TP HCM: Công chức Sở Tài chính quá tải khi 'ôm' việc của 16 quận
Khi thực hiện chính quyền đô thị tại TP HCM, UBND 16 quận từ cấp ngân sách thành đơn vị dự toán ngân sách, dẫn đến một số khó khăn, vướng mắc
Sáng 29-6, UBND TP HCM đã họp định kỳ về tình hình kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm 2022.
Tham dự phiên họp có Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên; Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi; Chủ tịch HĐND TP HCM Nguyễn Thị Lệ; Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP HCM Tô Thị Bích Châu.
Tại phiên họp, nhiều vướng mắc khi thực hiện chính quyền đô thị trong một năm qua được nhiều đại biểu nêu ra. Cụ thể, do không tổ chức HĐND tại 16 quận, UBND các quận từ cấp ngân sách thành đơn vị dự toán ngân sách, gây lúng túng trong điều hành ngân sách ở các cấp.
Chủ tịch UBND quận 1 Lê Đức Thanh cho biết quận đang gặp khó khi triển khai các dự án từ nguồn kết dư ngân sách. Hiện nay, nguồn này đã chuyển về cho thành phố quản lý, muốn thực hiện các công trình, dù rất nhỏ cũng phải chờ thành phố rót vốn.
"Ngay cả những công trình rất nhỏ như sửa chữa vỉa hè vẫn phải chờ thành phố rót vốn, quận không chủ động được" - ông Lê Đức Thanh nói.
Giám đốc Sở Tài chính Phạm Thị Hồng Hà cũng cho hay khi thực hiện chính quyền đô thị tại TP HCM, 16 quận không còn là cấp chính quyền địa phương nên không còn là cấp ngân sách nữa mà quay trở về là đơn vị dự toán ngân sách. Điều này dẫn đến 2 khó khăn, vướng mắc.
Thứ nhất, ngân sách quận không còn dự phòng, kết dư, tăng thu và các khoản chi khác nên không chủ động khi thực hiện điều hành ngân sách đối với các khoản chi chưa được dự toán từ đầu năm.
Thứ 2, quy định cơ quan tài chính cùng cấp trước đây là Phòng Tài chính - Kế hoạch tham mưu điều hành ngân sách, đến nay chuyển về Sở Tài chính. Điều này khiến Sở Tài chính TP HCM phát sinh thêm khối lượng công việc rất lớn.
Theo bà Phạm Thị Hồng Hà, khi xây dựng dự toán, Sở Tài chính phải rà soát khoản chi chi tiết của 16 quận và hơn 960 đơn vị sự nghiệp; bổ sung điều chỉnh ngân sách đối với 1.400 đơn vị của 16 quận. Ngoài công việc trước đây, một công chức thẩm kế phải phụ trách 80 - 160 đơn vị cấp quận.
Bà Phạm Thị Hồng Hà cũng cho biết trong 6 tháng đầu năm, Sở Tài chính nhận nhiều phản ánh của các quận về thiếu nguồn vốn sửa chữa đường hẻm, không chủ động sử dụng kết dư ngân sách để làm các dự án trong nghị quyết Đảng bộ quận đầu nhiệm kỳ.
Về giải pháp, Giám đốc Sở Tài chính nói trước mắt thành phố đã bố trí gói điều hành chung về ngân sách khoảng 749 tỉ đồng để bổ sung cho khoản chi đột xuất phát sinh.
Ngành tài chính hướng dẫn các quận rà soát, xác định nguồn kết dư còn lại, đồng thời rà soát danh mục dự án đầu tư công cần thiết, đảm bảo điều kiện giải ngân để bố trí kinh phí, trước hết là nguồn kết dư còn giữ lại và sau đó là nguồn bổ sung từ ngân sách TP HCM.
Về lâu dài, thành phố đã báo cáo Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế tài chính ngân sách đảm bảo chủ động của các quận theo 2 hướng. Một là đề xuất cơ chế đặc thù cho TP HCM, đối với ngân sách của 16 quận cho phép dự phòng ngân sách cấp quận, hướng này đã nhận đồng thuận của Bộ Tài chính.
Hai là nghiên cứu, đề xuất Chính phủ, Quốc hội điều chỉnh, bổ sung Luật Chính quyền địa phương theo hướng đa dạng hóa mô hình chính quyền địa phương đáp ứng điều kiện đặc thù phát triển kinh tế xã hội đối với các đô thị, nhất là TP HCM.