TP.HCM đề xuất tiếp tục thực hiện cơ chế đặc thù sau sáp nhập đến 2030
UBND TP.HCM đề xuất Trung ương xem xét, chấp thuận cho TP.HCM mới được thực hiện cơ chế đặc thù theo Nghị quyết 98/2023 đến hết năm 2030.
UBND TP.HCM đã trình Chính phủ đề án sắp xếp tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương và TP.HCM.
Trong đề án, UBND TP.HCM đề xuất Trung ương xem xét, chấp thuận tiếp tục tạo cơ chế thực hiện Nghị quyết 98/2023 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển áp dụng cho TP.HCM sau khi sắp xếp, nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh kéo dài thời gian thực hiện đến hết năm 2030.

TP.HCM đề xuất tiếp tục thực hiện cơ chế đặc thù sau sáp nhập đến 2030. Ảnh: THUẬN VĂN
UBND TP.HCM cũng đề xuất Trung ương xem xét, chấp thuận cho 3 tỉnh, TP được chủ động, cân đối kinh phí, nguồn lực hiện có của ba tỉnh, thành để giải quyết chế độ chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách bổ sung thêm nguồn sau khi thực hiện Nghị định 178/2024.
Qua đó, động viên, tạo điều kiện cho các tỉnh trong thực hiện sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính và tinh giản, tổ chức bộ máy trong thời điểm hiện nay.
Theo TP.HCM, trong quá trình sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, giữa các xã, phường của TP.HCM có ranh địa giới hành chính chồng lấn (khu vực ĐH Quốc gia TP.HCM thuộc TP Thủ Đức có vài khu vực ranh giới hành chính bất cập với tỉnh Bình Dương).
Về việc này, TP.HCM đề xuất Trung ương xem xét, chấp thuận cho hai tỉnh, thành điều chỉnh ranh địa giới hành chính giữa các ĐVHC cấp xã thuộc hai tỉnh, thành.
Sau khi sắp xếp với Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP.HCM mới có diện tích tự nhiên là 6.772,65km2, dân số 13,7 triệu người.
TP.HCM mới có 168 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 113 phường, 54 xã và 1 đặc khu. Chính quyền địa phương TP.HCM mới hoàn thành xong việc sắp xếp tổ chức bộ máy và chính thức đi vào hoạt động chậm nhất là ngày 15-9-2025.
Nghị quyết 98/2023 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-8-2023.