TP.HCM đẩy mạnh chiến lược hướng tới phát thải bằng 0

TP.HCM đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển các ngành công nghiệp thân thiện với môi trường.

Ngày 19-9, Sở TN&MT TP.HCM phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) tổ chức hội thảo xây dựng kế hoạch hành động cho TP.HCM hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0.

Hội thảo là nơi các chuyên gia, nhà quản lý chia sẻ ý kiến, kinh nghiệm, trong đó có những giải pháp công nghệ nhằm giảm phát thải khí nhà kính (KNK).

Phát triển ngành công nghiệp thân thiện với môi trường

Phát biểu tại hội thảo, ông Cao Tung Sơn, Trưởng phòng Khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu (Sở TN&MT TP.HCM), chia sẻ: Dự án năng lượng phát tán đô thị Việt Nam tại TP.HCM là dự án hỗ trợ kỹ thuật do USAID tài trợ đã được UBND TP phê duyệt năm 2022 (Sở Công Thương là chủ dự án).

Dự án sẽ hỗ trợ Sở Công Thương và các đơn vị có liên quan thực hiện các công việc về quản lý năng lượng TP. Từ đó góp phần thực hiện công tác giảm nhẹ KNK. Sở TN&MT đã thống nhất phối hợp với Sở Công Thương và các đơn vị tư vấn triển khai các hoạt động của dự án.

Các hoạt động này bao gồm: Hỗ trợ xây dựng chiến lược và kế hoạch hướng tới phát thải ròng bằng 0 của TP; hỗ trợ các đơn vị phát thải KNK lớn tại TP.HCM nâng cao năng lực xây dựng báo cáo kiểm kê KNK hằng năm; nghiên cứu các biện pháp xây dựng môi trường nước hiệu quả trong các cơ sở công lập tại TP.

Để tiếp tục giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế, TP đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế TP theo hướng phát triển các ngành công nghiệp thân thiện với môi trường; các ngành có hàm lượng giá trị gia tăng cao và tham gia sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu. TP đã có nhiều chính sách khuyến khích các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào doanh nghiệp xanh, sạch, nông nghiệp thông minh; đầu tư công nghệ mới vào các ngành, các lĩnh vực.

 Khí thải từ xe máy là một trong những nguyên nhân chính khiến không khí bị ô nhiễm. Ảnh: CHÂU NGUYÊN

Khí thải từ xe máy là một trong những nguyên nhân chính khiến không khí bị ô nhiễm. Ảnh: CHÂU NGUYÊN

“Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, chuyển đổi xanh đang và sẽ là lựa chọn tất yếu để đảm bảo cho người dân một môi trường sống lành mạnh và vì sự phát triển bền vững của TP. Vì vậy, trung hòa carbon, phát triển xanh và bền vững là xu hướng không thể đảo ngược” - ông Sơn nói.

Bà Vũ Thị Thu Hằng, đại diện USAID, chia sẻ: Thông qua dự án phân tán năng lượng phát tán đô thị Việt Nam tại TP.HCM, chúng tôi đã đề xuất ra những kế hoạch hành động hướng tới không phát thải vào năm 2030 cũng như các hoạt động khác nhằm thúc đẩy chuyển dịch năng lượng sạch của TP.HCM.

“Những kế hoạch hành động được thực hiện dựa trên những rà soát về chính sách cũng như dựa trên thực tiễn triển khai kế hoạch về tăng trưởng xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu và giảm phát thải KNK ở Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng. Kế hoạch hành động cũng đã tham khảo về kinh nghiệm và những bài học quốc tế trong xây dựng chiến lược triển khai các hoạt động hướng tới TP không phát thải” - bà Hằng nói.

Tăng cường hợp tác quốc tế

Tại hội thảo, PGS-TS Hồ Quốc Bằng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu, Viện Môi trường và tài nguyên (ĐH Quốc gia TP.HCM), chia sẻ nhiều giải pháp để hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0.

Trong đó, cụ thể là giải pháp chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế theo hướng tăng cường các ngành sản xuất sạch, giảm quy mô các ngành sử dụng nhiều năng lượng. Đồng thời, giảm tỉ trọng các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng, đặc biệt cần rà soát, duy trì quy mô sản xuất ngành thép, ngành xi măng.

Một giải pháp nữa được đề xuất là cần ưu tiên phát triển điện gió, điện mặt trời phù hợp với khả năng bảo đảm an toàn hệ thống với giá thành hợp lý; khai thác tối đa nguồn điện sinh khối đồng phát; đưa điện khí dần trở thành nguồn cung cấp điện năng quan trọng, hỗ trợ cho điều tiết hệ thống, sau năm 2030 giảm điện than...

“Với Nghị quyết 98, TP.HCM sẽ có cơ hội phát triển tốt về năng lượng xanh và cần đẩy mạnh trong giai đoạn được cơ chế này” - ông Bằng đánh giá.

Ông Nguyễn Quang Thanh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM, đánh giá HĐND TP đang xem xét để thông qua nghị quyết chương trình hỗ trợ sản xuất, trong đó có những dự án chuyển đổi năng lượng hóa thạch sang năng lượng xanh. Điển hình như nhà máy đốt rác phát điện, chuyển đổi phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu sạch… Khi chương trình này thông qua, nhiều dự án được tiếp sức để triển khai.•

TP.HCM đã có kế hoạch giảm phát thải khí metan

UBND TP.HCM vừa ban hành kế hoạch hành động giảm phát thải khí metan đến năm 2030 trên địa bàn TP.HCM.

Theo kế hoạch, TP sẽ xây dựng, hoàn thiện và áp dụng đồng bộ các quy trình, quy định, hướng dẫn, mô hình thu gom, vận chuyển, phân loại, tái sử dụng, tái chế và xử lý rác.

Bên cạnh đó, TP cũng sẽ xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng, đầu tư trang thiết bị đáp ứng yêu cầu phân loại, thu gom, lưu giữ, tái sử dụng, tái chế, vận chuyển, xử lý rác theo quy định và phù hợp với đặc điểm các khu dân cư tập trung, đô thị, nông thôn; phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của TP.

TP. HCM đang xây dựng và hoàn thiện cũng như áp dụng đồng bộ quy trình tái chế và xử lý rác. Ảnh: CHÂU NGUYÊN

Ngoài ra, TP cũng đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, ứng dụng công nghệ tiên tiến, nâng cao năng suất và hiệu quả trong quản lý rác, xử lý nước thải nhằm giảm phát thải khí metan.

Đồng thời có phương án thu hút nguồn lực quốc tế, tăng cường hợp tác nghiên cứu, thực hiện các chương trình, dự án hợp tác quốc tế nhằm chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực cán bộ về quản lý phát thải khí metan trong trồng trọt, chăn nuôi, quản lý chất thải rắn…

CHÂU NGUYÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/tphcm-day-manh-chien-luoc-huong-toi-phat-thai-bang-0-post752255.html