TP.HCM cung cấp thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến trên môi trường điện tử
UBND TP.HCM vừa chỉ đạo về việc cung cấp thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến trên môi trường điện tử trên địa bàn Thành phố.
Theo đó, UBND TP.HCM giao thủ trưởng sở, ban, ngành triển khai rà soát, kiểm tra, tổng hợp, thống kê lập danh mục thủ tục hành chính ở ba cấp (sở, ban, ngành, cấp huyện, cấp xã) đối với thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực quản lý của đơn vị.
Đồng thời, cập nhật (bổ sung, loại bỏ, thay thế…) thủ tục hành chính đủ điều kiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến đảm bảo số lượng dịch vụ công trực tuyến thuộc lĩnh vực quản lý của đơn vị đạt 80% số lượng thủ tục hành chính (trong đó dịch vụ công trực tuyến toàn trình đạt 80% số lượng dịch vụ công trực tuyến được cung cấp) và thủ tục hành chính không phát sinh hồ sơ trong 3 năm liên tiếp để kiến nghị bộ, ngành Trung ương đơn giản hóa, đồng thời không cung cấp dịch vụ công trực tuyến đối với những thủ tục hành chính này.
Đối với những thủ tục không thể cung cấp dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ công trực tuyến một phần không thể lên toàn trình, cơ quan, đơn vị phải nêu rõ nguyên do, giải pháp cụ thể đối với từng thủ tục hành chính.
Đối với những sở, ngành đã có quyết định công bố thủ tục hành chính đủ điều kiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên môi trường điện tử của bộ, ngành Trung ương, đề nghị cơ quan, đơn vị khảo sát, báo cáo tình hình triển khai, áp dụng phù hợp với điều kiện của Thành phố và theo yêu cầu, quy định của Trung ương.
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND quận, huyện, TP. Thủ Đức chủ động rà soát thủ tục hành chính đang còn hiệu lực tại địa phương, phối hợp các sở, ban, ngành Thành phố theo từng lĩnh vực, đề xuất cập nhật danh mục thủ tục hành chính đủ điều kiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên một Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính Thành phố và thủ tục hành chính không phát sinh hồ sơ trong 3 năm liên tiếp.
Việc triển khai cung cấp thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến tại địa phương phải đảm bảo tính thống nhất trên toàn TP.HCM, đúng quy định ban hành thủ tục hành chính, nghiêm cấm việc địa phương tự ban hành, triển khai cung cấp thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến sai quy định pháp luật.
Theo đó, Văn phòng UBND TP.HCM chủ trì, phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông, Trung tâm Chuyển đổi số TP.HCM, thẩm định, tham mưu danh mục thủ tục hành chính đủ điều kiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên môi trường điện tử và danh mục thủ tục hành chính không phát sinh hồ sơ trong 3 năm liên tiếp.
Từ đó, báo cáo tình hình, kết quả của các sở, ban, ngành rà soát, đề xuất thủ tục hành chính đủ điều kiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên môi trường điện tử.
Riêng Trung tâm Chuyển đổi số TP.HCM chủ trì, phối hợp tăng cường đồng bộ hồ sơ thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến giữa Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính Thành phố và Cổng dịch vụ công quốc gia.
Đồng thời, phối hợp các cơ quan, đơn vị rà soát khắc phục các khó khăn mà Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính TP.HCM còn vướng; thẩm định kỹ thuật thủ tục hành chính đủ điều kiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến; tăng cường việc số hóa, tái sử dụng cơ sở dữ liệu đã được số hóa trong việc tiếp nhận, xử lý thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.
Năm 2023, TP.HCM đạt 86,97 điểm chỉ số Cải cách hành chính, xếp hạng 33/63 tỉnh, thành phố (tăng về điểm số và thứ hạng, đạt 8/8 lĩnh vực đều cao hơn mức trung bình của cả nước), tăng 3 bậc so với năm 2022 và tăng 10 bậc so với năm 2021. Qua đó, TP.HCM tuy có tăng về điểm và thứ hạng nhưng kết quả chưa cao, chưa đạt được chỉ tiêu vào nhóm 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước đối với chỉ số này.
Kết quả đo lường sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước 2023 do Bộ Nội vụ công bố chiếm tỉ lệ 10% trong kết quả chỉ số Cải cách hành chính (PAR Index) đánh giá xếp hạng hằng năm. Năm 2023, kết quả chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước của TP.HCM đạt 81,78%, xếp hạng 36/63 tỉnh, thành phố. Như vậy, so với năm 2022 (kết quả đạt 78,38%, xếp hạng 43/63), mức độ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn Thành phố năm 2023 tăng 3,4% (tăng 7 hạng so với năm 2022).
Năm 2024, UBND TP.HCM đặt mục tiêu phải cải thiện rõ nét hơn các chỉ số này so với năm 2023. Cụ thể, TP.HCM trong nhóm 10-15 tỉnh phải đứng đầu về các chỉ số cải cách hành chính đã được đặt ra từ đầu.