu tiên quyết là không thấp hơn 80%.

Bà Mai cho biết thêm, với vai trò là cơ quan thường trực về giải ngân đầu tư công, Sở KH&ĐT chịu trách nhiệm toàn bộ về tham mưu kế hoạch vốn, triển khai thực hiện, đôn đốc, theo dõi, kiểm tra giám sát các dự án đầu tư công.

Theo bà Mai, giải ngân đầu tư công không chỉ phụ thuộc vào chủ đầu tư mà còn có sự phối hợp chặt chẽ các sở ngành, thủ tục hành chính, bồi thường giải phóng mặt bằng. "Vốn bồi thường lớn nên cần sự đồng thuận của người dân trong chính sách bồi thường và tái định cư. Sự đồng hành của người dân sẽ góp phần vào đầu tư công của TP.HCM", bà Mai nói.

Dù tỷ lệ giải ngân chưa đạt mục tiêu nhưng số vốn đã giải ngân (con số tuyệt đối) của TP.HCM là trên 30.000 tỷ đồng, cao gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2022, đứng thứ 3 cả nước.

"Nếu tính con số trung bình mỗi tháng thì năm 2023 TP.HCM giải ngân 2.800 tỷ đồng/tháng, cao hơn trung bình năm 2022 (1.300 tỷ đồng). Đó là nỗ lực của toàn bộ hệ thống trong lĩnh vực đầu tư công", theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Thị Huỳnh Mai.

Thư Trần

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/tphcm-con-gan-17000-ty-dong-kho-giai-ngan-192231207122530195.htm