TP HCM đề xuất tái khởi động dự án cầu Tân Kỳ - Tân Quý bằng nguồn vốn công
Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM đề xuất HĐND thành phố phê duyệt chủ trương bố trí hơn 491 tỉ đồng vốn ngân sách, để tái khởi động dự án cầu Tân Kỳ - Tân Quý (quận Bình Tân) sau khi dự án dừng hợp đồng BOT.
Ngày 21/9, Sở GTVT TP HCM có văn bản khẩn gửi HĐND TP HCM đề xuất chủ trương đầu tư xây dựng cầu Tân Kỳ - Tân Quý (quận Bình Tân).
Theo Sở GTVT TP HCM, ngày 26/8/2016, cầu Tân Kỳ - Tân Quý bị sự cố, không thể tiếp tục khai thác. Trong bối cảnh ngân sách TP HCM hạn hẹp, dự án xây mới cầu Tân Kỳ - Tân Quý được bổ sung vào dự án BOT cải tạo nâng cấp quốc lộ 1 đoạn An Sương - An Lạc vào năm 2018. Sau khi hoàn thành, nhà đầu tư sẽ thu phí tại trạm thu phí An Sương - An Lạc trên quốc lộ 1.
Dự án có tổng mức đầu tư 312 tỉ đồng, được khởi công vào quý I/2018. Trong đó, xây cầu dài 82,9m vượt qua kênh Tham Lương và rộng 16m cho 4 làn xe lưu thông, lề bộ hành rộng 1,5m, đường vào cầu có tổng chiều dài 224,8m.
Theo phụ lục hợp đồng BOT, nhà đầu tư sẽ thu phí tại trạm thu phí An Sương - An Lạc trên quốc lộ 1A để hoàn vốn cho dự án. Tuy nhiên, nhà đầu tư phải tạm dừng thi công kể từ tháng 12/2018, lúc dự án mới đạt 70%. Nguyên nhân do Kiểm toán Nhà nước đã khuyến cáo việc đầu tư BOT cầu Tân Kỳ - Tân Quý để thu phí trên Quốc lộ 1 không thích hợp với lợi ích của nhà đầu tư và của người sử dụng.
Từ năm 2020, thành phố đã yêu cầu các sở ngành rà soát, nghiên cứu chuyển đổi hình thức đầu tư bằng nguồn vốn công. Đồng thời, các sở ngành tiến hành rà soát các chi phí hợp pháp đã thực hiện dự án để thanh toán cho nhà đầu tư theo quy định.
Để sớm hoàn tất đầu tư công trình còn dang dở, tạo điều kiện thuận lợi đi lại cho người dân, Sở GTVT đề xuất HĐND TP HCM thông qua chủ trương sử dụng hơn 491 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư công để chuyển đổi hình thức đầu tư cầu Tân Kỳ - Tân Quý. Trong đó, chi phí xây dựng chiếm khoảng 168 tỷ đồng, gần 200 tỷ cho phần giải phóng mặt bằng; còn lại là phí dự phòng, quản lý dự án...
Về công tác giải phóng mặt bằng, dự án thu hồi diện tích dự án Kênh Tham Lương - Bến Cát, Quốc lộ 1A, đất giao thông, đất công cộng là 1,175 ha; số hộ bị ảnh hưởng là 41 hộ và 14 ngôi mộ.
Theo tiến độ đề ra, năm 2022, thành phố sẽ lập, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án. Năm 2023 sẽ tiến hành giải phóng mặt bằng và thanh toán các khoản chi phí đã thực hiện cho nhà đầu tư. Năm 2024, dự án hoàn thành giải phóng mặt bằng và thi công hoàn tất công trình vào năm 2025.
Tuy nhiên, theo Sở GTVT TP HCM, dự án đang vướng mắc ở khâu chuyển đổi hình thức đầu tư từ dự án đối tác công tư (PPP) sang hình thức đầu tư công vì điều này chưa từng có tiền lệ. Pháp luật về xây dựng, tài chính, đầu tư theo hình thức đối tác công tư hiện cũng chưa có quy định cụ thể về trình tự thủ tục và nội dung thực hiện. Do vậy, thời gian thực hiện ở giai đoạn chuẩn bị dự án kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành công trình.